Dân Little Saigon xúc động nhớ lại vụ nước Mỹ bị tấn công 20 năm trước
Sau hai thập niên, không chỉ người Mỹ mà người Việt hải ngoại, đơn cử là ở vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, vẫn chưa hết bàng hoàng và xúc động mỗi khi nhắc đến biến cố 11 Tháng Chín.
02:00 13/09/2021
Sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố vào ngày 11 Tháng Chín, 2001, nhưng đến nay nhiều người vẫn lo sợ về một vụ tấn công khủng bố khác trên đất nước này hay nhắm vào công dân Mỹ ở nước ngoài.
“Đến giờ tôi vẫn chưa an tâm. Tôi không thấy an toàn vì chuyện gì cũng có thể xảy ra ở Mỹ. Nếu nước Mỹ ngày càng có kỹ thuật tân tiến thì phía khủng bố cũng không kém cạnh. Tôi chỉ còn biết hy vọng là đất nước và thế giới sẽ không bị gì nữa,” ông Tony Võ, cư dân Fountain Valley, bày tỏ.
Ông Tony nhớ như in những gì xảy ra vào ngày đen tối ấy. “Tôi cũng không ngờ đã 20 năm trôi qua,” ông nói.
“Tôi nhớ khi đó ba tôi kêu tôi xem TV. Thật kinh hoàng! Tôi còn tưởng là phim vì chưa bao giờ nghĩ nước Mỹ lại xảy ra chuyện khủng khiếp như thế,” ông kể.
Ông Tony qua Mỹ từ năm 17 tuổi, vào khoảng năm 1975. Vợ chồng ông hiện kinh doanh trong thương xá Phước Lộc Thọ.
Vợ ông, bà Hà Nguyễn, cho hay là bà nhớ kỹ sự kiện vì con bà lúc ấy đúng 10 tuổi. Hôm ấy, khi hay tin là ông bà tức tốc đón con đang học ở trường về nhà.
“Nay con chúng tôi 30 tuổi rồi,” bà Hà kể. “Thời gian trôi qua thật nhanh nhưng đến giờ tôi cũng không ngờ là chuyện đó lại xảy ra với nước Mỹ.”
Ông bà cho biết là cứ mỗi năm đến ngày 11 Tháng Chín là họ đóng cửa hàng về sớm.
Ngồi ở tiệm McDonald’s, Westminster, cùng một vài người bạn, ông Sa Đoàn, cư dân Westminster, bất bình nói: “Nhóm khủng bố thật quá tàn ác. Đến giờ tôi thấy nước Mỹ vẫn chưa an toàn. Thành phần khủng bố có thể trà trộn vào và làm ra nhiều điều khác nữa.”
Là bạn của ông Sa, ông Tường Trần, cư dân Garden Grove, bồi hồi nhớ lại ngày lịch sử tăm tối của nước Mỹ.
“Lúc đó khi xem TV, tôi thấy máy bay lao vào tòa nhà nhưng tôi không nhận định được là chuyện gì. Một hồi sau mới biết là khủng bố,” ông Tường nói.
Tuy nhiên, ông cho hay: “Bây giờ tôi cảm thấy an toàn khi ở Mỹ.”
Còn bà Huệ Lê, ở Garden Grove, cho biết vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ về sự kiện rúng động Hoa Kỳ.
“Thời điểm đó tôi đang ở Nhật. Tôi nhớ là sau khi nấu cơm cho các con và mở TV lên thì thấy cảnh tượng kinh hoàng,” bà xúc động nhớ lại.
Bà ngậm ngùi nói thêm: “Cảnh tượng đổ nát, tan hoang, và cảnh tượng người nhảy xuống từ tòa tháp… là điều tôi không bao giờ quên. Đây là tổn thất tinh thần và là mất mát quá lớn cho các vị thân nhân.”
Bà Huệ cho biết bà không nghĩ nước Mỹ 100% an toàn nhưng bà tin với thể chế chính trị và sức mạnh quân sự thì bà được an toàn và được bảo vệ ở đất nước này.
Ngồi ở quán Coffee Factory, Westminster, cùng hai người bạn, ông Phạm Gia Cổn, sống ở Orange County đã lâu, cho biết nỗi xót thương mỗi khi nghĩ về biến cố.
“Tôi thấy đau lòng. Mình qua Mỹ để tránh cảnh tàn bạo mà lại gặp cảnh kinh hoàng này,” ông đau xót nói.
Ông Lý Khải Bình, cư dân Garden Grove, cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến QLVNCH, cho rằng nước Mỹ hay trên thế giới không có nơi nào an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm là độ an toàn của nước Mỹ vẫn cao hơn so với nhiều nước khác.
