Điều gì tiếp theo sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Trump - Kim?
Mỹ và Triều Tiên sẽ nỗ lực để hiện thực hóa tuyên bố chung, nhưng không có gì đảm bảo các cam kết sẽ được tuân thủ.
00:00 14/06/2018
Kim Jong-un (trái) và Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua ký một thỏa thuận 4 điểm tại cuộc gặp lịch sử ở Singapore nhằm "xây dựng nền hòa bình lâu dài, bền vững trên bán đảo Triều Tiên".
Tuyên bố chung này được coi là một dấu hiệu tích cực cho tương lai khu vực Đông Bắc Á, nhưng những điều khoản mơ hồ trong đó khiến việc biến nó thành hiện thực phụ thuộc rất lớn vào thiện chí và mong muốn chủ quan của hai bên trong các bước đi tiếp theo, theo Vox.
Khi Trump và Kim về nước sau những cú bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh, hai lãnh đạo sẽ phải đối mặt với những câu hỏi và thách thức nổi lên từ việc biến các câu từ trong tuyên bố chung Singapore thành hành động thực tế để "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".
Thừa nhận hội nghị thượng đỉnh là khởi đầu tốt đẹp cho triển vọng khu vực sau nhiều năm đối đầu và căng thẳng, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke cho rằng đã đến lúc Washington và Bình Nhưỡng "đắp da đắp thịt" cho bộ khung đã thống nhất trong các cuộc đàm phán.
"Sau ánh hào quang của cuộc gặp lịch sử, chúng ta phải hướng tới tiến trình lâu dài", ông nói. "Hai bên phải đi tới bước tiếp theo, nhưng đi ra sao và vào lúc nào thì lại chẳng ai biết cả".
Rodger Baker, phó chủ tịch mảng phân tích chiến lược tại tổ chức phân tích tình báo toàn cầu Stratfor, cho rằng trong các cuộc thảo luận tiếp theo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức cấp cao Triều Tiên sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn để đàm phán. "Kim rõ ràng là đã bật đèn xanh cho các quan chức tham gia đàm phán kỹ thuật với Mỹ mà không cần phải báo cáo mọi thứ với ông", Baker nhận định.
Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng trong tương lai gần có thể thực hiện một số hành động để thể hiện thiện chí với Washington, như cho phép các đội quy tập Mỹ đến Triều Tiên để tìm kiếm hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh, điều được quy định trong bản tuyên bố chung. "Đây chính là điều có thể được tiến hành rất nhanh", theo Baker.
Nhưng vấn đề phi hạt nhân hóa lại là quá trình phức tạp hơn rất nhiều và có thể sẽ kéo dài tới hơn 10 năm, trong khi tuyên bố chung Singapore chỉ nói rằng hai bên tái cam kết hướng tới mục tiêu này mà không đề ra khung thời gian và các nguyên tắc, quy định cụ thể.
Baker cho rằng Triều Tiên có thể có một số động thái trước mắt như cho phép các chuyên gia Mỹ và quốc tế tới thanh sát các hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân của họ. "Triều Tiên sẽ phải công bố số đầu đạn hạt nhân đang sở hữu", Baker nói. "Tình báo Mỹ sẽ phải xác minh xem đó có đúng là số đầu đạn mà họ nghi ngờ Triều Tiên đang nắm giữ hay không".
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí và quyết định đơn phương của lãnh đạo Kim Jong-un, bởi Mỹ không có gì để đảm bảo về cam kết của Triều Tiên ngoài niềm tin của Trump rằng "Kim thực sự mong muốn phi hạt nhân hóa".
Lo ngại đổ vỡ
Theo Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), tuyên bố chung Singapore về bản chất còn yếu hơn cả thỏa thuận mà Mỹ và Triều Tiên từng đạt được vào năm 1993. Việc Trump và Kim chỉ cam kết "hướng tới" mục tiêu phi hạt nhân hóa có ý nghĩa thực tế rất mơ hồ.
"Lời văn của tuyên bố chung này mơ hồ đến mức gần như không có gì để thực thi cả. Triều Tiên về thực tế không đồng ý từ bỏ hay ngừng bất cứ điều gì. Về nghĩa đen, họ chẳng cam kết gì cả, nên Mỹ cũng không có gì để kiểm chứng", Narang nói.
Về phần mình, Trump bày tỏ sự tự tin rằng Ngoại trưởng Pompeo sẽ xử lý được giai đoạn đàm phán tiếp theo và cho biết Kim Jong-un đã chấp nhận lời mời tới thăm "vào thời điểm thích hợp".
Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra lo ngại về những điều mà Trump có thể làm nếu Triều Tiên có những hành động khiến thỏa thuận ban đầu giữa hai nước sụp đổ. "Có những quan chức như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton luôn công khai ủng hộ việc tấn công phủ đầu cơ sở hạt nhân của Triều Tiên", WJLA dẫn lời James McKeon, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ Khí, nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: AFP. |
Narang cho rằng về ngắn hạn, tuyên bố chung Singapore đã ngăn chặn được nguy cơ chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, nhưng hiểm họa xung đột có thể tăng lên nhanh chóng nếu thỏa thuận đổ vỡ.
Trump hôm qua nhiều lần tuyên bố rằng Kim Jong-un sẽ thực thi các cam kết của mình, nhưng thượng nghị sĩ Chuck Grassley cho rằng Tổng thống không có gì để đảm bảo cho niềm tin đó. "Tổng thống hy vọng ông ấy không đặt niềm tin nhầm chỗ, tôi cũng mong như vậy, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được", Grassley tuyên bố.
Nguồn: VnExpress.net
Trump - Kim ký thỏa thuận phi hạt nhân sau khi cùng ăn trưa, đi dạo
Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên trong cuộc gặp với Trump, giống thỏa thuận đạt được với Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 4.