Đại học Mỹ bắt đầu dạy sinh viên: Chớ sợ thất bại

Năm ngoái, trong buổi khai giảng khóa mùa Thu tại trường đại học nữ Smith College, và sau đó vào thời gian thi cuối khóa, các sinh viên nhìn thấy khuôn mặt của những người công khai thú nhận là họ từng gặp thất bại, được chiếu lên màn hình lớn.

05:29 04/07/2017

“Tôi rớt lần thi viết đầu tiên ở đại học,” một sinh viên cho biết.

Và không chỉ giới sinh viên mà các giáo sư cũng sẵn sàng chia sẻ là họ từng gặp thất bại đắng cay.

“Tôi từng bị đuổi khỏi đại học,” một giáo sư Anh Văn được sinh viên ưa thích tiết lộ. “Trong năm thứ nhì. Bị toàn điểm F trong cả khóa học. Bị tống ra khỏi trường.”

(Hình minh họa: Frank Micelotta/MTV via Getty Images)

Một nhà học giả về văn chương nơi đây cho hay đã sáng tác một bài thơ và gửi đi “nhưng cho đến nay đã bị 21 tạp chí bác bỏ.”

Đây chẳng phải là chuyện hù họa các sinh viên mà là một phần nỗ lực có chuẩn bị kỹ ở trường đại học nữ này, nơi các sinh viên thường cảm thấy bị áp lực nặng nề là phải luôn đạt được điểm cao.

Cô Carrie Lee Lancaster, 20 tuổi, sinh viên năm thứ ba, nói rằng “trong trường, cái gì cũng giống như một cuộc tranh đua. Tôi nghĩ mọi người bị lôi kéo vào ý tưởng là phải có sự toàn hảo. Do vậy, khi nhìn những sự thất bại đó được nói ra công khai, tôi cảm thấy rằng, ‘À, những người khác cũng gặp khó khăn như mình.’”

“Điều chúng tôi muốn dạy các sinh viên là thất bại chẳng phải là điều xấu trong sự học, mà đó là một phần của sự học,” theo lời chuyên gia Rachel Simmons tại Smith.

“Đây chẳng phải là điều phải gạt bỏ ra ngoài chương trình học tập. Vì đối với nhiều sinh viên, muốn vào được một trường như Smith, họ hầu như phải hoàn hảo trên mọi mặt. Thất bại là điều họ chưa từng trải qua. Do đó, khi điều này xảy ra, họ coi như mọi thứ đều sụp đổ.”

Chính cá nhân bà Simmons cũng từng phải che giấu các thất bại của mình, (bị rớt ra ngoài chương trình học bổng cho sinh viên ưu tú, bị viện trưởng gọi là sự xấu hổ của trường) trong cả gần một thập niên. “Trong nhiều năm, tôi nghĩ cuộc đời mình coi như tàn lụi,” bà nói.

Đó là lý do tại sao khi các sinh viên ghi danh vào lớp của bà, họ có được chứng chỉ “cho phép thất bại,” về tất cả mọi vấn đề, cho dù là học vấn, quan hệ tình cảm, bạn bè…

Có nhiều sinh viên ngày nay vào trường với những điểm số hầu như hoàn hảo trên học bạ, có thêm đủ các hoạt động bên ngoài, nhưng lại không đủ khả năng đối phó với những điều trái ý bình thường trong đời sống đại học, như không có được phòng ở mà họ muốn, bị đưa vào danh sách chờ đợi cho lớp muốn học hay bị một hội nào đó trong trường bác đơn xin gia nhập.

“Đây không phải là những trường hợp như rớt ra khỏi chương trình dự bị y khoa hay bị đuổi khỏi trường,” theo bà Simmons. “Đây là những trường hợp mà sinh viên đến văn phòng tư vấn nhà trường, khóc lóc thảm thiết vì bị điểm dưới A-,” bà Simmons cho biết thêm.

Các trường như Stanford, Princeton và Harvard nay cũng chú ý đến vấn đề sinh viên không biết cách đối phó với các thử thách ngoài đời thường, vốn cũng là điều khiến nhiều sinh viên phải có sự trợ giúp tâm thần.

“Trong nhiều năm, tôi nghĩ chúng ta cứ tưởng rằng đây là điều mà trẻ đương nhiên học được khi còn nhỏ, nhưng đây là điều chúng không có được và cũng một phần là do chúng ta không cho trẻ cơ hội để học cách đối phó với khó khăn,” theo Donna Lisker, phó viện trưởng đặc trách sinh viên vụ tại Smith College.

Tags:
Nữ sinh Việt được 8 trường đại học Mỹ cấp học bổng

Nữ sinh Việt được 8 trường đại học Mỹ cấp học bổng

Nguyễn Hoàng Thiên Kim, nữ sinh Trường Quốc tế Á Châu được 8 trường đại học danh tiếng của Mỹ trao học bổng khi bước vào kỳ đầu lớp 12.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất