Cựu sinh viên, 'bảo bối' thành công của đại học Mỹ
Không có một quốc gia nào thống trị một ngành công nghiệp triệt để như Mỹ thống trị giáo dục đại học. Theo Xếp hạng đại học thế giới của ĐH Giao thông Thượng Hải thì 17 trong số 20 trường đại học tốt nhất thế giới thuộc về Mỹ, trong đó Harvard đứng đầu danh sách nhờ lợi nhuận đáng kể
21:43 18/06/2017
Những nguyên nhân thường được đưa ra giải thích cho hiện tượng này là: sự giàu có của nước Mỹ, dân số lớn, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu hào phóng, được hỗ trợ lớn từ các cá nhân, tập thể và khả năng thu hút các học giả từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, những giải thích này chưa đầy đủ. Mặc dù, Mỹ tự hào có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng nước này chỉ chiếm ¼ GDP toàn cầu và sở hữu khoảng 1/20 dân số thế giới. Và Mỹ cũng không phải là quốc gia duy nhất hào phóng cho các hoạt động nghiên cứu.
Nếu như những lời giải thích này là đúng thì những quốc gia lớn khác như Pháp, Đức, Nhật Bản, thậm chí là Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ nằm trong top bảng xếp hạng đại học toàn cầu. Tuy nhiên, họ lại chỉ xuất hiện khá thưa thớt. Trên thực tế, những quốc gia này đều thiếu một phần quan trọng của bí quyết, đó là mô hình quản lý tiên tiến của Mỹ trong giáo dục đại học. Harvard được các cơ quan có thẩm quyền của khu vực Vịnh Massachusetts thành lập với tư cách là một trường công vào năm 1636. Giá trị của Harvard đối với Massachusetts được nói đến trong hiến pháp sau độc lập của Khối thịnh vượng chung phê duyệt năm 1780, trong đó có một phần về chức năng và ranh giới của trường này.
Khi các cựu sinh viên Harvard chiếm ưu thế trong cơ quan lập pháp tiểu bang Massachusetts, trường này nhận được sự hỗ trợ và quan tâm. Nhưng vào những năm 1840, lượng người nhập cư lớn – do nạn đói khoai tây ở Ai-len – làm thay đổi sự cân bằng nhân khẩu học của bang này, cho phép những người theo chủ nghĩa dân túy nắm được quyền kiểm soát cơ quan lập pháp. Ngay lập tức, Harvard bị lên án là quá quý tộc, độc đoán và đắt đỏ. Thậm chí, chương trình giảng dạy của trường này cũng không được thừa nhận. Trong 2 thập kỉ sau đó, bang này càng ngày càng cản trở hoạt động của Harvard, bằng cách từ chối cấp ngân sách và cản trở việc bổ nhiệm các giáo sư. Hành động này lên đến đỉnh điểm vào năm 1862 khi cơ quan lập pháp ngăn chặn việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường này.
Đáp lại, Harvard đề nghị được "thoát khỏi tầm ảnh hưởng của những xung đột và thay đổi chính trị thông thường" và được "quản lý bởi những cựu sinh viên hết lòng quan tâm tới giáo dục". Ngày 29/4/1865, lời đề nghị quyết liệt này được bàn bạc thông qua Tòa án Massachusetts (cơ quan lập pháp lưỡng viện của tiểu bang này) nhờ vận động hành lang mạnh mẽ và sự giúp đỡ nhiệt tình của các cựu sinh viên Harvard dành cho cơ quan này trong suốt cuộc nội chiến. Kể từ đó, Hội đồng giám thị của Harvard chỉ được kiểm soát bởi các cựu sinh viên. Từ thành công của Harvard, các trường đại học khác – bắt đầu là ĐH Yale và ĐH William and Mary – đã có những hành động tương tự. "Phương pháp đúng chất Mỹ" như hiệu trưởng giữ chức lâu đời nhất của Harvard Charles William Eliot từng nói đã trở thành tiêu chuẩn không chỉ đối với các trường đại học tư nhân, mà còn với cả các trường công như ĐH Michigan và ĐH Purdue, thậm chí là cả các trường tôn giáo như ĐH Notre Dame và ĐH Duke.
Cựu Sinh viên đại học Harvard
Ngày nay, 19 trong số 20 trường đại học Mỹ trong các bảng xếp hạng được xem nhiều của U.S. News and World Report được kiểm soát bởi các cựu sinh viên (50% đại diện trở lên trong Ban Quản trị). Ngoại lệ duy nhất là Viện Công nghệ California có 40% đại diện trong Ban Quản trị là cựu sinh viên. Trong top 5, có 3 trường là Harvard, Yale và Columbia được quản lý hoàn toàn bởi cựu sinh viên và 2 trường là Princeton và Stanford có 90% Ban Quản trị là cựu sinh viên. Cựu sinh viên thậm chí kiểm soát cả các trường công như Purdue (90%) và Michigan (63%). Trung bình, cựu sinh viên chiếm 63% Ban Quản trị của top 100 đại học Mỹ, gồm cả trường công và trường tư.
Nhìn chung, tỷ lệ cựu sinh viên càng cao thì xếp hạng của các trường càng cao, đồng thời làm tăng sự chọn lọc và ngân sách được tài trợ cho trường. Xét cho cùng, không có nhóm tổ chức nào quan tâm tới uy tín của một trường đại học hơn là cựu sinh viên của chính trường đó – người sẽ được hoặc mất lòng tự trọng của mình khi xếp hạng trường cũ của họ tăng hoặc giảm. Thực vậy, cựu sinh viên là những người có động lực nhất để cống hiến một cách hào phóng và quản lý ngôi trường đó hiệu quả nhất. Với sự hiểu biết của họ về ngôi trường, các cựu sinh viên cũng là những người lãnh đạo hiệu quả nhất. Thông qua mạng lưới cựu sinh viên, các thành viên của Ban Quản trị có thể nhận được thông tin và hành động mà không bị chậm trễ.
Tất cả các trường đại học lớn đều là những tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập ra để quản lý giáo dục đại học – thứ thu lợi cho toàn xã hội. Tuy nhiên, các đại học Mỹ đã tìm ra một cách để tích hợp các lợi ích của sự cạnh tranh vào khái niệm công ty phi lợi nhuận của Châu Âu. Việc thiếu lợi nhuận không làm giảm đi động cơ của Ban Quản trị (mà các cựu sinh viên chiếm ưu thế) để cạnh tranh giành lấy danh tiếng cho trường, bằng những hành động cụ thể như thuê giảng viên ưu tú, nhận những sinh viên xứng đáng và phấn đấu để đạt thành tích thể thao hay nghệ thuật. Việc sử dụng cựu sinh viên để truyền tải lợi ích của sự cạnh tranh tới các tổ chức phi lợi nhuận đã chứng minh cho tài thích ứng. Quốc gia nào muốn cạnh tranh với các trường đại học Mỹ nên lưu ý điều này.
Bài viết của Shailendra Raj Mehta – giáo sư thỉnh giảng tại Viện Quản lý Ấn Độ, Ahmedabad kiêm Giám đốc học thuật của Duke Corporate Education, ĐH Duke.
Lời giải cho kỳ án cô gái 20 tuổi ‘ép’ bạn trai tự tử
Cô gái 20 tuổi Michelle Carter đã bị tòa án bang Massachusetts – Mỹ phán tội ngộ sát vì đã gửi hàng chục tin nhắn khuyến khích bạn trai bị trầm cảm của cô tự tử.