Đặc nhiệm Mỹ có thể bị bỏ lại phía sau khi rơi vào ổ phục kích ở Niger
4 lính Mỹ nhiều khả năng thiệt mạng sau khi bị bỏ lại phía sau trong trận phục kích của phiến quân IS ở Niger.
09:22 28/10/2017
Thi thể lính Mỹ thiệt mạng tại Niger được đưa về nước. Ảnh: Stripes. |
Trong trận đấu súng ác liệt giữa nhóm tuần tra Mỹ - Niger với phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hôm 3/10 tại ngôi làng giữa biên giới Niger và Mali, 4 lính Mỹ đã bị bỏ lại phía sau khi trực thăng quân sự Pháp tới giải cứu, New York Times hôm qua đưa tin.
Nhóm tuần tra gồm 11 lính Mỹ và 30 lính Niger rơi vào ổ phục kích của phiến quân sau khi rời làng Tongo Tongo. Sau một tiếng đấu súng, lính Mỹ quyết định cầu cứu lực lượng Pháp đóng quân ở gần đó.
Trực thăng Pháp tới hiện trường sau đó một tiếng để giải cứu lực lượng Mỹ, nhưng chỉ đưa được 7 trong số 11 đặc nhiệm rời khỏi vùng chiến sự, 4 người còn lại không thể liên lạc được bằng radio. Việc Lầu Năm Góc đặt 4 người này trong tình trạng "mất tích trong chiến đấu" chứng tỏ họ vẫn có thể còn sống khi cuộc sơ tán diễn ra và bị bỏ lại phía sau.
Cuối ngày 3/10, quân đội Mỹ quay lại khu vực và tìm thấy xác ba lính đặc nhiệm ở nơi phục kích. Thi thể trung sĩ đặc nhiệm La David Johnson chỉ được tìm thấy hai ngày sau, cách những người còn lại khoảng 1,5 km. Quan chức Mỹ giấu tên cho biết chiếc xe chở 4 lính Mỹ thiệt mạng bị tách khỏi cả đoàn, nhưng chi tiết này không được đưa vào thông cáo của Lầu Năm Góc sau vụ tấn công.
Tướng Joseph F. Dunford Jr., chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết 50 tay súng thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phục kích nhóm tuần tra, gồm 12 đặc nhiệm Mỹ và 30 binh sĩ Niger, khi họ đang trở về căn cứ. Đơn vị này có nhiệm vụ hỗ trợ biệt kích Mỹ săn tìm một thành viên cấp cao của AQIM, chi nhánh al-Qaeda tại khu vực Bắc Phi.
Nhiệm vụ tuần tra bắt đầu vào ngày 2/10, ban đầu diễn ra một cách bình thường. Lực lượng Mỹ - Niger đã thực hiện 29 cuộc tuần tra trinh sát trong vòng 6 tháng trước đó mà không xảy ra sự cố nào. Khi phát hiện một thành viên AQIM đã rời khỏi khu vực, các binh sĩ bắt đầu tìm kiếm dấu vết của hắn. Mức độ cảnh giác của nhóm tuần tra ở mức thấp do khả năng đấu súng được nhận định là khó xảy ra.
Vụ phục kích xảy ra ở khu vực biên giới tây nam của Niger giáp Mali. Đồ họa: US Today. |
Một binh sĩ Niger khẳng định nhóm lính Mỹ thực hiện cuộc tuần tra trong tình trạng không sẵn sàng chiến đấu. Họ đi trên những xe đa dụng không bọc giáp và chỉ được trang bị một súng máy hạng nặng. "Họ mặc áo sơ mi và đội mũ lưỡi trai, không hề có áo chống đạn. Tôi rất ngạc nhiên khi lính Mỹ đi vào điểm nóng với trang bị nhẹ, không có yểm trợ đường không và trinh sát từ máy bay không người lái", binh sĩ này cho biết. Bộ Quốc phòng Mỹ không đưa ra bình luận nào về thông tin này.
Nhiều nghị sĩ Mỹ đang yêu cầu tổ chức điều trần về hoạt động quân sự của Mỹ tại Niger. Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thảo luận chi tiết về chiến dịch của Washington tại châu Phi với thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ. Tướng Dunford cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành để giải đáp những bí ẩn xung quanh nhiệm vụ này.
Thương hiệu lụa đình đám Việt Nam 30 năm lừa khách bằng đồ Trung Quốc
Báo Tuổi Trẻ hôm 26 Tháng Mười cho hay, Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu kiểm tra khăn Khaisilk “Made in China” sau khi ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu lụa đình đám Việt Nam, thú nhận việc nhập lụa Trung Quốc về dán mác Khaisilk suốt 30 năm qua.