Cuộc sống Mỹ của nữ tiến sĩ Việt dạy ở Đại học bang Oklahoma

Dung tập trung vào phát triển chuyên môn và phương pháp giảng dạy tích cực để thu hút sinh viên. Cô thậm chí còn thẳng thắn bày tỏ quan điểm ủng hộ tính đa dạng trong ngôn ngữ, cách phát âm tiếng Mỹ của người nước ngoài với các sinh viên.

01:30 26/07/2020

Nữ tiến sĩ Việt dạy ở đại học Mỹ - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Dung tại hội thảo quốc tế chuyên ngành ở Singapore – Ảnh: NVCC

Phó giáo sư người Việt ở Đại học bang Oklahoma (Mỹ) Nguyễn Thị Phương Dung luôn tin rằng, những trải nghiệm cũng như thành tựu đã đạt được với xuất thân từ gia đình bình thường như cô có lẽ sẽ tạo niềm tin và động lực cho nhiều bạn trẻ đang nuôi khát khao vươn ra biển lớn.

Sinh ra trong gia đình chưa có ai học tiến sĩ trước đó, và cũng không có điều kiện tài chính để du học nước ngoài, thậm chí còn có định kiến là phụ nữ không cần học cao vì… dễ ế, nên ngay từ khi có ý định này, Phương Dung đã xác định bản thân phải tự nỗ lực trong suốt hành trình đó.

MỌI VIỆC ĐỀU CÓ THỂ NẾU NHƯ MÌNH THỰC SỰ QUYẾT TÂM, CHỊU KHÓ HỌC HỎI ĐỂ BIẾT RÕ VIỆC MÌNH CẦN LÀM VÀ NỖ LỰC TỪNG BƯỚC THỰC HIỆN CHÚNG MỘT CÁCH KIÊN TRÌ. MÌNH NGHĨ NẾU MÌNH LÀM ĐƯỢC THÌ RẤT NHIỀU BẠN TRẺ KHÁC CŨNG SẼ LÀM ĐƯỢC, VÀ CÓ THỂ LÀM TỐT HƠN NỮA, CHỈ CẦN CÓ AI ĐÓ CHIA SẺ MỘT CON ĐƯỜNG ĐỂ NHỮNG NGƯỜI ĐI SAU THÊM VỮNG BƯỚC.

Tiến sĩ Phương Dung

Muốn xóa chuyện “nhất nam viết hữu”

Phương Dung nói: “Có lẽ thật bất ngờ với nhiều người, khi họ biết lý do thôi thúc tôi nỗ lực học tập và có một số thành tựu nhất định như hôm nay là vì tôi muốn trở thành một người con gái có thành tích học tập không kém con trai, để mẹ tôi có thể tự hào dù chỉ sinh toàn con gái, trong khi kỳ vọng của bên nội là phải có một cậu con trai nối dõi”.

Cảm nhận được nỗi khổ tâm của mẹ, một phụ nữ người miền Nam làm dâu trong gia đình gốc Bắc, ngay từ nhỏ, Dung đã tự đặt mục tiêu phải làm sao để mọi người thấy con gái có thể làm được tất cả những gì người ta kỳ vọng ở con trai, và thậm chí còn hơn thế.

Từ quyết tâm học thật tốt với các thành tích lớn nhỏ suốt thời đi học, thi vào Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, tới nỗ lực giành học bổng thực tập 6 tháng ở Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tại Miami, và sau đó là học bổng tuyển thẳng từ bậc cử nhân lên làm nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ tại Đại học Missouri (Mỹ), Dung đã được thôi thúc một phần lớn từ quyết tâm luôn tự đặt mục tiêu cao, chiến lược để phấn đấu.

Giai đoạn học tiến sĩ rất nhiều thử thách với Dung, khi ngay từ học kỳ đầu, cô phải xin chuyển thầy hướng dẫn để phù hợp với hướng nghiên cứu muốn theo đuổi lâu dài. Đã có lúc cô căng thẳng tới mức bị rụng tóc, và muốn buông bỏ tất cả khi đề tài nghiên cứu bế tắc trong thời gian đầu.

Nhưng một trong những lý do khiến Dung quyết tâm trụ lại đến cùng với chương trình đào tạo tiến sĩ là cô không muốn trở thành một tiền lệ xấu, bất kể việc chuyển xuống làm thạc sĩ là một lựa chọn đơn giản, cũng dễ được mọi người cảm thông hơn. Nhờ vậy, cô đã hoàn thành chương trình tiến sĩ sau đúng 5 năm như kế hoạch đề ra, với thành quả nghiên cứu nhiều triển vọng.

“Mình là sinh viên Việt Nam đầu tiên trong phòng thí nghiệm của giáo sư hướng dẫn, nếu mình chùn bước thì vô hình trung tạo ấn tượng không tốt về các sinh viên Việt Nam sau này cho lab mình. Thêm nữa, bản thân mình cũng không phải là người dễ bỏ cuộc giữa chừng”, Dung kể.

Nữ tiến sĩ Việt dạy ở đại học Mỹ - Ảnh 3.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Dung bên chồng – tiến sĩ Thiều Quang Thành và con trai cô – Ảnh: NVCC

Vượt qua kỳ thị

Thời điểm Phương Dung về dạy ở Đại học bang Oklahoma vào tháng 8-2016, trường chưa có giáo sư người Việt, nên các đồng nghiệp người Mỹ cũng có thái độ dò xét với cô, dù trường cũng có vài chục sinh viên nghiên cứu sinh người Việt.

Ngay từ năm đầu tiên về trường, Dung đã xin được nguồn ngân sách tài trợ của bang và quỹ của liên bang trong 5 năm cho các dự án nghiên cứu của phòng thí nghiệm sinh học phân tử do cô phụ trách. Đây là điều không phải nhiều giáo sư làm được, bởi thế đã gây chú ý ít nhiều với các đồng nghiệp tại Đại học bang Oklahoma, và mở ra nhiều cơ hội hợp tác.

Với các khoản tài trợ đủ cho công tác nghiên cứu hết năm 2022, Phương Dung cùng chồng cô, phó giáo sư ngành khoa học máy tính Thiều Quang Thành (đã về công tác ở cùng trường Đại học bang Oklahoma vào tháng 8-2019), chủ động tìm kiếm và tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh người Việt phù hợp để tuyển vào làm nghiên cứu sinh tiến sĩ cho các đề tài nghiên cứu của họ.

Từng là những người mò mẫm, trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách để tìm kiếm cơ hội học tập, phát triển sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy tại Mỹ, họ muốn tạo cơ hội thuận lợi hơn cho các sinh viên Việt Nam có chuyên ngành phù hợp trong khả năng và điều kiện có thể.

Là người châu Á dạy học ở Mỹ, Dung cho rằng cô đang có được những thuận lợi nhất định chứ không phải bị kỳ thị như một số người nghĩ. Điều này xuất phát từ chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia lĩnh vực STEM (khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học) của chính quyền Mỹ, hay các chương trình ưu tiên phụ nữ làm nghiên cứu khoa học và ưu tiên các nhóm thiểu số.

Dung tập trung vào phát triển chuyên môn và phương pháp giảng dạy tích cực để thu hút sinh viên. Cô thậm chí còn thẳng thắn bày tỏ quan điểm ủng hộ tính đa dạng trong ngôn ngữ, cách phát âm tiếng Mỹ của người nước ngoài với các sinh viên của mình.

Nỗ lực và bản lĩnh của Dung đã đem lại trái ngọt. Thường trong học kỳ đầu, môn của cô chỉ có vài học sinh đăng ký, vì có những người “chỉ nhìn tên đã không thích”, nhưng học kỳ sau luôn tăng lên từ 60-80 người, mở thêm nhiều lớp mới dạy cả online và trên lớp.

Cuối mỗi học kỳ ở Mỹ, các trường đều yêu cầu sinh viên chia sẻ đánh giá của họ về môn học cũng như giáo sư giảng dạy. Nhiều giáo sư không thích đọc những lời đánh giá này. Nhưng cô phó giáo sư ngành sinh học phân tử người Sài Gòn đã nhận được rất nhiều lời khen tặng, biết ơn từ các sinh viên Mỹ.

Điều này thực sự còn là thành quả từ niềm đam mê giáo dục của Dung, lĩnh vực cô đã lựa chọn làm nghiên cứu sau tiến sĩ về phương pháp giảng dạy đại học.

Chia sẻ về giáo dục với cộng đồng

Tiến sĩ Phương Dung từ lâu đã nung nấu ý định sẽ làm một dự án để chia sẻ về giáo dục với cộng đồng ở Việt Nam. Cô lập trang Facebook có tên “Inspire Education – Vietnam” (nghĩa là “Tạo cảm hứng cho giáo dục Việt Nam”) để tạo cảm hứng cho phương pháp dạy chủ động và học tích cực, đồng thời tạo động lực cũng như vạch ra định hướng chiến lược cho các bạn trẻ trong việc học tập, phát triển sự nghiệp.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Dung đã chia sẻ và hướng dẫn các chiến lược dạy online hiệu quả, dựa trên kinh nghiệm dạy trực tuyến 2 năm của cô tại Đại học bang Oklahoma, và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều giáo viên trong nước trên các diễn đàn học thuật, giảng dạy.

Nhẹ lòng khi được bình đẳng giới

“Mình đã rất tự hào, hạnh phúc vì sau tất cả, có một ngày ông nội đã kêu mình đến bên, bảo rằng: “Tuy cháu là con gái, không phải cháu đích tôn, nhưng ông rất tự hào về cháu, vì không phải cháu trai nào cũng làm được như cháu”. Câu nói của ông nội khiến mình thấy nhẹ lòng rất nhiều và vẫn luôn là động lực để tiếp tục phấn đấu”.

Link nguồn: https://tuoitre.vn/nu-tien-si-viet-day-o-dai-hoc-my-2020072421344892.htm

Tags:
Cuộc sống 'nghẹt thở' của một công nhân mất việc

Cuộc sống 'nghẹt thở' của một công nhân mất việc

Cầm trên tay 3 triệu đồng tiền lương rồi nghỉ việc, Hà bật khóc từ công ty về tới nhà. Đó là khoản thu nhập cố định duy nhất để cô đưa con đi chữa ung thư máu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất