Cuộc sống trong 'nhà tù mạ vàng' của những cô gái lấy chồng giàu
Dù có chồng là đại gia, họ không trả nổi một bữa tối, thậm chí một tách cà phê, và mỗi tháng phải ngửa tay xin tiền tiêu vặt.
23:30 25/10/2019
Sống trong khu biệt thự xa hoa có sân tennis, bể bơi, phòng thay đồ rộng bằng cả một căn hộ với đủ các món đồ hiệu Armani, Versace... Melissa Brockman khiến hầu hết người xung quanh phải ghen tỵ.
Nhưng chỉ những người bạn thân thết của cô mới biết rằng biệt thự vùng ngoại ô London (Anh) - nơi nhà Brockman đang sống - thực chất chẳng khác gì một “nhà tù mạ vàng”.
Dù chồng sở hữu khối tài sản khổng lồ, theo lời kể của bạn bè Brockman, cô không có tiền để trả một bữa tối, thậm chí một tách cà phê, và mỗi tháng chỉ được trợ cấp vài bảng Anh sinh hoạt phí.
Câu chuyện của Brockman nghe có vẻ cực đoan, cá biệt nhưng theo nhiều luật sư, vấn đề tài chính trong hôn nhân của người giàu, người nổi tiếng vốn rắc rối hơn những gì số đông vẫn nghĩ.
Luật sư Ayesha Vardag, người đã giúp Brockman giành được một phần tài sản sau khi ly hôn chồng đại gia, cho biết: “Có một quan niệm sai lầm rằng khúc mắc, mâu thuẫn kinh tế chỉ xảy ra ở những gia đình eo hẹp tiền bạc và nếu kết hôn với một người đàn ông giàu có, bạn sẽ chẳng phải lo gì cả.
Tuy nhiên, thật đáng buồn, tôi đã thấy quá nhiều trường hợp như gia đình Brockman. Trong đó một bên - thường là vợ - sống trong sự hào nhoáng bên ngoài, nhưng lại không có tiền để mua ngay cả những thứ nhỏ nhặt nhất”.
Vấn đề tiền nong trong hôn nhân chưa bao giờ đơn giản với cả người nghèo lẫn người giàu. Ảnh: Pinterest.
Ngửa tay xin chồng tiền tiêu vặt
Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức từ thiện Phụ nữ, 71% những người từng bị bạn đời bạo hành, lạm dụng cho biết bị quản thúc tài chính sau đó. Một khảo sát với 4.000 người vào năm 2015 cũng cho thấy 1/5 từng trải qua điều này trong mối quan hệ hiện tại hoặc trước đó.
Nhiều ý kiến cho rằng những người dễ bị bạn đời chi phối là do họ không có tiền, sống phụ thuộc ngay từ đầu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người vợ ban đầu có khả năng kiếm tiền nhưng vẫn kết thúc cuộc hôn nhân trong vai trò nạn nhân, theo luật sư Vardag.
Vị luật sư này từng giúp đỡ khách hàng Emily (nhân vật từ chối tiết lộ tên thật). Khi mới kết hôn, cô gái này đã nghe lời chồng từ bỏ công việc cố vấn tài chính cao cấp trong một tập đoàn để có thể chăm sóc con cái tốt hơn.
Tuy nhiên, mối quan hệ của cặp vợ chồng này ngày càng căng thẳng khi họ bất đồng trong việc giáo dục các con, cũng như thời gian người chồng dành cho công việc.
71% những người từng bị bạn đời bạo hành, lạm dụng cho biết bị quản thúc tài chính sau đó. Ảnh: Fotolia.
Và rồi một ngày nọ, Emily được nhân viên cửa hàng tạp hóa, nơi cô mua thức ăn mỗi ngày, thông báo thẻ tín dụng của cô bị từ chối. Emily gọi điện cho chồng và anh ta nói rằng đó là kết quả của việc cô không chịu nghe lời.
Kể từ đó, chồng Emily yêu cầu vợ hỏi xin anh ta nếu cần tiền mặt.
Bà Vanessa Lloyd Platt, đại diện công ty luật nơi có khách hàng phần lớn là phụ nữ ly dị các doanh nhân giàu có, người nổi tiếng, nghị sĩ và thậm chí là thẩm phán, đã quá quen với những ràng buộc tài chính trong các cuộc hôn nhân.
“Có trường hợp người vợ phải gọi điện thoại cho thư ký của chồng và nói: 'Tôi sẽ ra ngoài nhưng không có tiền, cô có thể chuyển tiền vào thẻ giúp tôi không?'. Sau đó, thư ký sẽ chất vấn và yêu cầu họ cung cấp biên lai để chứng minh khoản chi.
Những người vợ này chỉ nhận được tiền từ ông chồng nếu mặc bộ váy, dùng loại nước hoa, đi chiếc xe mà người bạn đời giàu có của họ thích. Nói chung, họ không có tự do”, bà Platt nói.
“Cô ta xinh đẹp hay có tài cán gì?”
Theo luật sư Ayesha Vardag, nhiều người giàu có xu hướng muốn mình ở “kèo trên” trong các mối quan hệ tình cảm và muốn kiểm soát tối đa bạn đời.
Sự kiểm soát này cũng không chỉ dừng lại ở vấn đề tiền bạc.
“Không khác gì nhà tù”, Davina (nhân vật từ chối tiết lộ tên thật) tóm gọn cuộc hôn nhân với người chồng tài phiệt đã đổ vỡ cách đây vài năm.
Sau khi kết hôn, theo đề nghị của nhà chồng, Davina bỏ việc để dành toàn thời gian chăm sóc bố mẹ chồng và các con. Theo chồng cô, điều này là vì “lợi ích lâu dài của cả hai”.
Tuy nhiên, ban đầu là tài chính, tiếp đến là hàng loạt vấn đề khác, kể cả chuyện cá nhân, cô cảm thấy mình dần mất tiếng nói. Cuối cùng, ngay cả việc đi đâu, với ai, làm gì mỗi ngày, cô cũng phải báo cáo cho chồng biết.
Những cuộc hôn nhân không "môn đăng hộ đối" vẫn luôn thu hút ánh nhìn soi mói của người đời. Ảnh: New York Times.
Vào thời điểm bà Platt tiếp xúc với Davina, như nhiều khách hàng khác tìm đến công ty luật này, cô mắc chứng rối loạn ăn uống, trầm cảm nặng, thậm chí từng cố làm hại chính mình.
Nhiều khách hàng nói với bà Platt bên cạnh những áp lực từ chồng, gia đình hai bên, họ còn mệt mỏi vì sự soi mói của người ngoài.
“Kết hôn với một người giàu có đồng nghĩa bạn phải xinh đẹp hoặc có một khả năng đặc biệt. Những người xung quanh sẽ không ngừng thắc mắc: 'Cô ta xinh đẹp hay có tài cán gì?'.
Nếu không có những điều này, bạn bị xem là không xứng đáng, tham lam, kết hôn vì tiền. Đó là suy nghĩ cố hữu trong xã hội luôn tập trung chú ý vào sự khác biệt”, bà Platt nói.
Về phía những người phụ nữ như Davina và Emily, họ nói bản thân hoàn toàn vô tư khi bước vào hôn nhân và phủ nhận việc mình lấy chồng vì tiền.
Tuy nhiên, sau đổ vỡ, giờ đây họ thận trọng hơn, đặc biệt với những người đàn ông giàu có. Chẳng ai muốn bước vào nhà tù nhưng lại mang tiếng kẻ đào mỏ một lần nữa.
Ngồi ở vị trí áp lực bậc nhất thế giới nên các Tổng thống Mỹ được hưởng nhiều đặc quyền có 1-0-2: Lương 400.000 USD chưa phải là điều hấp dẫn nhất!
Là người nắm trong tay quyền lực của đất nước, dĩ nhiên Tổng thống Mỹ sẽ được hưởng những đặc quyền thú vị không phải ai cũng có.