Ông Bình chậm rãi kể thêm về ký ức 9/11.
“Sửng sốt, ngạc nhiên, và hoài nghi, là những gì tôi nhớ khi xem cảnh tượng xảy ra ở New York cùng đồng nghiệp. Chúng tôi lúc đó không tin nên phải dò nhiều đài truyền hình để khẳng định,” ông ngập ngừng nói.
Ông tiếp: “Lúc chiếc máy bay thứ nhất đâm vào tòa nhà, chúng tôi chỉ nghĩ là tai nạn. Nhưng, khi chiếc thứ hai đâm sầm vào thì biết chắc chắn là khủng bố. Đến giờ tôi vẫn cảm thấy tức giận khi phiến quân tàn bạo nhắm vào dân thường như thế.”
Cô Phương Anh Trần, cư dân Stanton, 28 tuổi, nói về biến cố là “một thảm họa của nước Mỹ.”
“Vì có quá nhiều chuyện xảy ra nên ở nơi đâu tôi cũng cảm thấy bất an. Lúc nào chúng ta cũng phải đề cao cảnh giác,” cô thêm.
Ông John Phan, ở Westminster, qua Mỹ từ năm 8 tuổi, cho biết vẫn còn thấy sợ.
“Nước Mỹ thay đổi quá nhiều. Chứng kiến những gì xảy ra 20 năm trước và vài năm gần đây, tôi còn thấy run,” ông John nhìn xa xăm nói.
Trả lời câu hỏi liệu ông có cảm thấy an toàn khi sống ở Mỹ, ông John nói: “Sống ở Mỹ gần bốn mươi mấy năm, nghe và thấy nhiều sự kiện không hay, tôi chỉ cảm giác an toàn khoảng 50-50 thôi.”
Cô Ngọc Khanh, ở Fountain Valley, thì nói rằng cô nhớ ngày đó khi xem TV ở Việt Nam.
“Lúc đó tôi mới thức dậy và tình cờ mở TV thì thấy dòng chữ nước Mỹ bị khủng bố,” cô Khanh nói. “Tòa nhà đổ sập xuống thì biết bao nhiêu mạng người mất, nếu tôi là người thân của họ thì trái tim sẽ tan vỡ.”
Cô tiếp: “Tôi có quá nhiều câu hỏi lúc bấy giờ. Tại sao ai đó hay quốc gia nào đó lại gây ra tội ác này cho người Mỹ?”
“Đến khi qua đây tôi hiểu hơn về nước Mỹ và càng trân trọng đất nước dân chủ này,” cô Khanh nói thêm.
Ngày 11 Tháng Chín, 2001, 19 tên khủng bố al-Qaeda cướp bốn máy bay thương mại tấn công các địa điểm biểu tượng của Hoa Kỳ, theo BBC News.
Hai chiếc máy bay đâm sập tòa nhà tháp đôi của World Trade Center ở New York. Chiếc thứ ba đâm một phần tòa nhà Ngũ Giác Đài, tức trung tâm của Bộ Quốc Phòng Mỹ tại Virginia. Chiếc cuối cùng định nhắm vào Tòa Quốc Hội ở Washington, DC, nhưng do hành khách khống chế nhóm không tặc nên máy bay rơi xuống cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania.
Tấn công khủng bố của nhóm Hồi Giáo cực đoan khiến gần 3,000 người vô tội thiệt mạng, hàng ngàn gia đình nạn nhân chịu cảnh tang thương. Không chỉ vậy, nước Mỹ còn mất hơn 2,300 quân lính, thiệt hại hơn $2,000 tỷ tại cuộc chiến đẫm máu ở Afghanistan.
Ngay sau đó, Hoa Kỳ yêu cầu Taliban giao nộp bin Laden, nhưng họ từ chối.
Ngày 7 Tháng Mười, 2001, liên quân do Mỹ dẫn đầu mở chiến dịch Operation Enduring Freedom hay cuộc chiến chống khủng bố nhằm không kích Taliban và al-Qaeda ở Afghanistan.
Sự đáp trả của Hoa Kỳ được xem là cuộc chiến lâu dài nhất từ trước đến nay của quốc gia này.
Sau 20 năm, hôm Thứ Hai, 30 Tháng Tám, 2021, Hoa Kỳ tuyên bố hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan. [qd]
Tỷ phú "hà tiện" 10 năm đi 2 đôi giày: Keo kiệt với bản thân nhưng chi hàng tỷ USD làm từ thiện
Tỷ phú "hà tiện" 10 năm đi 2 đôi giày: Keo kiệt với bản thân nhưng chi hàng tỷ USD làm từ thiện