Cuộc sống sau 2 năm của người nghỉ hưu ở tuổi 30

Cùng 'về hưu' năm 2019, đến nay Minh Vũ ở Đồng Nai, Thành Trung ở Đà Nẵng vẫn thấy quyết định của mình là đúng, còn Kim Ngân ở TP HCM lại trở về với công việc.

20:00 19/07/2021

Những ngày Biên Hòa giãn cách, mỗi sáng anh Hoàng Minh Vũ chỉ ngồi câu cá sông thả về ao, bên cạnh là chiếc laptop. "Ngồi một chỗ cho phép tôi có một cái nhìn minh mẫn hơn với mọi thứ xung quanh", người đàn ông 37 tuổi nói.

Áp lực công việc khiến ngày càng nhiều người nghỉ hưu sớm
Anh Vũ câu cá sáng 15/7, với hành trang mang theo luôn có một balo sách bút và laptop. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vũ kể, hai tháng trước khi đang câu, Vũ dự đoán phôi gỗ cao su sẽ tăng 10-15% thời gian tới. Anh liền bốc máy gọi cho chủ một công ty gỗ - nơi anh là cổ đông - hai bên thống nhất đầu tư và chưa đầy một tháng sau, giá tăng lên 12%. Cũng trong lúc câu sáng 14/7, anh dự đoán với tình hình giãn cách TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương... các xưởng sẽ hết phôi, nên đã đầu tư một khoản để nhập một đợt phôi mới vượt quá nhu cầu sản xuất, nhằm cung ứng thêm cho các xưởng bên cạnh.

Và tuy chỉ ngồi một chỗ - nơi một bên là nhánh sông Đồng Nai, với một bên là mảnh vườn của mình, Vũ có thể nắm sự việc đang diễn ra ở nhiều nơi khác nhau, nhờ có khoảng 10 "vệ tinh" - những người cung cấp cho anh mọi thông tin về đất đai, xe cộ... rồi anh sẽ quyết định bỏ tiền đầu tư hay không.

"Với tôi, giờ đây được lời vài chục hay vài trăm triệu đồng cũng vui giống như câu được vài con cá, hay như sáng nay bất ngờ phát hiện ra ổ trứng vịt trong bụi cỏ ngoài vườn", Hoàng Minh Vũ chia sẻ về cuộc sống nghỉ hưu sớm hơn 2 năm qua.

Trước khi về hưu ở tuổi 30, Minh Vũ là nhân viên ngân hàng. Anh mua được nhà riêng trước tuổi 30, điện thoại đời mới nhất, lúc còn độc thân mà một mình sở hữu một xe hơi và hai xe máy đắt tiền. Nhưng bên trong anh có rất nhiều áp lực khác nhau. "Tôi không hề thích nhậu nhưng buộc phải nhậu với khách hàng 2-3 buổi mỗi tuần. Có lần sáng mai tỉnh dậy phát hiện xe bị gãy thắng, tay chân xước xát nhưng không thể nhớ nổi mình ngã ở đâu, bằng cách nào về tới nhà", anh kể.

Càng lên chức, anh càng có thêm nỗi bất an, nhiều đêm phải tự vấn mình "nên hay không nên". "Lớp đại học của tôi có 50 người làm trong ngành ngân hàng, 30 người làm công ty chứng khoán, nhưng hiện chỉ còn 3 người làm ngân hàng, 5 người làm chứng khoán, đủ thấy ngành này lên cao áp lực thế nào", Vũ tiết lộ.

Ông bố hai con này thấy mình may mắn hơn bạn bè ở chỗ từ ba năm trước lúc nghỉ hưu đã bén duyên với đầu tư bất động sản. Đối với anh, công việc này như "một cuộc dạo chơi". Một tháng đôi lần, anh chở vợ con "đi phượt" từ Đồng Nai lên Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk thăm thú, hợp duyên với miếng đất nào sẽ đầu tư.

Hai năm qua anh dành nhiều thời gian nhất để ra vườn cách nhà 2 cây số, cho gà ăn, câu cá và chơi với các con. Anh cũng học thêm được nhiều kiến thức mới. Vợ anh là một nhân viên văn phòng cũng muốn nghỉ việc để theo đuổi sở thích nấu ăn. Thấy vợ còn đắn đo, Vũ động viên: "Đời chỉ sống một lần. Hãy bước qua vùng an toàn để làm điều mình thích".

Theo Vũ, định nghĩa nghỉ hưu sớm vẫn đang gây tranh cãi với hai luồng ý kiến đối lập rõ rệt nhưng thực tế cho thấy trào lưu này đang ngày càng rộng lớn hơn và theo hướng cá nhân hóa. Một người có thể nghỉ hưu khi về già hay không còn khả năng lao động, và cũng có thể nghỉ hưu bằng cách giảm giờ làm việc, giảm khối lượng công việc, hay bắt đầu một sở trường hoặc kinh doanh theo đam mê.

Trào lưu nghỉ hưu sớm (tên là FIRE, viết tắt của Financial Independence, Retire Early - Tự chủ tài chính, Nghỉ hưu sớm), bắt nguồn từ cuốn sách bán chạy nhất Mỹ năm 1992 Tiền của bạn hay cuộc sống của bạn của tác giả Vicki Robin và Joe Dominguez, trong đó kêu gọi người đọc suy nghĩ lại về mối quan hệ của bản thân với công việc và tiền bạc, cho rằng chi tiêu ít hơn để làm việc ít hơn sẽ giúp duy trì "năng lượng sống" của một người. Xuất phát từ Mỹ và các nước châu Âu, hiện trào lưu này đang lan ra các nước châu Á.

Tại Việt Nam, có không ít hội nhóm trên mạng, nơi mọi người chia sẻ với nhau kiến thức và các kế hoạch tài chính, dùng tiền. Những lời khuyên hướng đến có thể nghỉ hưu sớm hoặc không nhưng nên sớm tự chủ về tài chính.

Trong cuốn sách nổi tiếng thế giới về nghỉ hưu sớm "Work less, Live more" (Làm ít đi, sống nhiều hơn), tác giả Bob Clyatt (Mỹ) đưa ra khái niệm ‘nửa nghỉ hưu’, sát với thực tế hơn: "Với mức thu nhập từ các công việc bạn đã làm trong quá khứ, việc sớm nghỉ hưu một nửa sẽ không phải đối mặt với những lúc thiếu hụt trong chi tiêu, tránh cuộc sống chỉ biết dựa vào những khoản tiết kiệm và lương hưu. Nửa nghỉ hưu gắn với một số công việc, thậm chí cả những việc không công, giúp bạn lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, nỗ lực và mạnh mẽ".

Đối với Nguyễn Thành Trung (Đà Nẵng), nghỉ hưu sớm là để "bình thường hóa" cuộc sống trước khi quá muộn. Hàng loạt chuyện buồn và vấn đề sức khỏe buộc chàng trai đi đến quyết định này vào năm 31 tuổi.

Trung tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học năm 2013, sau đó rời TP HCM về quê làm việc để đỡ đần mẹ, nuôi dạy ba đứa em. Bố Trung và một em trai anh đã mất vài năm trước. Từ lúc đó, Trung lao vào làm hàng chục các công việc khác nhau, từ công nhân cơ khí, bán cà phê, bu lông ốc vít, chủ một quán cà phê, sửa chữa và lắp ráp vi tính, thiết kế và lập trình web, thậm chí làm xe ôm công nghệ hay bán đồ điện tử trên trang thương mại...

Năm 29 tuổi Trung đạt được mục tiêu xây nhà riêng. Lúc đó anh đang là quản lý giám sát hai công ty sơn và một công ty thực phẩm. Sáng 7h phải lên công ty này chấm công, đến 7h30' phải qua công ty kia chấm công, còn công ty thực phẩm không cần lên thường xuyên mà phải gửi báo cáo qua email. "Có khi 9h30' anh em gọi đi cà phê, nhưng mình đã chạy xe ra Huế lo việc cho công ty thực phẩm. Ngày đó mình như ba đầu sáu tay, rất cực nhọc, nhất là khi công việc trục trặc", Trung nói.

Một ngày năm 2019, Trung nhận tin người sếp của mình đột tử. Cả sếp lẫn Trung đã hy sinh cho công việc quá nhiều và sức khỏe sa sút. Cùng thời điểm, mối tình 10 năm tan vỡ khiến mọi sự cố gắng của chàng trai đều trở nên vô nghĩa. Cậu hoàn toàn gục ngã.

Lúc đó, Trung nhớ đến lời Phật dạy: "Khi bạn vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi bạn đau khổ, hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn". Chàng trai quyết định buông bỏ mọi thứ tình cảm, công việc, các mối quan hệ bạn bè... và thay đổi mục tiêu của cuộc đời. Từ cật lực làm việc để kiếm tiền, thậm chí làm nhiều công ty để kiếm được nhiều tiền, chuyển dần mục tiêu sang hướng "Biết đủ ắt sẽ hạnh phúc".

"Việc nghỉ hưu sớm ở lứa tuổi còn rất trẻ như mình sẽ khiến nhiều người không đồng tình. Họ nói cũng không sai, chỉ là với mình không đúng. Ai cũng có quyền được lựa chọn cuộc sống. Nghỉ hưu đúng nghĩa với riêng mình chính là 'không còn bận tâm vào việc kiếm tiền', có nhiều thời gian rảnh để tận hưởng cuộc sống an bình theo cách mà mình đã lựa chọn", anh giãi bày.

Áp lực công việc khiến ngày càng nhiều người nghỉ hưu sớm - 1
Thành Trung cho biết bí quyết duy trì cuộc sống nghỉ hưu là tiết kiệm. Mức chi tiêu của anh giảm 90% so với trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiện tại một ngày của Trung bắt đầu bằng việc ngồi thiền, chăm cây cảnh, vườn rau và dành vài tiếng làm việc online trong mảng CNTT để có thu nhập. Với Trung đây không hẳn là công việc, mà còn là đam mê, bởi vì quá mê mà anh đã tự học và được trọng dụng trong ngành. Mỗi chiều Trung vẫn đá bóng cùng đàn em cấp 2, cấp 3, thậm chí đi cắm trại cùng họ.

Mặc dù chỉ làm việc khoảng 15 giờ mỗi tuần, Trung cho biết cuộc sống của anh vẫn thoải mái. Mức chi tiêu tối giản tới 90% so với trước khi nghỉ hưu. Vì mẹ còn công tác nên chỉ thi thoảng anh mới cần hỗ trợ em út ăn học, còn hai em khác đã lập gia đình.

Cũng bắt đầu nghỉ hưu năm 2019, Phùng Kim Ngân ở TP HCM, dành hoàn toàn 2 năm qua cho bản thân. Lịch trình của cô khá đơn giản: Đi ngủ lúc 20h và thức dậy 2h45 sáng. Cô ngồi thiền tại nhà, sau đó đi thể dục ngoài công viên. Từ 7-8h sáng cô nấu ăn hoặc ăn ngoài, sau đó dành một tiếng cho yoga. Sau bữa cơm trưa cô chỉ nghe nhạc, đọc sách, chăm cây và dọn nhà.

Trước lúc thôi việc, Ngân là trợ lý giám đốc cho một nhà máy sản xuất của tập đoàn nội thất dòng vintage và luxury của châu Âu. Công việc khá bận rộn vì kiêm nhiệm nhiều vị trí từ sản xuất, phát triển sản phẩm, đào tạo, dịch vụ khách hàng, gia công, quản lý nhà xưởng... Cường độ làm việc cao nhưng với sức trẻ nên Ngân vẫn thấy hứng thú.

"Bỗng một ngày mình có suy nghĩ muốn sống một cuộc sống không có chút áp lực nào về giờ giấc, deadline, không hội họp, không phụ thuộc smartphone, thế là mình nghỉ", cô gái 33 tuổi, chia sẻ. Vì có tiết kiệm và các kênh đầu tư, nên cô không bận tâm đến chi phí cho cuộc sống, khi không đi làm.

Sau hai năm nghỉ ngơi và chiêm nghiệm, Ngân cho biết đã "giải quyết xong các vấn đề về nội tại bản thân", từ đây nhìn thấy rõ hơn con đường thong dong mà đi. "Muốn yêu thương và cho đi yêu thương thì mình phải là kẻ mạnh. Đầu tiên là hạnh phúc tự thân, nuôi dung lượng trái tim lớn để cho đi yêu thương và cũng không thể chỉ cho bằng lời nói mà hành động và vật chất là điều thiết thực", cô nói.

Chính vì thế hai tháng trước, Ngân đã quay trở lại công việc. Một tuần nay cô gái tham gia cùng bạn bè cứu trợ thực phẩm cho người dân Sài Gòn.

* Tên một số nhân vật đã thay đổi

Tags:
Nghiên cứu của Đại học Harvard: 4 thói quen tưởng vô hại, làm giảm tuổi thọ nam giới

Nghiên cứu của Đại học Harvard: 4 thói quen tưởng vô hại, làm giảm tuổi thọ nam giới

Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, tuổi thọ đàn ông có thể bị rút ngắn vì những thói quen phổ biến như ăn uống thất thường, ít vận động hay tâm lý căng thẳng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất