Điểm danh 5 công nghệ Mỹ cần bảo vệ nếu muốn giữ địa vị siêu cường

Giới chức tình báo Mỹ vừa đưa ra một cảnh báo đáng lưu ý. Đó là địa vị siêu cường toàn cầu của Mỹ phụ thuộc vào việc nước này duy trì thế dẫn đầu về 5 công nghệ chủ chốt, và các đối thủ của Mỹ đang cố gắng sao chép tất cả các công nghệ này...

11:00 26/10/2021

Theo hãng tin CNBC, một báo cáo mới đây của Trung tâm Phản gián và an ninh Quốc gia Mỹ (NCSC) bày tỏ lo ngại rằng việc nước ngoài “đánh cắp” công nghệ Mỹ không chỉ khiến nước này mất đi ngôi vị số 1 về kinh tế trong các lĩnh vực chủ chốt, mà thậm chí có thể gây tê liệt các lĩnh vực đó của Mỹ.

5 công nghệ mà báo cáo chỉ ra bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử, sinh học, bán dẫn, và hệ thống tự trị. Báo cáo nêu rõ những hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, nhất là của Trung Quốc, đã gây suy giảm năng lực cạnh tranh của Mỹ trong những ngành như sản xuất thép và tấm pin mặt trời. Báo cáo cũng xem việc Trung Quốc khiến ngành công nghiệp sản xuất toa xe lửa của Australia bị “xoá sổ” như một ví dụ để cảnh báo.

“Chúng tôi không muốn những sự việc như thế xảy ra ở đây”, ông Michael Orlando, quyền Giám đốc NCSC phát biểu. Khi được hỏi về tác động khi nước Mỹ mất vị trí siêu cường, ông Orlando trả lời: “Sẽ rất nghiêm trọng. Mỹ đã phải tập trung vào những lĩnh vực này vì không được phép để mất những lĩnh vực đó”.

Báo cáo nói rằng: “Đây là những lĩnh vực tạo ra công nghệ có thể quyết định Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường số 1 thế giới hay bị đối thủ chiến lược vượt lên trong mấy năm tới”. Theo báo cáo, trong mỗi lĩnh vực, các nước đối thủ của Mỹ đều sử dụng kết hợp các biện pháp hợp pháp và bất hợp pháp – từ thu hút nhân tài cho tới các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cho tới tấn công mạng (hack) và gián điệp kiểu cũ – nhằm “đánh cắp” và sao chép công nghệ Mỹ.

Giới tình báo Mỹ nói rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân của Mỹ không hề hay biết rằng những lời mời hợp tác từ các thực thể Trung Quốc và Nga - từ thành lập liên doanh và đối tác cho tới M&A - là một phần trong chiến lược quốc gia của chính phủ các nước đó nhằm thâu tóm công nghệ của Mỹ và đánh bật các công ty Mỹ hiện đang sản xuất ra những công nghệ đó. Giới tình báo Mỹ lo rằng doanh nghiệp Mỹ sẽ không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà sẽ hoàn toàn bị “xoá sổ” khỏi các lĩnh vực công nghệ then chốt của thế kỷ 21.

“Đây không chỉ là mất tài sản trí tuệ, mà còn là mất hẳn một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh”, ông Edward You, quan chức phản gián quốc gia về các công nghệ mới thuộc NCSC, nhấn mạnh. “Vì sự thiển cận, sẽ đến lúc chúng ta phải thức tỉnh và phát hiện thấy mình đã bị Trung Quốc vượt qua”.

Mục đích của NCSC khi thực hiện báo cáo này là giải thích cho các công ty và trường đại học của Mỹ rằng họ đang là đối tượng của những nỗ lực tinh vi của các chính phủ nước ngoài nhằm thâu tóm những công nghệ giá trị, mà một số giao dịch chỉ đơn giản là thoả thuận kinh doanh nhưng lại đặt ra mối nguy lớn đối với nước Mỹ.

“Mọi người không hiểu được bức tranh lớn và những phương thức vừa hợp pháp vừa bất hợp pháp được kết hợp với nhau”, ông Orlando nói. Bất kỳ thoả thuận cụ thể nào cũng có thể hấp dẫn ở góc độ cá nhân, nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cần nhận thức được rằng những đề xuất đó không hề vô tư. “Bởi vì đó là một phần trong một kế hoạch lớn hơn”, ông Orlando cảnh báo.

Tuy nhiên, báo cáo không đề xuất “phân ly” kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc hay dừng nhận học sinh và lao động từ Trung Quốc và Nga, vì cho rằng sự cộng tác có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Một vấn đề mà báo cáo đặc biệt lo ngại là Mỹ có thể mất khả năng tự phát triển một chuỗi cung ứng của riêng mình về các sản phẩm sinh học và y tế - một yếu điểm trở nên quá rõ ràng trong đại dịch Covid-19 và có thể trầm trọng thêm nếu xảy ra một đại dịch tiếp theo.

“Chúng ta đã bị phụ thuộc vào nước ngoài. Họ có thể phát triển các biện pháp ứng phó trước các quốc gia khác. Phòng thủ hiệu quả tương đương với tấn công. Họ có thể găm giữ nguồn cung như họ đã làm với khẩu trang. Họ có tất cả những lợi thế chiến lược”, ông You nói.

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI)

Báo cáo phát hiện thấy rằng Trung Quốc “sở hữu sức mạnh, nhân tài và tham vọng để có thể vượt qua Mỹ với tư cách nước dẫn đầu thế giới về AI trong thập kỷ tới nếu các xu hướng hiện tại không thay đổi”. Báo cáo nhắc đến việc Mỹ năm ngoái buộc tội hai hacker Trung Quốc làm việc cho Bộ An ninh Nhà nước của nước này tham gia vào một chiến dịch tấn công mạng kéo dài 10 năm nhằm vào một loạt mục tiêu phương Tây, bao gồm một công ty AI đặt ở Anh.

Bản báo cáo cũng bày tỏ lo ngại về Nga, nhắc đến việc vào năm 2019 Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tuyên bố gia hạn quan hệ đối tác với Học viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo và Quỹ Skolkovo của Nga. MIT nói rằng mối quan hệ đối tác này sẽ tập trung vào “tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học của hai học viện”.

Báo cáo đề cập đến việc Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Viktor Vekselberg, người đứng đầu Quỹ Skolkovo, vào năm 2018. (Học viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo đã rút ông Vekselberg khỏi danh sách Hội đồng Uỷ thác sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố”.

ĐIỆN TOÁN LƯỢNG TỬ

Trong báo cáo, cộng đồng tình báo Mỹ cho biết đã phát hiện thấy rằng máy tính lượng tử - loại máy tính có thể sử dụng các tính chất đặc biệt của atom và photon để xử lý những vấn đề nhất định nhanh hơn nhiều so với máy tính bình thường – sẽ đặt ra những thách thức về an ninh quốc gia và kinh tế đối với Mỹ.

“Một máy tính lượng tử lớn có thể giải mã hầu hết các giao thức an ninh mạng được sử dụng phổ biến, từ đó đặt ra nguy cơ đối với hạ tầng đang bảo vệ liên lạc về kinh tế và an ninh quốc gia hiện nay”, báo cáo cảnh báo.

Giới tình báo Mỹ nói rằng trong cuộc đua phát triển máy tính lượng tử, người thắng sẽ có một lợi thế chiến lược cực lớn. Báo cáo nhấn mạnh rằng các nước đối thủ đang thu hút chuyên gia của Mỹ để thúc đẩy chương trình lượng tử của mỗi nước.

“Ai có được một máy tính lượng tử đều có thể phá tất cả các hệ thống mã hoá mà chúng ta có hiện nay”, ông Orlando nói. “Và radar lượng tử có thể phát hiện ra máy bay tàng hình và tàu ngầm của chúng ta”.

CÔNG NGHỆ SINH HỌC

Bản báo cáo đề cập nhiều đến công ty công nghệ sinh học Trung Quốc có tên WuXi Biologics. Công ty này đã thâu tóm một nàh máy sản xuất của hãng Bayer tại Đức, nhà máy sản xuất của hãng Pfizer ở Trung Quốc, và công ty CMAB Biopharma Group ở Trung Quốc. Ngoài ra, WuXi còn đang xây nhà máy sản xuất ở Delaware và Massachusetts ở Mỹ và ở Ireland.

Do năng lực sản xuất “khủng” của WuXi, các công ty Mỹ sản xuất vaccine và các sản phẩm công nghệ sinh học khác có thể sẽ đến lúc phải mặc định sử dụng nhà máy do công ty Trung Quốc này nắm quyền kiểm soát. “Lúc đó, họ sẽ chẳng cần phải đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta nữa”, ông You lo ngại. “Vì nếu muốn sản xuất quy mô lớn, chúng ta phải phụ thuộc vào họ, và phải cung cấp cho họ tài sản trí tuệ của chúng ta”.

CÔNG NGHỆ BÁN DẪN

Bản chất mong manh của chuỗi cung ứng bán dẫn là điều mà hầu hết mọi người đều biết, nhưng báo cáo còn phát hiện thấy rằng nước Mỹ phụ thuộc nặng nề vào một một công ty ở Đài Loan trong lĩnh vực này. Báo cáo cũng nhận thấy các nước đối thủ có thể truy cập vào chuỗi cung ứng và gắn con chip gián điệp vào các hệ thống thương mại và phòng thủ của Mỹ.

Giới chức tình báo nhấn mạnh làn sóng thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực này, bao gồm việc công ty đầu tư cổ phần tư nhân Trung Quốc có tên Wise Road Capital March mua lại công ty MagnaChip có trụ sở ở Hàn Quốc với giá 1,4 tỷ USD.

HỆ THỐNG TỰ TRỊ

Báo cáo của NCSC kết luận rằng hệ thống tự trị cũng là một lĩnh vực đặt ra nguy cơ tiềm tàng đối với an ninh quốc gia Mỹ, vì những hệ thống này mở rộng loại mục tiêu mà hacker nước ngoài có thể nhằm vào trong tương lai và do những hệ thống này hội tụ một lượng khổng lồ dữ liệu về người lái xe ở Mỹ.

Báo cáo dẫn nội dung một bản báo cáo khác ra hồi tháng 9 nói rằng Trung Quốc đã mua lại một công ty thiết bị bay không người lái (drone) quân sự ở Italy nhằm mục đích thu thập công nghệ tự trị. Báo cáo cũng đề cập đến vụ bắt giữ một cựu nhân viên Apple hồi năm 2019 – người bị buộc tội đánh cắp bí quyết về xe tự lái từ Apple nhằm mục đích bán lại cho một đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.

Tags:
Cựu thí sinh Đường Lên Đỉnh Olympia 'vỡ mộng' khi du học đất khách, 12 năm chưa về quê ăn Tết

Cựu thí sinh Đường Lên Đỉnh Olympia "vỡ mộng" khi du học đất khách, 12 năm chưa về quê ăn Tết

Cựu thí sinh Đường Lên Đỉnh Olympia Nguyễn Hải Anh Tuấn trải lòng về hành trình du học khắc nghiệt tại Nhật Bản, đi lên từ con số 0 đến thành tựu bao người mơ ước.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất