Đài Australia phơi bày việc người Việt bóc lột nhau trên đất khách
Phóng sự của SBS Vietnamese phơi bày việc các chủ nhà hàng Việt Nam trả công rẻ mạt cho nhân công và dùng nhiều cách khác nhau để qua mặt chính quyền.
10:30 07/05/2018
Chủ quán người Việt ép lương đồng hương tại Australia Phóng viên đài SBS Vietnamese, mang theo camera bí mật, đến xin việc tại quán ăn người Việt tại Australia và phát hiện tình trạng trả lương như bóc lột tại đây.
Trong vai sinh viên Việt Nam đi xin việc có mang theo camera bí mật, phóng viên SBS Vietnamese gõ cửa nhiều nhà hàng tại miền Tây và Đông Nam Melbourne, hỏi chuyện và bí mật ghi hình các quản lý và chủ người Việt để tìm hiểu “mức giá thị trường” cho tiền lương mà du học sinh Việt Nam được trả khi làm việc ở khu vực này.
Victoria Street Richmond – một khu vực sung túc của cộng đồng người Việt tại Melbourne. Ảnh: SBS Vietnamese/Hung Dao.
Trong số gần 20 chủ nhà hàng và nhân viên mà các phóng viên đã hỏi chuyện, không ai trả mức lương trên 10 AUD (đô la Australia)/giờ, trong khi mức lương tối thiểu theo quy định của Australia là 17,7 AUD/giờ. Đoạn phim ghi hình bí mật của SBS tiết lộ nhiều nhân viên được yêu cầu phải làm việc 12 giờ với mức lương từ 100 – 130 AUD cho một ngày làm việc.
Dễ bắt gặp nhất trong suốt quá trình đi xin việc là “trả tiền mặt” và “10 đồng (AUD)/giờ”.
‘Việc hỏi lương là cấm kỵ’
Một quản lý nhà hàng ở St Albans tỏ ra ngạc nhiên khi anh nghe “người xin việc” cho biết cô có mức lương 17 AUD/giờ (mức lương tối thiểu theo luật định của Úc) ở những chỗ làm khác. “17 đồng hả? 17 đồng mà lương phục vụ anh đâu trả nổi 17 đồng.”
Bên trong một nhà hàng Việt ở Melbourne. Ảnh: SBS Vietnamese/Olivia Nguyen.
Một chủ nhà hàng Việt ở Sunshine đòi giữ một tuần lương của nhân viên như số tiền thế chân.
“Chú sẽ giữ lương con một tuần, tuần sau sẽ trả lương cho tuần đó, để tránh tình trạng làm vài bữa nghỉ.”
Rồi ông thẳng thừng từ chối nói ra mức lương, đến khi người đi xin việc tiếp tục hỏi về tiền lương, ông nổi giận từ chối không thuê cô nữa: “Nếu mà con hỏi thì chú không nhận đâu. Tại vì chú chưa biết con làm ra sao mà con hỏi lương thì chú không nhận!”
“Người xin việc” SBS tiếp tục hỏi lương một chủ nhà hàng Việt khác trong khu vực thì thì nhận được phản ứng: “Trời đất ơi, vô làm thử trước đi, con thử việc cái đi đã.”
Một quản lý đại diện nhà hàng “trấn an” người xin việc khi hỏi lương “em đừng có lo, cứ làm”. Còn “chân thành” hơn, một nhân viên ở một cửa hàng khác còn nhắc khéo “người xin việc” SBS rằng: “Ở đây, đi xin việc cấm kỵ nhất là hỏi lương!”.
Khi phóng viên SBS quay trở lại với máy quay phim và phóng viên, câu trả lời của những chủ nhà hàng này hoàn toàn thay đổi. Họ cho biết “chưa bao giờ nghe đến mức lương 10 AUD một giờ” hay là “không chắc nữa”. Thậm chí có chủ nhà hàng giờ đây khẳng định chỉ nhờ người trong gia đình làm việc, chứ không thuê mướn nhân viên từ bên ngoài.
Mức lương “thị trường” của du học sinh Việt Nam phố biến từ 8 AUD đến 12 AUD một giờ tùy vào kinh nghiệm. Thế nhưng vẫn còn có con số thấp hơn.
Họ bảo vì tội nghiệp nên nhận mình’
Helen Nguyễn, từng là du học sinh chia sẻ với SBS Vietnamese cô nhận được mức lương 6 AUD/giờ cho 3 tuần thử việc cùng những lời mắng nhiếc, sỉ nhục của người chủ.
“Họ bảo rằng mình còn bé mà đi làm tội nghiệp quá nên nhận mình với mức lương training là 35 AUD/ngày trong lúc thử việc.
“Mình vui lắm, mình đâu biết mức lương tối thiểu ở Úc là 16, 17 AUD đâu. Họ hứa khi mà mình làm lâu sẽ tăng lương cho mình,” cô kể lại những ngày đầu đến Australia.
Helen Nguyễn và số tiền trong ống heo, giữ từ những ngày mới đặt chân tới Australia. Ảnh: SBS Vietnamese/Trinh Nguyen.
Sau khi trò chuyện với bạn của mình, Helen được biết “mức lương tiền mặt” lúc bấy giờ khi làm với chủ người Việt là 11 AUD, cô phát hiện ra mình đã bị lừa nhưng vẫn tin tưởng vào người đồng hương tại một đất nước xa lạ mà cô vừa đặt chân tới.
Mặc kệ những lời chửi mắng, Helen cho biết cô hy vọng trang trải được phần nào chi phí sinh hoạt, tự giúp mình và đỡ gánh nặng cho gia đình từ Việt Nam. Thế nhưng mọi chuyện tệ hại hơn.
“Họ chửi luôn cả cha mẹ mình, họ bảo cha mẹ mình không biết dạy con. Mình chịu không nổi nghỉ việc thì họ bảo mình “ăn cháo đá bát”. Tại sao được training có kinh nghiệm đòi nghỉ việc.
“Mình thật sự sợ hãi vì họ giống như đe dọa mình. Sáng hôm sau họ liên tục gọi điện để chửi mình, đòi lại áo đồng phục. Mình đến trả áo rồi bỏ chạy đi vì quá sợ, không dám gặp mặt chủ”, Helen kể lại giọng vẫn còn hoảng sợ.
Số tiền 35 AUD cho một ngày làm việc vẫn được Helen để dành trong ống heo tiết kiệm, như một lời nhắc nhở về cuộc sống vất vả, đắng cay tại Australia những ngày đầu…
“Tinh thần của mình bị ảnh hưởng. Mình không thể nào quên được chuyện kinh khủng này. Mình vẫn còn giữ 35 AUD đó trong ống heo, để nhắc nhở lúc mới qua mình đã cực như thế nào 35 AUD cho 6 tiếng…”, Helen thổn thức.
Cuộc điều tra của SBS cho thấy nhiều sinh viên có chung một mẫu số của sự bóc lột và ám ảnh về công việc đầu tiên tại Úc.
Đi toilet cũng bị giám sát
Aggie Phan, một sinh viên Việt Nam đang theo học tại một ngôi trường danh tiếng của Melbourne, vẫn còn ám ảnh khi nhớ lại công việc đầu tiên làm thêm ở Australia.
Người chủ tại Springvale thậm chí còn canh giờ… khi cô đi toilet và tỏ ra khó chịu khi cô ngồi xuống ghế nghỉ mệt vì phải làm việc liên tục 12 giờ.
“Em tủi thân quá ngồi khóc. Khi thấy em khóc thì người ta không happy (vui vẻ). Người ta nói là giống như người ta đang ép em vậy”.
“Em làm mấy ngày mà người ta theo dõi kỹ lắm, giống như là công nhân vậy. Người ta canh coi nửa tiếng cuốn được bao nhiêu cái gỏi cuốn. Cuốn nhiều, nhanh và mệt lắm”.
Aggie kể rõ đến từng chi tiết trong nỗi ám ảnh khó lòng rời khỏi cô.
“Mọi người trong đó đều bị đối xử như vậy chứ không phải riêng mình em. Chỉ có 5 phút buổi trưa để ăn. Nhiều người phải vừa ăn vừa làm, việc nhét vào miệng một miếng bánh vừa phải cuốn.
“Em mệt quá ngồi xuống để ăn, họ không happy. Thậm chí em uống nước nhiều quá đi toilet họ cũng không vui, họ nghĩ em nghỉ ngơi. Họ đi theo giám sát em toilet”, Aggie kể.
Aggie Phan nói chuyện với phóng viên SBS Luke Waters. Ảnh: Olivia Nguyen.
Cách thức qua mặt chính quyền
Sunny Ng, một sinh viên đã được thay đổi tên, cho SBS biết chủ nhà hàng của anh dặn dò một cách kỹ lưỡng về cách đối phó với nhân viên sở thuế khi làm việc tại nhà hàng.
“Theo kinh nghiệm bản thân thì mình thấy để qua mặt cơ quan chức năng, họ sẽ không nói bạn điền vào đơn xin việc, tờ khai thuế. Họ chỉ coi bạn như một người gia đình, phụ giúp trong nhà thôi”
“Bạn không có quyền lợi gì hết, đó là cách họ giảm chi tiêu cho doanh nghiệp.
“Mình đi làm, chủ nhà hàng dặn nếu có ai vào hỏi, thì mình nói mình là người trong nhà, phụ giúp anh chị trông coi hàng quán thôi chứ không phải nhân viên”, Sunny Ng chia sẻ với SBS những gì anh quan sát được.
Trong khi đó, Lộc Lâm, một sinh viên Việt Nam khác cho SBS biết một chiêu thức mà chủ nhà hàng nơi anh từng làm việc đã áp dụng.
“Khi mà tôi làm nhà hàng thì họ sẽ có hai cuốn sổ. Một cuốn sổ chính thức, ghi tên rất ít nhân viên. Ví dụ nhà hàng có 10 nhân viên một ca thì họ chỉ ghi 4 người thôi. Còn với sổ phụ sẽ phân công thời gian làm của 10 người đó”, Lộc Lâm giải thích.
“Khi mà tổng hợp nộp thuế, họ chỉ cần nộp sổ chính thôi. Có những người có trí nhớ tốt thì họ còn không cần ghi lại nữa. Nó giống như một cuốn sổ ma vậy đó, để nộp cho sở thuế”.
Điều tra của SBS cho thấy nhiều nhà hàng thuê mướn nhân viên có cùng nguồn gốc văn hoá hay sắc tộc với họ. Khi SBS tìm đến, hầu hết nhân viên trong các nhà hàng Việt Nam tại Footscray, Richmond, St Albans, Sunshine, và Springvale đều nói tiếng Việt.
Thỏa hiệp ngầm là nguyên nhân
Ông Wing La, Chủ tịch của Hội thương gia Á Châu Footscray FABA với hơn 30 thành viên, khẳng định “đây là thỏa hiệp ngầm ở phía trong để công việc trôi chảy” và “tiểu thương trong hoàn cảnh cạnh tranh, vì sự sống còn nên họ làm bậy”.
“Chủ nhân làm việc trái phép vì nếu trả tiền đúng tiêu chuẩn, họ kham không nổi. Đây là vấn đề sống còn của tiểu thương. Mình hiểu sự khó khăn của họ. Việc này không chỉ diễn ra ở cộng đồng Việt Nam đâu, mấy cộng đồng khác cũng có.
“Việc này xảy ra là bởi hai bên, chủ nhân và người chấp nhận thiệt thòi. Nếu sinh viên cương quyết phải được trả lương đúng mới làm thì việc tầm bậy này không xảy ra. Đây cũng là một phần lỗi của người sinh viên. Một người cam tâm chịu thiệt thòi, một bên sẵn sàng chịu phạm pháp.”
Hội chợ Tết của người Việt ở Footscray, Melbourne. Ảnh: SBS Vietnamese/Daniel Le.
Trả lời câu hỏi của SBS, tại sao người sử dụng lao động Việt Nam lại thích thuê nhân viên Việt Nam hơn những nhân viên thuộc nguồn gốc khác, ông Meca Ho, chủ tịch Hiệp hội Thương gia Victoria St tại Richmond, đồng ý rằng việc giao tiếp thuận lợi hơn.
“Một số người sẵn sàng nhận lương thấp vì rào cản ngôn ngữ. Họ không thể tìm được việc làm ở những nơi khác như McDonald’s, Hungry Jacks hoặc các nhà hàng khác, vì quốc tịch của họ, và cảm giác rằng ngôn ngữ của họ không đủ tốt để làm việc trong xã hội phương Tây.
“Họ đã chọn nhà hàng Việt Nam bởi vì họ được giao tiếp và làm việc với người Việt Nam, cộng đồng của họ. Nếu họ thấy vui, họ có thể làm tiếp, nếu không thì thôi, đó là sự lựa chọn của họ. Chúng ta không thể lúc nào cũng đổ lỗi cho người chủ được”.
Ông Meca Ho cũng cho rằng thức ăn của Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước khác. Ông lập luận trong khi tô phở Việt chỉ có 10 AUD, một món ăn Ý phải đến 25, 30 AUD, doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiều áp lực.
“Ở Victoria St (Richmond), khi gia đình tôi mới mở cửa tiệm, chỉ có 5 nhà hàng. Bây giờ hiện có 55 nhà hàng. Chúng tôi phải cạnh tranh thế nào đây? Ngoài Richmond ra, còn có hàng trăm nhà hàng Việt Nam, Sunshine, Footscray, St Albans, High St. Hiện có hàng ngàn nhà hàng Việt Nam. Rất khó để cạnh tranh.”
Giáo sư Joo Cheong Tham từ khoa Luật, Đại học Melbourne cho biết “văn hóa đồng lõa” là nguyên nhân khiến nạn bóc lột trở nên khó giải quyết.
Nghiên cứu của Joo Cheong cho thấy rằng sự không tuân thủ luật lao động xảy ra ít nhất vào giữa những năm 1980.
“Sự đồng lõa là điều khó nhất để giải quyết việc này. Không chỉ những người chủ không muốn tiết lộ việc này, mà người lao động cũng không muốn tố cáo chủ nhân của họ. Một số sinh viên đang vi phạm visa của họ khi họ làm việc nhiều giờ hơn mức quy định. Vì vậy, họ nghĩ rằng nếu họ khiếu nại đến Fair Work Ombudsman, cơ quan này sẽ chuyển thông tin cho Bộ Di trú. Do đó họ có thể phải đối mặt việc bị trục xuất.”
Sống ở Footscray từ năm 2006 đến nay, Dân biểu tiểu bang Victoria, bà Marsha Thomson nhấn mạnh bà hiểu những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt và kêu gọi chấm dứt sự bóc lột trong cộng đồng.
“Tôi yêu tất cả các nhà hàng Việt ở Footscray. Họ bán đồ ăn ngon, tuyệt vời, và giá rất rẻ”.
“Tôi hy vọng những thực khách bước vào nhà hàng sẽ đồng ý trả nhiều hơn một chút để bảo đảm những người đang phục vụ họ và nấu nướng trong bếp được trả lương đúng mức. Và chúng tôi sẵn sàng trợ giúp trong quyền hạn của mình để giúp họ tuân thủ luật pháp”.
Đang ngủ bị gián bò vào tai, ‘tra tấn’ trong suốt 9 ngày
Bà Katie Holley vào tối ngày 14 Tháng Tư đang ngủ thì bỗng chợt choàng tỉnh dậy vì cảm thấy có gì lạ trong tai trái.