Dạy con ‘giàu sang chớ quên cảnh nghèo’ – 3 câu chuyện xưa khiến người người suy ngẫm
Người xưa giáo dục con cái phải tu thân, giữ đức, mới có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Các câu chuyện dạy con của cổ nhân đã lưu lại cho đời rất nhiều bài học ý nghĩa sâu sắc.
07:29 08/07/2023
Gia Cát Lượng dạy con phải “chí hướng cao xa”
Gia Cát Lượng cúc cung tận tuỵ, cả đời vì giang sơn xã tắc, hy sinh lợi ích cá nhân vì việc công, để lại gương sáng cho đời sau.
Gia Cát Lượng dạy con cần có chí hướng cao xa. Năm 54 tuổi, ông viết cho con trai 8 tuổi Gia Cát Chiêm bài “Giới tử thư”, tổng kết kinh nghiệm cả đời mình.
Trong thư viết:
“Người quân tử lấy tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng Đức, không đạm bạc thì không sáng chí, không tĩnh lặng thì trí không cao. Trượng phu cần tu tâm tĩnh lặng, cũng cần tu học, không học thì không thể có tài năng quảng đại, không có chí thì việc học không thể có thành tựu”.
Ông nhắc nhở con cái muốn đạt tới tĩnh cần không ngừng tu thân và tự kiểm điểm bản thân; muốn làm được kiệm cần phải bồi dưỡng tài năng đức hạnh và tiết tháo cao thượng.
Tâm không trong sáng và nhiều dục vọng thì không thể có chí hướng rõ ràng, không an định tĩnh lặng thì không thể thực hiện được lý tưởng cao xa. Để biến lý tưởng thành hiện thực cần phải không ngừng học tập tri thức, không có ý chí kiên định thì không thể thành công được.
Gia Cát Lượng đặt nhiều kỳ vọng lớn lao ở con cái. Các con ông sau này đều trở thành những bậc quân tử không màng danh lợi, trung nghĩa với đất nước, vì quốc gia xã tắc mà cống hiến hết mình. Đó chính là ý nghĩa và giá trị của “Tĩnh lặng” và “Trí cao”.
Mẹ Khấu Chuẩn dạy con “chớ quên cảnh nghèo hèn”
Khấu Chuẩn là quan đại thần thời Bắc Tống. Từ nhỏ Khấu Chuẩn đã mồ côi cha, gia cảnh lại nghèo khó nên cả gia đình hoàn toàn dựa vào nghề dệt vải của mẹ mà sống qua ngày. Đêm đêm bà Khấu vừa kéo sợi vừa dạy Khấu Chuẩn đọc sách, đôn đốc Khấu Chuẩn khổ học thành tài.
Sau này Khấu Chuẩn về kinh thành dự thi, đậu tiến sỹ. Tin vui truyền về tới quê nhà đúng vào lúc mẹ ông đang bệnh nặng. Phút lâm chung bà giao bức họa mà mình tự vẽ cho người nhà là bà mụ họ Lưu, nói rằng: “Khấu Chuẩn ngày sau nhất định sẽ làm quan, nếu nó phạm lỗi lầm, thì bà hãy trao bức họa này cho nó!”.
Sau này, Khấu Chuẩn làm đến chức Tể tướng, để mừng ngày sinh nhật của mình, ông đã mời 2 đoàn gánh hát, chuẩn bị yến tiệc mời bạn bè và các quan trong triều. Bà Lưu cho rằng thời cơ đã đến, bèn đem bức họa của Khấu mẫu giao cho ông.
Khấu Chuẩn mở ra xem, nhìn thấy một bức vẽ “Hàn song khóa tử” (Người đi thi đang học hành), trên bức họa có đề một bài thơ:
“Cô đăng khóa độc khổ hàm tân,
Vọng nhĩ tu thân vi vạn dân;
Cần kiệm gia phong từ mẫu huấn,
Tha niên phú quý mạc vong bần”.
Dịch nghĩa:
Cô độc dưới ánh đèn đọc sách bao khổ nhọc,
Mong con tu thân thành tài dốc sức vì nhân dân;
Mẹ hiền dạy dỗ gia phong cần kiệm,
Ngày phú quý giàu sang chớ quên cảnh nghèo hèn.
Bất ngờ nhận được lời di huấn của mẹ, Khấu Chuẩn đọc đi đọc lại rất nhiều lần, bất giác lệ tràn như suối, ông lập tức giải tán tiệc mừng sinh nhật.
Từ đó về sau ông luôn luôn giữ mình trong sạch, yêu thương nhân dân, luôn theo lẽ công bằng không vụ lợi cho bản thân, trở thành vị tể tướng tài đức nổi tiếng thời nhà Tống.
Từ Miễn để tiếng thơm cho con cháu
Từ Miễn làm quan Trung thư lệnh thời nhà Lương, suốt đời có địa vị cao. Ông nghiêm khắc với bản thân, làm việc công chính mà cẩn thận, tiết kiệm không tham lam, không quan tâm đến gia sản. Bình thường phần lớn bổng lộc nhận được ông đều chia cho người thân, bạn bè và những người dân nghèo khổ, bởi vậy trong nhà không có của cải gì cả.
Trong số khách khứa và bạn hữu, có người khuyên Từ Miễn nên thu vén một chút sản nghiệp để lại cho con cháu, nhưng ông trả lời rằng:
“Người ta để lại tiền của cho con cháu, còn tôi để lại tiếng thơm cho con cháu. Con cháu mà có đức có tài, chúng tự nhiên có thể sáng lập nên gia nghiệp. Còn nếu chúng không có tài đức, dẫu tôi để lại tài sản cũng vô dụng”.
Từ Miễn thường xuyên dạy bảo con cái cần phải trọng phẩm hạnh đạo đức. Ông từng viết thư nhắc nhở con trai tên là Từ Tung, rằng:
“Gia thế nhà ta rất thanh liêm, cho nên cuộc sống thường ngày có kham khổ. Đến cả việc mua sắm sản nghiệp, từ trước tới nay chưa hề đề cập đến. Người xưa nói: ‘Để lại cho con cháu nguyên sọt vàng, không bằng dạy chúng siêng năng học tập một quyển kinh thư’. Nghiên cứu cẩn thận những lời bàn này, thực sự không phải là những lời nói suông.
Mặc dù ta không có tài cán gì, nhưng có tâm nguyện, vui mừng được tuân theo lời giáo huấn này của cổ nhân, không dám bỏ dở nửa chừng. Từ lúc ta có được quyền cao chức trọng tới nay đã gần 30 năm, có một số môn khách và bằng hữu đều cực lực khuyên ta hãy thừa dịp khi có chức có quyền mà tùy cơ hành sự, mua sắm ruộng vườn để lại cho con cháu, ta đều cự tuyệt không chấp thuận. Bởi vì ta cho rằng chỉ có để lại thứ quý giá nhất là sự thanh bạch cho đời sau, mới có thể khiến con cháu được hưởng phúc vô cùng”.
Con cái của Từ Miễn về sau đều trở thành những người tài đức nổi tiếng xa gần.
***
Trong giáo dục gia đình, nếu cha mẹ luôn là tấm gương sáng, lời nói và việc làm đều mẫu mực, sẽ khiến con trẻ biến đổi một cách âm thầm. Bởi vì trẻ con dễ thích nghi, cho nên việc giáo dục phẩm hạnh cho chúng càng trở nên quan trọng.
Các bậc cha mẹ thường dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái. Nhưng kỳ thực, cho dù cha mẹ cấp cho con bao nhiêu tiền của đi nữa thì đều là vật ngoài thân. Chỉ có giáo dục con cái trọng Đức hướng Thiện mới là thực sự lo cho tương lai lâu dài của chúng.
Có như vậy mới có thể giúp trẻ thu được lợi ích chân chính, biết phân biệt rõ đúng sai, lựa chọn con đường nhân sinh đúng đắn.
Đạo Nhất
3 lần đậu trường đại học danh tiếng, cuộc sống của chàng trai này vẫn chỉ "thường thường bậc trung"
Nghe nói, sau này, Trương Phi sống cuộc đời bình thường, kiếm tiền, kết hôn, sinh con dưỡng cái.