Điểm chung của những người trưởng thành thực thụ: Trở nên im lặng hơn

Thế giới của người lớn, của những người phải va vấp ra ngoài xã hội với bao trách nhiệm trên vai, lựa chọn im lặng, không phải vì không còn trẻ, hay không chia sẻ, mà là họ rõ hơn ai hết, có những lời, không thể nói, không muốn nói và cũng không cần thiết phải nói ra.

08:34 28/01/2021

Bạn đã bao giờ có cảm nhận như này?

Càng lớn tuổi càng thấy mình im lặng hơn.

Bạn bè trong danh bạ ngày càng nhiều, nhưng người để chia sẻ những lời thật lòng lại ngày một ít đi.

Đôi khi, lời tới miệng rồi nhưng không muốn nói, lâu dần phát hiện ra, à thì ra cũng chẳng cần thiết phải nói ra.

Thế giới của người lớn, của những người phải va vấp ra ngoài xã hội với bao trách nhiệm trên vai, lựa chọn im lặng, không phải vì không còn trẻ, hay không chia sẻ, mà là họ rõ hơn ai hết, có những lời, không thể nói, không muốn nói và cũng không cần thiết phải nói ra.

01. Không thể nói

Có người nói: dấu hiệu của trưởng thành, chính là chỉ báo tin tốt chứ không báo tin xấu cho những người yêu thương mình.

Chúng ta khi còn trẻ, lời nào cũng có thể nói ra, hỉ nộ ai ố đều thể hiện hết ra trên mặt, nhưng sau khi lớn rồi, chúng ta ngày càng thấm thía cái gọi là "im lặng không nói".

Bất kể là khó khăn hay thất bại, chúng ta đều có thói quen đối mặt một mình.

Học cách che giấu đi những tủi thân, học cách giả vờ mình rất ổn.

Nhân vật Mạn Ni trong bộ phim truyền hình nước ngoài có tên "30 chưa phải là hết", chính là hình ảnh phản chiếu cuộc sống thực tế của rất nhiều người – cô xuất thân từ một vùng quê nhỏ lên thành phố lớn mưu sinh đã 8 năm.

Vì công việc bận rộn, cô được chẩn đoán bị viêm thận cấp, vì KPI, cô không dám xin nghỉ, dù có bệnh cũng vẫn kiên trì đi làm, cuối cùng không chịu được nữa, cô phải vào viện sau một lần bị ngất.

Cô gái yếu ớt một thân một mình nằm trong bệnh viện, khi mẹ gọi điện tới hỏi thăm, cô cố gắng giấu đi cái giọng nói yếu ớt, trả lời mẹ: "Con không sao cả, ốm vặt thôi."

Khi mẹ nói để mẹ lên thành phố chăm sóc, cô dứt khoát nói không để mẹ đỡ lo: "Con đã nói là bệnh vặt thôi mà, uống chút thuốc vào là không sao cả."

Chúng ta, có ai không phải là Mạn Ni trong phim?

Ở bên ngoài mưu sinh bao nhiêu năm, chịu không biết bao nhiêu khó khăn, tủi nhục, nuốt nước mắt vào kiên trì, cũng phải giả vờ vui vẻ mà nói với ba mẹ rằng: "Ba mẹ, con ở đây rất tốt."

Vất vả làm việc nuôi gia đình, liên tục tăng ca, mệt mỏi tới bơ phờ, thành tích vẫn không tốt, thu nhập vẫn chỉ đủ sống.

Về tới nhà, vẫn phải giả vờ nói với vợ con: "Công việc của anh rất tốt, không cần lo lắng."

Sự nhẫn nhịn của người trưởng thành, đều là những sự tủi thân không thể nói ra bằng lời.

Những giọt nước mắt đêm khuya, sự suy sụp ở văn phòng lúc sáng sớm, cảm giác cô đơn trong căn phòng, sự bất an khi một mình đi khám bệnh… tất cả đều biến thành một câu "tôi rất tốt", "tôi không sao" … bao nhiêu chua xót, tự mình nuốt hết vào bụng, vài hôm rồi sẽ lại không sao…

Dần dần, trong "có việc tự giấu, có lời không nói", chúng ta dần biến điểm yếu của mình thành chiếc áo giáp sắt.

Trở thành cái bộ dạng một người trưởng thành lý tưởng và chín chắn!

Điểm chung của những người trưởng thành thực thụ: Trở nên im lặng hơn  - Ảnh 1.

02. Không muốn nói

Tác giả của một cuốn sách nước ngoài có tên "Mềm dẻo" có viết trong cuốn sách của mình rằng:

"Cuộc sống của chúng ta, gặp được tình yêu, gặp được tình dục, không phải là khó, khó là gặp được sự cảm thông và thấu hiểu."

Rất nhiều khi, có những lời, không muốn nói ra, đó là bởi vì sự "thấu hiểu" tồn tại quá hiếm có.

Người bạn T. từng nói với tôi như này:

"Cơ thể mệt mỏi, nghỉ ngơi một lát là được, nhưng "tim mệt" mà không ai thấu hiểu lại rất khó có thể biến mất."

T. và người chồng hiện tại gặp nhau qua mai mối, giai đoạn mới yêu, họ ngọt ngào, nồng nhiệt, sau khi kết hôn, mâu thuẫn lại nảy sinh từ những thứ nhỏ nhặt, vụn vặt nhất.

T. sau khi sinh con đã nghỉ việc ở nhà để dạy dỗ con, thỉnh thoảng cô ca thán với chồng rằng mình mệt không muốn nấu cơm, thì nhận lại được câu nói của chồng rằng: "Chỉ có ở nhà trông con thôi có gì mà mệt."

Thỉnh thoảng xung đột với mẹ chồng trong cách dạy con, T. sẽ nói nhẹ nhàng với bà rằng làm như vậy với con là không tốt, nhưng lần nào mẹ chồng cũng ca đi ca lại bài hát khiến cô không biết nên đối đáp ra sao: "Ngày xưa con trai mẹ mẹ toàn nuôi thế này, nó vẫn lớn tốt đấy thôi, chẳng làm sao cả."

Ở trước mặt những người không hiểu mình, muôn vàn câu nói tâm sự cũng chẳng thể đổi lại được một câu thấu hiểu.

Sống với người không hiểu mình, nói thêm một câu cũng là lãng phí thời gian và nước bọt.

Thế gian này không tồn tại cái gọi là đồng cảm thực sự, hỉ nộ ái ố trên đời không hề cơ sự tương thông.

Vì vậy, càng ngày càng trở nên im lặng, càng ngày càng không muốn nói chuyện.

Tác giả nổi tiếng với các tiểu thuyết về đề tài thanh xuân vườn trường của Trung Quốc, Tân Di Ổ nói rằng:

"Trái tim của chúng ta, da thịt của chúng ta đều là ở trên người mình, chua cay ngọt bùi, mình nếm qua vị nào cũng chỉ có mình mới hiểu, đừng gửi gắm hi vọng của mình cho người khác, đừng yêu cầu người khác hiểu cảm giác của bạn, có lớn tiếng gọi tới đâu, cũng chỉ là phí công vô ích mà thôi."

Suy cho cùng thì dù có khó khăn, vất vả tới đâu, chúng ta cũng đều phải một mình vượt qua, không kì vọng vào ai, cũng đừng ỷ lại vào người nào khác.

Nếu bạn may mắn gặp được người "hiểu mình", vậy thì chúc bạn không cần phải trốn đằng sau cái vỏ bọc im lặng, chúc bạn có thể lớn tiếng nói ra tiếng lòng, dũng cảm phụ thuộc.

Còn nếu không có, hi vọng bạn, tự mình vẫn có thể tỏa sáng, tự đem lại sự ấm áp cho mình.

Điểm chung của những người trưởng thành thực thụ: Trở nên im lặng hơn  - Ảnh 2.

03. Không cần nói

Trên mạng có người nói như này:

"Cho dù nội tâm của bạn có đang rối bời, đang gào thét, nhưng với người khác, bạn chẳng qua cũng chỉ là im lặng hơn so với bình thường một chút, chẳng ai sẽ cảm thấy kì lạ, cuộc chiến này, sớm đã được định là đơn phương độc mã rồi."

Dạo rồi, tôi cùng một vài người bạn tụ tập ăn uống, lúc mới bắt đầu, ai nấy cũng đều cười nói vui vẻ, chia sẻ tình hình gần đây.

Và rồi, cái gì đến cũng phải đến, rượu vào rồi thì lời ra.

Thì ra một năm nay, mọi người ai cũng đều phải trải qua quá nhiều khó khăn.

Có người khởi nghiệp thất bại, có người thất nghiệp giảm lương, có người bị ép đi gặp mặt, có người thì áp lực nuôi con…

Độc thân, kết hôn hay đã có con, ai cũng có cái khó của mình.

