Đạo luật mới của Mỹ về Hồng Kông dẫn đến hàng loạt hiệu ứng
Ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Trump đã ký hai dự luật về Hồng Kông, có thể xem là “món quà” cho ngày Lễ Tạ ơn tại Hồng Kông, khiến đông đảo người Hồng Kông ra đường reo hò cảm ơn về “món quà ngày Tạ ơn” tuyệt vời này. Chỉ một tuần sau khi dự luật được ký thông qua đã thấy rõ hiệu quả, hiện nay Mỹ đã bắt đầu thảo luận về các lệnh trừng phạt đối với cảnh sát và quan chức Hồng Kông. Các nước dân chủ như Ý, Hà Lan, Canada, Úc và Nhật Bản cũng đã đồng loạt thúc đẩy các đạo luật mang lại niềm vui lớn cho người dân Hồng Kông trước Giáng sinh.
21:30 06/12/2019
Vụ việc Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông
Khi “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” ra đời nhưng chưa được ký chính thức, nhiều nhà quan sát đã dự đoán rằng Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) của Hồng Kông, người khởi xướng Dự luật Dẫn độ có thể sẽ trở thành “kẻ vi phạm nhân quyền” đầu tiên bị Mỹ trừng phạt.
Ngày 14/11 khi Trịnh Nhược Hoa công du đến Luân Đôn đã bị đông đảo người Hồng Kông ủng hộ dân chủ vây quanh, trong lúc hỗn loạn đã đứng không vững bị ngã. Sau vụ việc, Trịnh Nhược Hoa không trở về Hồng Kông mà ở lại Anh, tuyên bố rằng vết thương nghiêm trọng cần từ ba tháng đến một năm để hồi phục hoàn toàn sức khỏe, Chính phủ Hồng Kông tuyên bố cảnh sát Luân Đôn phải bắt giữ hung phạm quy án. Nhưng cảnh sát Anh cho biết, thương tích của Trịnh Nhược Hoa không nghiêm trọng và không tìm thấy bằng chứng nào để bắt giữ bất cứ ai.
Trương Bảo Hoa, từng là nữ biên tập viên truyền hình, nổi tiếng với màn phỏng vấn thẳng thừng chọc giận cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân, đã tweet, “Tôi thậm chí nghi ngờ cú ngã của Trịnh Nhược Hoa phải chăng đã được dự tính trước? Tất nhiên hy vọng đó chỉ là ‘lòng dạ tiểu nhân’ của tôi, cầu chúc Bộ trưởng Trịnh Nhược Hoa sớm hồi phục, có thể quay lại Hồng Kông để đối phó với khó khăn, bỏ đi quá lâu sẽ gây ra nhiều nghi vấn.”
Doanh nhân Hồng Kông thân ĐCSTQ phải hồi hương bất đắc dĩ
Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Trump ký “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, Đào Kiệt – nhà văn nổi tiếng ở Hồng Kông đã gây chú ý với thông tin chia sẻ trên “Truyền hình Minh Kính” rằng, một doanh nhân giàu có của Hồng Kông hoạt động chính trị sôi nổi nhưng luôn ủng hộ ĐCSTQ, mới đây đáp máy bay riêng đến Mỹ đã bị chặn tại khu nhập cảnh, cơ quan chức năng đã mời ông ta vào phòng “hỏi thăm” suốt 3 giờ và chính thức cho biết từ chối nhập cảnh đối với ông ta.
Đào Kiệt kể rằng vụ việc đã gây tác động đáng kể đối với phe kiến chế thân ĐCSTQ ở Hồng Kông, ví dụ ông nghị viên Điền Bắc Thìn chia sẻ với truyền thông Hồng Kông rằng, nhiều người bạn của ông ta là doanh nhân giàu có tại Hồng Kông đều cảm thấy bất an vì đạo luật mới của Mỹ đối với Hồng Kông, ngay cả bản thân ông Điền Bắc Thìn cũng không dám đến Mỹ vì Mỹ có thể trừng phạt ông với vai trò là đại biểu Nhân đại toàn quốc của ĐCSTQ.
Đào Kiệt còn cho biết, truyền thông thân ĐCSTQ ở Hồng Kông, bao gồm tờ Văn Hối và Đại Công Báo, cũng bị liệt vào danh sách trừng phạt, các phóng viên của các tổ chức truyền thông này đã bị hạn chế thị thực.
Thảo luận về nhân vật bị đưa vào chế tài
Ngày 1/12, Solomon Yue, Phó Chủ tịch Tổ chức Ngoại giao thuộc phe Cộng hòa của Mỹ, đã tweet tên của 6 quan chức Hồng Kông trong “danh sách trừng phạt bị rò rỉ”, bao gồm Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Nhược Hoa, Bộ trưởng An ninh Lý Gia Siêu (John Lee), cựu Cảnh sát trưởng Hồng Kông Lư Vĩ Thông (Stephen Lo), Cảnh sát trưởng Hồng Kông Đặng Bính Cường (Chris Tang), và Chủ tịch Đảng Nhân dân mới là Diệp Lưu Thục Nghi (Regina Ip).
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, Tổng thư ký Hoàng Chi Phong của Đảng Demosistō Hồng Kông cho biết, hiện nay phía Washington chưa hoàn thành danh sách trừng phạt cuối cùng, nhưng chính quyền Mỹ đã bắt đầu thảo luận nội bộ về các mức độ trừng phạt đối với từng mục tiêu.
Ý thông qua nghị quyết ủng hộ dân chủ Hồng Kông
Sau khi Tổng thống Mỹ Trump chính thức ký hai dự luật Hồng Kông thì nhiều nước dân chủ khác cũng đã đang xúc tiến hoặc chuẩn bị hưởng ứng cùng Mỹ để đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ở Trung Quốc và Hồng Kông vi phạm nhân quyền.
Sáu quốc gia châu Âu, bao gồm Ý và Pháp, ban đầu đã mời Hoàng Chi Phong đến châu Âu du thuyết, nhưng Hoàng Chi Phong đã bị chính quyền Hồng Kông cấm rời khỏi Hồng Kông. Ngày 28/11, Thượng viện Ý đã mời Hoàng Chi Phong phát biểu trước Quốc hội của nước này thông qua hình thức video trực tuyến, khi đó phát biểu của Hoàng Chi Phong rằng các công ty của Ý nên ngừng xuất khẩu thiết bị đàn áp cho cảnh sát Hồng Kông đã được vỗ tay nhiệt liệt.
Ngày 3/12, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ý đã thông qua một nghị quyết ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, kêu gọi Chính phủ Ý thông qua EU (Liên minh châu Âu) để điều tra tình trạng lạm dụng vũ lực của cảnh sát Hồng Kông, đồng thời thúc đẩy EU thể hiện lập trường đối với người biểu tình Hồng Kông, ngoài ra yêu cầu chính phủ Hồng Kông nêu lý do chính đáng việc cấm Hoàng Chi Phong ra nước ngoài du thuyết.
Hà Lan thúc đẩy Luật Trách nhiệm Nhân quyền
Trước khi Trump chính thức ký dự luật Hồng Kông, ngày 22/11 Quốc hội Hà Lan đã thông qua một đạo luật yêu cầu Chính phủ Hà Lan chuẩn bị phiên bản Hà Lan của “Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky” trước ngày 31/1/2020. Nếu trước thời hạn này mà EU không thông qua “Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky” phiên bản EU, thì Chính phủ Hà Lan sẽ bắt đầu khởi động phiên bản này tại Hà Lan, theo đó cấm người Trung Quốc và Hồng Kông vi phạm nhân quyền vào Hà Lan, đồng thời cũng đóng băng tài sản của họ tại Hà Lan.
Canada ra mắt Luật Trách nhiệm Nhân quyền
Gần đây, 60 nghị sĩ phi đảng phái của Canada đã tham dự hội thảo “Khoảnh khắc quan trọng của Hồng Kông”. Hầu hết các nghị sĩ Quốc hội đã chấp nhận khuyến nghị của ủy viên giám sát Hồng Kông Aileen Calverley, đồng ý đưa ra phiên bản “Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky” tại Canada, theo đó trừng phạt các quan chức và cảnh sát Hồng Kông vi phạm nhân quyền, yêu cầu đệ trình bản danh sách trừng phạt.
Úc triển khai trưng cầu ý kiến lập pháp
Hoạt động trưng cầu ý kiến lập pháp cũng đang được tiến hành tại Úc. Ngày 4/12, David Fawcett của Ủy ban Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại của Quốc hội Úc, tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý kiến về việc Úc có nên xử phạt kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hay không.
Nghị sĩ Kevin Andrew, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Quốc hội Úc cho biết, biện pháp trừng phạt đối với những người có tài sản ở Úc có thể giúp hạn chế tình trạng vi phạm nhân quyền một cách hiệu quả, và Ủy ban sẽ xem xét các thông lệ quốc tế có liên quan, bao gồm “Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky toàn cầu” của Mỹ.
Nhật Bản phát động ký tên chung lập pháp
Tại Nhật Bản, gần đây đông đảo nghị sĩ thuộc những cấp bậc khác nhau tại các khu vực như Tokyo, Osaka, Shizuoka, Fukuoka, Hokkaido… đã khởi xướng hoạt động ký tên chung, yêu cầu Quốc hội thảo luận về “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” phiên bản của Nhật. Người khởi xướng cho biết, việc nước Mỹ đề ra “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” có thể xem là điển phạm mẫu mực về thực hành Hiến pháp của cơ quan lập pháp, trong khi Nhật Bản và Hồng Kông cũng có các thỏa thuận như “Quy chế quốc gia đãi ngộ nhất theo thỏa thuận bảo vệ đầu tư”, vì vậy cũng có thể được đề xuất đạo luật tương tự.
Tuyết Mai
Sang nước ngoài, tôi thất nghiệp, mẹ vợ khinh thường, vợ khó chịu
Sau khi cưới nhau và có một mặt con, vợ con tôi đã được ông bà ngoại bảo lãnh sang Mỹ vào cuối năm 2014. Tôi vừa sang đoàn tụ với vợ con hơn 6 tháng, nhưng lại càm thấy mình không thể sống ở đây nữa.