8 điều cần biết khi làm nghề nails ở Mỹ
Nghề nails mang đến cơ hội sớm ổn định cuộc sống và đời sống mau sung túc cho nhiều di dân trong đó có rất nhiều người Việt chúng ta
16:17 03/07/2023
Tuy vậy, khi mới bước chân vào nghề không ít bạn đã thắc mắc và tự hỏi “vào nghề cần biết những gì”. Những kinh nghiệm dưới đây chỉ là một vài trong số hàng ngàn kinh nghiệm của những thợ nails, chủ tiệm đi trước đã để lại…
1. Khi giao tiếp với khách nên tránh sa đà vào những tranh luận về tôn giáo & chính trị.
Chị Ngọc.T.T, từng là thợ nail vùng Ontario Mill Mall tâm sự : “Mình từng là giáo viên Anh văn ở Việt Nam. Sang Mỹ, làm nghề nail, mình rất thích nói chuyện với khách. Có lần mình vô ý sa đà vào vòng tranh luận với khách về tôn giáo. Mình nói về cái hay của đạo Thiên Chúa trong khi khách lại theo đạo Tin Lành và rồi (cười) … người khách giận dỗi bỏ đi khỏi tiệm … chỉ vì khía cạnh không nên nói đến - “tính cao trọng” của một tôn giáo nào đó!”
- Vậy theo chị nên làm thế nào? – chúng tôi hỏi.
- Không nên tranh luận với khách về tôn giáo hay chính trị ! (You should not discuss with the patron about religion or politics!)
2. Khi nói chuyện với khách nên gọi họ bằng chính tên thật của họ.
Người Việt mình có nhiều cách gọi một người khác, khi thì gọi bằng tên thật như cô Lan, cô Ngọc … nhưng cũng có lúc gọi người khác một cách hình tượng như “cái cô tóc vàng ấy”, “cái bà mắt to ấy” & cũng có khi gọi bằng tên riêng ít người biết đến như “cái tủn”, “ lọ lem” … Những điều này không nên áp dụng khi giao tiếp với khách Mỹ. Khi hành nghề, chỉ nên gọi khách bằng chính tên thật của họ để tránh những hiểu lầm đáng tiếc xảy ra.
3. Nên ăn mặc gọn gàng và sạch sẽ.
Có nhiều thắc mắc không ít ở thợ nails mới vào nghề rằng quần áo trang phục của thợ nail phải thế nào? Dùng vải trắng hay màu? Mặc đồng phục hay không? Đồng phục có phải là điều bắt buộc? Câu trả lời đúng nhất được ghi nhận là chỉ cần ăn mặc gọn gàng và sạch sẽ (neat and clean ) là được. Việc bận đồng phục thường là do qui định của từng hệ thống cửa hàng nails nào đó, ngành thẩm mỹ không bắt buộc điều này.
4. Nên biết ai là những người có trách nhiệm lo cho vấn đề vệ sinh tiệm & dụng cụ hành nghề. Những người có trách nhiệm thực hiện luật lệ về vệ sinh trong tiệm thẩm mỹ bao gồm người quản lý điều hành tiệm (the operator in charge of the establishment), người đứng tên môn bài (the holders of the establishment license) & các thẩm mỹ viên (the cosmeticians). Như vậy cần phải hiểu rằng tất cả những người làm việc trong tiệm nails đều có trách nhiệm thực thi luật lệ về vệ sinh và bảo vệ môi trường.
5. Bằng hành nghề phải được để cho thấy tại nơi làm việc.
Đây là điều bắt buộc. Việc cho rằng bằng hành nghề (license) chỉ đưa ra khi nào làm cho khách hay treo ở chỗ chỉ có các thợ nails khác có thể thấy là điều không đúng. Và dĩ nhiên làm nails không license là không được chấp nhận, bạn sẽ gánh hậu quả nặng nề nếu cố tình vi phạm.
6. Hơn 90% thất bại của tiệm nails là do quản lý yếu kém và thiếu kinh nghiệm.
Tiệm nails mở ra nhiều, người làm nails cũng ngày một nhiều hơn …nhưng không phải cứ mở tiệm nails là “ hốt bạc”, cứ làm nails là sẽ khấm khá. Cũng có tiệm phải đóng cửa, có thợ phải bỏ nghề. Ở góc độ mở tiệm, có nhiều lý do dẫn đến sự thất bại khi mở tiệm, trong đó hơn 90% là từ sự quản lý yếu kém và thiếu kinh nghiệm. Đa phần chủ tiệm nails đi lên từ người thợ nails lâu năm, có lẽ đó là kinh nghiệm rất thực tế. Nhưng không hẳn đó là con đường duy nhất, việc tham gia thành lập hay sinh hoạt trong Hiệp Hội Nghề Nails cũng là cơ hội trao đổi tìm hiểu căn kẽ về nghề thẩm mỹ này.
7. Tai nạn dễ xảy ra nhất trong tiệm nails chính là phỏng (burns) và trầy da (skin abrasions).
Thợ nails phải nắm vững tay nghề, hiểu biết về luật lệ vệ sinh và bảo vệ môi trường, những điều nên làm và không nên làm. Ngoài ra cũng cần, biết rõ về điều trên “ tai nạn dễ xảy ra trong tiệm nails” để luôn cẩn thận và kỹ lưỡng trong công việc.
8. Lôi cuốn khách bằng tay nghề vững vàng & sự ân cần, vui vẻ, niềm nở với khách.
Thợ nails khi đến tiệm làm việc cần gạt bỏ mọi vướng bận bực dọc để luôn vui vẻ niềm nở với khách; luôn thao tác công việc chính xác, an toàn, vệ sinh và làm vừa lòng khách về nhiều mặt. Có vậy thợ nails mới luôn có “hấp lực” với khách. Điều này dễ nhận biết được qua lượng “khách hẹn” ở từng người thợ.
Khi bạn là Việt kiều về nước - câu chuyện mở ra nhiều khía cạnh bẽ bàng của những người Việt xa xứ về thăm quê hương
"Hẹn bạn bè cũ đi ăn, ăn xong cả đám hùn tiền trả luôn phần của bạn, vì lâu lâu bạn mới về, mời bạn một bữa có sao, chứ không phải cứ hễ Việt kiều thì phải mời Việt Nam. Bạn tặng quà, mỗi đứa một cái chai nước rửa tay nhỏ, ít tiền nhưng mà quý, ai cũng thích và hài lòng".