Điều khiến người Mỹ tiếc nuối sau lệnh cấm du lịch Triều Tiên
Chính phủ Mỹ từng nới lỏng lệnh cấm du lịch Triều Tiên vào năm 2010, nhưng tình hình sẽ thay đổi khi lệnh cấm mới có hiệu lực.
21:30 02/09/2017
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, lệnh cấm công dân du lịch Triều Tiên có hiệu lực từ 1/9. Quyết định này được đưa ra do Mỹ lo ngại công dân phải đối mặt với nguy cơ bị bắt, giam giữ lâu dài và nguy hiểm tiềm ẩn từ hệ thống thực thi pháp luật "độc đoán" của Triều Tiên.
Khi lệnh cấm được ban bố hồi đầu tháng 8, một số công ty lữ hành như Eastern Vison và Young Pioneer ngừng nhận khách Mỹ tới Triều Tiên.
Koryo Tours dự đoán lượng khách phương Tây đến Triều Tiên sẽ giảm mạnh trong năm nay, do căng thẳng chính trị leo thang và lệnh cấm du lịch của Mỹ. Ảnh: CNN. |
Troy Collings, giám đốc điều hành Young Pioneer Tours, trả lời CNN: "Chúng tôi ngưng bán tour cho khách Mỹ để tránh những rủi ro. Tôi không nghĩ người Mỹ sẽ bị bắt bớ tùy tiện, nhưng số liệu có thể nói lên phần nào thực trạng".
Chính sách mới được đưa ra sau cái chết của Otto Warmbier, sinh viên Đại học Virginia, bị bắt giữ vì lấy cắp khẩu hiệu tuyên truyền tại Triều Tiên. Trước đó, Triều Tiên từng bắt 18 người nước ngoài vào năm 1995, trong đó có 16 công dân Mỹ, hiện ba người vẫn bị giam tại nước này.
Những chuyến đi phút chót
Bất chấp cảnh báo từ chính phủ, nhiều người Mỹ quyết tâm đặt chân tới Triều Tiên trước ngày lệnh cấm có hiệu lực. Jeff Barnicki là một trong số đó, anh đặt tour cuối cùng qua Koryo Tours vào cuối tháng 8.
"Là người Mỹ, tôi có thể sẽ không được về nước khi đến Triều Tiên, nhưng thà tới đó một lần còn hơn cả đời không có cơ hội. Triều Tiên là một quốc gia bí ẩn. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy hiểu biết của mình nông cạn và tò mò hơn về đất nước tách biệt với thế giới này", Jeff trả lời CNN.
Jeff cho biết trải nghiệm thực tế sẽ giúp anh hiểu tại sao Triều Tiên có thể lăng mạ Mỹ - ít nhất trong những bài hùng biện chính trị. Jeff nói: "Người Triều Tiên lớn lên với lời nhắc nhở từ thế hệ ông cha rằng người Mỹ đã cướp đi sinh mạng của hơn 30% dân số nước này và san phẳng cả đất nước (trong cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên năm 1950 - 1953). Người Triều Tiên tin rằng nếu họ không có tên lửa và bom hạt nhân thì người Mỹ đã xâm lược đất nước từ lâu".
Giữa bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Jeff không hề cảm thấy bị đe dọa hay bất an trong suốt hành trình. Thay vào đó, anh thấy những người dân bản địa mình tiếp xúc rất ấm áp và cởi mở.
"Một hướng dẫn viên đã rất xấu hổ khi thấy tôi xem những tấm bưu thiếp tuyên truyền chống Mỹ. Anh ấy cười và bảo tôi rằng: Làm ơn hãy cố gắng hiểu nền chính trị của chúng tôi"', Jeff hồi tưởng.
Bên trong quốc gia biệt lập
Theo Koryo Tours, công ty lữ hành dẫn tour tới Triều Tiên từ năm 1993, khoảng 20% khách phương Tây là người Mỹ.
Simon Cockerell, giám đốc điều hành Koryo Tours, cho biết khách từ châu Âu và Mỹ là những nhóm chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường khách quốc tế đến Triều Tiên. Ông ước tính có khoảng 1.000 khách Mỹ mỗi năm.
Koryo phục vụ tới 45% tổng lượng khách quốc tế đến Triều Tiên (trừ Trung Quốc). Từ trái sang là tỷ lệ khách châu Âu (trừ Anh), Mỹ, Anh, Canada, Australia, Hong Kong và những quốc gia khác. Ảnh: CNN. |
Bộ Ngoại giao Mỹ đặt nhiều nghi vấn xoay quanh doanh thu từ du lịch của Triều Tiên và cách chính phủ nước này sử dụng khoản tiền ấy.
Chính phủ Mỹ nhận định: "Doanh thu từ du khách tới Triều Tiên hoàn toàn có thể được đầu tư vào những chương trình phát triển vũ khí. Chúng tôi kêu gọi toàn bộ du khách cân nhắc điều này trước khi đến Triều Tiên".
Nhưng với những du khách như Jeff, cơ hội tiếp xúc với một cộng đồng tách biệt với thế giới đánh bật những mối lo trên.
Anh tiết lộ: "Tôi thực sự không tiêu pha nhiều ở đó. Nghiêm túc mà nói, tôi chỉ dành ra 300 USD mua quà lưu niệm và uống bia. Dường như số tiền này sẽ đóng góp cho nền kinh tế địa phương, những người dân thực sự cần nó, chứ không phải dành cho tên lửa và vũ khí hạt nhân".
"Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, người Mỹ sẽ chẳng có cơ hội nào để tiếp xúc với người Triều Tiên, dù là những phút tương tác ngắn ngủi. Người Triều Tiên sẽ chỉ biết đến những điều tồi tệ về Mỹ qua báo đài nước nhà, và ngược lại.", Jeff dự đoán.
Chuyến đi hé lộ những điều bất ngờ
Trừ Mỹ và Hàn Quốc - hai quốc gia cấm công dân nhập cảnh Triều Tiên, du khách từ những quốc gia khác dễ dàng xin được visa du lịch Triều Tiên, nhưng tất cả phải đi tour có hướng dẫn.
Kéo dài 3 - 21 ngày, tour có hướng dẫn của Koryo Tours có chi phí từ 1.336 đến 5.476 USD một người, giá có thể cao hơn nếu khách có nhu cầu đi theo hành trình thiết kế riêng. Tour trọn gói bao gồm vé máy bay khứ hồi từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng, phí visa, chi phí ăn ở và đi lại.
Phần lớn hành trình bắt đầu tại thủ đô Bình Nhưỡng - thành phố phát triển nhất của Triều Tiên, với sân bay quốc tế, hệ thống tàu điện ngầm, bảo tàng, tượng đài, công viên, quán bar và những lễ hội văn hóa.
Một điểm đến phổ biến khác là khu phi quân sự DMZ nằm giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc. Sau đó, du khách có thể khám phá thành phố cổ Kaesong với nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận. Nhiều công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, trong triều đại Koryo.
Một số người có thể hứng thú với những trải nghiệm khác lạ đến mức họ quay lại Triều Tiên liên tục, điển hình là Patrick Border, cựu binh không quân Mỹ từng du lịch Triều Tiên 7 lần.
Patrick cho hay: "Tôi từng đóng quân tại Hàn Quốc với nỗi tò mò cháy bỏng về cuộc sống trên phần còn lại của bán đảo Triều Tiên. Khi chính phủ ban bố lệnh cấm mới, tôi đặt ngay tour du lịch hợp pháp cuối cùng mình có thể thực hiện".
"Các hướng dẫn viên bản địa rất thân thiện, qua nhiều năm, tôi thân thiết với nhiều người trong số họ. Chúng tôi giống như những tiểu đại sứ từ hai quốc gia đang đối đầu. Người dân Triều Tiên và Mỹ cần tiếp xúc với nhau để thấy rằng chính phủ hai bên đang sai lầm", Patrick chia sẻ.
Hơn cả những trải nghiệm thường thấy
Với những du khách dư giả thời gian và tiền bạc, một chuyến du lịch Triều Tiên có thể đem đến bất kỳ trải nghiệm nào họ muốn từ trượt tuyết, tắm biển, chèo kayak, đạp xe, chơi golf, leo núi, xem xiếc, dự liên hoan phim... Thậm chí, hàng năm Triều Tiên còn tổ chức giải marathon và Festival bia - dù lễ hội này đã bị hủy hồi đầu năm nay.
