Cuộc sống trong những ngõ siêu nhỏ, không ánh sáng

Mỗi lần đọc tin hỏa hoạn, bà Yến lại nhìn vào con ngõ sâu hun hút không ánh sáng, nơi mình đang ở và biết nếu cháy cũng khó chạy thoát.

17:07 15/06/2024

Con ngõ nhỏ trên phố Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm là nơi cư ngụ hơn 40 năm của bà Nguyễn Thị Yến, 66 tuổi.

Từ đường chính, bà Yến phải đi vào ngõ rộng gần một mét, rẽ trái hai lần, tiếp tục leo cầu thang và qua một xưởng sản xuất mới đến được nhà. Căn nhà rộng 9 m2, đã cơi nới thêm hai tầng hiện là nơi sinh sống của 7 thành viên.

So với các khu nhà trong phố cổ lát sàn gỗ nay đã mục nát, xuống cấp, bà Yến nói nơi ở được tu sửa, xây dựng bằng bê tông chắc chắn. Nhưng nỗi lo hỏa hoạn luôn tiềm ẩn bởi các hộ xung quanh từng có cháy, may mắn phát hiện kịp nên không thiệt hại về người.

Để phòng rủi ro, bà Yến trang bị bình cứu hỏa tại các phòng, tầng trên cùng cũng mở lối thoát hiểm, chuẩn bị sẵn thang dây. Trong tình huống khẩn cấp 7 người sẽ phá rào, trèo từ tầng 4 xuống.

"Nếu không phát hiện kịp, khói độc lan nhanh chắc là khó thoát thân bởi ngõ sâu gần 100 m, là nơi sống của gần 20 hộ", bà nói.

"Nhưng so với trước những năm 90 đời sống của chúng tôi khá hơn nhiều", người phụ nữ 66 tuổi nói. Bà kể năm 1992 khi bố chồng mất không thể đưa quan tài xuống tầng một bằng cầu thang bởi hẹp, buộc phải thả ròng rọc qua cửa sổ tầng hai. Ngõ nhỏ cũng buộc những người làm dịch vụ tang lễ phải đặt quan tài lên đầu và lưng, cúi khom người nhích từng bước.

Từng nhiều lần muốn chuyển nhà nhưng nguồn thu nhập duy nhất của gia đình bà là bán hàng đầu ngõ nên bà Yến vẫn trì hoãn.

Là hàng xóm của bà Yến, chị Nguyễn Thị Phượng cùng chồng, con gái và cháu sống dưới tầng một, cửa nhà sát con ngõ chỉ vừa một xe máy lách qua.

Trong căn nhà rộng 9 m2, vợ chồng bà Phượng tạo thêm gác lửng làm chỗ ngủ. Khoảng trống dưới nhà họ tận dụng làm phòng khách, bếp ăn và nơi chứa đồ. Nhà vệ sinh, chỗ tắm giặt buộc phải chung với bốn hộ khác ở cuối ngõ.

Nhà hẹp lại sống ở tầng một nên nhiều bất tiện. Người phụ nữ 58 tuổi kể nhiều lần bị nước tràn vào nhà sau mỗi đợt mưa lớn, dù đã làm bậc chắn cao hơn 20 cm.

Ở ngõ sâu cũng khiến sóng điện thoại chập chờn, muốn gọi điện phải chạy ra đường. Tường lại sát vách chỉ cần hàng xóm to tiếng, tầng trên rơi đồ hay tiếng bước chân lúc nửa đêm cũng khiến bà giật mình, mất ngủ nhiều năm.

"Mùa nồm đã khổ đến ngày hè oi nóng muốn lắp điều hòa phải xin hàng xóm cho đặt cục nóng ra mặt ngõ, nhưng mỗi đêm chỉ dám bật hai, ba tiếng vì sợ ồn và nhiệt từ cục nóng phả vào người đi đường gây khó chịu", bà Phượng kể.

Cách nhà bà Phượng hai hộ, anh Phạm Mạnh Kiên, 45 tuổi và vợ đang chuẩn bị nguyên liệu cho gánh bún ngan bán tối. Căn nhà 7 m2 là nơi sinh sống của ba thế hệ gia đình anh. Tầng một được hai vợ chồng tận dụng làm khu chế biến thực phẩm, đặt tủ lạnh, máy giặt. Tầng lửng họ cải tạo làm phòng ngủ, nơi học tập cho các con và chỗ ăn uống của cả gia đình.

Nhiều năm sống không ánh sáng, chật chội và bí bách, điều mong muốn duy nhất của anh Kiên là được chuyển đi. Nhưng đi đâu, chuyển đến chỗ nào người đàn ông này nói chỉ trông chờ vào nhà nước bởi gia đình không đủ tài chính để tự mua nhà.

Phố Hàng Chiếu cũng là nơi sống của gia đình bà Đào Thị Tuyết. Người phụ nữ 55 tuổi kể bà và chồng ở tầng một, con cháu sống ở tầng hai, tầng ba của căn nhà cũ rộng 9 m2, muốn lên nhà phải trèo lên cầu thang gỗ tự chế, dựng bên ngoài lối đi chung. Riêng khu bếp bà tận dụng khoảng trống rộng chưa đến nửa mét vuông đối diện nhà.

Nhà nhỏ, chỉ đủ kê một chiếc tủ chồng chất nhiều đồ, người trải chiếu nằm dưới sàn, sát ngõ nhưng bà Tuyết nói đã quen bởi bốn đời sống tại đây.

"Dù ở ngõ sâu nhưng lại gần phố, thuận tiện cho việc bán trà đá - nghề mưu sinh nuôi sống cả gia đình nên bảo chuyển cũng khó", bà Tuyết nói.

Cách Hàng Chiếu ba dãy phố, trong con ngõ sâu hơn 100 m trên phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm là nơi sống của bà Nguyễn Thị Kê. Để vào được nhà người phụ nữ 67 tuổi phải lách qua con ngõ nằm khuất sau cửa hàng bán quần áo trên vỉa hè chỉ vừa một xe máy. Qua hai lần rẽ trái, qua con ngõ tối, bà Kê nói nơi ở nằm bên phải, nơi duy nhất có ánh sáng từ giếng trời chiếu vào.

Căn nhà rộng 15 m2 trước đây từng là nơi sinh sống của ba thế hệ, nhưng nay chỉ còn vợ chồng bà Kê và con gái út. Khoảng sân trước cửa nhà được thiết kế làm giếng trời, xây bể nước chung cho 11 hộ. Nay các gia đình đều xây nhà vệ sinh riêng nên khu vực này được bà Kê tận dụng làm nơi nấu bếp, để xe.

"Các hộ dân ở tầng trên làm nhà vệ sinh khép kín nhưng đường nước thải đổ thẳng xuống cống khiến nhà tôi quanh năm có mùi hôi thối. Mỗi lần mưa lớn, nước thải dềnh lên, bẩn thỉu vô cùng", bà Kê nói.

Nhà chật, ngõ nhỏ khiến việc ma chay cưới hỏi cũng gặp nhiều khó khăn. Người phụ nữ này kể cuối những năm 80, để đưa được quan tài của bố chồng ra ngoài phải xin hàng xóm cho đập một phần tường, sau đó xây lại. Vài năm gần đây, ma chay cưới hỏi đều được tổ chức bên ngoài, thuận tiện cho cả gia chủ và khách đến.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thanh Nga, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết nhiều người chấp nhận sống ở phố cổ dù ẩm thấp, bất tiện có thể do họ sinh ra và lớn lên tại môi trường này, lâu dần hình thành thói quen, lối sống và thuận tiện kinh doanh.

Theo thống kê, quận Hoàn Kiếm có hơn 1.000 con ngõ, ngách nhỏ, hầu hết đều rất hẹp, chỉ vừa đủ một người đi, quanh năm không có ánh nắng mặt trời.

Từ năm 1998, UBND TP Hà Nội đã khởi động dự án di dân phố cổ. Năm 2013, đề án giãn dân được Hà Nội phê duyệt với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người một hecta năm 2010 xuống còn 500 người vào năm 2020. Sau hơn 20 năm triển khai đề án vẫn chưa thể hoàn thành. Một trong những lý do là nhiều người dân chưa thật sự đồng thuận bởi quen nếp sống, nơi ở hiện tại thuận tiện cho việc làm ăn, sinh sống, dù nơi ở xuống cấp.

Đề cập về nguy cơ cháy nổ với các nhà trong ngõ sâu, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng "rất rủi ro" bởi cơ sở vật chất xuống cấp, đa phần các công trình chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất và nhiều hộ dân xây dựng "chuồng cọp" chống trộm.

"Ngoài nỗ lực của chính quyền như tuyên truyền phá chuồng cọp, trang bị thiết bị báo cháy, người dân cũng cần nâng cao ý thức, luôn trong tâm thế chống 'giặc lửa'", ông Ánh nói.

Thanh Nga - Quỳnh Nguyễn

Tags:
Nạn nhân thoát nạn trong vụ cháy ở Trung Kính kể lại quyết định sinh tử giúp thoát chết trong gang tấc

Nạn nhân thoát nạn trong vụ cháy ở Trung Kính kể lại quyết định sinh tử giúp thoát chết trong gang tấc

Nằm trên giường bệnh của Khoa Cấp cứu Bệnh viện Giao thông Vận tải, anh H (35 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ cháy xảy ra quá nhanh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất