Dân nói tiếng Anh ‘xịn’ cần phải học lại tiếng Anh
Cho tới tận bảy năm trước, Ben Barron sinh trưởng ở Chicago vẫn còn làm việc với một số đồng nghiệp người Mỹ.
21:04 28/05/2017
Nhưng khi nhận việc ở Công ty Bảo hiểm Zurich, một công ty quốc tế có trụ sở tại Thuỵ Sĩ, ông nhận ra đồng nghiệp của mình là những người đến từ khắp nơi ở Châu Âu, và tuy họ sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Anh nhưng họ thấy rất khó khăn khi giao tiếp với ông.
“May mắn thay xung quanh tôi là những người sẽ dừng lại và hỏi “vậy ý của anh là gì” và nhờ tôi giải thích rõ,” ông nhớ lại. “Vì thế tôi bắt đầu nhận ra một số ngôn ngữ giao tiếp theo thói quen của tôi có thể gây hiểu nhầm.”
Sau khi tham gia một khoá học online nội bộ trong công ty để giúp những người nói tiếng Anh bản xứ giao tiếp tốt hơn với những đồng nghiệp nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, ông Barron đã nói chậm lại và điều chỉnh “cách nói kiểu Mỹ” để tránh những thành ngữ và biệt ngữ không thông dụng trên toàn cầu.
“Khoá học online đó khiến tôi nhận ra có lẽ mọi người không thể tiếp nhận cách nói của tôi nhanh như tôi tưởng,” ông Barron cho biết. Giờ đây ông đã là tư vấn viên đào tạo và phát triển cao cấp của công ty trong hoạt động quốc tế, tại trụ sở Schaumberg, bang Illinois.
“Một điều cần nhớ khác là nên tránh sử dụng các cách nói ví von,” ông cho biết, “chẳng hạn như thành ngữ ‘That dog don’t hunt’, có nghĩa “đó có lẽ không phải ý kiến hay đâu”. Câu đó là cách nói đậm chất của người Mỹ ở miền Nam mà những người khác có lẽ sẽ không hiểu.”
Ông cũng chọn lọc để tránh dùng những cách nói lấy từ môn bóng chày và bóng bầu dục và thay đổi cách viết. Thay vì viết tắt như “can’t”, “don’t” và “doesn’t” thì ông viết rõ cả cụm từ ra đầy đủ.
Barron là một trong số ít những người nói tiếng Anh bản xứ đang điều chỉnh lại cách sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình, và ngày càng có nhiều người làm giống ông.
Tình thế thay đổi
Với việc những người có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh giờ đây đang ngày càng đông hơn người bản xứ, thì những người nói tiếng Anh gốc sẽ phải học cách thích nghi tốt hơn, Neil Shaw, người đứng đầu bộ phận Giao lưu văn hoá của Hội Đồng Anh, nói.
Khoảng 1,75 tỷ người khắp thế giới nói tiếng Anh ở mức độ sử dụng được, và vào năm 2020, con số này sẽ lên đến khoảng hai tỷ người, theo Hội đồng Anh.
Trong các khoá học giao lưu văn hoá của Hội đồng Anh được mở từ tháng Chín, người nói tiếng Anh bản địa ở những quốc gia như Singapore, Nam Phi được khuyến khích suy nghĩ lại về cách họ giao tiếp. “Có một chút kinh ngạc đối với rất nhiều người trong số họ là tiếng Anh của họ không rõ ràng và hiệu quả lắm như họ tưởng,” Shaw nói.
Càng ngày, tiếng Anh càng được sử dụng như một ngôn ngữ pha trộn hơn. “Làm việc với một nhóm đồng nghiệp toàn cầu trên mạng giờ không còn là điều gì đặc biệt nữa,” Robert Gibson, chuyên viên về vấn đề đa văn hoá ở Munich, Đức nói. “Với nhiều người giờ đó là chuyện hàng ngày và việc này khá vất vả và khó khăn.”
Đây có thể là cú sốc văn hóa với người nói tiếng Anh bản địa khi tiếp xúc với nhiều phiên bản khác nhau của tiếng Anh.
“Ngôn ngữ tiếng Anh đã thay đổi khá triệt để,” ông Gibson nói. “Xu hướng không còn là có một hoặc hai chuẩn tiếng Anh rõ ràng như tiếng Anh kiểu Mỹ hay tiếng Anh kiểu Anh, mà giờ đây có rất nhiều kiểu tiếng Anh.”
Tiếng Anh của người Trung Quốc, thường được gọi là Chinglish, và tiếng Anh kiểu Đức, hay còn gọi là Denglish là một vài ví dụ trong số đó, ông nói.
“Tiếng Anh cũng đang phát triển trong các tổ chức. Trong các công ty, họ sử dụng kiểu tiếng Anh riêng không hẳn là người nói tiếng Anh bản địa có thể hiểu được. Chúng ta ngày càng rời xa ý niệm cần phải có một chuẩn tiếng Anh để thích nghi với thay vào đó có rất nhiều chuẩn tiếng Anh khác nhau trong những tình huống khác nhau.”
Nhược điểm của người nói tiếng Anh bản địa
Người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh thậm chí không còn ưu thế nữa, Tiến sỹ Dominic Watt, chuyên gia xã hội học ngôn ngữ tại Đại học York của Anh cho biết.
“Không hẳn là bạn có lợi thế khi nói tiếng Anh bản địa nữa vì bạn không trải qua quá trình học như người không nói tiếng Anh phải học. Vì thế họ có thể hiểu nhau và đó là lúc người bản địa hoá thành kẻ dị biệt,” Watt nói.
Chẳng hạn như tại Nghị viện Châu Âu, người không nói tiếng Anh mẹ đẻ phàn nàn với dân nói tiếng Anh là “Sao các ông không nói tiếng Anh như tất cả chúng tôi!” Watt dẫn lời. “Sự cân bằng lực lượng đã thay đổi một chút thuần tuý chỉ vì số người nói.”
Dần dần, người bản địa nhận ra có điều gì đó không ổn trong cách họ giao tiếp, Cathy Wellings, Giám đốc trường chuyên đào tạo về truyền thông quốc tế tại Anh, London School of International Communication, nói.
“Mọi người giờ đây đang phải thuyết trình cho những khán giả không nói tiếng Anh bản xứ và họ nhận ra mọi thứ sẽ không thông suốt như ở quê nhà, dù họ là nhà đàm phán tài ba ở trong nước nhưng họ sẽ không thắng được hợp đồng khi họ ra nước ngoài,” bà nói.
Những người chỉ nói duy nhất tiếng Anh không hiểu những thách thức mà người không nói tiếng Anh mẹ đẻ phải đối mặt. “Một trong những điều tôi luôn khuyến khích người bản địa là quá trình nhận thức một ngôn ngữ khác rất nặng nề, khó khăn và mệt mỏi, vì thế nếu chúng ta, những người nói tiếng Anh bản xứ có thể giúp họ, mọi việc sẽ dễ dàng hơn,” Wellings cho biết thêm.
Khi nói về ngữ pháp tiếng Anh, người học thường giỏi hơn người bản xứ. “Trong các khoá học ngôn ngữ kinh doanh với nhiều nhóm học viên đa dạng, người Anh có thể khá bối rối vì họ không biết ngữ pháp giỏi như người không nói tiếng bản xứ,” bà cho biết.
Hãy nói chậm hơn và hãy im lặng
Thay đổi hữu hiệu nhất cho dân nói tiếng Anh mẹ đẻ là hãy nói chậm lại, Bob Dignen, Giám đốc và chủ công ty York Associates có trụ sở tại Anh, một công ty quốc tế cung cấp các khoá đào tạo giao tiếp đã xây dựng khoá học online cho Công ty Bảo hiểm Zurich, “Tiếng Anh cho người bản xứ”, nói.
Người nói tiếng Anh bản xứ nói khoảng 250 từ một phút, trong khi một người nói tiếng Anh trung cấp không phải tiếng mẹ đẻ nói khoảng 150 từ/phút.
Dignen giải thích: “Nói chậm lại là quá trình điều chỉnh hành vi cần từ 6 – 12 tháng. Các diễn viên học kỹ năng này – để kiểm soát cách nói chuyện, tăng thời gian ngừng khi nói,” ông Dignen nói thêm. “Bạn có thể tự luyện tập bằng cách tự ghi âm mình bằng điện thoại khi nói chuyện với ai đó, sau đó nghe lại và cố gắng điều khiển tốc độ nói cho đến khi bạn nói được ở tốc độ 150 từ/phút.”
Cách phát âm cũng rất quan trọng, ông cho biết. “Thay vì tôi “I will” (tôi sẽ), chúng ta có xu hướng nói “I’ll” và sau đó trong khi nói chuyện nhanh, chúng ta thậm chí còn không nói từ đó, mà phát âm thành “ull”. Hãy bắt đầu bằng cách không nói tắt, và nói “I will” và “I am” thay vì nói “I’ll” hay “I’m” và bạn có thể khiến bản thân nói rõ ràng hơn.”
Những người chỉ nói tiếng Anh có xu hướng sử dụng cách giao tiếp dẫn đến việc “vô tình đẩy người không phải dân bản địa ra bên lề cuộc trò chuyện,” ông nhận xét. “Nó dẫn đến việc gia tăng thời gian nói chuyện với những người nói tiếng Anh mẹ đẻ, thay vì nói với người không phải dân bản xứ.”
“Hãy im lặng và đặt nhiều câu hỏi hơn, đó là những gì tôi tư vấn cho dân bản xứ. Cách này tạo ra sự khác biệt vô cùng, vô cùng lớn.”
Nguồn: bbc.com
Thiết giáp hạm 'quái vật biển' suýt được hải quân Mỹ chế tạo
Được kỳ vọng là những thiết giáp hạm lớn nhất, uy lực nhất, hỏa lực mạnh nhất, nhưng các tàu lớp Montana đã không tìm được chỗ cho mình trên đại dương.