Di sản Donald Trump: Bốn năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump dần khép lại nhưng dấu ấn ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu

Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng và trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ. Bốn năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump dần khép lại nhưng dấu ấn ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.

09:30 18/01/2021

Năm 2016, nước Mỹ chứng kiến cuộc đối đầu giữa một bên là nữ chính trị gia kỳ cựu Hillary Clinton – người từng có 8 năm làm đệ nhất phu nhân, 8 năm làm thượng nghị sĩ, 4 năm làm ngoại trưởng, liên tục nằm trong danh sách những người phụ nữ quyền lực thế giới – và một bên là tỉ phú Donald Trump – người rất nổi tiếng trên truyền hình nhưng lại chưa từng có bất kỳ kinh nghiệm nào trên chính trường. Khi hầu hết đều dự đoán bà Clinton nắm chắc phần thắng thì ông Trump bất ngờ được xướng tên là người đắc cử. Bà Clinton thất bại và ông Trump trở thành tổng thống Mỹ.

Ngày 20.1.2017, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump ký sắc lệnh nhằm từng bước loại bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare) của người tiền nhiệm Barack Obama. Chỉ 3 ngày sau, ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được ông Obama thúc đẩy.

Đó chính là những bước khởi đầu cho nhiệm kỳ đầy tranh cãi nhưng cũng nhiều điểm nhấn của Tổng thống Donald Trump.

Không thể phủ nhận

Theo giới quan sát, một trong những thành tựu của ông Trump từng đạt được trong nhiệm kỳ của mình, chính là kinh tế. Ông Trump tiếp quản nước Mỹ với một trạng thái tương đối ổn. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, kinh tế Mỹ duy trì được đà tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 5 thập niên qua là 3,5% vào tháng 9.2019.

Nếu như không có đại dịch Covid-19, ông Trump có lẽ đã kết thúc nhiệm kỳ bằng những chỉ số về kinh tế lạc quan. Không may thay, Covid-19 khiến thành quả 3 năm đầu nhiệm kỳ “đổ sông đổ bể”.

Cũng liên quan kinh tế, một điểm nhấn đáng chú ý khác trong nhiệm kỳ ông Trump là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Dẫu có nhiều tranh cãi về tác động, nhưng các nhà quan sát thừa nhận việc ông Trump cứng rắn với Trung Quốc là phù hợp với góc nhìn lợi ích của Mỹ và đó là điều mà người kế nhiệm ông cần cân nhắc sau khi tiếp quản quyền lực. Bởi lẽ, Trung Quốc của hiện tại đang phát triển nhanh, mạnh và đã được dự báo sẽ rút ngắn khoảng cách và sớm soán ngôi Mỹ ở vị trí nền kinh tế số một thế giới. Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của Trung Quốc cũng ngày càng sâu rộng, đủ để bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Mỹ cũng phải bận tâm hàng đầu.

Lại nói về đối ngoại, ông Trump còn ghi điểm trong nhiệm kỳ của mình bằng thành tích không chiến tranh. Nước Mỹ dưới thời ông Trump đã cùng liên quân quốc tế đẩy lùi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông cũng mở đường cho việc rút Mỹ ra khỏi vũng lầy Trung Đông. Mặc dù đưa ra hàng loạt lập trường cứng rắn với Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên, nhưng ông Trump không kéo nước Mỹ vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Với Iran, căng thẳng có lúc lên đến đỉnh điểm ngỡ như một cuộc chiến tranh nóng cận kề, những phương án quân sự cũng đã được tính đến, nhưng rốt cuộc, hết 4 năm nhiệm kỳ, căng thẳng vẫn chỉ âm ỉ, kìm nén, thỉnh thoảng trả đũa lẫn nhau.

Với Triều Tiên, ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, đồng thời làm nên lịch sử với 3 cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Dẫu rằng tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa hai bên vẫn rơi vào bế tắc nhưng không thể phủ nhận dấu ấn ngoại giao của ông Trump mà chưa Tổng thống Mỹ nào có được đến lúc này.

Trong nhiệm kỳ, ông Trump còn xây dựng cho mình được hình ảnh một cầu nối – trung gian hòa giải ở Trung Đông. Ông chính là một nhân tố quan trọng trong Hiệp ước Abraham, giúp đi đến thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain, tiếp đó là một loạt nước Ả Rập khác. Không phải tất cả đều hài lòng với thỏa thuận này, đặc biệt là Palestine, nhưng dưới góc nhìn của những bên khác thì đó được xem là dấu mốc cho xu thế hòa giải tại Trung Đông.

Tranh cãi, tranh cãi và tranh cãi

Nhưng có lẽ, người ta sẽ nhắc đến ông Trump nhiều hơn vì quá nhiều tranh cãi. Việc ông thắng cử đã là tranh cãi lớn, khi phía Dân chủ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử để giúp ông Trump chiến thắng. Một cuộc điều tra rầm rộ đã được tiến hành. Đến kỳ bầu cử thứ hai, khi ông có nhiệm vụ giữ lấy chiếc ghế tổng thống, lại tiếp tục là tranh cãi.

Chính ông Trump đã phát động một cuộc chiến pháp lý dai dẳng chống lại kết quả bầu cử ở hàng loạt bang. Cũng chính ông đến cuối cùng vẫn không chấp nhận thua cuộc và nỗ lực với hy vọng lật ngược tình thế. Kết quả cuối cùng ấn định ông thua, nhưng ông lại bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm cho những rối loạn đã xảy ra. Ông bị luận tội. Không chỉ một lần mà tới hai lần. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên có “kỷ lục” đó.

Tranh cãi còn ở những phát ngôn, chính sách và biện pháp ông đưa ra cả về đối nội và đối ngoại. Khó có thể kể hết vì nước Mỹ dưới thời ông Trump đã tốn không ít giấy mực của truyền thông.

Ông rút nước Mỹ ra khỏi những tổ chức, thể chế và vai trò mang tầm quốc tế vốn đều từng do chính Mỹ góp nhiều công sức. Ông làm đồng minh của Mỹ hoang mang vì nhiều đòi hỏi thực dụng. Dưới thời ông Trump lãnh đạo, Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, Hiệp ước Bầu trời mở, Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung. Mỹ cũng rút khỏi UNESCO, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn và gần nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Với chính sách “nước Mỹ trước tiên”, ông Trump đã làm thay đổi rất lớn về định vị nước Mỹ trên trường quốc tế.

Ông Trump cũng gây phản ứng dữ dội khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời chuyển đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem.

Đối ngoại là thế, còn đối nội của ông Trump cũng chẳng hề kém cạnh. Một loạt chính sách về nhập cư, xây tường biên giới Mỹ - Mexico, y tế cộng đồng, chính sách súng đạn cũng gây không ít tranh luận trong nội bộ nước Mỹ. Đặc biệt, lập trường của ông Trump về Covid-19 và cách ứng phó với đại dịch của chính quyền ông bị xem là điểm chí tử trong năm cuối nhiệm kỳ. Nước Mỹ giờ đây chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vì Covid-19.

Tags:
Vì sao bà Pelosi nhất quyết luận tội TT Trump khi chỉ còn vài ngày?

Vì sao bà Pelosi nhất quyết luận tội TT Trump khi chỉ còn vài ngày?

Ông Phan Lộ cho rằng cuộc mít-tinh trên Đồi Capitol ở Washington ngày 6/1 bất ngờ gặp phải sự cố, ảnh hưởng đến Quốc hội và cũng dẫn đến thương vong. Sự việc đã biến thành một cuộc bạo loạn trong mắt đảng Dân chủ cánh tả.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất