Đã đến lúc chú ý tới đột biến nguy hiểm của biến chủng Lambda – Biến chủng mạnh mẽ hơn cả Delta
Trong khi biến chủng Delta đang hoành hành tại phần lớn các quốc gia trên thế giới từ châu Á, châu Âu tới Bắc Mỹ, một biến chủng khác ít được chú ý hơn đang âm thầm lan rộng tại Nam Mỹ, đó là biến chủng Lambda. Giờ đây, các chuyên gia y tế cảnh báo đã đến lúc thế giới phải chú tâm tới biến chủng khó lường này, theo Forbes.
00:00 16/08/2021
Các nghiên cứu cho thấy biến chủng Lambda sở hữu các đột biến khiến chúng dễ lây lan hơn, cũng như có khả năng vượt qua hệ miễn dịch do vaccine kích hoạt.
Âm thầm thống trị Nam Mỹ
Biến chủng Lambda, ký hiệu C.37, lần đầu được phát hiện ở Peru vào khoảng tháng 8/2020. Trong thời gian đầu, số ca mắc biến chủng Lambda tương đối hiếm.
Nhưng trong vài tháng gần đây, Lambda đã trở thành biến chủng virus thống trị ở Argentina, Chile và Colombia. Biến chủng Lambda đã xuất hiện tại phần lớn tiểu bang của Mỹ, dù số ca nhiễm là chưa nhiều.
Biến chủng Lambda hiện mới chỉ nằm trong danh sách được chú ý của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trên phạm vi toàn cầu, biến chủng Lambda chịu trách nhiệm cho dưới 1% số ca mắc Covid-19. Nhưng nếu xét đến diễn biến dịch bệnh đang diễn ra ở Mỹ Latin, các nhà khoa học đang phải theo dõi sát biến chủng này.
Mẫu virus SARS-CoV-2 phân lập lấy từ một bệnh nhân. Ảnh: NIAID.
Mẫu virus SARS-CoV-2 phân lập lấy từ một bệnh nhân. Ảnh: NIAID.
Những hiểu biết về các đột biến trên biến chủng Lambda, tác động của đột biến tới các đặc điểm của virus như mức độ lây nhiễm, độc lực, khả năng xâm nhập hệ miễn dịch, cơ chế bệnh lý, có thể giúp ngăn ngừa virus lây lan rộng hơn.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy xuất hiện ít nhất 8 đột biến đáng chú ý trên gai protein của biến chủng Lambda, đặc biệt là các đột biến ký hiệu T76I và L452Q. Ngoài ra, đột biến cũng xóa đi amino acid tại 7 vị trí trên gai protein.
Để đánh giá tác động của từng đột biến trên gai protein đối với khả năng lây nhiễm của virus, các tác giả phân tích từng đột biến và kết hợp chúng với nhau.
Kết quả là, một trong các đột biến về amino acid ký hiệu G75V làm giảm khả năng lây nhiễm. Nhưng khi kết hợp biến đổi này với sự xuất hiện của đột biến T76I, khả năng lây nhiễm của virus lại tăng lên.
Kết quả tương tự cũng xuất hiện khi kết hợp thay đổi amino acid ký hiệu F490S với đột biến L452Q, khi đột biến làm tăng mạnh khả năng lây nhiễm của chủng Lambda.
Các nhà khoa học kết luận hai đột biến T76I và L452Q là tác nhân chính khiến biến chủng Lambda có khả năng lây nhiễm mạnh hơn nhiều so với chủng virus ban đầu.
Nguy hiểm hơn các chủng trước đây
Hiện chưa có đủ dữ liệu để so sánh trực tiếp hai biến chủng Lambda và Delta. Các nhà dịch tễ học cho biết biến chủng Lambda có khả năng lây nhiễm mạnh hơn nhiều lần so với biến chủng D614G – tác nhân của làn sóng dịch bệnh thứ hai, hay thậm chí biến chủng Alpha – tác nhân làn sóng dịch bệnh thứ ba.
Để xác định khả năng qua mặt hệ miễn dịch, các nhà khoa học thử nghiệm các đột biến với vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer.
Kết quả cho thấy đột biến về amino acid trên 7 vị trí, cũng như đột biến L452Q và F490S đều làm tăng khả năng qua mặt hệ miễn dịch từ 1,22-1,38 lần. Khi kết hợp các đột biến, tỷ lệ vượt qua hệ miễn dịch của biến chủng Lambda tăng 1,62 lần.
Trước đó, Đại học Chile đã tiến hành các nghiên cứu về phản ứng của biến chủng Lambda với vaccine dùng phổ biến ở Nam Mỹ.
Một người tiêm vaccine Covid-19 ở Peru. Ảnh: AFP.
Kết quả cho thấy hiệu quả của vaccine trên biến chủng Lambda giảm 3 lần so với chủng virus ban đầu. Trước đó, thử nghiệm cho thấy tính hiệu quả của vaccine giảm 2,3 lần với biến chủng Gamma và 2 lần với biến chủng Alpha.
Nghiên cứu các đột biến trên gai protein giúp mang lại hiểu biết sâu hơn về mức độ nguy hiểm mà biến chủng Lambda mang lại. Tuy nhiên, chỉ các biến đổi trên gai protein thì chưa đủ để xây dựng bức tranh toàn cảnh về biến chủng Lambda.
Về tổng thể, biến chủng Lambda có 23 đột biến nucleotide và 18 đột biến amino acid so với chủng virus ban đầu tại Vũ Hán. Trong số này, 16 đột biến nucleotide và 11 đột biến amino acid nằm bên ngoài bộ gene mã hóa gai protein.
Bất cứ đột biến nào trong số này cũng có thể tăng cường khả năng của biến chủng Lambda trong tự nhân bản hoặc thích ứng với phản ứng của hệ miễn dịch con người. Tương tự, những đột biến có thể tác động theo hướng ngược lại.
Những tác động qua lại giữa các đột biến như thế hiện chưa được làm rõ trong các thí nghiệm.
“Bất cứ khi nào một biến chủng xuất hiện và cho thấy nó có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, chúng ta cần phải đặc biệt chú ý”, tiến sĩ Gregory Poland, chuyên gia nhóm nghiên cứu vaccine của tổ chức nghiên cứu y khoa quốc tế Mayo Clinic, cho biết.
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở Nam Mỹ cho thấy biến chủng Lambda đang nhanh chóng thay thế biến chủng Gamma ở nhiều quốc gia. Trước đó, biến chủng Delta cũng trở thành chủng virus thống trị ngay tại Brazil, nơi biến chủng Gamma khởi phát.
Điều này là hồi chuông cảnh báo sự nguy hiểm của biến chủng Lambda, cũng như các biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai, khi chúng liên tục cho thấy sức mạnh vượt trội các biến chủng virus cũ.
Vật giá leo thang quanh Little Saigon, người tiêu dùng ‘chóng mặt’
Giá cả thực phẩm tại các chợ trong khu Little Saigon tăng từ vài cent đến một vài đô la, tức là mỗi món tăng lên một ít, đến khi cộng lại thì thành một số tiền lớn. Từ cả tháng nay, giá cả tăng khiến nhiều người phải dùng chữ “chóng mặt” khi nói về tình trạng chung này.