Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng ở Mỹ?
Có 2 yếu tố chính được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng ở Mỹ hiện nay.
07:00 06/08/2019
Hàng loạt vụ xả súng liên tiếp tại Mỹ trong những giờ qua đã khiến dư luận không khỏi rùng mình về mức độ nghiêm trọng của các vụ bạo lực liên quan đến súng đạn ở Mỹ. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, đâu là nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực súng đạn gia tăng ở Mỹ?
Người dân Mỹ bàng hoàng vì vụ xả súng cướp đi mạng sống của ít nhất 20 người. Ảnh: Reuters. |
Có 2 yếu tố chính được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng ở Mỹ hiện nay gồm: tình trạng sử dụng súng đạn bừa bãi và hung thủ có tiền sử về mặt thần kinh. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi trong xã hội Mỹ. Có tìm ra được nguyên nhân thực sự mới có thể tìm ra hướng giải quyết cho bài toán bạo lực súng đạn ở Mỹ hiện nay trong bối cảnh kiểm soát súng đạn không phải là bài toán dễ với nước Mỹ lúc này.
Nhìn lại lịch sử nước Mỹ có thể thấy, hàng loạt dự luật liên quan đến kiểm soát súng đạn đã được công bố ở Mỹ cả ở cấp độ bang và liên bang dựa trên cơ sở bảo toàn 2 nguyên tắc vừa đảm bảo an toàn cho người Mỹ, vừa tôn trọng được quyền cơ bản của người mỹ trong Hiến pháp. Tuy nhiên, các dự luật dù được công bố song dường như không phát huy tác dụng do những tranh cãi về mặt chính trị gay gắt giữa hai đảng lớn ở Mỹ là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Đảng Dân chủ chủ trương ban hành nhiều luật kiểm soát súng đạn trong khi đảng Cộng hòa lo ngại, việc ban hành nhiều luật sẽ không làm giảm bớt bạo lực, thậm chí còn xâm phạm các quyền được bảo vệ trong hiến pháp Mỹ. Sau các vụ xả súng tại thành phố El Paso, thuộc bang và thành phố Dayton, thuộc bang Ohio, tranh cãi lại tiếp tục nảy sinh giữa hai đảng. Đi đầu trong những tranh cãi này là Tổng thống Mỹ Trump và Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton – đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tổng thống Mỹ Trump hôm qua (4/8) đã lên án các vụ xả súng ở nước này làm hàng chục người thương vong. Phát biểu trước báo giới sau các vụ tấn công, Tổng thống Trump nhấn mạnh, “Thù địch không có chỗ trong xã hội Mỹ”. Tuy nhiên, thay vì đề cập đến vấn đề kiểm soát súng đạn, vốn đang được dư luận Mỹ quan tâm, ông Trump lại viện dẫn vấn đề về sức khỏe là nguyên nhân dẫn tới các vụ việc đáng tiếc này.
Ông Trump nói: “Có rất nhiều thứ cần phải làm và chúng ta đã làm được nhiều hơn những gì các chính quyền trước đã làm. Thù ghét không có chỗ tại Mỹ và chúng ta sẽ phải chú ý hơn nữa tới vấn đề này. Tuy nhiên nếu nhìn vào cả hai vụ việc, có thể nhận thấy vấn đề về tình trạng sức khỏe tâm thần ở đây. Hung thủ là những người thực sự có vấn đề về sức khỏe tâm thần”.
Trái với quan điểm của Tổng thống Mỹ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, tình trạng sử dụng súng đạn bừa bãi là nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ hiện nay và kêu gọi các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và các quan chức chính quyền hợp tác cùng đảng Dân chủ nhằm thông qua dự luật siết chặt kiểm soát mua bán súng đạn được Hạ viện thông qua từ 6 tháng trước. Trên trang Twitter cá nhân, bà Hillary khẳng định: “Với hai cuộc xả súng diễn ra chưa đầy 24 giờ tại Mỹ, những suy nghĩ và lời cầu nguyện là chưa đủ. Chúng ta cần hành động”.
Trước bà Hillary, nhiều nhân vật cấp cao ở Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi hành động sau vụ xả súng xảy ra ngày 3/8 tại El Paso, bang texas. Điển hình là Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trong một tuyên bố ngay sau khi vụ việc xảy ra, bà Pelosi khẳng định: Thế là quá đủ. Quá nhiều gia đình trong quá nhiều cộng đồng đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng bạo lực súng đạn hằng ngày. Bà chỉ trích phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện liên tục không hành động đối với việc thông qua luật kiểm soát súng đạn.
Giới phân tích nhận định, mặc dù súng đạn không phải là yếu tố duy nhất làm gia tăng bạo lực, vì còn nhiều các yếu tố khác như nghèo đói, đô thị hóa và rượu…. song tỉ lệ sở hữu súng cao của Mỹ là lý do chính khiến đang phải đối mặt với các vụ bạo lực súng nhiều hơn so với các nước phát triển khác. Để đối phó với vấn đề này, Mỹ sẽ không chỉ phải giảm khả năng tiếp cận súng của người dân, mà còn phải giảm số lượng súng trên cả nước. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, không một quốc gia phát triển nào trên thế giới lại phải đối mặt với mức độ bạo lực súng đạn cao như Mỹ. Tỉ lệ này cao gấp 6 lần so với Canada, hơn 7 lần so với Thụy Điển và gần 16 lần so với Đức./.
Trump nói áp thuế Trung Quốc mang lại cho Mỹ hàng chục tỷ USD
Tổng thống Mỹ hôm nay bảo vệ chính sách thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc và cho rằng nhiều nước cũng đang lo sợ bị Washington áp thuế.