Cuộc sống đói khát của người Triều Tiên trước khi đào tẩu tới Mỹ

Cơn đói điên cuồng những ngày đi trại lao động cải tạo ở Triều Tiên khiến Charles Woo Ryu ăn cả bãi nôn và cây dại.

14:00 31/10/2017

Charles Woo Rya, người Triều Tiên đào tẩu hiện sống ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Mirror.

Charles Woo Rya, người Triều Tiên đào tẩu hiện sống ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Mirror.

Ở tuổi 24, Charles Woo Ryu trông như bao thanh niên đang thực tập ở tổ chức từ thiện tại Los Angeles, Mỹ, nhằm giúp người Triều Tiên đào tẩu. Nhưng người đàn ông trẻ tuổi này có những trải nghiệm khó quên trong hành trình trốn sang Mỹ, Mirror ngày 26/10 đưa tin.

Charles sinh ra trong tầng lớp đáy của xã hội Triều Tiên. Cậu từng bị người bố Trung Quốc bỏ rơi. Trước năm 11 tuổi, mẹ cậu bà Jen Jin Hee qua đời vì mắc bệnh do đói. Số phận định sẵn cho cậu con đường học, nhập ngũ và sau đó là làm công việc đồng áng suốt phần đời còn lại. 

Theo Charles, đói là nỗi ám ảnh của nhiều người dân Triều Tiên. Tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi năm 2009, chính phủ đột ngột tuyên bố giảm giá đồng nội tệ. Quyết định khiến khoản tiết kiệm nhiều người tích cóp mất giá. 

"Nhiều hàng xóm của tôi tự sát vì họ không nhìn thấy hy vọng sống. Họ mua thịt lợn, tẩm độc, cho cả nhà ăn và ra đi. Mỗi ngày", Charles kể. "Chúng tôi chôn họ khắp nơi, thậm chí còn không làm mộ. Không ai quan tâm vì có quá nhiều người chết".

Nhưng thiếu ăn không phải là bức tranh chung trong xã hội Triều Tiên ngày đó. "Có một tầng lớp 'trung thành' không phải lo về đói ăn, họ không phải bỏ bữa", Charles nói. Với cậu, họ là những người béo và mặc đẹp. Trước sự kiện đồng tiền hạ giá, những gia đình này đã mua sẵn thực phẩm và hàng hóa để dự trữ.

Phần lớn người Triều Tiên như Charles không biết về cuộc sống ngoài làng. Họ không có Twitter, không Google, không Facebook và Internet bị chặn. Song nhờ người anh kế ở Trung Quốc, Charles có được những đĩa DVD của điện ảnh Hollywood, của Hàn Quốc. "Tôi khóa cửa, nằm dưới chăn với các bạn tôi, vặn loa nhỏ nhất có thể", Charles kể.

Phim ảnh nước ngoài bị cấm ở Triều Tiên vì bị cho là sản phẩm tuyên truyền và nhằm biến người Triều Tiên thành nô lệ. Charles cho biết tất cả nội dung được chiếu trên truyền hình trong nước đều liên quan đến gia tộc họ Kim.

Cảnh sát Triều Tiên thẳng tay trừng trị những người lén tiếp xúc với văn hóa phẩm ngoại quốc. "Trước khi đến nhà bạn, họ cắt điện để đĩa DVD bị kẹt trong đầu đĩa", Charles nói. Nếu không có tiền hối lộ, người bị phát giác sẽ phải vào trại cải tạo lao động 10 năm.

Năm 13 tuổi, học sinh trong trường Charles phải chứng kiến cảnh một người đàn ông bị trói vào cọc gỗ, bị bắn 90 phát chia đều ở cổ, lưng và đầu gối do có liên hệ với Hàn Quốc. 

Charles (giữa) thời trẻ. Ảnh: Charles Woo Rya.

Charles (giữa) thời trẻ. Ảnh: Charles Woo Ryu.

Cuộc sống của Charles bước sang một giai đoạn khác khi cậu được bố lén đưa trang Trung Quốc năm Charles 14 tuổi. "Tôi có thể ăn những thứ tôi muốn, xem những gì tôi muốn", Charles nói.

Tuy nhiên, khi cảnh sát Trung Quốc trả cho người dân hơn 75 USD để báo về người Triều Tiên đào tẩu, Charles cùng hàng trăm người Triều Tiên khác, bị bắt và đưa trở lại Triều Tiên.

14 tuổi, Charles vào trại lao động cải tạo vì tội cố trốn khỏi Triều Tiên với thời gian chấp hành án không xác định. "Tôi còn là một đứa trẻ, mọi người nói tôi sẽ ổn thôi, cứ nói với họ cháu không biết gì chỉ muốn đi tìm thức ăn", Charles kể.

Triều Tiên bác bỏ sự tồn tại các trại  cải tạo lao độngở nước này. Tuy nhiên, một báo của của Liên Hợp Quốc năm 2014 ước tính có 120.000 người bị giam giữ trong những trại cải tạo lao động ở Triều Tiên.

Cái đói theo cậu bé Charles vào trại cải tạo lao động. Cậu chỉ được phát một nắm ngô mỗi ngày dù làm việc cực khổ 18 tiếng. "Họ ngâm ngô trong nước lâu đến mức ngô nở gấp đôi kích thước ban đầu", Charles nói. Nhiều người trong trại chỉ nuốt ngô không nhai và đào thải ra ngô nguyên trạng. 

Cơn đói triền miên trong trại khiến Charles đưa ra những quyết định điên rồ. "Bất kể lúc nào vào nhà vệ sinh, tôi cũng đi tìm chúng...".

Charles kể có lần bốc cả bãi nôn trên vỉa hè để nuốt. Ánh nắng mặt trời khiến bãi nôn khô đi làm lộ ra một ít cơm chưa được tiêu hóa. Một lính gác có thể đã uống quá nhiều rượu Soju, loại đồ uống mạnh được yêu thích ở Triều Tiên. "Vị của nó thật ngon", Charles chua xót kể. 

Quá đói, Charles ăn cả cây có độc. Cậu ốm, tiêu chảy và không mở nổi mắt. "Tôi nghe thấy một người quản trại lớn tiếng 'sao các anh không trả người này về nhà, cậu ta thậm chí không thể làm việc'", Charles kể.

Một quản trại cùng quê Charles đến đưa cậu về nhà. 16 tuổi, Charles trở lại xã hội với một tương lai mờ mịt. Cậu thuộc tầng lớp thấp của xã hội, không bố mẹ và bị kết án cố trốn khỏi Triều Tiên.

Lựa chọn duy nhất Charles có là làm việc ở mỏ than, nơi các đường hầm được những thiếu niên không có tay nghề dựng nên. Làm việc ở môi trường nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn sập hầm, Charles chỉ nhận được bát cơm 30 g mỗi ngày, không có tiền lương. 

Năm 2011, Charles quyết định đào tẩu khi 17 tuổi. Trốn khỏi mỏ than, cậu đi lậu vé tàu hỏa đến biên giới Trung Quốc. Charles theo dòng người Triều Tiên vượt khúc sông sâu và chảy mạnh vào Trung Quốc, suýt đuối nước khi trượt ngã vào đá.

Sang được bờ bên kia với hành trang còn lại chỉ là quần áo, Charles đi lang thang vào rừng vì sợ bị bắt và đưa trở lại Triều Tiên. Một người đàn ông Trung Quốc phát hiện Charles nằm đói lả bên đường đưa cậu về nhà, cho ăn và uống thuốc.  

Một người truyền giáo Hàn Quốc được ông liên hệ giúp đưa Charles lên xe buýt để tới nhà bố đẻ ở Trung Quốc. Gia đình quyết định đưa Charles vượt biên sang Mỹ để xin tỵ nạn. "Dù tôi gặp nhiều nỗi buồn và gian truân, Chúa và nhiều người khác đã luôn giúp tôi dọc đường", Charles nói.

Theo Charles, bất chấp Triều Tiên và Mỹ đang đứng trước nguy cơ chiến tranh sau những khẩu chiến căng thẳng của lãnh đạo hai phía liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng, người dân Triều Tiên muốn hòa bình bởi phần lớn trong 25 triệu dân đang sống cảnh thiếu ăn.

"Giờ đây ngồi cùng gia đình nhận nuôi tôi, dùng bữa trong thanh bình, không ai đuổi theo tôi... Đó là lúc tôi nhận ra đây là hòa bình, tự do", Charles nói.

Vũ Phong

Tags:
Hội thảo miễn phí giúp chọn lựa dịch vụ khi ghi danh Medicare

Hội thảo miễn phí giúp chọn lựa dịch vụ khi ghi danh Medicare

Buổi hội thảo miễn phí về Medicare, do đại diện tổ hợp y tế Regal Medical Group (ADOC) và cố vấn bảo hiểm y tế United Health Care phối hợp tổ chức, diễn ra lúc 10 giờ sáng Thứ Sáu, 27 Tháng Mười, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất