Cuộc sống đơn thân của Giang Còi sau khi ly hôn người vợ kém 25 tuổi
Sau 10 năm gắn bó với người vợ thứ 2 thì bây giờ, Giang Còi lại trở về cảnh đơn độc.
23:05 28/05/2017
Ở cái tuổi 55, Giang Còi lên chức ông nội nhưng vẫn thân già nuôi con mọn. Anh thú nhận, bản thân vẫn mong chờ một tình yêu: “Tôi vẫn khao khát tình yêu chứ, khao khát cho tới hơi thở cuối cùng. Tình yêu như bản nhạc hay và tôi mong bản nhạc hay đó theo tôi suốt đời”
Kẻ xấu lại gàn
Giang Còi gầy, lẻo khẻo, ăn mặc đơn giản, quần áo kiểu cũ nhưng lại đeo một cái kính đen sành điệu choán hết quá nửa gương mặt nhỏ thó. Anh ngồi một mình ở góc quán nhậu quen thuộc với một cốc bia, một đĩa lạc rang nhâm nhi trong khi chờ phóng viên tới. Mỗi khi gặp bạn nhậu, Giang Còi thường đến sau, đợi khi bạn bè đến đông đủ, anh sẽ một mạch đi thẳng vào bàn, tìm cái bàn nào kín đáo rồi úp mặt vào tường mà ăn mà uống.
Giang Còi là một kẻ ham vui, nhiệt tình và luôn “cả nể vô cùng”. Cho nên chuyện Giang Còi đi ăn sáng với bạn mà tới tận 6g chiều mới về tới nhà là bình thường với một nghệ sĩ có lắm bạn bè quý mến như Giang Còi.
Ở Nội Bài (Hà Nội), Giang Còi có “Giang gia trang” rộng 10.000m2. Nếu tính bán kính 3km đổ lại thì làng xóm chung quanh đó đều là bạn, từ ông Đại tá về hưu, ông bảo vệ về vườn, lão nông dân nuôi chó… Giang còi tự nhận mình là người đa cảm và sợ cô đơn. Cho nên nhà của anh lúc nào cũng khách khứa ra vào, trang trại của gia đình anh lúc nào cũng ngập đầy rau, củ, quả vì mỗi khi bạn tới chơi, chủ nhân đều quý mến tặng quà dân dã cho khách mang về.
Giang Còi là một trong số những người đầu tiên trong giới nghệ sĩ ở Hà Nội bỏ phố về làm trang trại vườn ở ven đô để sống. Tuy nhiên, cái gàn của người đàn ông này là chẳng thích nơi theo phong thủy hữu tình như người ta, Giang còi chọn ngay bãi đồng hoang hóa giữa cánh đồng không mông quạnh, đêm đêm chỉ có ếch nhái kêu ộp oạm xây dựng cái “đại bản doanh” về sống ở đó.
Trong khi nhiều nghệ sĩ lo chạy sô rồi vung tiền ra thuê người khác làm vườn, xây dựng nhà cửa cho mình hưởng thụ thì Giang Còi nói tự tay anh lo thiết kế nhà cửa, lối đi lối vào, đứng ra trồng cây, đào ao thả cá cùng với thợ, chăm chỉ, chịu lăn lộn và sống giữa bầu không khí của người nông dân. Anh bảo: “Sướng nhất là buổi sáng ngủ dậy nghe tiếng gà gáy, tiếng chim họa mi, cuộc đời nào còn thú vị cho bằng”.
Với Giang Còi, sống một cuộc đời đơn giản, bình dị đó là hạnh phúc. Sáng ra thả chó ra khỏi chuồng, rồi cho chó ăn, xong rồi lại thăm thú đàn lợn, gà một vòng. Ăn sáng xong thì đi trồng cây, rẫy cỏ, đi hốt phân cho mấy con chó cưng… đó cũng là một hạnh phúc. Thế nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng chấp nhận một cuộc sống như của Giang Còi, bởi theo anh: “Cái khổ nhất của nghệ sĩ là không bao giờ quay về đời sống thường ngày. Bởi phần nhiều người là nông dân mà lên. Khi họ đã được vài ba vai diễn, được lên ti vi và được nổi tiếng và bắt đầu được người khác cung phụng, chiều chuộng. Bảo họ quay về sống cuộc đời cũ, hay làm cái thằng nông dân thì làm sao họ chịu”.
So với các nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời “Gặp nhau cuối tuần” như Quang Tèo, Xuân Bắc, Tự Long, Chiến Thắng thì Giang còi thuộc “top” nghèo hơn cả. Giang Còi có nguyên tắc làm nghệ thuật mà vẫn bị bạn bè cho là gàn dở ấy là không bao giờ chịu đóng quảng cáo hay làm gương mặt đại diện, dù cát xê cao ngất ngưởng, hình ảnh lại được quảng bá miễn phí.
Giang Còi quyết tâm giữ vững “lời thề” đó và luôn cảm thấy tự hào về điều này cho tới giờ. Cái lý của Giang Còi là: “Quảng cáo sản phẩm nghĩa là sản phẩm đó sẽ được sử dụng cho cả cộng đồng, mang tính lợi ích cho người dân. Sản phẩm đó tốt thì không sao nhưng nếu là sản phẩm chất lượng kém, đội lốt hàng chất lượng để bán cho người tiêu dùng, thì không chỉ là mình có tội với chính hình ảnh của mình mà còn với những người tiêu dùng. Thời đại bây giờ nhìn đâu cũng thấy hàng giả, hàng Tầu tràn lan, đã có nhiều vụ hàng sản xuất không như quảng cáo, gây bệnh tật cho người dân. Nếu khi nào cảm thấy có sản phẩm nào thực sự tốt thì tôi sẽ làm còn khi không chưa biết rõ, chưa được kiểm chứng thì tôi sẽ không bao giờ nhận lời. Cho nên tôi thà không nhận lời còn hơn là nhận xằng bậy”.
Bị cho là gàn dở vậy nên cuộc sống của Giang Còi lắm khi vất vả, chạy từng bữa lo đóng tiền học cho con, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, rồi tiền lo chữa hàng tá căn bệnh kinh niên trên người, kéo theo là hàng đàn vật nuôi trong nhà với 7, 8 con chó béc giê Đức, hàng đàn lợn gà cá, chim, mèo không bao giờ bán. Vất vả nhưng anh vẫn cố gồng gánh. Với Giang Còi mà nói thì: “Lẽ tất nhiên mình cần tiền để nuôi sống gia đình nhưng tiền chỉ là phương tiện cho tôi sống. Tôi vẫn muốn làm những gì vui vẻ chứ chẳng phải vì số tiền này lớn mà làm cái này cái nọ không đúng với cái tâm và cái nghề của mình”.
Cha già con mọn
Giang Còi tên thật là Lê Hồng Giang, anh sinh năm 1962, tại Hải Phòng. Cha của anh là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, sau đó ông được điều về làm thủy thủ ở thủy đội Hải Phòng. Nghề thủy thủ đi biền biệt nhưng mỗi khi đi về là cha của anh lại mang đồ chơi về cho con. Với bọn con trẻ hàng xóm thì đó là niềm mơ ước nhưng mà trẻ con thì đồ chơi chỉ năm ba phút là chán, một đứa trẻ như anh cần là ba. “Tôi suốt đời vắng ba”, Giang Còi nói rồi ánh mắt buồn như có nước long lanh, anh cầm cốc bia lên uống rồi lại cười buồn.
Chính vì thiếu thốn tình cảm của người cha từ nhỏ cho tới lớn nên Giang Còi không muốn con cái chịu cảnh như anh ngày xưa. Giang Còi luôn cố gắng dành điều tốt nhất cho các con. “Tôi thừa nhận mình rất chiều con. Tôi biết con thiếu thốn gì và cố gắng đáp ứng cho con. Có thể đó là sự sai lầm của tôi. Ngày xưa mình thiệt thòi, không có điều kiện được có ba bên cạnh, thích một cái gì cũng chỉ dám đứng từ xa nhìn thôi vì ba chưa về là chưa có lương. Còn đi với ba Giang thì thoải mái, ba kiệu lên vai, con thích cái gì thì ba chiều. Có thể đó là điều làm hư con nhưng tôi chấp nhận… Tôi ở ngoài có thể rất cứng rắn nhưng dễ mủi lòng, tôi không đọc được lời bình phim tài liệu do chính tay mình viết, chính tay mình làm mà phải nhờ người khác đọc cho”.
Giang Còi dạy con không theo trào lưu kiểu Nhật hay kiểu Mỹ, không chú trọng hình thức phải thế này thế nọ như các ông bố bà mẹ bây giờ sao cho thông minh, giỏi giang. Điều quan trọng nhất Giang Còi dạy các con chính là tư cách đạo đức làm người, mà là làm người đàn ông mạnh mẽ, bản lĩnh. “Tôi muốn các con tôi không xin ai cái gì cả. Dù là cái bánh hay cái kẹo nhỏ mà người lớn dằn dứ dẫn dụ trẻ con. “Với tôi, điều ấy khiến cho con trẻ hèn con người đi. Với con tôi, tôi dạy ai cho cái gì thì nói “Con cám ơn”, nhưng con đừng xin ai điều gì hết, tuyệt đối không xin ai cái gì. Đừng làm hèn con người ta từ bé. Còn cái tật đổ lỗi nữa, con mình chạy bị ngã thế là mọi người bảo: Tại cái bàn, đánh chừa cái bàn. Không, lỗi là tại mình, bàn nó làm gì mắt sao lại đổ cho nó. Khi ngã rồi con mình phải đứng dậy mà chạy. Thằng bé con tôi nói với tôi: “Bà ngoại bảo sao con đi hay ngã”. Tôi bảo con phải nói là: “Con đang học cách đứng dậy đấy!”. .
Chuyện làm cha mẹ thời đại này thực sự khó, vì vậy Giang Còi hiểu rằng không thể bắt con cái làm ngay chuyện này, chuyện kia bằng rao giảng lí thuyết. Anh bảo, khi con đi cùng mình đó là lúc giáo dục tốt nhất chứ không phải là bữa cơm, ông bố rót ra hai chén rượu rồi nói với vợ mấy câu, con mấy câu. Phải lúc con đi cùng mình, mình tự tay làm thì mình làm gương trước mắt gọi là thực tế sinh động thì nó ghi sâu vào óc hơn là lí thuyết suông.
“Tôi không muốn tạo ra hình tượng gì ở đây, tôi nói với các con tôi rằng: “Bố rất hi vọng là con làm điều gì đó tốt đẹp hơn bố. Đi ra đường, người ta bảo: “Cháu là con nhà ai?” – “Cháu là con bố Giang Còi, bố Lê Hồng Giang”. Nhưng điều tôi cần là ra đường người ta sẽ nói: “Ông ấy là bố thằng Minh, thằng Hiếu đấy”. Tôi thích bố sống dựa vào con, con cái là niềm tự hào của bố mẹ…”, Giang Còi nói.
Bây giờ hai người con trai lớn của Giang Còi cũng đã lớn và có gia đình riêng. Sau khi chia tay bất ngờ với người vợ kém 25 tuổi, Giang Còi nuôi cô con gái út, còn con trai ở với mẹ tại phường Nghĩa Tân. Đối với anh, con gái là “của trời” cho tuổi già của anh: “Con gái thì chăm lo những cái nhỏ nhặt cho bố mẹ nhưng đàn ông không tỉ mẩn được như vậy”.
Chuyện hôn nhân thứ 2 tan vỡ, Giang Còi ám chỉ một phần là do kinh tế khó khăn: “Nếu tất cả mọi thứ tươi đẹp, lúc nào cũng có tiền đi biển du lịch thì vui lắm! Tôi chưa thấy đôi nào cãi nhau đi biển hay ăn hải sản cả. Những cuộc cãi vã chủ yếu xảy ra quanh cái bếp củi hay những chiếc bát mẻ mà thôi. Vật chất quyết định nhiều đấy chứ không phải nhỏ đâu”.
Hiện tại, cuộc sống cha già con mọn tuy vất vả nhưng Giang Còi vẫn đang cố gắng vừa làm cha vừa làm mẹ theo đúng nghĩa. Hạnh phúc của nam nghệ sĩ bây giờ là mong trời độ sức khỏe khá lên, anh lại được đi diễn, chăm sóc nhà cửa, nuôi cậu con trai và cô con gái nhỏ trưởng thành.
Theo Xã luận
Tổng thống Donald Trump về nước, đối mặt cuộc điều tra nhằm vào con rể
Tổng thống Mỹ đã trở về nước ngày 27/5 (giờ địa phương), lập tức đối mặt với mối đe doạ pháp lý và chính trị đang dâng cao khi Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của ông, trở thành tâm điểm cuộc điều tra về mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử và chuyển giao của Tổng thống với Nga.