Dấu ấn tuần qua: Mỹ muốn có quân chủng Không gian vào 2020
Hôm thứ Năm (9/8), Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cho thấy tính cách “đã nói là làm” của ông, bằng việc để cấp phó là ông Mike Pence vạch ra kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ thành lập xong “Lực lượng Không gian” (Space Force).
21:30 14/08/2018
Lực lượng Không gian thẳng tiến!
Phát biểu tại một sự kiện ở Lầu Năm Góc cùng với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Phó Tổng thống Mike Pence nói kế hoạch này nhằm thực hiện cam kết của Tổng thống Donald Trump về việc đảm bảo vị trí thống lĩnh của Mỹ trong vũ trụ – một lĩnh vực vốn vẫn an bình trước đây, nhưng nay trở thành một chốn xô bồ đầy xung đột.
“Bây giờ là lúc nên viết một chương mới trong lịch sử các lực lượng vũ trang của chúng ta, chuẩn bị cho chiến trường tiếp theo, nơi những người Mỹ ưu tú và dũng cảm nhất sẽ được trông cậy để thi hành nhiệm vụ nhằm ngăn cản và đánh bại những mối đe dọa thế hệ mới nhắm vào nhân dân và đất nước chúng ta”, Phó Tổng thống Mike Pence nói.
“Giờ đã đến lúc thành lập Lực lượng Không gian Hoa Kỳ!”, ông Pence đúc kết.
Sau khi ông Pence tuyên bố kế hoạch, Tổng thống Trump phụ họa trên Twitter: “Lực lượng Không gian thẳng tiến!”.
Trước đó, ngày 18/6, Tổng thống Trump đã chính thức chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ “ngay lập tức bắt đầu quá trình cần thiết để thành lập Lực lượng Vũ trụ như một quân chủng thứ sáu của lực lượng vũ trang”.
Ông Pence cho biết Lực lượng Không gian “sẽ không được xây dựng từ đầu”, mà sẽ sử dụng các cá nhân đang làm việc trong các chương trình không gian của Hoa Kỳ dưới danh nghĩa Lực lượng Không quân và các ban ngành khác.
“Chính quyền của chúng ta sẽ sớm hành động để thực hiện các khuyến nghị này, với mục tiêu thành lập Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ vào năm 2020”, ông Pence nói thêm.
Cũng trong hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng đã ban hành một báo cáo gửi tới Nghị viện, kêu gọi thành lập Lực lượng Không gian Hoa Kỳ.
Quân đội Mỹ đã có một Bộ Tư lệnh Không gian thuộc Lực lượng Không quân, có trụ sở tại Căn cứ Không quân Peterson, bang Colorado, nhưng việc thành lập lực lượng mới sẽ hợp nhất các hoạt động và 30.000 nhân viên có liên quan, theo The Hill.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc sẽ thành lập một Cơ quan Phát triển Không gian – có nhiệm vụ phát triển năng lực; và thành lập Lực lượng Vận hành Không gian, có nhiệm vụ tuyển dụng, đào tạo và giữ chân các nhân viên như kỹ sư, nhà khoa học và chuyên gia tình báo.
Báo cáo cũng đề xuất việc thiết lập một cơ cấu điều hành và giám sát dân sự cho Lực lượng Không gian. Các nhà lập pháp cũng sẽ cần phải sửa đổi Tiêu đề 10 của Bộ luật Hoa Kỳ để cho phép tạo ra một lực lượng quân sự mới.
Hôm 9/8, ông Pence nói chính phủ đương nhiệm sẽ làm việc với Nghị viện về kế hoạch này và sẽ công bố một dự thảo ngân sách vào năm sau.
Vũ trụ không bình yên
Trong tuyên bố ngày 9/8, Phó Tổng thống Pence đưa ra lý do để Mỹ thành lập quân chủng Vũ trụ, cho rằng “các quốc gia khác đang tìm cách phá vỡ các hệ thống dựa trên không gian của chúng ta và thách thức uy quyền tối cao của Mỹ trong vũ trụ hơn bao giờ hết”.
Ông cho biết các nước như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran trong nhiều năm qua, “đã theo đuổi các loại vũ khí để làm tắc nghẽn và vô hiệu hóa các vệ tinh điều hướng và thông tin liên lạc của chúng ta thông qua các cuộc tấn công điện tử từ mặt đất”.
Phó Tổng thống Pence cho biết Nga đã phát triển các tia laser trong không khí “để phá vỡ các hệ thống không gian của chúng ta”, còn Trung Quốc đã thể hiện khả năng theo dõi và tiêu diệt các vệ tinh bằng tên lửa.
“Cả Trung Quốc và Nga đang tiến hành các hoạt động tinh vi trên quỹ đạo có thể cho phép họ điều động các vệ tinh của họ ở gần chúng ta, tạo ra những mối nguy hiểm mới chưa từng có cho các hệ thống không gian của chúng ta”, ông Pence nói.
Ông bày tỏ: “Mỹ sẽ luôn tìm kiếm hòa bình, trong không gian cũng như trên mặt đất, nhưng lịch sử chứng minh rằng hòa bình chỉ đến qua sức mạnh. Và trong lĩnh vực không gian bên ngoài, Lực lượng Không gian Hoa Kỳ sẽ là sức mạnh đó trong những năm tới”.
Các quân chức Lầu Năm Góc – bao gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis, người từng phản đối ý tưởng “Lực lượng Không gian” – ngày 9/8 đã thể hiện sự ủng hộ đối với ý tưởng này. “Vũ trụ đang trở thành một lĩnh vực có mức độ cạnh tranh lớn và chúng ta phải thích nghi với thực tế đó”, ông Mattis nói.
Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats cũng tin rằng Moscow và Bắc Kinh đang đe dọa khí tài quân sự của Washington trên vũ trụ nhờ công nghệ diệt vệ tinh. Việc lập ra quân chủng Vũ trụ chính nhằm đối phó với mối đe dọa này.
Các vệ tinh không gian giúp theo dõi lực lượng đối phương, chụp ảnh do thám và phát hiện các vụ phóng tên lửa. Nếu mất chúng, việc chiến đấu dưới mặt đất sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đây là lý do khiến Trung Quốc và Nga đầu tư nhiều nguồn lực cho vũ khí diệt vệ tinh.
“Mọi quốc gia có thể theo dõi và phóng vệ tinh đều đủ sức phá hủy vệ tinh đối phương”, Michael Krepon, chuyên gia đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ, đánh giá.
Nhiệm vụ của quân chủng Vũ trụ
Trang chuyên bình luận về các hoạt động không gian, Space News, cho biết các quan chức Lầu Năm Góc từ lâu đã lên tiếng báo động rằng Hoa Kỳ chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến không gian. Hai cường quốc không gian lớn khác đã tạo ra vũ khí để “đạt được Trân Châu Cảng”, phá hủy các vệ tinh cung cấp cho quân đội khả năng giao tiếp, điều hướng và xử lý thông minh cần thiết trong một cuộc chiến.
Việc tạo ra một quân chủng vũ trụ xuất phát từ thực tế rằng môi trường không gian được đặc trưng bởi thiếu không khí, cực nóng và lạnh, trọng lực cực nhỏ, và thực tế của cơ học quỹ đạo, có nghĩa là không có vật thể nào tồn tại cố định ở một địa điểm. Môi trường không gian khác xa với không khí, biển và vùng đất nơi người Mỹ quen chiến đấu, và do đó cần một quân chủng được đào tạo và quen với việc hoạt động trong đó.
Nhiệm vụ đầu tiên của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ là bảo vệ tài sản trên không gian của Mỹ chống lại các cuộc tấn công của đối phương và tấn công vào tài sản của kẻ địch trong thời chiến. Các vệ tinh có thể được tăng cường chống lại tấn công hoặc dễ dàng thay thế bằng các tên lửa tái sử dụng có thể được triển khai theo yêu cầu. Những thiết bị diệt vệ tinh có thể bị phá hủy trước khi tiếp cận các vệ tinh. Khi Hoa Kỳ phát triển đầy đủ năng lực như vậy, nó cũng có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh trong không gian.
Ngoài việc bảo vệ tài sản không gian của Mỹ và tấn công những tài sản của kẻ địch, Lực lượng Vũ trụ còn có một số nhiệm vụ khác, như làm sạch rác không gian. Làm sạch các mảnh vỡ còn sót lại bởi các vệ tinh chết sẽ không chỉ đảm bảo không gian gần Trái Đất vẫn có thể điều hướng được, mà còn cung cấp môi trường thực hành tuyệt vời cho hoạt động trong không gian.
Xa hơn nữa, với Hoa Kỳ và các quốc gia khác cũng như ngành công nghiệp tư nhân quay trở lại mặt trăng, Lực lượng Không gian có thể đảm nhận chức năng của một phiên bản không gian của lực lượng Bảo vệ Bờ biển, cung cấp các dịch vụ cứu hộ, thực thi pháp luật, và giúp phân xử các tranh chấp giữa các quốc gia và các thực thể tư nhân ngoài trái đất.
Cuối cùng, một Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ có thể cung cấp sự bảo vệ tối hậu chống lại một mối đe dọa có thể đến từ không gian sâu có thể kết thúc nền văn minh, thậm chí là loài người. Sáu mươi lăm triệu năm trước, một tiểu hành tinh tấn công Trái đất trong vùng Yucatan, kết thúc triều đại của loài khủng long. Một sự kiện tương tự có thể hủy diệt nhân loại.
Các bộ phim như Deep Impact mô tả những nỗ lực tuyệt vọng để ngăn chặn một kẻ giết người như vậy từ trên trời. Nếu có một tổ chức sẵn sàng, đã phát triển và thử nghiệm các công cụ để ngăn chặn hoặc tiêu diệt kẻ giết người đến từ không gian, thì loài người sẽ được chuẩn bị tốt hơn để tránh số phận của loài khủng long.
Còn nhiều rào cản
Dù vậy, vẫn có không ít tiếng nói phản đối kế hoạch của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, đặc biệt từ phía đảng Dân chủ, với lý do việc thành lập một lực lượng như vậy là không cần thiết và tốn kém, bởi những công việc trên vốn đã được thực hiện bởi các tổ chức và lực lượng như Không quân.
Thượng nghị sỹ Dân chủ Brian Schatz cho rằng “Lực lượng Không gian” là một “ý tưởng ngớ ngẩn”. “Cho dù lực lượng này không được thành lập, thật là nguy hiểm khi có một nhà lãnh đạo không thể thoát khỏi những ý tưởng điên rồ như vậy”, ông Schatz viết trên Twitter.
Thượng nghị sỹ Dân Chủ Bill Nelson thì nói việc thành lập “Lực lượng Vũ trụ” sẽ “xé toạc Lực lượng Không quân”. Thượng nghị sỹ Bernie Sanders viết trên Twitter rằng chính phủ Mỹ nên đảm bảo cho các chương trình chăm sóc y tế “trước khi bắt đầu chi hàng tỷ USD để quân sự hóa vũ trụ”.
Những bình luận này của các nghị sỹ Dân chủ làm người ta nhớ lại tin đồn về kế hoạch 16 nămhủy hoại nước Mỹ của đảng Dân chủ, trong đó làm suy yếu NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) và các lực lượng không gian của Mỹ là một phần của kế hoạch.
Tin đồn này không biết đúng hay sai, nhưng nếu Mỹ từ bỏ kế hoạch phát triển Lực lượng Không gian hẳn sẽ khiến các đối thủ của Washington rất vui mừng. Bằng chứng là họ đã cảm thấy lo ngại trước kế hoạch hiện nay của Washington.
Vào tháng 6, sau khi Tổng thống Trump công bố ý định thành lập quân chủng Vũ trụ, Nga lập tức lên tiếng cảnh báo.
“Quân sự hóa vũ trụ sẽ dẫn tới thảm họa. Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận cấm triển khai vũ khí hạt nhân trên vũ trụ được ký năm 1967, họ sẽ đối mặt với những phản ứng cứng rắn từ Nga và nhiều quốc gia khác, nhằm bảo đảm an ninh quốc tế”, RT dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Nga Viktor Bondarev phát biểu hôm 20/6.
Ông Bondarev khẳng định Washington có khả năng vi phạm nhiều thỏa thuận quốc tế về phi quân sự hóa vũ trụ, đẩy an ninh thế giới vào mối nguy hiểm đáng sợ.
Thỏa thuận không gian (OST) năm 1967 cấm các nước thành viên, trong đó có Mỹ, triển khai vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt trên quỹ đạo quanh Trái đất. Các quốc gia cũng không được phép thử vũ khí trên không gian, hay xây dựng căn cứ quân sự trên Mặt Trăng và các hành tinh khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất thúc đẩy các chuyến bay có người lái tới sao Hỏa và xây dựng “sự hiện diện dài hạn” của Mỹ trên Mặt Trăng, nhưng không đề cập liệu quân đội Mỹ có tham gia các dự án này hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nhắc tới “sự thống trị” trong vũ trụ và coi đó là vấn đề an ninh quốc gia.
Mỹ Khánh
Hoảng hốt cảnh tượng các thanh niên thản nhiên chạy nhảy trên nóc tàu
Một video mới đây được đăng tải đã ghi lại khoảnh khắc 3 thanh niên trẻ tuổi thản nhiên chạy nhảy trên nóc tàu ở thành phố New York.