Điều gì xảy ra nếu bầu cử Mỹ năm 2020 bị trì hoãn vì Covid-19?

Bất kể ngày bầu cử Tổng thống Mỹ thay đổi như thế nào thì nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump vẫn sẽ kết thúc vào ngày 20/1/2021.

07:00 14/05/2020

Đến nay, không chỉ nền kinh tế Mỹ "điêu đứng" vì đại dịch Covid-19 mà các bang cũng đang đau đầu với câu hỏi khi nào cuộc sống sẽ quay lại bình thường. Theo các chuyên gia y tế, dịch Covid-19 sẽ không hoàn toàn biến mất và có thể sẽ tái bùng phát vào mùa thu hoặc mùa đông tới.

dieu gi xay ra neu bau cu my nam 2020 bi tri hoan vi covid-19? hinh 1

Ảnh minh họa: Reuters

Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí trì hoãn cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại 15 bang, ít nhất là cho đến tháng 6. Sự trì hoãn này đang làm dấy lên những suy đoán rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới có lẽ cũng sẽ bị trì hoãn. Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều cuộc mít tinh vận động tranh cử bị hủy bỏ.

Điều chắc chắn duy nhất là cả Tổng thống Trump và ứng viên tranh cử Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đều không thích sự trì hoãn này. Hơn nữa, bên cạnh cuộc bầu cử Tổng thống, ngày bỏ phiếu 3/11 cũng sẽ bầu ra tất cả 435 nghị sĩ trong Hạ viện, cùng với 33 trong số 100 ghế Thượng viện.

Nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến như tình hình hiện nay, nhiều khả năng cuộc tranh luận về việc có nên hoãn bầu cử Mỹ hay không sẽ ngày càng nóng lên.

Một đạo luật được thông qua năm 1845 nêu rõ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ phải được tổ chức 4 năm 1 lần và sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11. Năm nay, ngày đó rơi vào ngày 3/11.

Bất kỳ sự thay đổi nào đối với sự kiện trọng đại của toàn nước Mỹ này đều phải được đa số Thượng viện và Hạ viện thông qua. Hiện nay, đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Thượng viện trong khi đảng Dân chủ có nhiều ghế hơn trong Hạ viện. Chính thực tế này khiến bất kỳ vấn đề nào cần sự thông qua của lưỡng đảng Mỹ đều vô cùng khó khăn.

Bên cạnh đó, theo Hiến pháp Mỹ, thậm chí nếu ngày bầu cử thay đổi thì nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ và nội các cũng chỉ giới hạn trong 4 năm. Do vậy, bất kể ngày bầu cử thay đổi như thế nào, ông Donald Trump vẫn sẽ phải rời vị trí Tổng thống vào ngày 20/1/2021.

Điều gì xảy ra nếu một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bị trì hoãn?

Nếu một cuộc bầu cử không được tổ chức trước lễ chậm chức của Tổng thống, Đạo luật người kế nhiệm Tổng thống sẽ có hiệu lực. Nếu Tổng thống Mỹ phải rời vị trí của mình thì Phó Tổng thống, trong trường hợp này là ông Mike Pence sẽ giữ chức vụ này cho đến cuộc bầu cử tiếp theo.

Tuy nhiên, bởi vì vị trí của Phó Tổng thống Mike Pence cũng tự động hết nhiệm kỳ vào ngày 20/1/2020 nên ông không thể kế nhiệm hợp pháp chiếc ghế Tổng thống.

Vị trí tiếp theo trong danh sách người kế nhiệm Tổng thống là Lãnh đạo phe đa số trong Hạ viện mà ở đây là bà Nancy Pelosi. Thế nhưng, theo quy định, nhiệm kỳ của bà Pelosi sẽ chấm dứt vào tháng 12/2020, trước cả thời gian mãn nhiệm của Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence.

Hiện nay, vẫn chưa biết ai sẽ là người kế nhiệm bà Pelosi trong Hạ viện, nhưng vị trí tiếp theo trong danh sách kế nhiệm Tổng thống là Chủ tịch Thượng viện tạm quyền, ở đây là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa 86 tuổi Chuck Grassley, người lớn tuổi nhất trong Thượng viện hiện nay. Mặc dù đảng Cộng hòa đang chiếm đa số trong Thượng viện nhưng nếu đảng Dân chủ có thể xoay xở để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử sắp tới, tình hình sẽ thay đổi.

Nhìn chung, câu trả lời cho câu hỏi ai sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng thống Mỹ (thậm chí là tạm thời) nếu cuộc bầu cử bị trì hoãn sau ngày 20/1/2021, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Điều đó tức là chúng ta sẽ không thể đưa ra nhận định chắc chắn về các vị trí trong chính trường Mỹ sau mốc thời gian trên ở thời điểm hiện nay.

Đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến ngày bầu cử hay không?

Mặc dù chưa rõ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có bị trì hoãn hay không song một thực tế không thể phủ nhận là đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng với tiến trình này.

Nếu Tổng thống Trump và các quan chức Nhà Trắng tận dụng tối đa quyền hạn của mình qua việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp, thì việc này có thể hạn chế số lượng nhiều điểm bỏ phiếu.

Chẳng hạn, trong suốt cuộc bầu cử sơ bộ gần đây, bang Wisconsin đã đóng cửa 175 trong số 180 điểm bỏ phiếu tại thành phố lớn nhất bang là Milwaukee do thiếu tình nguyện viên và nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng.

Rõ ràng, những thay đổi này có thể tạo ra các lợi thế chính trị, chẳng hạn như bằng cách đóng cửa các điểm bỏ phiếu tại các khu vực ủng hộ đảng đối lập.

Theo một cuộc khảo sát gần đây được Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành, 66% người Mỹ nói rằng nếu đại dịch vẫn tiếp diễn, họ sẽ lo ngại về việc phải tự mình đi bỏ phiếu.

Cả ông Trump và ông Biden đều khẳng định cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 là quan trọng và cần thiết. Có thể cuộc bầu cử này sẽ không bị trì hoãn nhưng sẽ diễn ra theo một cách khác với mọi năm, chẳng hạn như người dân Mỹ khi đi bỏ phiếu phải tuân theo các quy định giãn cách xã hội hoặc họ có thể tiến hành bỏ phiếu qua thư điện tử./.

Theo TRT World

Link nguồn: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dieu-gi-xay-ra-neu-bau-cu-my-nam-2020-bi-tri-hoan-vi-covid19-1048120.vov

Tags:
Hai người Việt muốn hiến một phần phổi cho phi công mắc Covid-19 nguy kịch

Hai người Việt muốn hiến một phần phổi cho phi công mắc Covid-19 nguy kịch

“Nếu cũng như thận, chỉ lấy một phần phổi thì em xin phép đăng ký hiến tặng. Cuộc sống vốn vô thường...", là dòng tin nhắn xúc động của một phụ nữ trước bệnh tình của người phi công.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất