Cuộc gọi nặc danh 25 phút trước vụ ám sát Kennedy
Một tờ báo Anh nhận được cuộc gọi báo "tin quan trọng" xảy ra tại Mỹ, 25 phút trước khi cựu tổng thống John F. Kennedy bị ám sát.
13:30 28/10/2017
Tổng thống Kennedy (trái) và vợ Jacqueline Kennedy vẫy chào người dân Texas ngay trước khi bị bắn. Ảnh: Newsbusters. |
Cuộc gọi bí ẩn được một phóng viên cấp cao của báo Cambridge News nghe vào lúc 18h05 ngày 22/11/1963, theo giờ địa phương. Báo phục vụ khu vực East Anglia, miền đông Anh. Ông Kennedy bị bắn ngay sau đó, vào lúc 12h30, theo giờ chuẩn miền trung Mỹ, khi đang ngồi trên xe ở thành phố Dallas, bang Texas. Dallas sau Anh 6 giờ.
"Người gọi tới chỉ nói phóng viên Cambridge News nên gọi điện cho đại sứ quán Mỹ ở London để có tin quan trọng rồi cúp máy", USA Today dẫn văn bản ghi nhớ phó giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khi đó là James Angleton gửi tới giám đốc J. Edgar Hoover.
Thông tin được hé lộ từ kho hơn 2.800 tài liệu được Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ công bố hôm 26/10. Thực tế, văn bản lần đầu được công bố từ hồi tháng 7, nhưng không được chú ý cho tới khi kho tài liệu được hé lộ tuần này.
Theo văn bản, sau khi có tin ông Kennedy bị ám sát, phóng viên đã báo cho cảnh sát Cambridge về cuộc gọi nặc danh. Cảnh sát sau đó báo tin với cơ quan tình báo Anh MI5. Điểm quan trọng là cuộc gọi diễn ra 25 phút trước khi ông Kennedy bị bắn, theo tính toán của MI5.
Phóng viên ở Cambridge chưa bao giờ nhận được cuộc gọi kiểu này và MI5 xác định người này có lý lịch trong sạch, theo văn bản của FBI. MI5 trước đó cũng nhận được "các cuộc gọi nặc danh tương tự có tính chất trùng hợp đến kỳ lạ".
Cựu tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào trưa ngày 22/11/1963 tại thành phố Dallas khi đang ngồi trên ôtô cùng vợ. Cựu lính thủy đánh bộ Lee Harvey Oswald là người đã bắn vào đầu Kennedy. Nhà chức trách kết luận Oswald hành động đơn độc, nhưng hắn lại bị bắn chết vào ngày 24/11, trước khi kịp ra tòa. Vụ ám sát được coi là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, với hàng loạt tin đồn và nghi vấn liên quan.
Hơn một nửa dân Mỹ không tin các phương tiện truyền thông trong nước
Cuộc thăm dò ý kiến "Sputnik. Ý kiến” cho thấy rằng một phần đáng kể dân số Mỹ không tin tưởng các kênh truyền hình và báo chí của nước này.