Đi thật xa để trở về

Không chỉ có kiều bào “lão thành” chọn đất Việt làm nơi trở về, mà đã có những người trẻ thế hệ thứ 2, thứ 3 cũng chọn Việt Nam để quay về. Họ ứng dụng công nghệ hiện đại, blockchan, AI… vào sản xuất, kinh doanh và đã đạt được nhiều thành công, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước!

11:30 15/02/2019

Ấm nóng dòng máu Việt

Dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng chỉ một cơ duyên gặp gỡ, dòng máu Việt len lỏi chảy chính chất xúc tác khơi dậy tình cảm yêu thương, dẫn lối họ quay về dù trước đó chưa hề nghĩ đến.

Daniel Nguyễn Hoài Tiến (kiều bào Mỹ) là một người như thế. Sinh ra và lớn lên ở đất nước cờ hoa, tốt nghiệp đại học, anh làm nhiều việc liên quan đến các lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng. Tiến đã giúp sinh kế cho những dân chài gốc Việt bị mất việc sau trận bão Katrina và vụ tràn dầu trên vịnh Mêhicô. Anh còn sáng lập một hợp tác xã nông nghiệp tên VEGGI, chuyên sản xuất rau sạch, làm đậu phụ, sữa đậu nành… cung cấp cho hàng chục chuỗi nhà hàng, siêu thị, khu chợ ở Louisiana.

Anh Phan Ty kêu gọi kiều bào hỗ trợ công tác từ thiện ở Việt Nam

Vì những đóng góp thiết thực cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, năm 2012, Tiến được mời về Việt Nam tư vấn định hướng phát triển cho khu vực ĐBSCL. Tình yêu Việt Nam dần nảy nở trong anh như một bản năng mà ngay anh cũng chẳng thể nghĩ đến. Và anh thấy mình cần phải làm điều gì đó cho quê hương Việt Nam. Thế là anh đã có quyết định lịch sử: Trở về làm việc tại quê nhà.

“Còn nhớ, lần đầu tiên tôi về Việt Nam và cũng lần đầu tiên nhìn thấy bố tôi khóc sau hơn 30 năm trở về quê hương. Lúc đó tôi chợt hiểu rằng, có điều gì đó như một mối ràng buộc chặt chẽ giữa tôi với Việt Nam, dù lúc đấy tôi chưa biết nói tiếng Việt, chưa hiểu gì về Việt Nam cả. Đó là động lực đầu tiên để tôi tìm hiểu và học tiếng Việt. Rồi nhiều lần sau được mời về công tác, tôi tiếp xúc gần hơn với dân tộc mình. Hiểu lối sống hàng ngày, đặc biệt là tình cảm của đồng bào dân tộc vùng núi khiến tôi càng yêu mến và muốn giúp bà con” – Tiến chia sẻ.

Tại Việt Nam, chiến lược đầu tư của Daniel Hoài Tiến là xây dựng một chuỗi sản phẩm khép kín từ hợp tác xã địa phương đến chế biến, đóng gói, có chứng nhận từ nước ngoài. Qua đó kể câu chuyện kết nối nông sản truyền thống Việt Nam với thế giới. Mong muốn của Tiến là phát triển sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số phía Bắc. Hiện nay, dân tộc thiểu số có nhiều sản phẩm văn hóa, nông sản tiềm năng chưa được khai thác. Điều quan trọng là làm thế nào để tạo được đầu ra mà vẫn giữ lại được chiều sâu văn hóa địa phương. Bởi giá trị văn hóa đó chính là tài sản quốc gia dành cho thế hệ sau.

