Cuộc sống của người Việt tại Mỹ ra sao trong mùa dịch Covid-19?
Giữa thời điểm căng thẳng vì dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, cuộc sống của người Việt tại đây nhận được nhiều sự quan tâm.
23:30 06/05/2020
Cuộc sống của tại Mỹ giữa dịch Covid-19
Cả thế giới đang điêu đứng vì dịch Covid-19, trong đó, nước Mỹ hiện đứng đầu thế giới về mức độ nguy hiểm khi theo số liệu thống kê ngày 5/5 đã có hơn 1,2 triệu người nhiễm, số người chết lên đến 69.680 ca.
Điều đáng quan tâm và khiến nhiều người Việt lo lắng là hiện có hơn 2,2 triệu người Việt sinh sống và làm việc tại Mỹ. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ người Việt đang sinh sống tại đây, người dân chỉ biết số người bị bệnh qua thống kê từ các cơ quan y tế địa phương và các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học. Do đời sống cá nhân ở Mỹ được tôn trọng tối đa nên không thể biết ai ở nhà nào bị nhiễm bệnh như ở các quốc gia khác.
Chị Ngọc Lan - sống tại quận Cam (California) cho biết, hiện các sinh hoạt vẫn không quá khác biệt so với trước đây. Chị nói: “Hàng quán nào đóng cửa thì vẫn đóng cửa theo yêu cầu, nơi nào mở thì người ta vẫn đến, dù có ít. Mọi người vẫn chạy bộ, tập thể dục dù số người tự giác mang khẩu trang nhiều hơn, và hạn chế đứng gần nhau”.
Điều quan trọng nhất tại đây là không ai mang khẩu trang trong nơi làm việc, trừ những người tiếp xúc với khách hàng. Chị Ngọc Lan chia sẻ thêm: “Việc mang khẩu trang là điểm rất mới mẻ với người dân nơi đây, trừ các bạn người Việt mới sang”.
Sống tại tâm điểm của dịch Covid-19, chị bất ngờ khi nói về tình hình thực tế đang diễn ra tại đây: “Nếu nói tình hình căng thẳng thì tôi cũng không thấy đến mức đó và không có gì lo lắng về dịch bệnh, bởi mình cứ làm theo đúng những gì Chính phủ quy định.
Điều lo nhất của mọi người, nhất người Việt ở Mỹ là việc làm. Những người thu nhập thấp đến trung bình bị mất việc thời gian này thì họ yên tâm vì số tiền trợ cấp của chính phủ khá nhiều - đây là điều chưa từng có trước giờ.
Tuy nhiên, số tiền đó cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu trong một thời gian ngắn, sau đó phải tìm việc làm mà đại dịch này đã khiến nhiều cơ sở có thể không còn hoạt động lại như xưa. Các chuyên gia dự đoán phải đến năm 2022 thì mới có thể trở lại bình thường như trước khi xảy ra dịch, trong thời gian đó sẽ có nhiều người khốn đốn”.
Điểm nổi bật của người Việt tại đây là có tâm lý phòng xa, nên còn có thể có được ít nhiều tiền dự trữ để trả tiền nhà, tiền share phòng. Nhưng cũng có rất nhiều người mất việc sẽ đồng nghĩa với mất nhà hay không có chỗ ở trong thời gian sắp tới, bởi họ sống bằng "pay check" tức là mọi chi phí của họ đều trông chờ vào ngân phiếu được nhận 2 tuần/lần.
Nhiều nơi có nhiều biện pháp giúp đỡ người Việt vượt qua khó khăn như cho hoãn trả tiền nhà trong 3 tháng. Thế nhưng, số tiền nhà 3 tháng gộp lại trong khi việc làm chưa có lại trở thành “ác mộng”. Đa số mọi người đều chủ động giảm bớt các khoản chi phí phát sinh, tiền điện thoại, bảo hiểm xe…
Trong “kho lương thực” dự trữ của người Việt tại Mỹ có gì?
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc dự trữ lương thực thiết yếu là nhu cầu quan trọng nhất của người dân trên toàn thế giới và một số quốc gia cũng bắt đầu tích trữ các mặt hàng thiết yếu cũng như hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước do dịch diễn biến phức tạp.
Thời gian vừa qua, việc dự trữ lương thực, mặt hàng thiết yếu bị đánh đồng với hành động đầu cơ. Tuy nhiên, 2 việc này hoàn toàn khác nhau, chủ động dự trữ lương thực nhằm hạn chế ra ngoài, tiếp xúc nơi đông người trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp là điều đáng khích lệ. Đặc biệt, tại “điểm nóng” như Mỹ thì việc tích trữ là điều không thể thiếu của người dân nơi đây.
Qua nhiều câu chuyện trên mạng xã hội xoay quanh việc người Mỹ “ưu tiên” mua giấy vệ sinh trước các mặt hàng thiết yếu khiến nhiều người quan tâm về cuộc sống của người Việt tại Mỹ ra sao, họ dự trữ gì trong “kho lương thực” trước dịch bệnh tại đây ngày càng nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của chị Ngọc Lan, sống tại Santa Ana, California cho biết khi nhắc đến dự trữ thức ăn thì có lẽ do tâm lý lây lan trong mùa dịch mà mọi người dự trữ nhiều hơn bình thường và thức ăn người Việt dự trữ tất nhiên sẽ có điểm khác người Mỹ.
Đồ dự trữ được để trong tủ lạnh, kệ bếp, hầm hoặc garage (nhà để xe). Tuy nhiên đó là với ai có nhà. Phần lớn người Việt trẻ tại đây ở nhà thuê, tức "share phòng" thì nơi ở của họ rất nhỏ, đôi khi không có tủ lạnh, hoặc họ không được phép nấu ăn, thì món duy nhất họ có thể mua để dành là mì gói, đồ hộp. Đôi khi khó khăn tới mức 1 vài thùng cũng không có chỗ để.
Thường người Việt sẽ dự trữ thực phẩm tươi như thịt heo, gà, bò, rau củ và gạo nhiều hơn các mặt hàng đóng hộp. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thì dự trữ đó cũng phần nào có giảm bớt vì các chợ lớn, nhỏ đều có đủ mặt hàng họ cần, nên không còn lo lắng như mấy tuần trước.
“Nếu ai đi chợ nhiều sẽ thấy tại các chuỗi siêu thị ở Costco – hàng hóa được bày bán rất nhiều nhưng các mặt hàng thiết yếu sẽ được giới hạn, không được mua tự do như trước đây”, chị Ngọc Lan cho biết. Riêng thực phẩm dự trữ tại nhà chị Lan có thể đủ ăn trong 2-3 tuần.
Anh Thái Trần đang sống tại quận Lafourche, Louisiana cho biết, tuy chính phủ không cấm người dân ra đường nhưng đa số đều tự hạn chế ra ngoài trong thời gian này và cũng ngừng làm việc nếu không cần thiết.
“Công việc chính của tôi là đánh bắt hải sản cũng tạm ngưng. Chúng tôi ở nhà mặc dù vùng biển không có đông người sinh sống”, anh Thái cho biết gia đình anh đã ở nhà trong suốt 1 tháng qua.
An Khê
Ảnh: NVCC
Link nguồn: https://beta.dantri.com.vn/doi-song/cuoc-song-cua-nguoi-viet-tai-my-ra-sao-trong-mua-dich-covid-19-20200505145459279.htm
Vườn nhà Hương Lan
Danh ca Hương Lan và chồng dành gần 500 m2 quanh nhà trồng bưởi, chuối, chanh và rau