Với những người ưa mạo hiểm, núi Paektu cao 2.744 m sẽ giúp họ có chuyến khám phá đầy thử thách. Ngọn núi nằm gần biên giới Nga - Trung về phía bắc được tin là nơi cố chủ tịch Triều Tiên ra đời. "Vụ phun trào thiên niên kỷ" xảy ra vào năm 946 đã để lại lòng chảo khổng lồ trên đỉnh núi.
Patrick nhớ lại chuyến du lịch hồi tháng 8: "Đó là một ngọn núi lửa lớn, không có nham thạch nhưng lại đẩy xuống những tảng đá cuội từ đống đổ nát phía trên. Trong lòng chảo khổng lồ có một hồ nước ngọt xanh biếc mà du khách có thể tới gần nhờ hệ thống thang nâng hoặc tàu điện dốc đứng".
Patrick cho rằng đó là một trải nghiệm đáng kinh ngạc của một chuyến tham quan núi lửa, mà du khách không thể tìm thấy tại bất cứ nơi nào khác trên bán đảo Triều Tiên.
Dịch về phía tây Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc, thành phố Sinuiju tiếp đón du khách với nhiều hoạt động ngoài trời nhẹ nhàng hơn nhờ những cung đường thơ mộng, suối nước nóng hay thác nước.
Triều Tiên cũng có những bãi biển dài với bờ cát gần như nguyên sơ, làn nước trong vắt, đặc biệt là các bãi tắm gần thành phố cảng Wonsan về phía đông nam.
Đi khoảng 30 phút về miền duyên hải phía tây bằng ôtô, du khách sẽ đến khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong, nằm ngay dưới núi Taehwa. Nơi đây có 120 phòng khách sạn, cùng hệ thống quán bar và nhà hàng, khoảng 6 đường trượt tuyết.
Patrick chia sẻ: "Có rất nhiều điều người ta có thể làm tại Triều Tiên mà không biết. Nếu luật cấm du lịch được gỡ bỏ, tôi sẽ quay trở lại để xem liên hoan phim hay giải marathon. Nếu còn trẻ, tôi đã có thể đăng ký tham gia".
Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong. Ảnh: CNN. |
Tiếp xúc với người bản địa
Nhiều du khách rất trân trọng những giây phút trò chuyện ngẫu nhiên với người dân Triều Tiên, có thể tại một quán bar địa phương hay trong những lễ hội trên đường du lịch.
Jake Pezzulo, du khách Mỹ, cho rằng những cuộc hội thoại của anh với người dân bản địa đã đảo lộn nhiều quan niệm thông thường: "Nhiều người Mỹ nghĩ người Triều Tiên không có khiếu hài hước và phản ứng rập khuôn như robot với mọi thứ xung quanh. Người Mỹ cũng có thể tưởng tượng ra cảnh người Triều Tiên luôn phải sống trong sợ hãi, rằng có ngày họ gặp rắc rối vì phạm pháp".
"Ngay cả khi gặp những người Mỹ như tôi, người bản địa luôn nở nụ cười và bông đùa một chút. Có cô gái còn cho tôi xem ảnh gia đình trong điện thoại di động của mình", Jake kể lại.
Simon Cockerell, giám đốc Koryo Tours, tiết lộ: "Những dân thường du khách gặp gỡ trên đường không phải là diễn viên hay mật vụ được cài cắm. Họ không phải những tên khủng bố Taliban. Họ cũng có niềm tin và hy vọng như tôi và bạn. Họ sẽ cởi mở hơn trong những dịp lễ hội, khoảng thời gian này giúp họ có thêm can đảm để tiếp xúc với những du khách".
Bí quyết giúp con đạt học bổng toàn phần Mỹ của nữ doanh nhân
"Tôi xác định Anh ngữ là nền tảng cho con phát triển nên đã đầu tư cho chúng đi học từ rất sớm", nữ doanh nhân cho biết.