Cuộc sống xa nhà và cách chống trầm cảm cho du học sinh
Nhật ký 300 ngày ở Harvard: Học để thay đổi thế giới” mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về du học. Bên cạnh đó là cách học, làm việc nhóm… đạt hiệu quả cao.
23:44 04/06/2017
Tác giả Trương Phạm Hoài Chung từng tham gia chương trình thạc sĩ giáo dục của Đại học Harvard và giúp nhiều học sinh cấp 3 vạch ra kế hoạch trong việc xây dựng hồ sơ du học Mỹ.
Nhưng điều làm Hoài Chung cảm thấy bận tâm bấy lâu nay là việc anh chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng các câu hỏi: Một học sinh điển hình của Mỹ được trang bị những gì trước khi bước vào đại học? Hiện nay, môi trường giáo dục Mỹ đang theo những xu hướng gì? Bài học gì Việt Nam có thể áp dụng ngay để tạo niềm tin cho phụ huynh?
Chính vì vậy, trong suốt quãng thời gian du học ở Harvard, chàng trai ấy luôn tìm tòi, quan sát mọi thứ xung quanh. Từ đó, tác giả ghi chép lại những gì mình nghe, thấy khi theo học ở ngôi trường này. Và cuốn sách Nhật ký 300 ngày ở Harvard: Học để thay đổi thế giới đã ra đời như thế.
Những trang đầu tiên của cuốn sách có thể khiến người đọc có cảm giác chưa liền mạch. Nhưng càng về sau, tác giả càng dẫn dắt bạn đọc đi theo vấn đề và cảm xúc một cách thuyết phục hơn. Tác phẩm là tập hợp những câu chuyện nhỏ sau 300 ngày học hỏi và lang thang đến mọi ngóc ngách của Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts MIT.
300 ngày Hoài Chung ở Harvard là 300 câu chuyện khác nhau, 300 bài học mới được rút ra. Với anh, mỗi ngày lại có thêm những người bạn mới, câu chuyện mới khiến buổi học căng thẳng trở nên thú vị, những gì diễn ra đều được tác giả chia sẻ.
Đó là những công cụ mới, hữu ích giúp cho học sinh, sinh viên học tập tốt hay kỹ năng mà một bạn đồng trang lứa ở người Mỹ được trang bị; mẹo vặt để phụ huynh định hướng cho con mình bắt kịp xu hướng tuyển sinh đại học Mỹ…
Những trang viết của tác giả rất ngắn gọn, đưa người đọc nhìn thẳng vào vấn đề, không vòng quanh hay vẽ những ảo mộng viển vông, thậm chí là nghiệt ngã và đầy thách thức.
Chỉ với hơn 300 trang sách, nhưng bạn đọc có thể tìm thấy mọi giải đáp về du học tại nước Mỹ, nơi mà hàng triệu con người luôn ước muốn được học.
Với thiết kế như một trang Facebook, độc giả dễ dàng thu nạp nhiều bài học bổ ích thông qua những câu chuyện ngắn từ thực tế. Cùng với đó là trang bị cho các bạn đã, đang và sẽ đi du học kiến thức và định hướng đúng đắn.
Qua cuốn sách, tác giả Hoài Chung cũng muốn gửi tới bạn đọc thông điệp hãy thay đổi chính mình trước khi thay đổi cả thế giới.
Ngoài bài học trong lớp từ giáo sư và đồng môn Harvard, tác giả còn tường thuật lại những câu chuyện về cuộc sống đời thường của sinh viên xa nhà và cách chống trầm cảm, hay ước mơ hoài bão của cộng đồng du học sinh Việt, về những thử thách và cơ hội đối với giới trẻ hiện nay.
Gấp lại trang cuối cùng của cuốn Nhật ký 300 ngày ở Harvard: Học để thay đổi thế giới, ta nhận ra 300 ngày không phải khoảng thời gian dài đối với một đời học tập, nhưng đủ để cho chúng ta tạo ra một bước ngoặt lớn.
Nguồn: xaluan.com
Du học ngành STEM tại Mỹ, Australia và Canada ở đâu tốt hơn?
Chính phủ những nước này có nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên quốc tế theo học khối ngành STEM, tạo điều kiện cho sinh viên có thể ở lại làm việc hoặc định cư lâu dài sau khi học xong.