Đạo luật 1.700 tỷ USD được kỳ vọng 'giải cứu nước Mỹ'
Biden kỳ vọng gói ngân sách 1.700 tỷ USD cho phúc lợi xã hội và môi trường sẽ tạo đòn bẩy để nước Mỹ "Xây lại Tốt hơn" nhiều thập kỷ sau.
08:00 21/11/2021
Hạ viện Mỹ ngày 20/11 thông qua dự luật Xây lại Tốt hơn (Build Back Better), với mục tiêu chi hơn 1.700 tỷ USD cho nhiều hạng mục an sinh xã hội và chống biến đổi khí hậu, từ giáo dục trẻ nhỏ đến năng lượng sạch, đồng thời bao gồm các biện pháp chống né thuế mới nhắm vào các tập đoàn siêu lợi nhuận.
Dự luật Xây lại Tốt hơn giữ vị trí then chốt trong chương trình hành động năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Đây cũng là nội dung trọng yếu khi ông vận động tranh cử vào năm 2020, với lời hứa kiến thiết "một làn sóng sức mạnh mới của người lao động và xây dựng một nền kinh tế phục vụ những người cần cù đang giúp nó vận hành".
Biden từng nhiều lần nhấn mạnh dự luật một khi được thông qua sẽ tạo thêm hàng triệu việc làm với mức thu nhập tốt cho nước Mỹ, đồng thời hỗ trợ cuộc sống của người lao động trên nhiều phương diện: giáo dục, trợ cấp nuôi con, chăm sóc y tế và giảm thuế.
Dự luật qua được ải Hạ viện giúp Biden tiến gần hơn đến phê chuẩn kế hoạch trợ cấp xã hội lớn nhất trong nửa thế kỷ qua. Thượng viện nhiều khả năng sẽ thông qua một phiên bản điều chỉnh của dự luật, trước khi thống nhất với Hạ viện và trình lên Tổng thống Biden ký phê duyệt.
Những nội dung được chú ý nhất trong dự luật là đầu tư cho thế hệ tương lai, gồm các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em, gia hạn một năm giảm thuế cho gia đình có con nhỏ và hỗ trợ toàn quốc cho trẻ học mẫu giáo. Chương trình bảo hiểm liên bang Medicare bổ sung thêm khoản hỗ trợ người khiếm thính và tăng lựa chọn cho người thu nhập thấp mua bảo hiểm qua Medicaid.
Gói đầu tư xã hội cũng quy hoạch khoảng 550 tỷ USD cho những chương trình chống biến đổi khí hậu, gồm miễn thuế sử dụng năng lượng sạch. Khoảng 175 tỷ USD được phân bổ cho trùng tu và xây dựng nhà ở xã hội.
Các chuyên gia ước tính kinh phí thực tế của tất cả chương trình trong dự luật có thể dao động từ 1.700 đến 2.400 tỷ USD.
Trong khi đó, Nhà Trắng và Bộ Tài chính Mỹ tự tin đây là gói ngân sách "tự chi trả" thông qua hàng loạt công cụ đánh thuế người giàu, hoạt động mua bán chứng khoán và các tập đoàn siêu lợi nhuận, hướng đến chia sẻ miếng bánh thịnh vượng Mỹ và giảm bất bình đẳng xã hội.
Kể từ khi lên nắm quyền, Biden đã thúc đẩy một số dự luật nghìn tỷ USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Hồi tháng 3, Mỹ thông qua "Kế hoạch Giải cứu người Mỹ" trị giá 1.900 tỷ USD để hỗ trợ 1.400 USD/người cho 161 triệu người Mỹ. Hồi đầu tháng, ông cũng đã ký thông qua đạo luật Đầu tư Hạ tầng và Việc làm trị giá 1.200 tỷ USD để hiện thực hóa tham vọng thay đổi cơ sở hạ tầng Mỹ, tăng sức cạnh tranh với Trung Quốc.
Tuy nhiên, những gói ngân sách liên tiếp bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế đã khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ tăng nợ công và lạm phát cao. Nền kinh tế Mỹ đang chật vật hồi phục hậu đại dịch Covid-19, giá cả tiêu dùng tháng 10 đã tăng khoảng 6,2%, mức tăng lạm phát cao nhất trong hơn 30 năm qua.
Các cuộc khảo sát dư luận do Washington Post và ABC News thực hiện đầu tháng 11 cho thấy hơn 50% người Mỹ cho rằng các chính sách của Tổng thống Biden là nguyên nhân gây lạm phát kỷ lục.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố báo cáo cho thấy dự luật 1,7 nghìn tỷ USD sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách thêm 367 tỷ USD trong 10 năm tới, bù lại nó sẽ giúp cơ quan thuế thu được thêm 207 tỷ USD cho ngân sách trong thời gian này.
Bộ Tài chính Mỹ trước đó dự đoán dự luật nếu được thông qua sẽ giúp ngân sách thu về thêm 400 tỷ USD để bù đắp cho khoản thâm hụt nhờ đầu tư vào người lao động. Những dự đoán lạc quan này đã giúp thuyết phục được các nghị sĩ Dân chủ còn do dự bỏ phiếu thông qua dự luật.
17 nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel cũng lên tiếng ủng hộ gói ngân sách, nhận định sức ép lạm phát về dài hạn sẽ giảm nhờ năng lực nền kinh tế được tiếp sức và người lao động Mỹ tăng hiệu suất.
Larry Summers, cố vấn kinh tế hàng đầu cho Bill Clinton và Barack Obama, những tổng thống từng lèo lái nền kinh tế Mỹ vượt qua khủng hoảng và cắt giảm mạnh nợ công, cũng tán thành quan điểm này.
Ông nhấn mạnh cả hai gói đầu tư hạ tầng và an sinh xã hội của chính quyền Biden khác về bản chất so với gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD hồi tháng 3. Hai đạo luật mới sẽ tận dụng công cụ thuế để bù vào chi tiêu chính phủ, đồng thời đầu tư giúp tăng triển vọng sản xuất của nền kinh tế và tăng thu ngân sách.
Biden ban đầu đề xuất dự luật Xây lại Tốt hơn trị giá tới 3.500 tỷ USD, nhưng các nghị sĩ đảng Dân chủ đã chấp nhận thỏa hiệp cắt giảm quy mô gói ngân sách xuống còn một nửa, với kỳ vọng dự luật qua được ải Thượng viện.
Giới quan sát đánh giá đảng Cộng hòa ở Thượng viện gần như chắc chắn sẽ huy động toàn bộ thượng nghị sĩ bỏ phiếu phản đối thông qua dự luật, do đó phe Dân chủ cần có đủ 50 phiếu nội bộ và trông cậy vào lá phiếu quyết định của Phó tổng thống Kamala Harris để dự luật được thông qua.
"Chúng tôi sẽ hành động khẩn trương hết mức để đưa dự luật đến bàn Tổng thống Biden và giải cứu những gia đình trung lưu Mỹ", thượng nghị sĩ Dân chủ Check Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, khẳng định.
Tuy nhiên, nỗ lực của phe Dân chủ tại Thượng viện sẽ vấp phải rào cản nội bộ lớn đến từ hai thượng nghị sĩ Krysten Sinema và Joe Manchin, những người công khai bày tỏ sự hoài nghi với kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Biden.
Trong những phát biểu thời gian qua, thượng nghị sĩ Manchin cảnh báo mức đầu tư công khổng lồ của đạo luật Xây Lại Tốt hơn sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" khi lạm phát tăng. Ông cũng lo ngại trợ cấp xã hội quá tay dẫn đến tình trạng người lao động suy giảm tinh thần làm việc và đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn là đóng góp cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư cho năng lượng sạch chống biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến cử tri của Manchin ở bang nhà Tây Virginia, nơi than đá chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế địa phương.
Thượng nghị sĩ Sinema lại ủng hộ các tập đoàn dược của Mỹ. Bà đã lên tiếng quan ngại trước những điều khoản liên quan giá thuốc bảo hiểm Medicare trong gói ngân sách. Ngay khi dự luật được thông qua tại Hạ viện, Sinema cảnh báo bà không hài lòng với một số nội dung bổ sung, cho rằng nó không phản ánh đúng khung chính sách bà từng ủng hộ tháng trước.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng cảm nhận rõ ràng sức ép từ Thượng viện. Ngay khi dự luật Xây lại Tốt hơn được thông qua, Pelosi thừa nhận bà nhiều khả năng sẽ phải đàm phán những điều khoản còn bất đồng với Thượng viện.
"Dự luật này sẽ được các ủy ban của Thượng viện cắt gọt, đến lúc đó chúng tôi sẽ xem xét có cần phải hòa giải bất đồng hay không", Pelosi nói. "Nhưng rốt cuộc, chúng tôi sẽ có một đạo luật tuyệt vời".
Biden đủ sức khỏe làm Tổng thống
Bác sĩ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden chăm tập thể dục, không hút thuốc hay uống rượu, do đó có sức khỏe tốt để thực hiện công việc.