Cựu chiến binh 25 năm đi tìm đồng đội
Ông Đạt từng bán đất lấy kinh phí, thay 8 đời ôtô để quy tập hài cốt liệt sĩ, thực hiện lời hứa "ai còn, ai mất nhớ đưa nhau về" với đồng đội năm xưa.
22:13 29/04/2023
Một chiều cuối năm 2022, khi chiếc xe bán tải trắng chạy về đến đầu làng, ông Đạt đã thấy hàng trăm người dân xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đứng chờ. Trên xe ông là hài cốt của liệt sĩ Lê Văn Ninh, một người con của làng nhập ngũ 45 năm trước bây giờ mới được trở về.
Chị Mai Thị Ngọc, 39 tuổi, cháu dâu liệt sĩ, cho biết phần mộ của chú được an táng tại khu vực Núi San, huyện Châu Đốc (An Giang) nhiều năm nay nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa thể đón về.
Biết được nguyện vọng đó, cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt, 75 tuổi, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) tình nguyện lái xe gần 2.000 km vào An Giang đưa hài cốt liệt sĩ về quê. "Là người xa lạ nhưng chú Đạt rất tận tâm giúp đỡ gia đình. Điều đó khiến chúng tôi cảm kích vô cùng", chị Ngọc, 39 tuổi, kể.
Liệt sĩ Lê Văn Ninh cũng là trường hợp thứ 300 được ông Đạt tham gia tìm kiếm, cất bốc và đưa về quê an táng. "Còn sức, còn thở tôi vẫn sẽ tiếp tục đi bởi còn 53 vạn hài cốt liệt sĩ chưa biết tên, đồng nghĩa 53 vạn gia đình vẫn chờ tin", người cựu chiến binh nói.
Ông Đỗ Tuấn Đạt người xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Giữa năm 1967, khi đang là lái xe cho Công ty Vận tải hàng hóa Hà Nội ông xin nhập ngũ, sau chuyển công tác về trung đội hỏa lực của Đại đội 9, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 5, Quân khu Trị Thiên. Hai năm sau, ông về Đại đội 69B, lái xe vận chuyển lương thực, vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam.
Năm 1971, khi đoàn xe của ông di chuyển đến đèo Bù Lạch (Quảng Nam), chiếc xe của hai chiến sĩ Trần Văn Thiết và Đào Quang Bình dính mìn. Hai anh hy sinh, cả đoàn an táng tại chỗ và tiếp tục lên đường.
Hòa bình lập lại, ông Đạt cùng đồng đội quy tập hai anh về nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Dựa vào thông tin ít ỏi về quê quán, người cựu chiến binh cũng tìm về nhà hai liệt sĩ báo tin, sau hỗ trợ bốc cất và đưa về.
Ông kể, lần đó chứng kiến cảnh mẹ già ôm hài cốt con trai òa khóc sau nhiều năm chờ đợi, trong lòng gợi lên cảm giác day dứt. Chính tay ông đã trực tiếp chôn cất hàng chục đồng đội nhưng chưa thể đưa họ về nhà. Ông tự hứa với lòng sẽ dành quãng đời còn lại để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, giữ đúng lời dặn dò "ai còn, ai mất nhớ đưa nhau về" năm xưa.
Cuối những năm 90, khi kinh tế ổn định, con cái trưởng thành, người cựu chiến binh xin vợ cho lái xe đi dọc đất nước tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Nhưng cảnh quan thay đổi sau hàng chục năm, nhiều địa chỉ liên lạc thay đổi hoặc gia đình chuyển nơi ở gây khó khăn cho việc tìm kiếm. Không ít lần người lính già lái xe hàng nghìn cây số, cùng thân nhân liệt sĩ lội rừng, băng suối vào chiến trường xưa tìm hài cốt nhưng lại về tay trắng. Nhiều trường hợp thông tin khắc trên bịa mộ lệch với giấy chứng tử cũng cản trở quá trình đón liệt sĩ về. Đó là lý do trong giai đoạn 1998-2010, ông chỉ tìm kiếm và đưa được 11 liệt sĩ về với gia đình.
Sau giai đoạn này, ông vận động bạn bè là doanh nhân, cựu chiến binh thành lập Câu lạc bộ Nghĩa tình đồng đội tại Hà Nội. Nhờ sự giúp sức của các cộng sự cùng hệ thống người báo tin khắp 63 tỉnh thành, việc tìm kiếm, kết nối của ông Đạt dễ dàng hơn.
10 năm trước, ông Đoàn Trọng Nghĩa, 71 tuổi, đã xin tham gia nhóm khi biết chuyện người cựu chiến binh già ròng rã đi tìm hài cốt đồng đội. "Có đi mới biết để tìm và đưa hài cốt liệt sĩ về quê không đơn giản, nên chúng tôi càng khâm phục bác Đạt. Bác ấy bị tiểu đường nặng, chân trái bị liệt nhẹ do biến chứng nhưng chưa từng lúc nào nghỉ ngơi", ông Nghĩa nói.
Chạy xe đường dài không tránh khỏi tai nạn, sự cố. Không ít lần xe chở liệt sĩ của ông Đạt thủng săm, xịt lốp, lúc thì chết máy hoặc bánh xe văng hẳn ra ngoài khi đang chạy nhưng ông bảo "may được đồng đội đỡ" nên chưa từng bị chấn thương nặng.
Bà Nguyễn Thị Mão, 70 tuổi, vợ ông Đạt, thừa nhận lo lắng khi chồng chạy xe hàng nghìn km nhưng không cản. "Tôi sức khỏe yếu, không thể đi cùng chồng nên cố tích góp, dành một phần tiền lương để chồng đi làm việc thiện", bà Mão nói.
Mỗi năm, gia đình ông Đạt, bà Mão đóng góp 200-300 triệu đồng cho hoạt động tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Số tiền này được trích từ tiền lương hưu của ông bà, con cái, anh em thân thiết hỗ trợ.
25 năm làm việc thiện, từng phải bán đất, thay 8 đời ôtô và không ít lần gặp tai nạn trên đường nhưng ông Đạt nói không hề hối tiếc. Đến nay, ông và các cộng sự đã đưa hơn 300 hài cốt liệt sĩ về với gia đình, tham vấn thủ tục hành chính cho hàng nghìn người có nguyện vọng đón liệt sĩ về quê hương.
Cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt nhận được nhiều bằng khen của Chủ tịch nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức thiện nguyện. Không ít gia đình, mạnh thường quân còn ngỏ ý gửi tiền cảm ơn nhưng ông đều từ chối.
"Việc tôi làm từ tâm nên không mong chờ danh tiếng, trục lợi hay nhận lời cảm ơn từ người khác", ông khẳng định.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, cho biết ông Đạt là một trong những thành viên hoạt động sôi nổi, nhiệt tình của Hội, dù tuổi cao, sức khỏe yếu. Hai vợ chồng ông Đạt hiện sống trong căn nhà cấp 4 rộng vài chục mét vuông, kinh tế khó khăn, nhưng làm được bao nhiêu đều tích góp làm từ thiện. Thậm chí ôtô cũng phải mua trả góp để phục vụ việc tìm hài cốt liệt sĩ.
Theo Trung tướng Hưng, trước khi tham gia vào Hội, việc làm của ông Đạt là tự phát, chi phí xăng xe, cầu đường cho đến cất bốc hài cốt đều tự bỏ. Vài năm gần đây ông mới được hỗ trợ hai triệu đồng cho mỗi chuyến đi. "Anh Đạt là người có tâm, sống tình cảm với đồng đội, luôn thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân liệt sĩ", ông Hưng nói.
Ngoài quy tập hài cốt liệt sĩ, người cựu chiến binh già còn thường cùng Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên tặng lương thực, đồ dùng thiết yếu cho bà con miền Trung mùa mưa lũ; tổ chức trao quà cho các gia đình liệt sĩ, học sinh nghèo vượt khó trên khắp đất nước.
Khi bước sang tuổi 75, nhiều người khuyên nên nghỉ, nhường việc chinh chiến cho lớp trẻ, nhưng ông Đạt từ chối. "Bằng mọi cách tôi phải đưa các đồng đội về", ông nói.
Quỳnh Nguyễn
Trẻ Tây dốt lắm: Vì sao trẻ Việt học giỏi hơn trẻ Tây nhưng ra trường lại không đủ sức đua với chúng nó ?
Người Việt mình ra nước ngoài thường kháo nhau, đi học 12 năm phổ thông chung thì Tây dốt lắm. Vậy mà, các cấp bậc học sau đại học có khi không đủ sức đua với “chúng nó”, nhất là xui mà gặp giống Do Thái hay hội hàn lâm gốc Đông Âu.