Dịch Covid-19 bộc lộ những "bí mật xấu xa" của thị trường lao động Mỹ
Năm 2019, Florida chỉ xét duyệt cho 11% số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Tỷ lệ này tại North Carolina chỉ là 9% trong khi tại các bang như Louisiana, Nebraska, Georgia chỉ vào khoảng 15%.
01:30 16/05/2020
Anh Don, một thuyền trưởng 47 tuổi tại bang Florida cùng vợ đã thất nghiệp từ tháng 3 đến nay đang vô cùng tức giận. Nguyên nhân là họ đã cố gắng tiếp cận hệ thống trợ cấp thất nghiệp của bang nhưng gặp đủ loại phiền toái. Từ việc website bị lỗi cho đến đường dây điện thoại không thông. Cặp vợ chồng đã gọi hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày nhưng chẳng có tác dụng gì.
Dịch Covid-19 đã khiến hơn 80.000 người Mỹ thiệt mạng và ít nhất 33 triệu người mất việc. Tuy nhiên, chính dịch bệnh này lại đang làm bộc lộ sự thật xấu xa về chế độ thất nghiệp tưởng chừng nhân đạo của nền kinh tế số 1 thế giới.
Theo nhiều chuyên gia, hệ thống trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trên thực tế đã vô dụng, chẳng giúp đỡ được người lao động nước này bất chấp việc chính phủ vẫn thu thuế đều. Trong rất nhiều năm qua, hệ thống này không được đầu tư nâng cấp và tồn tại vô vàn bất cập nhưng chẳng ai quan tâm. Hệ quả là người thất nghiệp chẳng thể trông cậy được gì vào chính phủ bởi thủ tục đăng ký, tiếp cận quá chậm và rườm rà.
Trong thời kỳ bình thường, câu chuyện này chẳng được mấy ai quan tâm bởi những người thất nghiệp không có nhiều tiếng nói trong xã hội và thị trường việc làm luôn sôi động, có cơ hội cho những người muốn tìm việc. Tuy nhiên khi đại dịch bùng nổ và nhiều người mất việc, câu chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ.
"Mọi người bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của hệ thống trợ cấp thất nghiệp nhưng nó lại đang không hoạt động tốt như mọi người vẫn tưởng", Chuyên gia Andrew Stettner của Century Foundation nói.
Có tiền nhưng không thể lấy
Quay ngược dòng lịch sử, Wisconsin là bang đầu tiên của Mỹ áp dụng chế độ trợ cấp thất nghiệp vào năm 1932. Thế rồi chế độ này được chính phủ liên bang thông qua vào năm 1935 với đạo luật về an sinh xã hội. Tuy nhiên thay vì thực hiện một hệ thống trợ cấp thống nhất của liên bang, Mỹ lại cho từng bang quyền quyết định riêng. Hệ quả là mỗi bang tại Mỹ có một chính sách trợ cấp khác nhau.
Thông thường, nhiều bang tại Mỹ đồng ý trợ cấp nhiều nhất 26 tuần cho những người thất nghiệp để họ có thể tìm công việc mới, nhưng một số bang như Alabama thì cắt giảm xuống 14 tuần và con số này dao động tùy từng khu vực. Số tiền trợ cấp cũng khác nhau, ví dụ mức trợ cấp thất nghiệp bình quân trên cả nước là 387 USD/tuần tính đến tháng 2/2020 thì riêng tại Mississippi, con số này chỉ là 215 USD/tuần còn tại Massachusetts là 550 USD/tuần.
Ban đầu, Mỹ xây dựng chế độ trợ cấp thất nghiệp nhằm đảm bảo trật tự xã hội khi nền kinh tế khủng hoảng, thế nhưng nhiều bang lại làm cho chúng trở nên phức tạp nhằm hạn chế số người phụ thuộc vào chính phủ và thúc đẩy lao động tự lực cánh sinh. Thậm chí, nhiều bang đã cắt giảm đầu tư cho hệ thống này cũng như hạ chế độ đãi ngộ cho những người được nhận trợ cấp thất nghiệp nhằm hướng ngân sách cho các dự án đầu tư công khác.
Thế rồi dịch Covid-19 diễn ra, chính phủ tung gói cứu trợ 2,2 nghìn tỷ USD cho người dân vào tháng 3/2020 với một khoản ngân sách không nhỏ cho trợ cấp thất nghiệp. Theo quy định, mỗi người thất nghiệp sẽ được nhận thêm 600 USD/tuần cho đến cuối tháng 7/2020, tăng thêm 14 tuần trợ cấp so với quy định cũ và nới lỏng tiêu chuẩn những người được làm đơn gia nhập. Kể từ đây, ngay cả những người làm tự do, lao động trong ngành kinh tế chia sẻ hay những người kinh doanh nhỏ cũng sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, sự xuống cấp của hệ thống trợ cấp thất nghiệp lại khiến lao động Mỹ chẳng nhận được mấy từ những gói cứu trợ này.
Bang Winsconsin là nơi đầu tiên thực hiện chế độ trợ cấp thất nghiệp vào năm 1932
Cô Melissa sống tại Orlando đã làm đơn trợ cấp thất nghiệp từ tháng 4 nhưng hồ sơ của cô bất ngờ bị thay đổi. Dù cô đã cố liên lạc qua Facebook, gọi điện thoại hay email nhưng chẳng có ai trả lời.
"Trông cứ như một vụ lừa đảo vậy dù lỗi chẳng phải do tôi", cô Melissa ngậm ngùi nói.
Công ty của Melissa cũng có một số hỗ trợ cho những người bị giảm biên chế nhưng phần lớn những lao động thất nghiệp này phải tự cứu.
Tình hình hiện nay tồi tệ đến mức nhiều bang ở Mỹ chẳng có đồng nào trong quỹ trợ cấp thất nghiệp dù người dân vẫn nộp thuế đều. Nguyên nhân chính là do trong những cuộc khủng hoảng trước đây, các bang thiếu tiền trợ cấp thất nghiệp nên đã phải vay chính phủ liên bang và giờ đây họ phải hoàn trả. Hệ quả là nhiều bang chẳng còn đồng nào để trợ cấp người dân khi dịch Covid-19 bùng phát.
"Nhiều bang thậm chí chẳng thèm nâng thuế để bù vào cho quỹ trợ cấp thất nghiệp. Họ luôn trông chờ chính phủ liên bang sẽ bung tiền cứu trợ nếu có khủng hoảng và chẳng ai ngờ được tình hình lại tệ đến mức này", Giáo sư Harry Holzer của trường đại học Georgetown và là cựu chuyên gia kinh tế của Bộ lao động Mỹ nhấn mạnh.
Làm sao tiền đến được tay người cần?
Hiện nay, chính phủ vẫn đang tập trung vào giải cứu doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn lớn với ly do họ là những công ty thuê lao động. Tuy nhiên, những người thất nghiệp không có nguồn thu thì lại bị bỏ rơi. Chính phủ tuyên bố đã phát tiền nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng trợ cấp thất nghiệp lại chẳng được đầu tư để người dân có thể nhận cứu trợ.
Nhiều bang tại Mỹ hiện nay vẫn còn đang sử dụng mã lập trình COBOL từ thập niên 1950 cho hệ thống hành chính và chúng tạo nên vô vàn rắc rối. Dù là một trong những nước có nền công nghệ hàng đầu thế giới nhưng hệ thống hành chính của nhiều bang tại Mỹ lại vô cùng kém hiệu quả.
Vào tháng 4/2020, bang New Jersey đã phải lên kế hoạch thay đổi việc sử dụng COBOL vì sự kém hiệu quả của chúng khi dịch Covid-19 bùng phát. Trớ trêu thay, ngày nay chẳng còn mấy nhà lập trình nào sử dụng chúng để có thể đảm nhiệm việc chuyển đổi này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ chẳng còn mấy chuyên gia để sửa hệ thống khi có lỗi hay nâng cấp các chương trình lúc cần thiết.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, chính phủ nhiều bang đã giảm chi phí đầu tư cho hệ thống trợ cấp thất nghiệp nhằm tiết kiệm ngân sách hoàn trả các khoản vay từ liên bang. Số liệu thống kê năm 2017 của Liên đoàn lao động liên bang (NASWA) cho thấy đầu tư vào trợ cấp thất nghiệp năm đó đang ở mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Hệ quả là hiện nhiều bang đang vô cùng bối rối trước tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến. Ví dụ như New York, Cục lao động của nước này đã nhận thêm 16.000% số cuộc gọi trợ giúp vào cuối tháng 3/2020, trong khi lượt truy cập website của cục tăng tới 900%.
Trong khi đó tại Florida, bang này đã chi tới hơn 70 triệu để xây dựng website mới cho hệ thống trợ cấp thất nghiệp vào năm 2012 nhưng lại có đầy lỗi và khó truy cập. Hậu quả là khi dịch Covid-19 bùng phát và nhận được tiền cứu trợ từ liên bang nhưng Florida lại chỉ thanh toán cho 28% của 1,9 triệu đơn thất nghiệp kể từ tháng 3/2020.
Tồi tệ hơn, bang Florida đã ban hành quy định giới hạn thời gian người lao động có thể truy cập vào website trợ cấp thất nghiệp trong khi những người đã nhận được tiền phải vào lại trang này mỗi 2 tuần để cập nhật thông tin nếu muốn tiếp tục được nhận trợ cấp.
Năm 2019, Florida chỉ xét duyệt cho 11% số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Tỷ lệ này tại North Carolina chỉ là 9% trong khi tại các bang như Louisiana, Nebraska, Georgia chỉ vào khoảng 15%.
Rõ ràng, việc chi hàng nghìn tỷ USD trợ cấp người dân không phải là vấn đề tiên quyết. Cái chính là làm sao tiền đến được tay mọi người và sự trợ giúp có hiệu quả. Số lượng đôi khi chưa chắc đã tốt bằng chất lượng.
Link nguồn: https://cafebiz.vn/dich-covid-19-boc-lo-nhung-bi-mat-xau-xa-cua-thi-truong-lao-dong-my-20200514101434791.chn
Tòa Mỹ khôi phục vụ kiện cáo buộc Trump trục lợi
Tòa phúc thẩm liên bang cho rằng Trump không đủ điều kiện bác vụ kiện cáo buộc ông trục lợi từ hoạt động kinh doanh nhờ vị trí tổng thống.