Đại học USC bổ nhiệm giáo sư Nguyễn Thanh Việt làm làm phân khoa trưởng
Hôm Thứ Tư, 1 tháng Ba vừa qua, giáo Sư gốc Việt Nguyễn Thanh Việt vừa được bổ nhiệm làm giáo sư phân khoa trưởng Anh Ngữ (The Aerol Arnold Chair of English) của đại học USC.
23:35 08/03/2017
Ông là giáo sư Anh văn, Mỹ Học và Sắc Tộc Học tại USC trong nhiều năm, và từng đoạt giải Pulitzer năm 2016 qua tác phẩm “The Sympathizer” (Cảm Tình Viên).
“Tôi không biết rằng khi trở thành một giáo sư phân khoa trưởng (chaired professor), tôi sẽ có được một cái ghế thật. Rõ ràng đây là một điều từ những ngày xa xưa, khi hầu hết các giáo sư chỉ có ghế đẩu và ghế dài,” ông viết đùa, chơi chữ, trên trang Facebook của mình.
Tuy vậy, qua bài diễn văn trên Facebook, ông cho biết rất hãnh diện với buổi lễ chính thức bổ nhiệm ông vào chức vụ mới.
“Không. Tôi không phải là khoa trưởng, cảm tạ Thượng Đế,” ông giải thích trong phần phát biểu, và viết tiếp: “Thật tuyệt vời khi thấy đồng nghiệp và các sinh viên tham dự.”
Ngược dòng thời gian trở về với quá khứ 20 năm trước, ông chia sẻ quá trình viết văn và cảm tưởng của ông đối với cuộc sống hành nghề dạy học.
“Hầu như chính xác 20 năm trước, tôi tới Los Angeles vào Tháng Sáu. Tôi nhận được bằng tiến sĩ từ UC Berkeley vào Tháng Năm và tôi vừa được 26 tuổi Tháng Hai trước đó. Mùa Hè năm đó, tôi tìm được một căn hộ nhỏ ở Silver Lake và bắt đầu chuẩn bị cho một sự nghiệp mới là làm giáo sư tại USC,” ông kể.
Ông nhắc đến những khi ngồi viết bài trên chiếc bàn đầy kỷ niệm.
“Sự ngây thơ bảo vệ tôi khi tôi ngồi xuống để viết tại chiếc bàn bếp nhỏ của tôi, chỉ vừa đủ lớn cho tôi và cô bạn gái, bây giờ là vợ của tôi, người mà tôi đã mua tặng cái bàn khi tôi còn ở bậc cao học, để chúng tôi có bữa ăn tối lãng mạn lần đầu bên nhau,” ông viết.
Ông cho biết đó cũng là thời điểm ông bắt đầu tuyển tập truyện ngắn.
Ông kể đến những gì ông đã làm để tiến thân trên đường dạy học, cùng kỷ niệm của những năm dai viết tập truyện ngắn.
“Muốn làm nhà văn, một phần phải học hỏi kỹ thuật, nhưng tinh thần và thói quen của đầu óc cũng không kém quan trọng. Phải biết ngồi hàng ngàn giờ trên ghế, lâu lâu được khen đôi chút, chịu đựng sự đau khổ khi viết lách, và mong sẽ có gì biến chuyển,” ông viết.
Bước kế tiếp là những thử thách khi ông muốn làm một học giả, song song với việc viết truyện.
Ông nói đến cuốn sách ông viết về những hồi ức liên quan đến chiến tranh Việt Nam.
“Nếu biết phải mất 14 năm mới xuất bản được, tôi có lẽ đã chọn một đề tài khác,” ông viết và giải thích điều ông muốn làm, nhưng ông không biết, không có ai dạy,” ông kể.
Ông cho biết: “Tuy nhiên, nhìn lại quá trình viết sách, tôi cũng từng xuất bản ba cuốn sách trong vòng ba năm. Tôi phải thú thật là nhờ USC, nay gọi là Dornsife College, đã không áp lực tôi phải viết nhanh hơn. Áp lực, nếu có là từ chính bản thân tôi.”
“Những gì ngày nay chúng ta không biết, có thể là những gì giá trị trong tương lai,” ông tâm sự.
Sau cùng, ông nhắc đến cha mẹ, là người Việt tị nạn, 27 năm trước từng làm việc từ 12 đến 14 tiếng một ngày, và có thể nghĩ ngành ông chọn học sẽ không giúp ích gì, nhưng đã không ngăn cản.
Ông đặc biệt cám ơn người vợ đã tin tưởng và kiên nhẫn chịu đựng.
Ông cũng cám ơn trường văn khoa Dornsife và USC “đã kiên nhẫn và đặt niềm tin vào những người làm việc trong ngành nghệ thuật và nhân văn, trong khi chúng tôi thử thách giới hạn của sự u muội khi theo đuổi những gì có thể là vô ích.”
Nữ giáo sư nghiên cứu tập sự 33 tuổi người Việt ở Mỹ
Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Stanford hàng đầu thế giới, mới đây Ngô Thị Minh Thùy (33 tuổi) được trường y khoa nổi tiếng nước Mỹ Oregon Health and Science University bổ nhiệm làm giáo sư nghiên cứu tập sự về lý - sinh.