Điểm sáng từ khao khát 'nhận công vaccine' của Trump
Việc Trump luôn muốn ghi điểm trong nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 có thể giúp ích cho cuộc chiến của Mỹ.
23:30 03/12/2020
Tổng thống Donald Trump luôn cho rằng mình là người có công lao hàng đầu trong những bước đột phá mới đây về vaccine Covid-19 mà các tập đoàn dược phẩm Mỹ đang phát triển. "Tôi đã nghĩ ra loại vaccine mà nhiều người không tin rằng chúng ta sẽ có trong vòng 5 năm", ông nói với Fox News hôm 29/11.
Khi công ty dược phẩm Pfizer thông báo những kết quả đầy hứa hẹn về hiệu quả của loại vaccine Covid-19 mà họ hợp tác cùng BioNTech phát triển và thử nghiệm, Trump khẳng định trong một cuộc họp báo rằng thành công đó là "kết quả từ Chiến dịch Thần tốc" do chính quyền ông khởi xướng.
Tuy nhiên, tuyên bố này của Trump không thực sự chính xác, bởi Pfizer chưa từng nhận tiền đầu tư từ Chiến dịch Thần tốc để nghiên cứu và phát triển vaccine, công ty này cũng khẳng định họ không phải là một phần trong chiến dịch. Đối tác của họ, tập đoàn BioNTech, trong khi đó nhận một phần tiền tài trợ từ chính phủ Đức.
Trên thực tế, chính phủ Mỹ chỉ đồng ý ký hợp đồng mua 100 triệu liều vaccine của Pfizer nếu nó được phê chuẩn. Chính quyền Trump mới chỉ đầu tư tiền từ Chiến dịch Thần tốc cho vaccine của Moderna, một ứng viên tiềm năng khác trong cuộc đua phát triển vaccine ngăn Covid-19.
"Ngay cả trong trường hợp của Moderna, rõ ràng Trump không phải là người thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển của công nghệ này", Brian Resnick, biên tập viên của Vox, nhận định.
Tuy nhiên, Resnick cho rằng việc Trump muốn "nhận công" cũng mang lại "điểm sáng" tích cực, bởi điều đó sẽ phát đi tín hiệu tốt, giúp thuyết phục hàng triệu người ủng hộ ông tin tưởng và sử dụng vaccine sau khi nó được phát triển thành công. "Điều này cuối cùng có thể giúp cứu sống nhiều người", Resnick viết.
Thực tế là rất nhiều người Mỹ, trong đó phần đông là các thành viên Cộng hòa ủng hộ Trump, vẫn do dự về việc tiêm vaccine Covid-19.
Khảo sát của Gallup công bố tháng 11 cho biết 58% người Mỹ được hỏi nói rằng họ sẽ tiêm vaccine khi nó được phê chuẩn. Con số này cao hơn một chút so với mức 50% trong khảo sát hồi tháng 9.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các cuộc khảo sát của Gallup vẫn chưa đánh giá đúng mức độ mất lòng tin của người Mỹ với vaccine. "Khi xem xét tỷ lệ tiêm chủng cúm mùa, chúng ta nhận thấy các cuộc khảo sát luôn ước tính quá cao số người tiêm", Matt Motta, nhà khoa học chính trị tại Đại học bang Oklahoma, nói.
Theo khảo sát của Gallup, chỉ 49% người Cộng hòa nói họ sẽ tiêm vaccine, trong khi đó người Dân chủ là khoảng 69%. Do đó, việc Trump tiếp tục theo đuổi cuộc đua vaccine và muốn ghi công cho quá trình phát triển vaccine Covid-19 có thể truyền cảm hứng cho nhiều người ủng hộ ông sử dụng vaccine.
"Để đánh bại virus, chúng ta sẽ cần hơn 50% người dân đồng ý tiêm chủng trên khắp và con số này cần có sự tham gia của những người thuộc tất cả các đảng phái chính trị", Resnick cho biết.
Biên tập viên này khẳng định khả năng làm thay đổi suy nghĩ mọi người của là có thật. Ông chủ có thể là tác nhân dẫn đến sự do dự của người dân Mỹ trong việc sử dụng vaccine, khi liên tục công kích các nhà khoa học hay cáo buộc quan chức của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) "chơi trò chính trị" với việc phê duyệt vaccine.
Nhưng Trump cũng sở hữu sức mạnh đáng kinh ngạc khi có thể thay đổi ý kiến của người ủng hộ chỉ sau một đêm, theo Resnick.
"Đồng nghiệp Dylan Matthews của tôi từng ghi nhận những thay đổi đột ngột về quan điểm trong các chủ đề như Nga, Vladimir Putin, thương mại tự do hay ủng hộ vai trò giám sát của truyền thông. Hoặc xem cách Trump làm dấy lên làn sóng thù địch của đảng Cộng hòa đối với NFL (Giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ), sau khi kêu gọi liên đoàn phạt những cầu thủ quỳ gối biểu tình khi cử hành quốc ca", Resnick dẫn chứng.
Hồi tháng 1/2017, Michael Barber và Jeremy Pope, hai nhà khoa học chính trị đã thực hiện một cuộc nghiên cứu để xem liệu người ủng hộ Trump có tư tưởng riêng hay sẽ nghe theo ông trong mọi vấn đề. Ngay sau lễ nhậm chức của Trump, họ đã thực hiện nghiên cứu trực tuyến với 1.300 người Cộng hòa.
Nghiên cứu khá đơn giản. Người tham gia được hỏi liệu họ ủng hộ hay phản đối các chính sách như tăng thu nhập cơ bản, thỏa thuận hạt nhân với Iran, hạn chế phá thai, kiểm tra hồ sơ người sở hữu súng... Đây là những vấn đề mà phe bảo thủ và tự do có sự chia rẽ rõ ràng.
Kết quả là các thành viên đảng Cộng hòa có xu hướng ủng hộ các chính sách tự do cao hơn 15 điểm phần trăm nếu được thông báo rằng Trump ủng hộ nó. "Kết luận mà chúng ta có thể rút ra là nhìn chung những người Cộng hòa sẽ không ngăn cản Trump làm những điều mà ông ấy muốn", Pope nói.
"Trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, động thái tốt nhất của Trump là việc ông nhận công cho bất kỳ thành quả vaccine nào. Điều đó sẽ khiến các cử tri Cộng hòa tin tưởng hơn vào loại vaccine đó", nhà khoa học Barber nói.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng việc Trump muốn nhận công với vaccine sẽ là "con dao hai lưỡi", bởi nhiều khả năng cử tri Dân chủ sẽ không đặt niềm tin vào loại vaccine mà ông ủng hộ.
"Việc bạn lo lắng về nguy cơ suy giảm niềm tin trong số cử tri Dân chủ là đúng, nhưng tôi nghĩ rằng nó có thể được giảm nhẹ nếu các nhà khoa học như tiến sĩ Anthony Fauci hay những người khác ở FDA và CDC cũng ủng hộ loại vaccine này", Barber nói.
Song Resnick cho rằng không nên đặt trọn hy vọng xóa bỏ sự lưỡng lự về vaccine của người Mỹ vào khả năng thuyết phục của Trump. "Tất cả người nắm quyền, có ảnh hưởng tới dư luận, nên khuyến khích những người ủng hộ tiêm vaccine nếu nó được cộng đồng khoa học chứng minh là an toàn và hiệu quả", Resnick cho hay và thêm rằng các thông điệp về vaccine được đưa ra phải rõ ràng, nhất quán.
Thanh Tâm (Theo Vox)
6 hành vi rút ngắn tuổi thọ đàn ông: Hút thuốc lá chỉ xếp thứ 4, thói quen số 1 rất phổ biến
Nghiên cứu của Đại học bang Missouri (Missouri State University) đã chỉ ra rằng, thói quen này là nguyên nhân của những cơn đau đầu dữ dội, suy giảm trí nhớ, suy nhược tâm lý, trầm cảm kinh niên… và trực tiếp rút ngắn tuổi thọ.