Cuộc sống ở Mỹ: Việc đi làm hãng ở Mỹ ra sao?
Tôi muốn chia sẻ thật tình việc đi làm ở hãng xưởng Mỹ để các bạn có thể dễ hình dung nó là như thế nào. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng trải nghiệm mà tôi chia sẻ chắc sẽ đáng để các bạn tham khảo.
00:03 04/05/2023
Khi có hồ sơ đi Mỹ định cư, ai cũng vui mừng. Nhưng khi định cư sang xứ người, việc trước tiên bạn cần làm là phải cố hội nhập với cuộc sống mới, tạm gọi là cuộc sống Mỹ.
Sau khi đã có đủ các giấy tờ cần thiết như số an sinh xã hội (SSN), bằng lái xe (ID), bạn phải tìm một công việc để làm, trước là để kiếm tiền trang trãi cuộc sống, sau đó hãy tiếp tục đeo đuổi ước mơ bằng việc đi học lại, mọi chuyện sẽ suôn sẻ ít nhất là sau 2 đến 3 năm.
Tôi muốn chia sẻ thật tình việc đi làm ở hãng xưởng Mỹ để các bạn có thể dễ hình dung nó là như thế nào. Đây chỉ là một thì dụ trong rất nhiều thí dụ khác của chính bản thân tôi, thông tin có thể hoàn toàn không đúng 100%, vì hoàn cảnh mỗi người cụ thể sẽ khác nhau lắm, tuỳ tiểu bang, tuỳ công việc và tuỳ sức khoẻ và xuất phát điểm của mỗi người mỗi khác, nhưng nó đáng để anh chị em cô bác tham khảo.
Các bạn hay nghe anh em bên đây về nói “Tôi làm ở hãng”. Thì làm ở hãng là như thế nào?
Thời gian đầu của tôi rất vất vả, khó kiếm công việc quá. Thứ nhất là vì bản thân thiếu kinh nghiệm quá, thứ hai vì tôi thiếu phương tiện đi lại, cái thứ ba nữa là vì những người trong gia đình mình họ không làm tới những việc liên quan đến hãng xưởng.
Mới đầu tôi nghe công việc hãng xưởng nghe thấy to lắm, nhưng thực chất nó giống như những khu công nghiệp ở Việt Nam vậy.
Tôi nhớ hãng đầu tiên tôi làm bên Mỹ đó là hãng rau củ quả. Hồi đó, tôi phải đứng suốt 10 tiếng đồng hồ, không được nghỉ phút nào, tay cứ cầm dưa đút vào lọ, cứ thế thôi. Đứng nguyên một buổi như vậy, tôi mệt quá, mệt đến mức máu còn tụ lại trên khắp đầu ngón tay. Chưa kể mùi dưa dấm còn bám đầy người, khó ngửi lắm. Sau hôm đấy, tôi quyết không làm nữa.
Hãng thứ hai tôi làm là một hãng bánh. Ở đây cũng tương tự như hãng đầu tôi làm, một bên là phô mai, một bên là thịt hun khói, cứ thế đắp vào thành chiếc sandwich, máy chạy theo quy trình.
Khổ nhất khi làm hãng này là không được giải quyết nhu cầu cá nhân, vì sản phẩm chạy theo dây chuyền mà, lỡ một cái là mình bị mắng bị phạt ngay. Ở đây tôi làm được hai ngày.
Hồi đó, bản thân tôi nản lắm, nhưng cố nhắc bản thân phải kiên trì, kiên trì để tồn tại. Khi mới qua Mỹ, chúng ta phải tồn tại trước đã, ít nhất là từ 1 đến 2 năm, lấy tiền trang trải cuộc sống, để làm quen với nếp sống mới.
Sau đấy may hơn, tôi được làm trong một hãng CD, một hãng in. Mới đầu cũng chỉ được làm công việc tay chân thôi, nhưng về sau quen dần được mọi người đề đạt, tôi bắt đầu được làm việc sử dụng một chút trí óc, và quan trọng hơn, là đúng với khả năng, đúng với công việc của mình hồi ở Việt Nam.
Sau nhiều năm vật lộn với cuộc sống Mỹ, giờ đây tôi khá hài lòng với cuộc sống của mình.
Tôi đưa ra những trải nghiệm của bản thân, cốt để muốn chia sẻ với các bạn. Khi sang Mỹ, các bạn không nên chịu đựng, cảm thấy không phù hợp thì kiếm công việc khác luôn, đến khi nào tìm thấy công việc yêu thích của mình thì thôi. Đây là xứ tự do mà, đừng ép bản thân mình quá. Quan trọng là phải kiên trì, đừng mau nản.
Ở Mỹ, muốn gì thì muốn, chúng ta phải hội nhập, phải tồn tại trước đã. Sau đó, mình muốn phát triển như nào mình sẽ tính dần sau.
Các bạn thấy đấy, phải mất 3 năm, bây giờ tôi mới thật sự bắt đầu từng bước tiếp tục đeo đuổi ước mơ sau khi đã cố hoà nhập cuộc sống Mỹ.
Khối tài sản kếch cù của 'ca sĩ Việt giàu nhất thế giới'
Chồng ca sĩ Hà Phương là tỷ phú người Mỹ gốc Việt Chính Chu, sở hữu khối tài sản lên đến 1,5 tỷ đôla (khoảng 35.000 tỷ đồng).