Diễn biến mới vụ chip gián điệp siêu nhỏ Trung Quốc nghi tấn công doanh nghiệp Mỹ
Supermicro, nhà cung cấp thiết bị điện tử cho các công ty hàng đầu Mỹ, ra một thông báo với các khách hàng rằng họ sẽ rà soát lại các bo mạch chủ do họ sản xuất, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin về nghi vấn chip gián điệp của Trung Quốc gắn trên các thiết bị này.
08:30 24/10/2018
Công ty sản xuất phần cứng Supermicro, trụ sở tại San Jose, California, Mỹ ngày 22/10 cho biết họ sẽ kiểm tra lại các hệ thống bo mạch máy chủ do họ sản xuất và lắp ráp ở Trung Quốc để nghiên cứu về nghi vấn các thiết bị này bị cài chip gián điệp. Supermicro là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về bo mạch chủ máy chủ, các cụm chip gắn kết và các tụ điện hoạt động giống đầu não của các trung tâm dữ liệu.
“Mặc dù thiếu bằng chứng về cái gọi là phần cứng gián điệp, chúng tôi vẫn sẽ rà soát cẩn thận, kỹ càng các sản phẩm dựa trên nghi vấn có trong bài báo của Bloomberg”, thông báo của Supermicro cho biết. Trước đó, hãng tin Bloomberg ngày 4/10 dẫn 17 nguồn tin ẩn danh từ các cơ quan tình báo và doanh nghiệp cho biết các gián điệp Trung Quốc đã tận dụng những sơ hở trong chuỗi cung ứng công nghệ Mỹ để xâm nhập các mạng lưới máy tính của gần 30 công ty Mỹ, trong đó có Amazon, Apple, một ngân hàng lớn và các nhà thầu chính phủ.
Ảnh minh họa
Theo đó, các nhân viên điều tra phát hiện ra rằng những con chip siêu nhỏ, không to hơn hạt cát là mấy được các nhà thầu phụ của Supermicro ở Trung Quốc cài vào trong quá trình lắp ráp các thiết bị. Nguồn tin cho rằng các con chip đã cho phép tin tặc xâm nhập bí mật vào bất kỳ mạng lưới máy tính nào và thu thập các thông tin bí mật từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ.
Supermicro đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc trong bài báo. Công ty công nghệ này cho biết sự phức tạp trong thiết kế của các thiết bị do họ sản xuất và cung ứng khiến việc lắp chip bên ngoài vào bo mạch chủ mà không bị phát hiện gần như là không thể.
Bài báo của Bloomberg cũng nói rằng Apple đã phát hiện các con chip gián điệp vào năm 2015 trên bo mạch chủ của Supermicro và Amazon cũng có những phát hiện tương tự. Cả hai công ty công nghệ này đều bác bỏ cáo buộc.
Trong bài trả lời phỏng vấn BuzzFeed tuần trước, ông Tim Cook, giám đốc điều hành Apple nói rằng cáo buộc của Bloomberg là sai và họ nên gỡ bài báo. Ngày 22/10, phía Amazon cũng yêu cầu hãng tin Mỹ rút lại tin tức nói trên. Giám đốc điều hành Supermicro Charles Liang trong cùng ngày cho rằng Bloomberg đã đưa tin chưa đúng.
Bloomberg tuyên bố họ tự tin vào những nội dung mà họ truyền tải tới độc giả, dựa trên cuộc điều tra kéo dài hơn 1 năm.
Ngày 10/10, chuyên gia Yossi Appleboum từ công ty an ninh mạng Sepio Systems của Mỹ cho biết, công ty của ông đã phát hiện một thiết bị phần cứng kỳ lạ được gài trong mạng lưới máy tính của một công ty viễn thông lớn của Mỹ hồi tháng 8. Chuyên gia này cho biết ông từng tìm thấy nhiều thiết bị phần cứng có gắn các chip gián điệp ở bên trong từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, không chỉ từ Supermicro. Tuy nhiên, điểm chung của các công ty này là họ đều thuê các nhà sản xuất từ Trung Quốc.
Theo Dân trí
Người chồng phát hiện con gái là kết quả ngoại tình của vợ 15 năm trước
Sau vài tuần biết mình không phải bố ruột của con gái, người đàn ông Mỹ ly dị vợ nhưng vẫn dành tình yêu cho "đứa con tu hú".