Đến Florida, dạo đầm lầy Everglades xem cá sấu
Người ta bảo con người có mặt ở vùng đầm lầy này từ… 15 ngàn năm nay, khởi đầu là hai bộ lạc da đỏ Calusa và Tequesta.
20:58 11/02/2017
Nhưng đến khi người Tây Ban Nha bắt đầu cai trị Florida, thì hai bộ lạc da đỏ này càng ngày càng ít người đi. Từ đầu thế kỷ 19 thì bộ lạc Seminole cũng kéo nhau về sinh sống trong vùng đầm lầy này.
Đó là sách vở nói vậy, chứ khi tôi đến nơi này vào những ngày đầu Tháng Tám của thế kỷ 21 thì không thấy một người da đỏ nào hết trơn, mà chỉ có nhóm tôi gồm 3 người da vàng nói tiếng Việt, còn lại toàn là trắng bóc, không đen không nâu gì ráo trọi.
Everglades cũng từng bị UNESCO đưa vào danh sách di sản bị đe dọa từ năm 1993 sau thiệt hại do cơn bão Andrew gây ra. Tuy nhiên, đến năm 2007, Vườn Quốc Gia Everglades được đưa ra khỏi danh sách này nhờ những nỗ lực để phục hồi hệ sinh thái ở đây.
Có lẽ cũng nhờ những nỗ lực đó mà giờ đây Everglades trở thành nơi cho nhiều người tìm đến tham quan, tìm hiểu, giống như tôi vậy.
Sau hơn hai tiếng rưỡi lái xe từ thành phố Sarasota, chúng tôi có mặt tại nơi có tấm bảng với dòng chữ “Everglades Captain Jack’s”, tại đây có những tour “airboat” đưa du khách xuyên qua đầm lầy, xuyên qua những rừng đước dày đặc để thỏa mãn cảm giác vờn cùng sóng nước và nơm nớp lẫn háo hức chờ xem có con cá sấu nào nhào ra không.
Sau khi mua vé với giá đâu khoảng hơn $30 mỗi người, chúng tôi phải chờ gần một tiếng đồng hồ mới đến lượt. Thật ra là mình có thể gọi điện thoại hỏi giờ trước và “book” luôn giờ muốn đi, chúng tôi cũng làm như vậy, nhưng do trục trặc nên tới trễ, đành phải chờ là thế.
Chuyến thám hiểm này kéo dài một tiếng, người bán vé cho biết, kèm theo lời dặn, “Thuyền trưởng của các bạn có tên là Mo.”
Như đã nói, ngoài nhóm chúng tôi là người Châu Á, còn lại đều là người Châu Âu, Châu Mỹ.
Các chiếc tàu sau khi cập bến, thuyền trưởng sẽ la lên tên mình, thế là những ai đến phiên sẽ đến đứng trước mặt thuyền trưởng để được hướng dẫn lên tàu.
Chiếc tàu tôi đi ngoài ba người trong nhóm, còn có thêm một gia đình đến từ Đức cũng ba người, hai vợ chồng và người con gái.
Thuyền trưởng Mo chỉ vào hai người đàn ông, một của nhóm tôi, một thuộc nhóm kia, bảo “Tôi cần hai người ngồi vào phía bên phải, một người ghế trước, một người ghế sau.”
Chờ hai ông vào vị trí của mình, thuyền trưởng Mo nói với bốn phụ nữ còn lại, “Còn quý bà muốn ngồi đâu thì ngồi, trừ ghế của người lái tàu.”
Hehe, dĩ nhiên, hai người Đức ngồi cùng hàng ghế phía trước mũi với người đàn ông của họ. Còn tôi và bà sếp mình thì ngồi hàng phía sau cùng một trự đi cùng chúng tôi.
Chiếc “airboat” từ từ lướt sóng.
Airboat là một kiểu tàu đáy phẳng (jon thuyền), thuyền trưởng ngồi phía sau, điều khiển tàu chạy về phía trước bằng động cơ của một loại máy bay cánh quạt cùng động cơ ô tô tự động (tôi nghe người ta mô tả như vậy chứ thiệt ra tôi dốt đặc vụ này, leo lên tàu thấy nó chạy ào ào, vù vù là khoái rồi). Đây là một phương tiện phổ biến dùng để di chuyển trong vùng đầm lầy, vùng nước cạn. Người ta cũng sử dụng những chiếc airboat này để đi câu cá, bowfishing (một kiểu bắt cá bằng cách dùng cung tên bắn), săn bắn và du lịch sinh thái.
Nơi mỗi chỗ ngồi đều có để sẵn cái headphone để khách mang vào, tránh tiếng ồn của máy tàu. Tôi thì không mang, bởi cái gì chụp vào lỗ tai tôi cũng đều làm tôi cảm thấy như bị ngộp, thà nghe tiếng ồn lại khoái hơn. Trên tàu cũng chỉ mình tôi không đội nón, chẳng qua vì không có. Nhưng vậy hóa ra lại hay, vì khi tàu chạy thì gió từ sông nước bốc lên, mát rười rượi, tóc có cơ hội xõa tung, và quan trọng hơn, không phải đưa tay lên giữ nón cho khỏi bay ra khỏi đầu khi thuyền trưởng “nghịch ngợm” rú máy làm vài đường lả lướt đến người còn muốn bay luôn ra khỏi chỗ ngồi, huống gì đến nón.
Khởi đầu, chiếc tàu chạy từ từ, thong thả, như nhởn nhơ, cho du khách ngắm mây trời, làm quen với nước non. Rồi lần hồi thuyền trưởng bắt đầu cho tăng tốc. Tiến dần tiến dần vào những nơi mà đước mọc dày đặc, đan nhau như mây trời.
Thuyền trưởng điều khiển con tàu khi nhanh, khi chậm, lúc ngoặc qua bên trái, lúc như nghiêng mình sang bên phải, khiến du khách nhiều phen hoảng vía. Nhưng qua rồi thì lại bật cười thích thú. Tôi vô tình ngồi giữa, nên bình chân như vại, chỉ có tha hồ mà ngắm cảnh, chụp hình, quay phim, không sợ văng xuống nước, bởi hai bên đã có hai người đồng hành che chắn, phía sau lưng là ông thuyền trưởng, phía trước mặt là gia đình người Đức.
Đi vào rừng đước giữa ban trưa, nhìn những chùm rễ tua tủa trồi trên mặt nước, trí tưởng tượng của mỗi người sẽ dẫn dắt cho mình nghĩ xem nó giống như cái gì. Tôi nghĩ, buổi tối trời mà ai dại dột lọt vào đây thì, eo ôi, cũng hãi lắm. Không bóng người, lào xào cây lá quạt nhau. Tiếng rả rích của côn trùng, của rắn rít, của chim chóc, của thú hoang. Rồi cá sấu nữa.
Hey, vừa nghĩ tới đó thì bỗng dưng thấy tàu chậm hẳn lại, ông thuyền trưởng nói gì tôi chưa nghe ra thì, cha mẹ ơi, trước mặt là một con cá sấu đang từ từ bơi vào phía rậm rịt của rừng đước. Tôi không biết ai đó có kịp sợ không, riêng tôi thì phản xạ của người làm báo là bật liền máy chụp hình, quay phim ngay lập tức. Hình như ai cũng nín thở chờ nó bơi qua thì phải. Rất nhanh thôi. Rồi chiếc tàu lại rú ga, phóng vèo vèo, ngoặc một cái về bên trái, lại xoáy một vòng về bên phải, trước khi từ từ thả lỏng nơi một khoảng không mênh mông.
Thuyền trưởng cho tàu dừng lại giữa mây trời sông nước, hỏi ai có thắc mắc gì thì hỏi. Bạn tôi hỏi con cá sấu đó lớn bao nhiêu. Thuyền trưởng nói nó chừng 9 feet. Tôi hỏi có khi nào du khách ở đây bị cá sấu tấn công không. Ông nói có nhưng hiếm. Tôi đưa mắt liếc quanh, chỗ tôi ngồi coi bộ an toàn nhất. Cá sấu có nhào lên thì đớp hai người bên cạnh tôi trước. Mà nhiều khi vừa trồi lên thấy mặt tôi là nó đã hoảng sợ lủi xuống đầm lầy trốn mất rồi, chồng tôi nói vậy. Yên tâm.
Cứ thế, hết ngóc ngách này, thuyền trưởng lại đưa chúng tôi sang con đường khác, nơi nào cũng mang lại một cảm giác vừa mới lạ, vừa hơi rờn rợn, lại vừa thích thú đến vô cùng. Đến một nơi nữa, từ xa thấy du khách trên một chiếc airboat khác đang dụ dỗ mấy con gì trong vừa như con khỉ lông xám, vừa như con chồn, lại giống con cáo. Ông thuyền trưởng nói tên những con đó là “raccoon”.
Cập thuyền lại gần sát bụi rậm nơi mấy con “raccoon” chui ra, ông thuyền trưởng nhắc, đừng có chọc cho nó nhảy vào người, nó cắn. Tôi nói thầm, “Tao chụp hình mày thôi, không chọc mày, đừng có cắn tao, muốn thì cắn thằng cha ngồi bên này nè!” Nói vậy mà chắc nó hiểu, nó chỉ giương mắt nhìn tôi. Rồi từ từ chui trở lại rừng sâu.
Airboat tiếp tục đưa chúng tôi đến quãng đường khác của đầm lầy. Nơi đây ghi dòng chữ nhắc nhở tàu chạy chậm thôi, đừng có ầm ầm tạo sóng vỗ bờ.
Trên đường trở về, tàu chạy ngang một ngôi nhà màu vàng, có hàng cau hàng dừa phía trước. Nhìn tự dưng nhớ những ngôi nhà dưới miền Tây mình quá!
Mưa vừa lắc rắt rơi vài hạt cũng là lúc tàu tôi cập bến. Kết thúc một tiếng dạo cùng đầm lầy Everglades cho biết với người ta.
Bước chân lên bờ, đưa tay vuốt tóc, trời ơi, cả một vùng tóc rối, rối như những chân rễ rừng đước đan nhau.
Hy vọng có ngày sẽ trở lại đầm lầy này và muốn nhìn thấy nhiều cá sấu hơn khi đã học được chiêu của một người bạn chỉ: nếu bị cá sấu rượt, nhớ chạy theo đường ziczac!
9 địa điểm tuyệt đẹp ở California ít người biết đến
Nhắc đến du lịch California, nhiều người chắc chắn sẽ nhớ ngay đến những điểm đến nổi tiếng như công viên Disneyland, hồ Tahoe xinh đẹp hay Cầu cổng vàng… Thế nhưng, miền đất này còn sở hữu rất nhiều báu vật mới mẻ khác mà ít ai biết đến.