Cuộc gọi vốn 250 triệu đô kỳ lạ không hợp đồng, điều khoản, chỉ bắt tay giữa CEO Grab và tỷ phú Masayoshi Son
Nói với CEO Grab, tỷ phú Nhật Bản khẳng định: “Tôi không quan tâm tới các biên bản thỏa thuận, chỉ cần bắt tay thôi”.
23:33 30/05/2017
Đồng sáng lập Grab là Anthony Tan có lẽ không bao giờ tưởng tưởng một ngày mình sẽ ngồi đúng chiếc ghế mà Jack Ma đã ngồi từ nhiều năm trước, đối diện với tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son để gọi vốn. Nhưng thật sự là cuộc gặp ấy đã diễn ra vào năm 2014 và nó có rất nhiều điểm khác biệt so với những cuộc gặp huy động vốn thông thường.
“Chúng tôi ngồi trên tầng thượng của tòa nhà Softbank với tầm nhìn toàn cảnh Tokyo. Tôi nhìn vào ông ấy, một quý ông vô cùng lịch thiệp. Có một bộ võ phục Samurai, một gậy đánh golf và cả một chiếc gậy bóng chày được trưng bày ở đó. Khi bước vào, ông Son nói: Tôi thích kinh doanh. 14 năm trước, Jack Ma đã ngồi đúng chiếc ghế này”, Tan nhắc lại kỷ niệm của mình với CEO Softbank trong một cuộc hội thảo.
Anh nói rằng tỷ phú Nhật Bản đi thẳng vào vấn đề, nói với anh rằng: “Nếu anh nhận vốn từ tôi, điều đó tốt cho cả hai. Nếu không, chỉ anh thiệt thôi”. Chia sẻ này khiến khán giả phía dưới bật cười.
CEO Tan chia sẻ anh đã có buổi gặp gỡ không bao giờ có thể quên được và hầu như không có bất kỳ bản hợp đồng nào được ký kết. Tan nhớ lại Son nói rằng: “Tôi không quan tâm tới các biên bản thỏa thuận, chỉ cần bắt tay thôi”.
Tuy nhiên, cái bắt tay đó có giá trị tương đương với bất kỳ tài liệu pháp lý nào và thậm chí nhiều hơn. Softbank đã rót 250 triệu USD vào Grab và ông nói rằng sẽ còn tiếp tục tham gia vào những vòng huy động vốn sau đó nữa.
Một trong số rất nhiều điều Tan học được từ người đàn ông giàu nhất Nhật Bản đó là "Danh dự là điều quan trọng nhất".
“Là một người đáng tin cậy và có danh dự, nếu duy trì được mối quan hệ tốt đẹp nó sẽ chỉ mang lại những kết quả tốt đẹp. Thực tế là Son đã tiếp tục tham gia vào các vòng huy động vốn sau đó của Grab. Có thể bạn sẽ nghĩ về những dấu chấm phẩy trong bản hợp đồng, những điều khoản sao cho không bị thiệt nhưng điều quan trọng là khi bắt tay nhau, ông ấy đã nhìn thẳng vào mắt tôi và nói sẽ ghi nhớ điều này”.
CEO Tan từng gọi vốn trước rất nhiều nhà đầu tư và anh ước tính có tới 80% trong số đó “trở thành cổ đông công ty”.
“Đôi khi vòng A họ chưa sẵn sàng nhưng tới vòng C, hoặc thậm chí sau nữa họ trở thành cổ đông của công ty”. Những gì một nhà sáng lập cần quan tâm là “làm sao để chắc chắn rằng sẽ phát triển được một mối quan hệ thực sự”.
Tan nói rằng những mối quan hệ xây dựng được sau nhiều năm đã giúp anh tạo dựng nên được đế chế Grab như hiện nay.
Tan cũng rất trân trọng tình bạn với nhà đồng sáng lập Didi Chuxing Jean Liu và Cheng Wei.
“Có những lúc sợ không thể trả lương cho nhân viên vào ngày mai, họ đã phải tới gõ cửa nhà một vài doanh nhân tên tuổi và gọi vốn. Những người đàn ông này thực sự rất rắn rỏi”.
Cùng với Softbank, Didi – đơn vị đã đầu tư vào vòng E và F của Grab hiện đều là những cổ đông lớn nhất của công ty.
Giống như Softbank, Grab học hỏi được rất nhiều điều từ Didi và một trong số đó là làm sao để phát triển được doanh nghiệp đạt tầm cỡ như vậy.
“Hiện nay, Didi đang xử lý 18 – 20 triệu chuyến xe mỗi ngày, còn Grab mới chỉ cũng gần cán mốc 3 triệu chuyến mỗi ngày. Để có điều đó Didi đã chia sẻ về cách mở rộng để chúng tôi có thể đạt mốc 10 triệu chuyến”.
Đó là sự kết hợp hoàn hảo – 2 công ty gọi xe hàng đầu châu Á đang kết hợp cùng nhau để đánh bại gã khổng lồ Mỹ Uber.
Tan tin rằng tài sản lớn nhất của Grab và Didi là việc am hiểu thị trường địa phương – điểm yếu lớn nhất của Uber. Tại Đông Nam Á, anh nói rằng Grab hoàn toàn hiểu khách hàng – người dân ở đây thích tiền mặt khi thanh toán và trò chuyện là phương pháp giao tiếp chủ đạo, vì vậy Grab cung cấp những tính năng tiên phong hỗ trợ điều này.
Việc am hiểu địa phương cũng giúp Didi có thể "hất cẳng" Uber ra khỏi Trung Quốc – buộc công ty Mỹ phải bán lại chi nhánh tại đây với giá 35 tỷ USD.
“Chúng tôi đang đứng cùng nhau trong trận chiến, cùng cho thấy sức mạnh châu Á. Điều này thật tuyệt vời”.