Chỉ là nếu chưa đến lúc "sôi máu" thì sẽ chẳng có ai chịu nói ra bằng lời.

Trong đó, câu chuyện khiến tôi thương nhất là câu chuyện của M.

Mùa đông năm nay, nửa đêm nửa hôm, chủ nhà cho hai người đàn ông cao lớn đến bắt M. phải dọn đi luôn.

Giữa đêm mùa đông lạnh lẽo, một cô gái yếu ớt phải khăn gói mọi đồ đạc đi tìm nhà trọ khác.

Thảm hơn đấy là dù đã trả trước 1 năm tiền nhà, nhưng cũng vì chuyện này mà coi như mất trắng.

Cô ấy cười nói rằng đó là ngày lạnh lẽo nhất trong suốt 3 năm cô lăn lội ở thành phố.

Khi biết được chuyện này, mấy người chúng tôi đã tức giận chất vấn cô ấy: "Cậu gặp khó khăn lớn thế mà sao không nói gì với chúng tôi, dù là tiền hay chỗ ở, cũng phải liên lạc tìm bạn bè giúp đỡ chứ, chúng tôi có thể giúp cậu mà."

M. lắc lắc đầu nói: "Các cậu cũng đâu có ở đấy, giúp tôi kiểu gì? Nói với các cậu, tiền thuê của tôi có lấy lại được không? Hơn nữa, cái cậu giúp tôi được một lúc, có giúp tôi được cả đời không?"

Tất cả chúng tôi đều không rủ mà im lặng…

Tất cả những người ở đây, thực ra ai cũng khó khăn cả, và thần kì đó là, ai cũng có sức chịu đựng cực kì kiên cường.

Hoặc cũng có thể đó là một lẽ dĩ nhiên ở một người trường thành, có những việc, có những lời, không cần thiết phải nói ra.

Đường của mỗi người, phải tự mình đi, có mệt tới đâu, cũng chỉ có thể một mình kiên trì.

Nước mắt của mỗi người, phải tự mình lau khô, có vất vả tới đâu, cũng phải tự mình gánh lấy.

Thay vì khóc lóc ỉ ôi, chi bằng kiên cường lên một chút, thay than vãn kể khổ, chi bằng im lặng rồi tiếp tục nỗ lực.

Điểm chung của những người trưởng thành thực thụ: Trở nên im lặng hơn  - Ảnh 3.

04

Một họa sỹ từng nói thế này:

"Khi tôi rơi xuống giếng, trong khoảnh khắc tuyệt vọng nhất, tôi cúi đầu và nhìn thấy rất nhiều vì sao."

Cuộc sống luôn tặng chúng ta hết thử thách này tới thử thách khác, khiến chúng ta mệt mỏi, tuyệt vọng.

Nhưng nếu đổi tâm thái đi nhìn nhận vấn đề, bạn sẽ phát hiện ra, dù có ở trong tình cảnh tuyệt vọng tới đâu, xung quanh bạn vẫn luôn tồn tại những phong cảnh đẹp nhất.

Mỗi một người trưởng thành đều sẽ trải quan một quãng thời gian trầm mặc, quãng thời gian ấy, có thể là một mình độc bước, âm thầm nỗ lực, cũng có thể là có quý nhân phù trợ, người tốt ở bên.

Cá nhân tôi cho rằng, im lặng, là một dấu hiệu của trưởng thành, và dấu hiệu của chín chắn lại chính là làm sao để học cách im lặng.

Thời gian sẽ không phụ lòng mỗi một sự nỗ lực, sự im lặng của bạn ắt có năng lượng của nó. Sau quãng thời gian cô đơn, thế giới tươi đẹp sẽ ở trong tầm mắt.

Cuối cùng, mượn lời của một nhà văn, tôi muốn nói với các bạn rằng:

"Khó khăn tới, rồi cũng sẽ qua, nước mắt chảy, rồi cũng sẽ khô, không gì có thể khiến chúng ta nản lòng, bởi lẽ, chúng ta còn cả một cuộc đời dài đằng đẵng ở trước mắt."

Tags:
Cảm ngộ trước lúc lâm chung của nữ tiến sĩ 32 tuổi: Đời này chưa hoàn thành

Cảm ngộ trước lúc lâm chung của nữ tiến sĩ 32 tuổi: Đời này chưa hoàn thành

Chữ “bận” (忙) là sự kết hợp của chữ “tâm” (心) và chữ “vong” (亡), cứ mãi bận rộn rồi thì tâm cũng sẽ chết.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất