‘Đế chế rác thải’ hàng trăm triệu đô của ông chủ gốc Việt ở Mỹ
Sau gần 40 năm sang Mỹ định cư với hai bàn tay trắng, gia đình của ông David Dương hiện sở hữu một công ty tái chế rác trị giá hàng trăm triệu đô, có hàng trăm nhân công và đầu tư về Việt Nam.
23:30 24/12/2019
Ông David Dương. Ảnh: VOA
Công ty của Giải pháp Rác thải California của ông Dương hiện hoạt động ở thành phố Oakland và San Jose. Công ty có một đội xe tải chuyên dụng trị giá khoảng 300.000 USD mỗi chiếc, chuyên thu thập các vật liệu có khả năng tái chế vào mỗi sáng sớm.
Hàng nghìn tấn vật liệu sau đó được chở đến các nhà máy phân loại tự động cao có quy mô lớn và hiện đại của công ty, được xây dựng và hoạt động theo tiêu chuẩn Mỹ, VOA cho hay.
Đó là một bước tiến ấn tượng đối với gia đình ông Dương kể từ khi họ sang Mỹ vào năm 1979.
Đội xe chở rác hiện đại của công ty. Ảnh: VOA
Từ tay sang máy
Những ngày đầu ở vùng đất mới, trong nỗi tuyệt vọng vì cần tiền và công việc, gia đình ông Dương đã đi nhặt nhạnh các thùng các-tông trên đường phố ở San Francisco đem bán. Trong khi những người khác chỉ xem chúng là đồ bỏ đi thì họ đã nhìn thấy cơ hội làm giàu từ đó.
Cha ông tích cóp được 700 USD để mua một chiếc xe tải cũ nhưng do mới đến, ông gặp khó khăn trong việc vay mượn số tiền còn lại để mua xe. Ông Dương đã khuyên cha đến một đền thờ ở khu Chinatown và nhờ giúp đỡ.
23 người trong gia đình cùng đi nhặt các loại rác thải có thể tái chế, dùng tay để phân loại chúng từ thùng rác và bán chúng đi để chế biến thành hộp, lon và các sản phẩm mới.
“Đó là cách chúng tôi khởi nghiệp”, ông nói.
Gia đình ông Dương khởi nghiệp từ nghề nhặt thùng các-tông trên đường phố. Ảnh: VOA
Hàng chục năm sau, việc nhặt và phân loại rác bằng tay đã được thay thế bằng máy móc.
Một số máy sử dụng nam châm hoặc thiết bị điện dùng cho việc lọc sắt hoặc nhôm để tách các kim loại có giá trị khỏi các vật liệu khác. Một số máy, trong đó có những chiếc với kích cỡ bằng các phòng lớn, sử dụng ánh sáng, các luồng không khí và máy tính để tách các vật liệu nhẹ như túi nhựa khỏi vật liệu sợi nặng hơn.
Quá trình phân loại rác này còn liên quan đến nhiều băng tải dài, nhiều thiết bị lớn, đắt tiền và phức tạp. Mục đích của quá trình là tách những đống rác hỗn độn thành nhiều nhóm riêng như nhôm, giấy hay các loại nhựa có khả năng làm vật liệu thô cho các nhà sản xuất.
Giám đốc điều hành công ty, ông Joel Corona, cũng cho hay công việc này có tác động tốt tới môi trường. Mục tiêu của công ty là không thải rác cho các khu tập trung rác của California.
Đầu tư về Việt Nam
Các vấn đề về môi trường gây lo ngại ở Việt Nam là cơ hội để công ty Giải pháp Rác thải California mở rộng thị trường hoạt động.
Công ty của ông Dương sở hữu nhiều nhà máy phân loại rác tự động cao có quy mô lớn và hiện đại, được xây dựng và hoạt động theo tiêu chuẩn Mỹ. Ảnh: VOA
Ông Dương cho hay chính phủ Việt Nam khuyến khích những người Việt ở nước ngoài tiến hành các dự án mới ở quê hương. Họ tạo điều kiện để việc đầu tư vào Việt Nam trở nên dễ dàng hơn.
“Chúng tôi có thể dùng công nghệ mà chúng tôi đã học được và áp dụng nó ở Mỹ mang về quê hương của chúng tôi, giúp đỡ người dân Việt Nam, cải thiện môi trường và đó là những điều khiến tôi tự hào”, ông nói.
Ông chia sẻ rằng sự chăm chỉ, không ngại thử thách, may mắn và tầm nhìn táo bạo là những gì giúp ông đạt được thành công ngày hôm nay.
Anh Ngọc
Giáng sinh này bố không về con nhé…
Vừa qua, hai người lính cứu hỏa Úc đã hy sinh khi còn rất trẻ. Cả hai người đều đang là cha của những đứa con chỉ mới 19 tháng tuổi. Cộng đồng mạng đã lan truyền những câu thơ để tỏ lòng biết ơn và thương tiếc đối với hai “người hùng”.