Cựu đại sứ Mỹ: Tôi từ chức để phản đối hồi hương 8,000 người Việt
Ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nói rằng ông từ chức hồi năm ngoái vì chính quyền Tổng Thống Donald Trump yêu cầu ông gây sức ép với chính quyền Việt Nam để nhận hơn 8,000 người Việt tại Mỹ trong tình trạng bị trục xuất, theo tin nhật báo The Mercury News ở San Jose, California.
10:00 08/04/2018
Hầu hết những người trong tình trạng bị trục xuất – có khi chỉ vì vi phạm tội nhẹ – là những người tị nạn sống tại Mỹ từ lâu, sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc cách đây hơn 40 năm, vị cựu đại sứ viết như vậy trong bài luận của ông đăng trên trang mạng của Hiệp Hội Ngoại Giao Mỹ trong tháng này.
Bộ Ngoại Giao Mỹ từ chối trả lời phỏng vấn hôm Thứ Sáu, theo bài báo.
Trong khi đó, Bộ Nội An không hồi âm khi Mercury News đặt câu hỏi.
Ông Osius hiện là phó viện trưởng đại học Fulbright University Vietnam, một trường tư, phi lợi nhuận ở Sài Gòn.
Ông mô tả thời gian ba năm làm đại sứ tại Việt Nam là “đỉnh điểm của sự nghiệp 30 năm làm việc trong ngành ngoại giao của ông, và là một vinh dự cuộc đời.”
Mercury News cho biết có tìm cách liên lạc với ông Osius qua trường đại học và hiệp hội nhân viên ngoại giao hôm Thứ Sáu nhưng không được.
Tiết lộ của cựu Đại Sứ Osius gây chú ý rất lớn tại San Jose, nơi có hơn 100,000 người Mỹ gốc Việt cư ngụ, và được đưa ra vài tháng sau khi các nhà hoạt động Việt Nam khắp Hoa Kỳ, bao gồm nhiều người ở vùng Bay Area, đưa ra cảnh báo là cảnh sát di trú (ICE) bắt nhiều người Việt Nam trong diện trục xuất, tạo một cú sốc và sự sợ hãi trong cộng đồng, theo Mercury News.
Các nhà hoạt động này cho rằng, chỉ trong Tháng Mười năm ngoái, hơn 100 người Việt Nam bị ICE bắt.
Theo Mercury News, sự gia tăng bắt bớ này có vẻ là một bước mạnh mẽ của chính quyền Donald Trump, cố gắng trục xuất những người có hồ sơ tội phạm, ngay cả khi quốc gia gốc của những người này không hợp tác với chính phủ Mỹ.
Trước đây, những người trong tình trạng trục xuất được phép ở lại Hoa Kỳ, nhưng chính quyền Trump lâu nay đang gây sức ép với Cambodia và Việt Nam nhận lại họ.
Những người này, theo Mercury News, lâu nay đã quen với cuộc sống tại Mỹ, bây giờ bất thình lình bị bắt và trục xuất.
Hồi năm 2008, Mỹ và Việt Nam ký một thỏa thuận là Việt Nam chỉ nhận hồi hương những ai đến Mỹ sau ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cho nên, những người bị bắt nhưng đến Mỹ trước ngày này hiện đang thắc mắc là chuyện trục xuất họ có vi phạm thoản thuận này không, theo các nhà hoạt động.
Hồi Tháng Hai, nhiều tổ chức bảo vệ di dân nộp đơn kiện ra tòa, cho rằng chính quyền Mỹ vi phạm thỏa thuận với Việt Nam.
Trong bài luận của mình, ông Osius nói rằng ông sợ rằng “chính sách mạnh bạo này” có thể hủy hoại bất cứ cơ hội nào mà ông Trump muốn có để thực hiện các mục tiêu trong quan hệ với Việt Nam, bao gồm giảm thâm thủng mậu dịch song phương, gia tăng quan hệ quốc phòng, và đối diện với các đe dọa trong khu vực, bao gồm luôn cả Bắc Hàn.
“Tôi lên tiếng phản đối, bị yêu cầu im lặng, và tôi thấy rằng, có một giới hạn đạo đức mà tôi không thể vượt qua, nếu muốn duy trì sự chính trực của tôi,” ông Osius viết. “Tôi thấy rằng tôi có thể phục vụ đất nước tôi tốt hơn nếu làm việc bên ngoài chính quyền, bằng cách giúp xây dựng một đại học mới và tân tiến tại Việt Nam.” (Đ.D.)
Xăng lên giá cao ở Los Angeles County và Orange County
Giá xăng trung bình ở các cây xăng tại Los Angeles County tăng 0.1 cent làm giá lên tới $3.577/gallon. Đây là giá xăng cao nhất của vùng này từ ngày 29 Tháng Tám, 2015.