Đại học Harvard bị cáo buộc ‘chặn bớt ứng viên người Mỹ gốc Á Châu’
Trường đại học Harvard thường xuyên cho điểm thấp các ứng viên người Mỹ gốc Á Châu nộp đơn xin học, so với các sắc dân khác, về những điều liên quan đến đặc tính cá nhân, như “bản tính tích cực-positive personality”, được người khác ưa thích (likability), can đảm (courage), tử tế (kindness) và “được sự nể trọng của nhiều người” (widely respected).
13:30 18/06/2018
Đây là kết quả cuộc phân tích của hơn 160,000 hồ sơ sinh viên, được một nhóm đại diện sinh viên người Mỹ gốc Á Châu đi kiện trường Harvard nộp tại tòa ở Boston.
Ứng viên người Mỹ gốc Á Châu nói chung có điểm số cao hơn ứng viên ở các sắc dân hay chủng tộc khác về những yếu tố thường được dùng để thu nhận sinh viên như điểm học bạ, điểm thi, và các hoạt động khác bên ngoài việc học. Tuy nhiên, việc chấm điểm thấp các yếu tố về đặc tính cá nhân đã khiến thành phần sinh viên Mỹ gốc Á Châu mất cơ hội được thu nhận, theo kết quả phân tích.
“Rõ ràng là sự nghi ngờ của các cựu sinh viên Harvard người Mỹ gốc Á Châu, các sinh viên đang theo học và các ứng viên đều đúng,” theo nhận định của nhóm “Students for Fair Admissions” khi trình bày cho tòa hay về phân tích của họ.
“Trường Harvard ngày hôm nay đang sử dụng cùng phương cách kỳ thị như đã thấy khi ngăn chặn ứng viên người Do Thái trong thập niên 20 và 30,” nhóm “Students for Fair Admissions” cho biết.
Hồ sơ nộp tại tòa cũng nói rằng các nghiên cứu nội bộ của trường Harvard vào năm 2013 cũng thấy có sự kỳ thị ứng viên người Mỹ gốc Á Châu, nhưng trường bỏ qua các nhận xét này và không bao giờ công bố ra ngoài.
Các phát giác này cũng như các chi tiết về việc thu nhận sinh viên từng được trường Harvard giữ kín đã được công bố trước công chúng hôm Thứ Sáu tuần này, sau khi trường Harvard tìm cách ngăn chặn trong mấy tháng qua.
Bản phân tích này là một phần của đơn kiện cho rằng trường Harvard kỳ thị có hệ thống các ứng viên người Mỹ gốc Á Châu, vi phạm dân quyền của họ.
Đơn kiện do nhóm Students for Fair Admissionns nói rằng Harvard đặt ra một hình thức quota (hạn ngạch) nhằm để “cân bằng chủng tộc”. Điều này kềm hãm thành phần sinh viên Mỹ gốc Á Châu trong khi tạo thêm cơ hội thâu nhận cho sinh viên da trắng, da đen và Hispanic, theo đơn kiện.
Harvard trong bản thông cáo gửi tới báo chí hôm Thứ Sáu mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này. Trường nói rằng các chuyên gia của họ không thấy có tình trạng kỳ thị nào. Trường cũng cho rằng chuyên gia của phía nguyên đơn, giáo sư kinh tế Peter Arcidiacono, ở đại học Duke University, đã lọc lựa các dữ kiện nhằm có lợi cho lập luận của ông khi loại bỏ những người được nhận vì là con cháu cựu sinh viên, các lực sĩ, con cháu của nhân viên trong trường, vốn cũng có những người Mỹ gốc Á Châu.
Phía nguyên đơn đáp trả rằng chuyên gia của mình đã không liệt kê những ứng viên này vì muốn nhìn thấy rõ ràng ảnh hưởng của chủng tộc trong việc thu nhận sinh viên và không bị các yếu tố khác che khuất.
Phía nguyên đơn coi việc trường Harvard đối xử với thành phần ứng viên người Mỹ gốc Á Châu cũng không khác gì với người gốc Do Thái trong thập niên 20.
Cho tới thời điểm đó, việc thu nhận chỉ dựa thuần túy vào học lực của ứng viên.
Sau này, để tránh không bị chỉ trích là đưa ra “hạn ngạch” ngăn chặn một thành phần sinh viên, trường Harvard đưa ra các chỉ tiêu có tính cách chủ quan (subjective) như cá tính, nhân cách, và triển vọng thành công trong tương lai.
Phía nguyên đơn cho biết thành phần ứng viên người Mỹ gốc da trắng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu số người Mỹ gốc Á Châu được thu nhận nhiều hơn.
Đề xuất hủy kỳ thi tuyển sinh trung học ở New York gây tranh cãi
Kế hoạch xét tuyển học sinh trường chuyên dựa trên thứ hạng học tập thay vì kết quả kỳ thi khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á bất bình.