Danh ca Phương Dung: 8 người con của tôi đều thành đạt, giàu có
Khi giọng hát, sức khỏe đi xuống, danh ca Phương Dung dần rời xa sân khấu. Bà lập sẵn di chúc, chuẩn bị cho ngày mình ra đi.
15:04 18/06/2023
Tôi bị mắng nhiều khi làm giám khảo
- Điều gì giúp bà giữ lửa nghề sau gần 60 năm đứng trên sân khấu?
Ca hát giờ không còn là nghề nghiệp mà còn là tình yêu, bảo vật tôi luôn cố gắng nâng niu. Tôi trân quý, xúc động khi vẫn còn cơ hội làm nghề và vẫn còn được nhiệt tình đón nhận.
Nhiều người không hiểu bảo tôi tuổi này vẫn muốn kiếm tiền nên show nào cũng nhận. Kỳ thực cuộc sống tôi không thiếu thốn gì, đi hát chỉ vì muốn gặp khán giả. Các con tôi nói: "Mẹ thích làm gì cứ làm vì thời gian của mẹ còn ngắn lắm". Tôi muốn cho các con thấy hình ảnh đẹp của mình khi đứng trên sân khấu.
- Bà cảm nhận giọng hát của mình theo thời gian thế nào?
Tuổi này, tôi phải chấp nhận cột hơi mình không được như xưa. Ngày xưa tôi hát lên nốt cao rất dễ nhưng bây giờ bị hụt hơi. Đôi lúc tôi phải nghỉ lấy hơi giữa câu thành ra không tròn trịa. Bù lại, tôi thấy mình hát nồng nàn, cách thể hiện ca khúc đậm đà hơn xưa. Tôi tin khán giả khi tìm tới mình lúc này cũng không mong thấy một cô Phương Dung tuổi đôi mươi.
Trừ một số chương trình yêu cầu phải hát nhép để thu hình, còn lại tôi đều hát live. Dù giọng yếu đi, tôi không muốn lừa dối người nghe.
- Người già thường sợ thị phi, còn Phương Dung luôn gây tranh luận khi ngồi ghế giám khảo, bà nghĩ gì về những ồn ào xung quanh mình?
Tôi là giám khảo lớn tuổi nhất và cũng bị mắng nhiều (cười). Tôi khó tính trong cách chấm thi lẫn nhận xét các giọng ca trẻ.
Sự gắt gao ấy bởi vì tôi quá yêu nghề của mình và cũng vì trân trọng các sáng tác của nhạc sĩ. Ngoài chuyên môn nghề nghiệp, tôi luôn nhắc các em phải lịch sự, lễ phép, khiêm nhường. Nhưng có lẽ điều này không phải lúc nào cũng được thí sinh chấp nhận. Tôi cũng từng chia sẻ mình bị nhắn tin mắng, có người dùng lời lẽ rất nặng nề.
Ở tuổi này, mọi lời khen chê không tác động nhiều đến suy nghĩ của tôi. Tôi không buồn hay áp lực, chỉ nghĩ đơn giản mình làm bằng cái tâm của một người đã đi với nghề này gần 60 năm. Cuộc sống luôn có nhiều chuyện không vui, tôi cố gắng giữ tâm bình an.
- Đến thời điểm nào bà sẽ ngừng hẳn việc ca hát?
Người xưa có câu: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Mỹ nhân từ xưa giống như danh tướng. Chẳng hứa cho ai thấy bạc đầu - PV). Tôi muốn mình dừng lại kịp lúc, khi giọng hát, ngoại hình không còn nữa. Mấy năm qua tôi đã dần tập rời xa sân khấu. Nhiều đồng nghiệp cùng thời tôi như Hoàng Oanh, Thanh Thúy, Giao Linh… cũng gần như ngưng hát. Một đời người ca sĩ sống như thế là quá trọn vẹn và đủ đầy. Tôi muốn giữ mãi hình ảnh đẹp của mình trong lòng khán giả.
Suốt sự nghiệp tôi chưa bao giờ nhận người học trò nào. Gần đây, tôi đã có một truyền nhân là ca sĩ Quốc Linh. Cậu này có giọng hát tốt nhưng còn bản năng. Tôi muốn mình chỉ dạy và truyền hết kinh nghiệm, đặt kỳ vọng để học trò thay mình tiếp nối chặng đường âm nhạc.
Nghỉ hưu, tôi sẽ dành trọn thời gian cho gia đình. Tôi gốc miền Tây nên muốn về quê hương trồng cây nuôi cá,… quây quần cùng bà con hàng xóm. Tôi vẫn tiếp tục hành trình thiện nguyện đã làm bao nhiêu năm qua. Tôi không kêu gọi, chỉ tự bỏ tiền túi rồi mua gạo, nhu yếu phẩm phát cho những người thực sự cần.
Viết di chúc, chuẩn bị cho ngày mình ra đi
- Ở tuổi gần 80, bà trông vẫn rất minh mẫn, sức khỏe bà thế nào?
Gần 80 tuổi mà vẫn khỏe vẫn sung sức là chuyện lạ. Ai cũng có bệnh nhưng quan trọng phải biết giữ sức khỏe.
2 năm qua tôi mắc bệnh tiểu đường. Tôi kiêng khem ăn uống, hạn chế nhiều tinh bột nên ngoại hình sụt cân rõ. Tôi vẫn ý thức rèn luyện thường xuyên. Mỗi sáng, tôi tập thể dục, cố gắng hít thở thật chậm, uống một ly nước chanh mật ong ấm. Tôi chú trọng lối sống dưỡng sinh thay vì thuốc thang, tôi dành thời gian thiền và giữ tinh thần tích cực.
Tới tuổi này rồi còn sống được ngày nào là biết ơn ngày nấy. Ước mơ, mong mỏi thì nhiều nhưng tôi phải tạm gác lại mọi thứ vì biết mình đang đi gần hết cuộc đời.
- Cuộc sống bà thay đổi thế nào từ ngày ông xã – người gắn bó cùng mình hơn 50 năm qua đời?
Tôi gặp chồng ở tuổi còn rất trẻ. Tôi hay nói đùa ông ấy là tình đầu, cũng là tình cuối của mình. Chúng tôi kết hôn chỉ sau một năm quen và sang Australia định cư. Sống với chồng, tôi được ông lo lắng, quan tâm mọi thứ, từ chuyện bếp núc chăm con đến những việc bên ngoài. Ông bảo muốn tôi dành trọn tâm trí cho khán giả, cho nghệ thuật.
Chồng mất đã lâu nhưng tới nay tôi vẫn cảm giác ông ấy vẫn đâu đây. Tôi giữ vài món đồ kỷ vật của ông, những tấm ảnh của 2 vợ chồng từ trẻ tới già. Thỉnh thoảng tôi vào bếp làm vài món ông thích như canh chua, cá kho, mắm chưng,… để cảm giác rằng ông vẫn còn bên mình.
- 8 người con quan tâm và chăm sóc bà ra sao?
Tôi may mắn vì có 8 người con hiếu thuận và chăm lo hết mực cho mẹ. Ngoài 1 cô theo nghiệp ca sĩ, còn lại có người làm quản lý doanh nghiệp, có người làm bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư... Chúng có sự nghiệp vững vàng nhưng hiếu thuận với người lớn và nhường nhịn anh em. Mỗi ngày các con thay phiên nhau gọi hỏi thăm sức khỏe, trò chuyện với tôi.
Thỉnh thoảng tôi vẫn về Mỹ để sống cùng các con. Cuộc sống ở nước ngoài tiện nghi và đông vui hơn nhưng tôi lại muốn được tận hưởng tuổi già trên quê hương. Các con hiểu nguyện vọng mẹ nên không ép buộc tôi. Sắp xếp được thời gian rảnh, chúng bay về nước để thăm và đưa tôi đi du lịch. Tôi chỉ ước mong các con mình sống cho tử tế, hạnh phúc.
- Bà còn có những trăn trở gì lúc này?
Tôi thấy cuộc sống mình đủ đầy, con cái hiếu thảo, hòa thuận. Các con tôi đều thành đạt, có kinh tế vững vàng nên không có gì phải lo lắng. Một điều tôi luôn nhắc nhở chúng dù có thế nào cũng phải tiếp tục con đường từ thiện. Đó là phần phước tôi để lại cho chúng và mong các con tiếp tục nối dài hành trình của mình.
Một loại hạt ở Việt Nam được báo Anh ví như ‘kim cương đỏ‘, có giá bán cao gấp 10 lần ở Đức
Hãng tin BBC (Anh) gọi thứ hạt này là bí quyết giúp người châu Á sống lâu, sống thọ.