Hiện, sau gần 3 năm sống ở Việt Nam, Daniel Hoài Tiến đã là người Việt thực thụ với vốn hiểu biết sâu sắc về dân tộc học. Bằng kinh nghiệm của mình, anh hướng dẫn bà con dân tộc trong cách chăn nuôi trồng trọt để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao đời sống. Anh cũng tập trung thu mua bao tiêu nhiều giống nông sản bản địa cho bà con dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng…

Thiêng liêng tiếng gọi quê nhà

Vẻ ngoài lịch lãm, vốn tiếng Việt trôi chảy nên khi giới thiệu mình sinh ra và lớn lên ở Canada, Kimble Ngô làm không ít người bất ngờ lẫn thú vị. Chàng trai trẻ này còn có niềm đam mê đặc biệt với công nghệ. Kimble Ngô cho hay, trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, Blockchain được xem là một công nghệ chìa khóa cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai. Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành lá cờ đầu trong ngành công nghiệp Blockchain. Đây là lĩnh vực mới mẻ và Việt Nam có lợi thế khi sở hữu không ít những kỹ sư Blockchain xuất sắc. Chính vì vậy, Kimble Ngô muốn về Việt Nam, để hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của quê hương.

Tuy nhiên, ba mẹ anh không đồng ý vì lo con trai gặp khó khăn. Dẫu vậy, Kimble Ngô vẫn không nản chí. Anh nghĩ nếu về Việt Nam gặt hái được thành công thì ba mẹ sẽ hiểu. Nhờ có sẵn kinh nghiệm làm trong ngành ngân hàng, startup, huấn luyện và marketing, Kimble Ngô dành nhiều thời gian tìm hiểu về Blockchain. Với công nghệ này, các doanh nghiệp có thể thảo hợp đồng với đối tác, theo dõi tiến độ giao dịch trên mạng. Công nghệ mới ngăn chặn một bên sửa đổi thông tin và cho phép truy xuất nguồn gốc, quyền sở hữu hàng hóa. Blockchain có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông, giao thông vận tải, chính phủ,….

Ở Việt Nam, Kimble thử sức ở rất nhiều lĩnh vực như làm về mạng xã hội, công nghệ thông tin và hiện thành công ở vai trò CEO & Founder AM Blockchain. Cuối năm 2017, Kimble tình cờ gặp một người bạn là chuyên gia công nghệ thông tin, người cùng có mối quan tâm đặc biệt đối với Blockchain. Hơn thế, hai người còn có chung tham vọng đưa công nghệ mới này phát triển ở Việt Nam, bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không lâu sau, họ và một người bạn là kiều bào Canada, quyết định thành lập Cty AMBlockchain. Kimble Ngô đảm nhận vị trí cố vấn, giúp các doanh nghiệp hiểu về cách vận hành và lợi ích mà Blockchain mang lại.

Ra đi để trở về

“Ngày đi du học, tôi vẫn chưa có suy nghĩ trở về – Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore),Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV)trải lòng. Đây có lẽ cũng là tâm tư của nhiều bạn trẻ khi đi du học và được tiếp cận với thế giới bên ngoài. Nhưng có đi xa rồi mới biết nỗi nhớ quê hương, ước mong được cống hiến cho nơi “chôn nhau cắt rốn” nó da diết đến mức nào. Mặc cho nhiều lời khuyên “đừng về”, thì tình yêu quê hương với biết bao nhớ thương đã thúc giục tôi: về nhà thôi!.

Vốn là dân thiết kế sáng tạo, Danny Võ khởi nghiệp bằng việc mở công ty riêng liên quan đến chuyên môn. Nhưng mọi việc không đơn giản, bởi từ việc làm việc chuyên môn yêu thích chuyển sang quản lý cả một công ty với mấy chục nhân viên rất khác nhau. Anh lại phải tự học thêm về kỹ năng mềm trong công tác quản lý, lãnh đạo để hiểu và điều hành công việc hiệu quả hơn… Cũng trong giai đoạn học hỏi này, anh tìm thấy sứ mệnh của bản thân “Lan toả những giá trị tích cực” và có thêm cho mình một công việc yêu thích mới. Đó là trở thành chuyên gia huấn luyện về kỹ năng mềm, nghệ thuật lãnh đạo cho các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp sáng tạo.

Năm 2008, Danny Võ về Việt Nam lập nghiệp. “Tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong nước niềm tự hào mình là người Việt Nam, tự tin với tri thức mình có, sống tích cực với đam mê của tuổi trẻ, khát khao làm giàu, cống hiến cho quê hương, chính là động lực để mình vượt qua mọi khó khăn” – vị chuyên gia tâm sự. Rất nhiều buổi đào tạo, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm với hàng trăm ngàn sinh viên, phụ nữ TPHCM về khởi nghiệp và phát triển bản thân.

Giờ ở Việt Nam, Danny Võ vẫn ngược xuôi các vùng miền trên dải đất hình chữ S để truyền cảm hứng bằng những câu chuyện khởi nghiệp, hoặc những buổi nói chuyện, huấn luyện kỹ năng mềm trong giao tiếp cho sinh viên, học sinh, phụ nữ… “Chỉ cần một chút thay đổi trong cách giao tiếp, một nụ cười, một sự quan tâm tuy nhỏ thôi, nhưng sẽ là chất xúc tác để con người đến gần với nhau hơn” – anh Danny trải lòng.

Có nhiều cách để hướng về

Dù sinh sống ở nước ngoài, anh Phan Ty, Chủ tịch Hội Từ thiện Mái ấm Việt Nam (MAVN) tại Anh hướng về quê hương bằng cách vận động kiều bào Anh và khắp nơi trên thế giới giúp đỡ, hỗ trợ cho rất nhiều đồng bào vùng sâu vùng xa ở Việt Nam.

Chia sẻ về nguyên nhân lập MAVN, anh Phan Ty cho biết đây là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập từ năm 2015, Hội có hơn 50 thành viên, hoạt động tích cực kể cả ở Anh và ở Việt Nam. “Sự ra đời của Hội xuất phát từ chính tâm tư nguyện vọng của bà con kiều bào ở Anh, là nơi để bà con gắn kết kêu gọi các Mạnh Thường Quân trong cộng đồng, tích cực ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần cho những phong trào thiện nguyện do Hội phát động. Lúc đầu chúng tôi làm rất âm thầm, nhưng sau đó chúng tôi thấy rằng nếu không giới thiệu để nhiều người biết, thì làm sao họ có thể chung tay với mình. Thế là mình giới thiệu lên Facebook, lên mạng xã hội và kết nối với mọi người” – anh Phan Ty kể về nguyên nhân lập Hội.

Hằng năm Hội đều cử đại diện bà con kiều bào về nước, kết hợp cùng các thành viên trong nước tham gia các hoạt động thiện nguyện như: cứu trợ bà con vùng lũ, thăm và phát quà cho người nghèo, tổ chức tết tình thương cho trẻ em vùng cao, bà con dân tộc ở vùng sâu vùng xa, thăm trại trẻ mồ côi, các cụ già neo đơn, hỗ trợ xây nhà cho người dân vùng lũ, bà con vùng cao có hoàn cảnh khó khăn có chỗ ở, hỗ trợ người khuyết tật, hỗ trợ học sinh vùng cao… MAVN tập trung vào việc xây dựng cộng đồng bằng cách hỗ trợ các nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giáo dục chủ yếu của trẻ em và những người thiệt thòi.

Về với người khiếm thị

Lựa chọn quay về nước làm việc chưa bao giờ là một quyết định đáng tiếc hay sai lầm. Sau 10 năm miệt mài với những nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi VBEE (Vietnamese BE your Eyes) với slogan “Chúng tôi là đôi mắt của bạn”, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn không thôi trăn trở tìm giải pháp công nghệ để hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận với tri thức.

Năm 2009, Trang cùng với nhóm sinh viên của mình triển khai dự án Website cho người khiếm thị (tamhonvietnam.net). Dự án này được phát triển từ đề tài tham dự cuộc thi Imagine Cup 2009 do Microsoft tổ chức. Đó là một “website biết nghe, biết nói” dành cho người khiếm thị. Sau đó, Trang có nhiều dịp gặp gỡ, trao đổi hơn với những người khiếm thị, cô thấy cần thiết phát triển ý tưởng này ra thực tế để giúp họ có cơ hội tiếp cận với tri thức. So với những trang web đang hoạt động thì tamhonvietnam.net được thiết kế thân thiện với người khiếm thị vì đáp ứng các chuẩn về tính dễ tiếp cận của tổ chức W3C (tổ chức chuẩn quốc tế cho World Wide Web) đồng thời cung cấp những tính năng, tiện ích theo nhu cầu như sách nói, diễn đàn chia sẻ các vấn đề của họ… Dự án đã tổ chức được cho hàng trăm các tình nguyện viên thu âm sách xóa mù chữ và sách truyện khác. Website đi vào hoạt động đã có những kết quả khả quan.

Sau đó, Trang sang Pháp làm tiến sĩ, dự án tiếp tục được một thời gian và dừng lại do thiếu người quản lý. Khi làm đề tài tiến sĩ, Trang đã thay đổi đề tài luận án vào phút chót sau khi nhận thức được sự cần thiết của bộ đọc tiếng Việt chất lượng tốt cho người khiếm thị. Đây là điều Trang rút ra sau một thời gian làm việc và hiểu rõ nhu cầu thực sự của họ. Cô cho biết, VBee chính là công nghệ lõi được phát triển và mở rộng từ kết quả luận án tiến sĩ được cô thực hiện và bảo vệ thành công tại trường ĐH Paris-Sud 11 trên đất Pháp.

Công nghệ thông tin vốn là một lĩnh vực giao thoa mà trong đề tài này, lĩnh vực cô cần tìm hiểu là ngôn ngữ. Chính vì vậy, cô đã mất 3 tháng đến trường ĐH Paris 3 để học về ngôn ngữ, về ngữ âm học, âm vị học. Nhưng có lẽ, điều cô tự hào nhất đó chính là được giới thiệu về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình – ngôn ngữ tiếng Việt – trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ không chỉ trước các thành viên trong hội đồng mà còn trước các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cũng như bạn bè đồng nghiệp đến từ nhiều nước trên thế giới ngay tại Pháp.

Trang vẫn còn nhớ khi bảo vệ giữa kỳ cũng như sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Pháp nhiều người bạn hỏi: Mày có ở lại đây không? Hãy suy nghĩ thật kỹ nhé! Thường, mọi người sẽ tìm mọi cơ hội để được ở lại trên đất nước bạn sau khi hoàn thành khóa học. Nhưng với Trang khi nhận được câu hỏi, được lời gợi ý, cô đều khẳng định dứt khoát: Không, tôi sẽ về Việt Nam. Việt Nam với Trang là gia đình, người thân, bạn bè, công việc, những ngày vui, hạnh phúc. Vì vậy, cô luôn căng mình để mong sớm hoàn thành luận án để trở về nước. Sau ba năm ba tháng, với tấm bằng tiến sĩ, cô quay trở lại trường ĐH Bách khoa Hà Nội để tiếp tục công việc của mình.

Chia sẻ về cơ hội của Việt Nam khi bước vào công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Trang cho biết cơ hội dành cho sinh viên, cho Việt Nam rất nhiều. Bởi chỉ xét về mặt công nghệ, so với các nước, Việt Nam vẫn còn rất sơ khai. Chính vì vậy, đây là cơ hội việc làm, cơ hội phát triển cho những sinh viên ngành công nghệ thông tin của Việt Nam.

Nguồn: tienphong.vn

Tags:
Thư ký Nhà Trắng: Thượng Đế muốn Donald Trump làm Tổng thống Mỹ

Thư ký Nhà Trắng: Thượng Đế muốn Donald Trump làm Tổng thống Mỹ

Thư ký báo chí Nhà Trắng, Sarah Sanders, cho biết bà tin rằng Thượng Đế muốn Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử năm 2016, CBN đưa tin hôm thứ Tư (13/2).

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất