Cuộc sống 'sau bão' của những trẻ mồ côi vì Covid-19
Nửa tháng qua, cậu bé 10 tuổi Trường chọn xem những bộ phim từng xem cùng ba mẹ trước khi Covid-19 ập đến, để nguôi ngoai nỗi nhớ.
02:00 25/09/2021
"Cháu cố gắng làm những gì ba mẹ và cháu từng làm trước đây, nhưng cảm giác chẳng như xưa nữa", Trần Khoa Đăng Trường nói. Ngôi nhà trên đường An Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân giờ chỉ còn lại em cùng chị gái 18 tuổi. "Cơn bão" Covid-19 đã cướp đi cả ba và mẹ từ cuối tháng 7.
Thời điểm đó, cả gia đình 4 người của Đăng Trường đều là F0. Ba em trở nặng trước, được chuyển đến điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Mấy mẹ con sau đó cũng được chuyển vào nằm cạnh nhau trong bệnh viện dã chiến ở Hóc Môn. Sau gần một tuần phải thở oxy, mẹ qua đời. "Lúc đấy cháu cứ ngỡ mẹ nằm ngủ", Trường nhớ lại.
Khi mẹ mất, Trường cầm điện thoại gọi vào số ba liên hồi, nhưng chỉ nghe tiếng tút tút. Nửa tháng sau, hai chị em mới biết ba mất mẹ một ngày.
Trở về từ bệnh viện, hai chị em đóng chặt cửa, ít tiếp xúc với hàng xóm. Cú sốc quá lớn khiến Trường thường đi ra đi vào, nói những câu không đầu không cuối trước bàn thờ. Thỉnh thoảng, cậu bé lại ngồi ôm balo của mẹ, áo khoác của ba hít hà.
Chỉ trong nửa tháng, cuộc sống của một gia đình bỗng chốc đảo lộn hoàn toàn khi những trụ cột bất ngờ bị dịch bệnh cướp mất. Trần Thị Ngọc Tuyền, chị gái Trường, giờ thế vai của cả ba và mẹ để chăm sóc và làm chỗ dựa tinh thần cho cậu em nhỏ. "Vì em trai, em phải mạnh mẽ", Tuyền nói. Cô gái vừa bước sang tuổi 18 được mấy ngày không dám khóc vì "nếu em khóc, bé Trường cũng sẽ khóc theo".
Ban ngày, Tuyền nấu ăn, dạy em học. Đêm xuống, em vào giường xoa lưng và ru cho cậu em trai ngủ giống như mẹ thường làm, hy vọng Trường bớt sợ hãi. Cậu em hồi đầu không chịu chị kèm học, nhưng mãi rồi quen, giờ cuối buổi lại tự động đưa bài tập cho chị kiểm tra.
Theo một nghiên cứu về tác động thứ phát của Covid-19 được công bố tháng 7/2021 trên tạp chí y khoa The Lancet, đại dịch "đã làm thay đổi đột ngột và vĩnh viễn cuộc sống của những trẻ mồ côi. Chúng sẽ trưởng thành với sự mất mát sâu sắc bởi những điều đã trải qua".
Bà Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục (PPRAC), cho rằng trẻ đột ngột mất người thân sẽ gặp những vấn đề tâm lý tiêu cực như buồn bã, tuyệt vọng, khó chịu hay tê liệt, kéo dài từ 2-4 tuần, một số khác có thể chịu tác động lâu dài hơn.
Tê liệt vì nỗi đau mồ côi là trạng thái của cô bé Nguyễn Thị Mai Khanh, 14 tuổi, ở khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Covid-19 đã cướp đi cả bố, mẹ và ông bà ngoại của Khanh. Vốn ít nói, từ ngày sống một mình trong căn nhà lợp tôn rộng hơn 20 m2, cô bé càng trở nên lầm lì.
"Khi bố mất, cháu đã nghĩ, ít nhất thì mẹ vẫn còn ở đó. Nhưng rồi mẹ cũng đi luôn. Lúc mất mẹ, cháu nghĩ còn ông bà ngoại. Ít lâu sau ông bà cũng không qua khỏi", Khanh kể.
Hơn một tháng nay, ngày nào anh Nguyễn Thanh Hùng, cậu ruột của Mai Khanh cũng mang cơm sang nhà cho cháu. "Giục sang nhà tôi ăn mà nó không chịu. Cứ muốn ăn trước bàn thờ bố mẹ cho đỡ tủi thân", người cậu kể. Không ít lần, anh Hùng cảm thấy nhói lòng khi nghe tiếng cháu gái thức dậy lúc nửa đêm la hét tìm ba mẹ. Cô bé 14 tuổi thỉnh thoảng cầm điện thoại, gọi vào số của bố hoặc mẹ để trò chuyện, như thể họ đang ở đầu dây bên kia.
Theo chuyên gia tâm lý Linh Nga, ở giai đoạn vị thành niên như Trường, Khanh, bình thường trẻ đã có nhiều thay đổi về tâm lý, giờ thiếu hụt tình cảm, sự định hướng từ bố mẹ thì "khó khăn chồng chất".
"Giai đoạn này, trẻ rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ xã hội. Nếu có người thân hoặc bạn bè ở bên chia sẻ, trò chuyện, trẻ sẽ vượt qua nỗi đau, chấp nhận thực tại tích cực hơn", bà Nga nói.
Với Mai Khanh, điều khó nhất là thay đổi thói quen hàng ngày. "Không làm gì khác được thì phải chấp nhận số phận", Khanh thường nghe người cậu khuyên như vậy.
Cô bé nội tâm ít nói, sau khi bố mẹ mất, đã chủ động hơn trước, học cách giặt quần áo, nấu nướng, trò chuyện với mọi người nhờ sự giúp đỡ từ cậu. Khanh cũng cẩn thận trong việc đeo khẩu trang và rửa tay. Em kể, nhiều đêm đối mặt với bóng tối trong căn nhà trống hoác, Khanh thường sợ hãi nằm khóc. Nhưng giờ cô bé ít rơi nước mắt hơn, miệng thường lẩm nhẩm vài bài hát quen thuộc, cho đến khi chìm vào giấc ngủ.
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM ngày 14/9, thành phố có khoảng 1.500 học sinh mồ côi cha, mẹ do Covid-19, nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Chị em Ngọc Tuyền, Đăng Trường, bé Mai Khanh cùng với những trẻ mồ côi khác đã không bị bỏ lại phía sau. Đầu tháng 9, các quận, huyện và TP Thủ Đức vận động để giúp đỡ cho trẻ mồ côi vì Covid-19 với mức hỗ trợ 3-5 triệu đồng, nhu yếu phẩm. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 8/9 cũng quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng cho những em có cha, mẹ là F0 đã qua đời.
"Giờ hai chị em đang sống dựa vào sự cưu mang của mọi người và 5 triệu đồng mẹ em để lại", Ngọc Tuyền nói. Hội phụ nữ, bà con lối xóm cũng hỗ trợ lương thực thường xuyên. Trước kia vì gia đình khó khăn, Tuyền nghỉ học sớm, nhường cơ hội học tập cho em trai. Giờ Tuyền chỉ mong hết dịch, sớm học nghề làm tóc, tự kiếm tiền lo cuộc sống.
Còn ước mơ lớn nhất của Trường là thi vào trường y sau khi tốt nghiệp lớp 12. "Cháu mơ ước trở thành bác sĩ, cháu muốn hoàn thành ước mơ đó để bố mẹ có thể tự hào về cháu", cậu bé 10 tuổi nói.
Hơn một tháng qua, Khanh cũng nhận được nhiều lời thăm hỏi từ chính quyền, họ hàng, làng xóm. Cô bé cảm nhận mình vẫn được bao bọc bởi tình yêu thương.
Bà Lê Thị Cẩm Liên, Chủ tịch hội phụ nữ thị trấn Tân Túc cho biết địa phương đã có kế hoạch hỗ trợ Khanh sau khi dịch kết thúc. Hội sẽ tìm một trường nghề phù hợp với khả năng để gửi cô bé vào học, có việc làm ổn định.
Khanh từ lâu đã nói với bố mẹ muốn học trang điểm cô dâu và được nói đợi lớn thêm vài tuổi. Giờ cô bé muốn tự lo cho cuộc sống của mình.
"Cháu ước bố mẹ nhìn thấy cháu lúc này", Khanh nói khi hiện tích cực học nấu ăn và chịu khó dọn dẹp nhà cửa, việc trước đây ít khi đụng tay tới. "Bố mẹ chắc rất vui vì biết cháu đã tiến bộ".
Hải Hiền
Cuộc đua bay thẳng Việt - Mỹ bao giờ về đích?
Những ngày qua, "cuộc đua" mở đường bay thẳng đến Mỹ của hàng không Việt Nam nóng trở lại.