Dàn diễn viên "Biệt động Sài Gòn" sau 37 năm, giờ ra sao?
37 năm sau khi phim "Biệt động Sài Gòn" ra mắt, Thanh Loan hiện nghỉ đóng phim, Thương Tín mưu sinh vất vả, Thúy An định cư ở trời Âu.
20:24 28/08/2024
Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân ra mắt vào năm 1986, tái hiện những sự kiện nổi bật của lực lượng biệt động Sài Gòn trong chiến tranh. Tác phẩm kinh điển này được xem là một trong những thành công chói sáng của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Sau 37 năm, cuộc đời của các diễn viên trong phim như Thanh Loan, Hà Xuyên, Hai Nhất, Thương Tín... có nhiều thay đổi, thăng trầm.
Hà Xuyên
NSƯT Hà Xuyên sinh năm 1956 ở Thái Bình, xuất thân là diễn viên múa, bén duyên điện ảnh năm 17 tuổi. Biệt động Sài Gòn là một trong những phim gắn liền với tên tuổi của nữ nghệ sĩ.
Trong phim, bà vào vai Ngọc Mai - chiến sĩ tình báo dũng cảm với bí danh Z20. Ngọc Mai giả làm vợ của trùm tình báo để qua mặt giới cầm quyền lúc bấy giờ. Nhân vật gây ấn tượng bởi vẻ đẹp lộng lẫy, đài các và tính cách kiên cường, gan dạ.
Nghệ sĩ Hà Xuyên có đời tư kín tiếng. Cuộc hôn nhân của bà không được trọn vẹn. Sau khi ly hôn, diễn viên một mình nuôi 2 con khôn lớn. Những năm gần đây, Hà Xuyên thi thoảng xuất hiện trên sóng truyền hình, ít hoạt động nghệ thuật.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Hà Xuyên cho biết Biệt động Sài Gòn là tác phẩm để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm sâu sắc trong sự nghiệp diễn xuất của bà. Những năm gần đây, bà ít đóng phim vì chưa nhận được kịch bản phù hợp.
Ở tuổi trung niên, Hà Xuyên tận hưởng cuộc sống bình yên bên con cháu, dành thời gian cho thú vui khiêu vũ, gặp gỡ bạn bè và hoạt động từ thiện.
"Niềm vui của tôi là thấy các con khôn lớn, thành đạt. Các con tôi ở riêng, cuối tuần gia đình tụ họp. Tôi có lương hưu, thu nhập đủ sống thoải mái", nghệ sĩ nói.
Thanh Loan
NSƯT Thanh Loan sinh năm 1951 tại Hà Nội, từng học trường Nghệ thuật Quân đội, sau đó về công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị.
Năm 1986, khi Biệt động Sài Gòn ra mắt, Thanh Loan gây ấn tượng với vai diễn ni cô Huyền Trang. Hình ảnh nữ chiến sĩ khoác áo tu hành với đôi mắt sâu thẳm, tính cách gan góc đã in sâu vào ký ức khán giả.
Ni cô Huyền Trang cũng là vai diễn cuối trong sự nghiệp của Thanh Loan. Sau thành công của Biệt động Sài Gòn, bà chuyển sang làm đạo diễn phim tài liệu, giữ chức Phó Giám đốc Hãng phim Công an.
Thanh Loan kết hôn năm 23 tuổi với chồng là tiến sĩ khoa học hơn bà 10 tuổi. Các con của nghệ sĩ hiện đã trưởng thành, có gia đình. Cháu ngoại bà học ở Úc nên thi thoảng, bà lại cùng con cái sang thăm cháu, kết hợp du lịch.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí hồi tháng 9, NSƯT Thanh Loan nói tuổi hưu trí của bà bình yên, viên mãn. Hiện bà đã về hưu, hưởng lương quân hàm Đại tá. Bà hạnh phúc bên ông xã, dành thời gian cho yoga, làm từ thiện và sở thích "đi đây đi đó".
"Tuổi này tôi chẳng nuối tiếc điều gì, chỉ sợ sức khỏe của mình kém đi. Tôi thích ngao du, đi chơi đây đó nên đã lập nhóm Hoa Chân để thi thoảng gặp gỡ, giao lưu với bạn bè cùng anh chị em nghệ sĩ", diễn viên nói.
Hai Nhất
Hai Nhất sinh năm 1948 tại Ninh Bình. Ông từng đi bộ đội, ngoài 30 tuổi mới bén duyên với nghiệp diễn.
Nghệ sĩ bắt đầu nổi tiếng với vai phản diện Ba Cẩn trong Biệt động Sài Gòn. Sau thành công của phim, ông tham gia nhiều tác phẩm như Tiếng cú đêm, Kẻ giấu mặt, Con gái ông trùm, Tên cướp đêm vượt biên máu lạnh...
Hai Nhất có 7 người con, trong đó diễn viên Thành Đạt nối nghiệp bố. Những năm gần đây, vì tuổi cao sức yếu, ông ít đóng phim, chỉ nhận những kịch bản phù hợp và chuyển sang kinh doanh. Tác phẩm gần nhất ông tham gia là phim hình sự Hồ sơ lửa, lên sóng truyền hình năm 2017.
Hồi tháng 10, nghệ sĩ Hai Nhất bất ngờ bị đột quỵ nhưng được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên may mắn qua cơn nguy kịch. Trước đó, ông có tiền sử bệnh huyết áp, triệu chứng tim mạch và gần đây phát hiện thêm bệnh phổi.
Thương Tín
Thương Tín sinh năm 1956, quê ở Phan Rang, Ninh Thuận. Khởi đầu sự nghiệp với cải lương nhưng Thương Tín được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực điện ảnh.
Trong Biệt động Sài Gòn, Thương Tín vào vai Sáu Tâm - người lính điển trai, gan dạ. Vai diễn giúp nam diễn viên chiếm được nhiều cảm tình từ khán giả.
Về đời tư, Thương Tín trải qua nhiều thăng trầm. Sau những cuộc tình đổ vỡ và cuộc hôn nhân thất bại, diễn viên kết hôn với vợ kém 32 tuổi. Hiện vợ và con gái của Thương Tín sống tại Ninh Thuận.
Tháng 2/2021, Thương Tín nhập viện vì đột quỵ, được đồng nghiệp và mạnh thường quân hỗ trợ. Có thời điểm, Thương Tín đi làm giao hàng để trang trải cuộc sống nhưng sau đó bỏ nghề vì sức khỏe không cho phép.
Một năm qua, Thương Tín được nhạc sĩ Tô Hiếu cưu mang chỗ ăn ngủ, hỗ trợ tìm việc làm. Ông đi hát đám cưới, sự kiện với mức cát-xê từ 2-5 triệu đồng. Mỗi tháng, Thương Tín gửi tiền về cho vợ con ở Ninh Thuận, phần dư giữ lại trang trải sinh hoạt.
Trong cuộc trò chuyện với truyền thông hồi tháng 4, Thương Tín nói sức khỏe ông yếu dần sau mỗi cơn bệnh. Nghệ sĩ ý thức được tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cố gắng mưu sinh để lo cho vợ con.
Thúy An
Nghệ sĩ Thúy An sinh ra ở miền Tây Nam bộ, từng bán nước mía mưu sinh tại Sài Gòn. Bà bắt đầu nổi tiếng từ vai chính phim Cánh đồng hoang (1979).
Trong Biệt động Sài Gòn, Thúy An tạo dấu ấn với vai cô gái bán cháo lòng Ngọc Lan, người yêu Sáu Tâm. Sau phim thành công của tác phẩm, nghệ sĩ tỏa sáng với những vai diễn trong Mùa gió chướng, Mùa nước nổi, Vùng gió xoáy...
Có sự nghiệp thành công nhưng đời tư của Thúy An khá truân chuyên. Năm 30 tuổi, bà giã từ nghề diễn vì chồng qua đời. Sau đó, bà đưa con gái qua Lào để mở tiệm kinh doanh trang sức.
Ở đất khách, bà gặp một Việt kiều sinh sống tại Đức. Sau đó, bà với con gái sang trời Âu định cư. Hiện nghệ sĩ có cuộc sống bình yên bên chồng con.
Thi thoảng, Thúy An vẫn về Việt Nam. Tuy nhiên bà ít xuất hiện trước truyền thông. Bà dành thời gian làm từ thiện, gặp gỡ vài người bạn cùng đóng phim ngày xưa như Hà Xuyên, Thanh Loan...
Lời khuyên của tổ tiên: 'Nghèo không đi đường thủy, giàu không nên hoang dâm', ý nghĩa thực sự của câu nói này là gì?
Trong kho tàng văn hóa dân gian xưa, những lời khuyên của tổ tiên không chỉ là những câu nói đơn thuần mà còn chứa đựng những triết lý sống sâu sắc. Một trong những câu tục ngữ quen thuộc mà chúng ta thường nghe đến là "Nghèo không đi đường thủy, giàu không nên hoang dâm".