Dân Little Saigon bán ‘ve chai’ để bảo vệ môi trường

“Ve chai” là từ ngữ thường được sử dụng tại Việt Nam từ trước tới nay. Sang Mỹ này, ngày nay, không còn nhiều người dùng từ này nữa, mà họ gọi là “đồ tái chế.” Đồ tái chế được mua lại, đem đi tái chế, để tái sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Các công ty thường được chính quyền tài trợ để thu mua những thứ này, đem về tái chế, vừa tạo thêm việc làm, vừa bảo vệ môi trường.

03:01 03/09/2017

Khi có dịch vụ thu mua đồ tái chế, cư dân trong vùng thường đem những thứ làm bằng nhựa, nhôm, giấy, thủy tinh…đem bán để có tiền, đồng thời giữ cho nhà được vệ sinh.

Ở vùng Little Saigon, có nhiều trạm thu mua đồ tái chế, và trong số người bán, có nhiều người Việt Nam.

“Cứ hai đến ba tuần mỗi tháng tôi đi bán đồ tái chế một lần nên cũng không xem là đi thường xuyên. Đôi khi con tôi tự đi, nhưng hôm nay hai mẹ con rảnh nên quyết định đi cùng,” bà Minh Nguyễn, cư dân Garden Grove, cho biết.

Bà cho hay, bà thường đến RePlanet tại góc đường McFadden và đường Brookhurst để bán vì bà có thể lấy được nhiều tiền hơn bằng cách tự bỏ vật dụng tái chế vào máy, thay vì cân tại một số địa điểm khác.

“Đó cũng là lý do vì sao nhiều người đến đây bán, thế nên đôi khi phải xếp hàng khá lâu mới đến lượt mình,” bà nói.

Bà chia sẻ thêm: “Khi mua nước uống, mình có trả luôn tiền vỏ chai, nên đi bán đồ tái chế mình lấy được một phần nào tiền bỏ ra. Con tôi còn đi học nên thường cần tiền mua sách vở và dụng cụ học tập, nên đi bán những thứ này giúp tôi phần nào trang trải tiền lo cho con.”

Không chỉ bà Minh, mà phần lớn người bán đồ tái chế vì muốn kiếm thêm thu nhập, có người muốn bảo vệ môi trường, có người bán thường xuyên, và có người chỉ thỉnh thoảng làm việc này. Nhưng dù mục đích riêng của từng người là gì, việc này giúp Little Saigon sạch sẽ hơn.

Bà Alicia Hay, cư dân Santa Ana, chia sẻ quan niệm của một người lần đầu tiên đi bán đồ tái chế: “Gia đình tôi vừa mua nhà năm ngoái và sau đó chúng tôi nhận thấy rác thải ảnh hưởng xấu đến môi trường. Tôi ngạc nhiên về lượng chất thải con người tạo ra như giấy, vỏ chai, và các vật dụng bằng nhôm hoặc nhựa.”

Bà Alicia nói thêm: “Trước đây tôi không nhìn thấy đây là một vấn đề lo ngại, nhưng sau khi hiểu biết thêm về sự việc, tôi không muốn thấy rác thải trên trái đất mà chúng ta sống và gây tác hại đến môi trường. Thế nên tôi thấy rằng chúng ta nên làm một việc gì đó với rác thải như tìm cách tái chế hoặc bằng cách khác để giúp môi trường. Ngoài ra, dù tiền thu lại được ít hay nhiều, từ vài xu đến vài đồng, điều này không những tốt cho môi trường mà còn tốt cho chính tôi.”

Bà Alicia Hay lần đầu đến trạm thu mua đồ tái chế. (Hình: Khoa Lại/)

Khi được hỏi liệu bà có tin vào biến đổi khí hậu hay không và bà có nhận xét gì khi Tổng Thống Donald Trump không nghĩ biến đổi khí hậu là một vấn đề đáng lo ngại, bà cho biết: “Tôi nghĩ mọi người đều nhận thấy rằng thời tiết trong những năm gần đây ngày càng khắc nghiệt hơn khi mùa Đông ngày càng lạnh hơn, và mùa Hè càng nóng và khô hơn. Tôi nghĩ họ nhận thấy được điều này và một số người có những cử chỉ và hành động cải thiện nhằm chặn đứng phần nào hiện tưởng biến đổi khí hậu này.”

“Tôi nghĩ ai cũng có suy nghĩ này và chúng ta nên được khuyến khích có những hành động tái chế hơn nữa, hay bằng phương thức nào nhằm ‘cứu vớt’ môi trường sinh sống của chúng ta,” bà Alicia nói.

Bà Alicia chia sẻ rằng, bà thường xuyên phân loại rác thải tại nhà và công việc này không tốn quá nhiều thời gian khi bạn đặt “tâm” vào việc này và tạo ra một “hệ thống” cho bản thân.

“Các loại rác thông thường, hay những loại rác vụn được xếp vào dạng phân ủ. Tôi rất tự hào về bản thân mình vì tôi có mua con trùng để giúp tôi làm phân ủ. Điều đặc biệt là phân ủ này không hôi,” bà Alicia nói. “Tôi cũng phân loại đồ ăn dư thừa để xem vật nào có thể dùng để làm phân ủ, còn không sẽ vứt đi. Những rác còn lại như giấy, các-tông, và các vật dụng thủy tinh thì tôi đem đi bán. Tôi bắt đầu phân loại rác và những vật đem đi bán xếp thành nhiều chồng lúc nào không hay.”

Tại trạm thu mua đồ tái chế cạnh chợ Đà Lạt, Garden Grove, ông Phan Vũ, cư dân Garden Grove, cho biết: “Tôi bán đồ tái chế được hai, ba năm nay vì mấy chai nước uống ở nhà cứ vứt tùm lum, vừa bẩn thỉu và vừa tốn chỗ, nên tôi quyết định đem chúng đi bán. Ngoài ra, việc này cũng giúp bảo vệ môi trường.”

Cũng theo ông, ngoài việc có trạm thu mua gần nhà, cộng với việc cân đồ tái chế, vừa nhanh và tiện nên ông thường đến địa điểm này.

Ông Phan Vũ cho biết: “Gia đình tôi bán đồ tái chế khoảng ba tháng một lần. Nhà tôi cứ vứt vào góc đến khi đầy thì đem đi bán, chứ cũng không có thời giờ đi thường xuyên.”

Ông Phan Vũ (trái) đem vỏ chai đến bán tại trạm thu mua cạnh chợ Đà Lạt. (Hình: Khoa Lại/)

Khi được hỏi quan niệm của ông về việc những sắc tộc khác xem trọng việc tái chế, ông chia sẻ: “Theo tôi, do họ ở Mỹ từ nhỏ và theo cách sống của xã hội bên đây mà họ thường xuyên bán đồ tái chế hơn Người Việt. Với những người đến định cư tại Mỹ, họ lại quen lối sống tại quê nhà nên vẫn chưa quen với việc phân loại và tái chế rác.”

Ông Trung Nguyễn, cư dân thành phố Westminster, cũng đến bán đồ tái chế tại đây, cho biết: “Cũng tùy người, những sắc tộc khác cũng giống người Việt Nam mình. Có người bán, có người không. Nên tôi thấy không có khác biệt gì mấy.”

Ông Trung cho biết ông chỉ bán đồ tái chế khi nhà có tiệc.

“Tôi không thường xuyên đi bán, chỉ thỉnh thoảng mới đi thôi. Khi ăn uống hoặc sau mấy dịp lễ mà nhà có tổ chức ăn uống thì tôi mới đem đi bán nên cũng không phải dạng ‘chuyên nghiệp,’” ông Trung nói.

“Bây giờ mình vứt đi cũng vậy, còn đem đi bán thì được đồng nào hay đồng đó,” ông Trung nói. “Chứ mình bỏ rác bừa bãi thì thành phố mình vừa dơ, ô nhiễm, và nhìn không sạch sẽ, mất vẻ mỹ quan.”

Ông Trung chia sẻ thêm: “Nếu trường hợp ai cũng vứt rác ra đường thì khi mình ra đường, mình sẽ thấy thành phố bẩn thỉu. Với xã hội hiện nay và càng có nhiều người ý thức hơn, việc tái chế không những giúp thành phố sạch sẽ hơn mà còn giúp chúng ta tăng thêm thu nhập. Đây là một chuyện rõ ràng ai cũng thấy!”

Ông Phan Vũ cũng có cùng quan niệm trên.

Ông cho biết: “Tôi cũng thấy khu Little Saigon mình dơ hơn những thành phố khác. Có thể vì người Việt mình quen với tập quán tại quê nhà. Xả rác ở Việt Nam quen tay rồi nên qua đây vẫn theo thói quen ấy, ‘tiện đâu xả đó,’ nên đường xá dơ hơn những khu khác.”

Ông cũng nhận định rằng, cộng đồng người Việt cũng nên tập thói quen tái chế vì việc này giúp cải thiện môi trường. Nếu mình vứt bậy bạ mà thời tiết có gió thì những rác này bay khắp nơi, nên việc gom chúng lại một nơi rồi đi tái chế là một điều có ích cho môi trường. Tôi cũng khuyến khích cộng đồng nên tái chế vì môi trương nơi chúng ta sống sẽ trong sạch hơn. Nếu không tái chế, cộng đồng có thể tiết kiệm năng lượng tại nhà bằng cách tắt đèn khi đi ra ngoài hoặc xài ít nước khi rửa chén.”

Trong khi đó, ông Trung cũng chia sẻ rằng, tại nhà ông giặt đồ khi có nhiều quần áo vì vừa tiết kiệm vừa giảm bớt lượng chất thải hóa học ra môi trường.

Khi được hỏi quan niệm của mình về vấn đề Tổng Thống Donald Trump không tin vào biến đổi khí hậu mà nhiều người dân lại tích cực đi tái chế để bảo vệ môi trường, ông Trung nhận định: “Ông Trump làm chức lớn và có tiền nên ông suy nghĩ sao ông nghĩ. Chứ vấn đề tái chế là thực tế nhất vì giúp bảo vệ môi trường. Ông Trump có cách suy nghĩ của riêng ông nhưng đối với tôi là người lao động mà thấy người khác vứt lon và bao rác bừa bãi mà còn thấy việc này khiến môi trường càng thêm ô nhiễm. Dù tiền kiếm lại từ việc tái chế, dù ít, nhưng lại khiến thành phố sạch sẽ hơn.”

Tags:
Little Saigon: Trao giải $10,000 cho ai tìm được cô gái Việt và người bạn mất tích

Little Saigon: Trao giải $10,000 cho ai tìm được cô gái Việt và người bạn mất tích

California (NV) – Gia đình cô Rachel Nguyễn và anh Joseph Orbeso, hai người bị mất tích ở công viên quốc gia Joshua Tree, miền Nam California, cho biết sẽ thưởng $10,000 cho ai tìm được hai người này, theo tin nhật báo The Orange County Register.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất