Đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào?
TS Nguyễn Hồng Quang (Học viện Ngoại giao) nói chiến lược chống dịch cần lấy "sống chung lâu dài" là mục tiêu, trên cơ sở tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng và nghiên cứu thuốc đặc trị.
12:00 04/09/2021
Đầu tháng 6, sau hơn một năm Covid-19 được công bố là đại dịch toàn cầu, một số nước phương Tây dường như đã ở ngưỡng cửa vượt qua đại dịch, thông qua phổ biến vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng.
Nhưng tốc độ lây lan của biến chủng Delta lại một lần nữa gây bất ngờ cho người dân và chính phủ nhiều nước, như những gì căn bệnh này từng làm vào đầu đại dịch.
Chưa dừng lại ở Ấn Độ, Thái Lan, và Indonesia, Delta tạo thành làn sóng tại châu Âu và châu Mỹ, thậm chí ngay tại những nước có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao như Anh, Mỹ.
Delta đã và đang làm thay đổi chiến lược chống Covid-19 ở nhiều quốc gia. Nhưng bên cạnh việc gây ra khó khăn, biến chủng Delta cũng cung cấp thêm bằng chứng khoa học để các nước điều chỉnh chiến lược lâu dài chống lại virus nguy hiểm này.
Một người đào mộ ở Indonesia ngồi nghỉ sau khi chôn cất nạn nhân Covid-19 vào tháng 7. Ảnh: Reuters.
Mục tiêu giảm tử vong và quá tải y tế
Cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa 4 loại biến chủng Covid-19 vào nhóm “đáng quan ngại” là Alpha, Beta, Gamma, và Delta.
WHO cũng đang nghiên cứu biến chủng mới có tên “Mu”, được cho là có khả năng vô hiệu hoá kháng thể sinh ra ở người từng nhiễm Covid-19 hoặc đã tiêm chủng.
Biến chủng Mu đang được xếp vào biến chủng “đáng quan tâm” và chưa được nâng cấp thành “đáng quan ngại”. Nhưng nếu nhận định của WHO là đúng, biến chủng Mu có thể tạo ra làn sóng Covid-19 mới trong tương lai không xa.
Trước làn sóng Delta, các quốc gia tuỳ hoàn cảnh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, song đều nhằm một số mục tiêu cơ bản là làm giảm tốc độ lây nhiễm, giảm số người tử vong, khắc phục sự quá tải của hệ thống y tế...
Khác với các làn sóng dịch trước đây, Mỹ và châu Âu chưa thực hiện các biện pháp mạnh như phong toả hoàn toàn nền kinh tế hay toàn bộ một thành phố lớn.
Điều đó cho thấy mức độ hiểu biết lớn hơn của con người đối với Covid-19, cũng như tác dụng tích cực của vaccine trong nhóm dân số đã được tiêm chủng.
Những nước trên cũng tính toán kỹ biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của quy định phong toả đối với kinh tế, xã hội và tâm lý. Đây là "bộ ba khủng hoảng" đẩy người dân nhiều nước vào tình trạng đặc biệt khó khăn trong năm 2020.
Mở rộng tiêm chủng và nghiên cứu về thuốc
Mở rộng tiêm chủng tiếp tục là chiến lược quan trọng nhất tại hầu hết quốc gia. Nhiều nước châu Âu đã tiêm chủng cho 50% người trưởng thành lúc này đang cố gắng nâng độ phủ vaccine lên 80-90% dân số, song song với việc từng bước mở cửa một phần hoặc hoàn toàn các hoạt động xã hội.
Một xe tiêm chủng ngừa Covid-19 lưu động tại bang Georgia, Mỹ. Ảnh: Georgia Recorder.
Tại Mỹ, sau khi Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) phê duyệt đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer, chính quyền liên bang và nhiều tiểu bang đang dự định bắt buộc tiêm vaccine đối với công chức, đồng thời đẩy mạnh quảng bá tiêm chủng tại các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức xã hội.
Những quốc gia bị cho là “chậm trễ” trong tiêm chủng như Nhật Bản, Australia, New Zealand cũng đang tìm mọi cách tăng tốc. Một số nước châu Âu, Mỹ, và Israel cũng bắt đầu tiêm mũi tăng cường nhằm tăng hiệu quả chống dịch.
Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là tại châu Á và châu Phi, việc thiếu nguồn cung vaccine đang là trở ngại lớn nhất trong chiến lược chống Covid-19.
Thuốc chữa Covid-19 cũng đang được các quốc gia đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển. Đến nay, ngoài remdesivir đã được FDA phê duyệt, nhiều loại thuốc khác đang được thử nghiệm ở các giai đoạn khác nhau.
Trong số đó nổi lên một số ứng viên triển vọng, bao gồm bamlanivimab - thuốc kháng thể đơn dòng có tác dụng đối với bệnh nhân nhập viện, nhưng ít tác dụng với biến chủng mới. Thuốc đơn dòng REGEN-COV có tác dụng ngăn bệnh chuyển nặng, đặc biệt là đối với người có hệ miễn dịch yếu.
Có thể kể đến một số ứng viên khác như sotrovimab - giúp giảm nguy cơ nhập viện với bệnh nhân Covid-19, và AZD7442 có tác dụng phòng Covid-19, đang được các nước Châu Âu sử dụng và Mỹ cân nhắc đặt mua.
Ngoài ra, thuốc đặc trị Molnupiravir (thuốc chống virus cúm) cũng cho thấy triển vọng, nhưng đang được công ty Meck thử nghiệm thêm để đánh giá tác dụng.
Một số nước từ bỏ "0 ca Covid-19"
Một số quốc gia được coi là thành công với chiến dịch “0 ca Covid-19” trong giai đoạn trước, lúc này phải điều chỉnh chiến lược trước làn sóng Delta. Tiên phong trong số này là Singapore với chiến lược “Sống chung với Covid”.
Chiến lược của Singapore được đưa ra vào tháng 4, với nội dung chính là tăng cường tiêm vaccine và từng bước mở cửa nền kinh tế. Một số thành viên trong Lực lượng Chuyên trách Liên bộ chống Covid-19 của Singapore đề xuất dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và không đếm số ca Covid-19 hàng ngày.
Dù đã khống chế tốt số ca nhiễm, Singapore vẫn thực hiện triệt để lệnh giãn cách và cấm tụ tập đông người nơi công cộng.
Nhà chức trách Singapore chuẩn bị xét nghiệm nước thải để sớm phát hiện các ca mắc Covid-19. Ảnh: Strait Times.
New Zealand và Australia là hai quốc gia thành công trong giai đoạn trước, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong làn sóng hiện nay. Các biện pháp phong toả, truy vết, xét nghiệm diện rộng mà chính phủ New Zealand thực hiện thời gian qua đã giúp nước này tránh được bùng phát dịch trên diện rộng, song đang gây nhiều khó khăn trong sản xuất và xã hội.
Điều này cũng xảy ra với Australia. Hồi tháng 8, Thủ tướng Australia Scott Morrison từng cho rằng “không thể sống mãi trong phong tỏa” và đang chuyển chiến lược theo hướng không còn chú trọng vào mục tiêu “đưa số ca nhiễm về 0” vì điều đó bất khả thi.
Thay vào đó, Australia sẽ chấp nhận để số ca nhiễm tăng trong điều kiện bệnh viện có thể tiếp nhận bệnh nhân và hướng tới mục tiêu mở cửa quốc tế khi 80% người dân đủ điều kiện được tiêm chủng, theo New York Times.
Đi tìm chiến lược phù hợp nhất
Sau nhiều năm đầu tư nghiên cứu họ virus corona và gần 2 năm đối phó SARS-CoV-2, con virus này vẫn còn những ẩn số chưa thể giải đáp như cách thức lây truyền từ động vật sang người, từ người sang người (qua bề mặt hay trong không khí hay cả hai), và quy luật biến đổi.
Từ góc độ y học, vẫn còn một số câu hỏi lớn như đặc tính gây bệnh khó chẩn đoán của Covid-19: Một số người mắc bệnh không hề có triệu chứng, song số khác trở nặng rất nhanh dù không có bệnh nền.
Điều này đặt hệ thống y tế của các nước trong tình trạng tương đối bị động và làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đó là chưa kể đến tác động về tâm lý xã hội mà các chính phủ phải xử lý trong các giải pháp chống dịch.
Bệnh viện Indonesia từng quá tải vì số ca mắc Covid-19 tăng mạnh. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, ở góc độ sức khoẻ cộng đồng, nếu dựa trên tiêu chí cơ bản là tỷ lệ tử vong, Covid-19 có thể được xếp chung với nhóm bệnh cúm truyền nhiễm - vốn có tỷ lệ tử vong là 0,1-0,2%.
Theo nghiên cứu công bố ngày 26/8 của Viện Cato (Mỹ), tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại châu Mỹ và châu Âu là 0,3-0,4%. Tại Mỹ, 80% số ca tử vong diễn ra đối với nhóm dân số có độ tuổi trên 65, và 39% số người chết trong năm 2020 là ở các viện dưỡng lão.
Đáng chú ý, các loại vaccine đã được chứng minh trên thực tế là có hiệu quả cao đối với mục tiêu giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong, dù tỷ lệ nhiễm bệnh có tăng lên đôi chút với biến chủng Delta. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, 99,5% số người tử vong vì Covid-19 thuộc nhóm chưa tiêm vaccine.
Thiếu vaccine là trở ngại chính hiện nay. Tuy nhiên, bước vào năm 2022, thế giới hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tiêm vaccine cho phần lớn dân số trưởng thành.
Theo WHO, thế giới có thể sẽ kiểm soát được đại dịch khi 70% dân số được tiêm chủng, tương đương 5,5 tỷ người và 11 tỷ liều vaccine. Sự lan nhanh của biến chủng Delta có thể buộc các nước phải tiêm cho 80%, thậm chí 90% dân số, tương đương với khoảng 13 tỷ liều.
Vacine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer vừa qua đã được FDA phê duyệt đầy đủ. Ảnh: Reuters.
Nguồn cung vaccine sẽ tốt hơn trong năm 2022
Trong số các loại vaccine đã được WHO công nhận, Pfizer đang đi đầu về sản lượng với 3 tỷ liều trong năm 2021 và dự kiến 4 tỷ liều năm 2022. Moderna đặt mục tiêu sản xuất 1 tỷ liều năm 2021 và 3 tỷ liều năm 2022. Johnson & Johnson có kế hoạch tăng lên 3 tỷ liều vào năm 2022.
Với lợi thế về điều kiện sản xuất, hai công ty vaccine Trung Quốc Sinopharm và Sinovac dự kiến sản xuất 5 tỷ liều trong năm 2022. AstraZeneca đặt mục tiêu sản xuất 1,2 tỷ liều năm 2021 và tăng lên 2,4 tỷ liều năm 2022.
Sputnik V của Nga đặt mục tiêu sản xuất 1,6 tỷ liều trong năm 2021 và tăng lên đáng kể năm 2022 nếu khắc phục được khó khăn ở khâu sản xuất nguyên liệu thô và pha chế, đóng gói.
Như vậy, thế giới sẽ không thiếu vaccine vào năm 2022 và những năm sau đó. Vấn đề lớn nhất khi ấy sẽ là vaccine nào hiệu quả trước biến chủng mới và việc phân phối cho các quốc gia ra sao.
Sự ra đời của vaccine mRNA được coi là chìa khoá trong nỗ lực chống lại các biến chủng mới của Covid-19. Bên cạnh lợi thế là tạo ra mức kháng thể cao hơn, vaccine mRNA có ưu thế lớn ở khả năng điều chỉnh rất nhanh để đối phó biến chủng mới, chẳng hạn như Mu.
Với công nghệ truyền thống, thế giới cần nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất loại vaccine mới. Nhưng với Pfizer, chỉ cần khoảng 60 ngày để điều chế thành công loại vaccine mới để ngừa Covid-19.
Một số hãng dược đang theo đuổi loại vaccine ngừa Covid-19 dạng viên. Ảnh: Vaxart.
Có thể khẳng định rằng các biến chủng của Covid-19 sẽ tồn tại cùng với loài người trong thời gian dài sắp tới, song chúng ta đang và sẽ phát triển được những vũ khí hiệu quả để khống chế căn bệnh này.
Mức độ thành công trong chống dịch sẽ không đồng đều ở mọi quốc gia và mọi khu vực. Mục tiêu toàn thế giới đạt “miễn dịch cộng đồng” đã trở nên khó khăn hơn với sự xuất hiện của những biến chủng mới.
Những quốc gia bị tác động nặng nề nhất có thể sẽ ra khỏi đại dịch sớm nhất nếu có chiến lược đúng đắn. Ngược lại, chiến lược “0 ca Covid-19” có thể sẽ khiến một quốc gia về đích sau trong cuộc chạy đường dài nếu không điều chỉnh kịp thời.
Như vậy, một chiến lược quốc gia hiệu quả cần đặt mục tiêu “sống chung” với loại virus trong thời gian dài sắp tới. Ngoài việc xử lý thách thức hiện tại, chúng ta còn cần chuẩn bị sẵn “vũ khí” cho năm 2022 và những năm sau đó, nhất là nhằm chống lại các biến chủng mới.
Đồng thời, chúng ta cần điều chỉnh phù hợp biện pháp giãn cách nhằm bảo đảm hài hoà các mục tiêu sản xuất, xã hội và tâm lý trên cơ sở đẩy mạnh tiêm vaccine, từng bước mở cửa để thúc đẩy hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác phòng chống loại virus nguy hiểm này.
Được bảo lãnh sang định cư, gia đình tôi quyết định hủy và không hối tiếc
Từ bỏ kế hoạch định cư ở nước ngoài, vợ chồng tôi ở lại làm ăn trong nước, kiếm 40 triệu/ tháng, 45 tuổi về hưu.Tôi đã không hối tiếc hủy đi định cư nước ngoài cách đây 16 năm. Năm 1993, lúc đó tôi làm hồ sơ đi định cư cùng với ba mẹ và em trai, do chị tôi bảo lãnh.