Cuộc sống khắc nghiệt bên trong nhà máy Apple sản xuất iPhone qua lời kể sinh viên Đại học New York
Kể từ khi ra đời, iPhone đã trở thành "hình mẫu" smartphone để hướng đến. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để ra đời được những sản phẩm chất lượng, các nhân viên tại các xưởng chế tác cũng như lắp ráp phải làm việc trong điều kiện hết sức nghiêm ngặt.
00:51 16/05/2017
Qua lời kể của một sinh viên đã từng làm việc tại một nhà máy gia công iPhone khá nổi tiếng tại Trung Quốc, tờ Business Insider đã công bố những thông tin khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Dejian Zeng là sinh viên cao học của Đại học New York đến làm việc tại 1 nhà máy lắp ráp của công ty Pegatron, nằm gần Thượng Hải(Trung Quốc) với mục đích hoàn thành dự án nghiên cứu. Những tưởng được tham gia qui trình tạo ra một sản phẩm danh tiếng sẽ rất lí thú và có nhiều thuận lợi, nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược.
Dejian và các công nhân nơi đây phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày, bao gồm cả giờ nghỉ và giờ ăn. Điều đó không phải là trở ngại quá lớn nếu như ca làm việc sẽ bắt đầu từ 7h30 buổi tối. Trong suốt thời gian đó, bộ phận làm việc của Dejian chỉ có một công việc duy nhất là lắp một con vít vào mặt sau của chiếc điện thoại thời thượng rồi chuyển sang chiếc máy kế tiếp. Công việc của cậu cứ lặp đi lặp lại cho đến hết thời gian làm việc.
Công nhân bước vào nhà máy Pegatron
Ban ngày, các nhân viên sẽ được chia về các phòng kí túc xá để nghỉ ngơi, sau đó thức dậy vào buổi tối và tiếp tục ngày làm việc mới.
Đó là thói quen của không chỉ riêng Dejian mà còn cả hàng trăm nghìn người lao động Trung Quốc phải thích nghi để làm việc tại nhà máy này. Công việc đơn giản tuy không nặng nề nhưng có thể thấy rõ được sự tẻ nhạt. Đó cũng là tình cảnh chung của người lao động nhiều nước khi họ phải lao động chân tay để phục vụ các nền kinh tế kỹ thuật số khác.
Tương tự như Apple, hầu hết các công ty sản xuất máy tính hay điện thoại khác cũng sử dụng hợp đồng với các nhà máy gia công như Pegatron để tiết kiệm chi phí sản xuất, vì giá nhân công làm việc rất rẻ mạt.
Trả lời trực tiếp với phóng viên Business Insider, Kif Leswing, Dejian Zeng tỏ ra không mấy lạc quan về môi trường làm việc tại Pegatron
"Tôi thấy rằng những công nhân làm không có đủ thời gian để thực sự "sống" nếu làm việc ở đây (nhà máy gia công thuộc công ty Pegatron mà Dejian làm việc). Ngoài thời gian làm việc, thời gian ngắn ngủi còn lại chỉ đủ để họ ngủ, nghỉ. Công việc tuy đơn giản nhưng khiến chúng tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Đặc biệt là vào giai đoạn cao điểm khi các sản phẩm mới ra mắt, chúng tôi phải làm việc thêm giờ, có giai đoạn phải làm việc tới 11 ngày liên tiếp và 12 tiếng mỗi ngày".
Khu ký túc xá nơi Zeng ở
Dejian cũng đi sâu hơn vào công việc hằng ngày của các công nhân nơi đây: "Ban đầu khi tôi đến đây, tôi được chỉ định vào bộ phận FATP, hiểu nôm na là lắp ráp và kiểm tra các bộ phận. Mỗi dây chuyền có đến hàng trăm khâu riêng biệt, mỗi khâu sẽ làm một công việc khác nhau. Lúc đầu chúng tôi lắp ráp iPhone 6S, đến tháng 8 thì chuyển đổi sang sản phẩm mới nhất, iPhone 7".
Phóng viên Leswing: Vậy anh và những người khác thức dậy vào mấy giờ và ngủ nghỉ như thế nào?
Dejian Zeng: Phòng tôi ở có 8 người, kể cả tôi. Khu ký túc xá cách chỗ làm 10 phút đi xe bus và họ cũng có xe đưa đón. Mỗi khâu sản xuất bắt đầu làm việc ở các thời điểm khác nhau nên chúng tôi cũng không thức dậy cùng nhau. Có người làm từ 19h30, 20h, 20h30, những người khác thì dây chuyền của họ bắt đầu trễ hơn nữa.
Tôi thường dậy lúc 18h30 để chuẩn bị vì ca của tôi bắt đầu lúc 19h30. Sau 2 tiếng làm việc đầu, chúng tôi được nghỉ giải lao 10 phút. Đa phần chúng tôi tranh thủ ngủ, nhưng khoảng thời gian quá ngắn nên rất khó chịu.
Nếu ai đó muốn uống ly nước hoặc đi vệ sinh thì phải chạy, nếu không sẽ không kịp vì nhà vệ sinh nằm rất xa khu vực làm việc.
Leswing: Thời gian khá là eo hẹp, anh và các công nhân có thời gian ăn uống vào lúc nào?
Dejian Zeng: 2 giờ làm việc tiếp theo. Chúng tôi sẽ được nghỉ 50 phút để ăn uống. Ai ăn xong sớm sẽ tranh thủ ngủ để không phải gật gù trong ca làm việc. Nhưng chỉ được phép ngồi sofa hay các ghế ở hành lang mà chợp mắt, nếu chúng tôi nằm ra đó, các quản lý sẽ đánh dấu lại và đưa danh sách về cho người quản lý nơi làm việc để họ xử lí. Nếu lặp lại nhiều lần, người đó sẽ bị phạt tiền. Họ không xử lí khi chúng tôi ngủ trong giờ nghỉ, họ chỉ đánh dấu những người nằm xuống thôi, đó là điều không được phép trong khu nhà máy. Cũng giống như không được phép mang điện thoại hay bất kì thứ kim loại gì vào khu vực làm việc.
Leswing: Vậy là cũng có khá nhiều người sử dụng smartphone đúng không? Nhiều người dùng iPhone không?
Dejian Zeng: Hầu hết là ai cũng có nhưng không phải ai cũng dùng iPhone vì lương tháng của họ cũng không được cao. Thay vào đó, họ sử dụng các hãng điện thoại Trung Quốc như Oppo, đại loại thế.
Leswing: Thế những người làm việc tại Pegatron có biết họ đang lắp ráp các sản phẩm của Apple?
Dejian Zeng: Chúng ta đều biết mình đang tập trung lắp ráp cho sản phẩm gì chứ. Thậm chí họ còn biết đâu là iPhone 6 hay cái nào là iPhone mới sắp ra khi tiếp xúc với iPhone 7. Tuy vậy, không phải ai cũng có nhiều kiến thức về Apple, họ chỉ biết được Apple là "khách hàng" của họ thôi.
Mỗi khi có nhân viên Apple đến kiểm tra, người quản lý thường nhắc nhở "Khách hàng đang chuẩn bị đến". Ở đây, họ gọi các nhân viên Apple là "khách hàng".
Công nhân mang hành lý tới khu ký túc xá sau khi đã đăng ký ở Pegatron
Leswing: Khi chuyển giao sản xuất từ iPhone 6 thành iPhone 7, kiểm tra an ninh có được tăng cường không?
Dejian Zeng: Chắc chắn rồi. Mọi công việc đều được kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Thậm chí các cô gái còn phải thay đổi loại áo ngực vì máy kiểm tra kim loại.
Bỗng một ngày, không khí làm việc thay đổi đến mức ngột ngạt. Nhà máy tăng cường thêm một cửa kiểm tra an ninh. Xưởng làm việc có sự xáo trộn, xuất hiện những nhân viên Apple mới, đó là lúc chuyển giao sản xuất.
Tôi còn nhớ hôm đó là ngày sản xuất thử nghiệm iPhone 7 đầu tiên. Cảm giác hệt như tra tấn.
Thử tưởng tượng trong 12 giờ làm việc, tôi chỉ được sờ vào 5 cái điện thoại. Chúng tôi phải ngồi đó chờ đợi nhưng lại không được nói chuyện. Chờ 2-3 tiếng mới có sản phẩm tiếp theo để làm, lắp ráp xong rồi lại chờ thêm vài tiếng nữa.
Các nhân viên Apple luôn có mặt ở đó để giám sát, Họ luôn nhìn chằm chằm vào chúng tôi mỗi khi sản phẩm đến tay.
Leswing: Vậy trong 6 tuần làm việc tại Pegatron, anh nhận được bao nhiêu?
Dejian Zeng: Tôi nhận được tháng khoảng 3100 nhân dân tệ (hơn 9 triệu đồng) cho tháng đầu tiên và 1500 nhân dân tệ cho nửa tháng sau.
Leswing: Đó cũng là mức lương chung với các đồng nghiệp của anh tại Pegatron đúng không?
Dejian Zeng: Tôi cũng nghĩ thế, tùy vào số giờ làm thêm của họ nữa. Nếu dựa vào lương cơ bản không thì rất thấp, vào khoảng 2300 nhân dân tệ.
Leswing: Theo anh, ý kiến mang các công việc sản xuất về Mỹ của tổng thống Donald Trump có khả thi không?
Dejian Zeng: Từ quan điểm của một người lao động, tôi thấy nó không thực tế cho lắm. 2300 nhân dân tệ tương đương 400 USD và đó là mức lương không thực tế để trả cho người dân lao động ở Mỹ.
Chưa kể nếu nhà máy được chuyển về Mỹ, tôi thấy có rất nhiều công đoạn có thể thay thế con người bằng máy móc. Như thế cũng không giải quyết được vấn đề việc làm, hoàn toàn không ổn. Đấy là chưa tính đến vấn đề chi phí vận hành, thuê kĩ sư, nhân công vận hành. Có quá nhiều lí do để không thực hiện đề nghị của ông Trump.
Hạ Viện Mỹ thông qua luật cho công nhân nghỉ bù
Hạ Viện Mỹ vừa thông qua một dự luật được phe Cộng Hòa hậu thuẫn, trong đó giới chủ nhân được phép cho nhân viên nghỉ bù thay vì trả lương gấp rưỡi cho họ mỗi khi làm thêm giờ phụ trội.