Đi lễ nhà thờ ở Mỹ
Nhớ ngày đầu sang vùng Missouri, Mình và ông xã mình sang Mỹ đã phải google tìm ra nhà thờ công giáo gần campus để đi lễ. Mà cũng phải kiểm tra cho kỹ đâu là nhà thờ công giáo (Catholic) và nhà thờ non-Catholic kẻo đi nhầm. Mình trở lại đạo là do lấy chồng, chồng mình được gọi là “đạo gốc” (do gia đình có đạo từ trước) nên cũng có vài kinh nghiệm nhìn tên là có thể đoán được đâu là nhà thờ công giáo.
09:49 08/04/2017
Theo mình biết được là nhà thờ công giáo hay lấy tên của các thánh hay tên mẹ Maria để đặt tên, ví dụ nhà thờ St. Thomas More Newman Center lấy tên thánh St. Thomas More, nhà thờ St. Ignatius ở Chicago lấy tên thánh Ignatius hay được gọi là Ignatius Loyola vì Ignatius sinh ra ở lâu đài Loyola, hay nhà thờ trong downtown thành phố Columbia có tên Our Lady of Lourdes lấy tên Đức Mẹ (gọi là Our Lady) xuất hiện ở vùng Lourdes bên Pháp làm tên của nhà thờ. Hay nhà thờ Our Sacred Heart lấy tên Thánh Tâm (tiếng Việt) của Chúa Jesus. Nên đôi lúc chỉ cần nghe tên là có thể đoán được 90% đó có phải nhà thờ công giáo hay không.
Qua gần 5 năm đi lễ nhà thờ công giáo ở Mỹ, đặc biệt ở vùng Midwest và gần 2 năm đi nhà thờ ở Việt Nam, thấy có nhiều điều khác biệt khá thú vị, viết vài dòng chia sẻ gọi là vui vui cho ngày mới.
- Gặp cha xứ (pastor) rất dễ dàng khi đi lễ ở Mỹ. Trước và sau buổi lễ là Cha ra đứng trước cửa, bắt tay, ôm hôn, cảm ơn các giáo dân đã đến tham dự thánh lễ, đôi lúc còn tám chuyện rất vui vẻ. Ở Việt Nam thì sau giờ lễ là không thấy Cha xứ đâu luôn, các Cha sau giờ lễ đi thẳng vô nhà xứ hay phòng làm việc, muốn gặp là gõ cửa phòng mà thấy run run. Chắc tại văn hóa chăng?
- Đọc kinh tập thể, như kinh Mân Côi (Rosary) là hiếm khi gặp ở nhà thờ Mỹ. Ở Việt Nam trước giờ lễ, sau giờ lễ, các bà các mẹ đọc Kinh to vang rền cả nhà thờ, đọc hết 50 bài kinh luôn nên mình cứ thế mà đọc theo, không thuộc cũng không sao.
- Mặc quần áo mát mẻ, không đến nỗi hở hang nhưng mà quần short, áo tank top đi lễ ở Mỹ thì có. Đặc biệt các nhà thờ gần khu sinh viên campus thì có khi thấy em mặc áo siêu mát mẻ hay giống pajama đi lễ buổi sáng. Còn lại thì người lớn tuổi, trung niên ăn mặc đẹp và nghiêm chỉnh lắm, đôi lúc vẫn thấy mặc quần short lên đọc sách thánh :)). Ở VN thì thấy giới trẻ lẫn người lớn hầu như không mặc quần đùi đi lễ hoặc nếu có thì mình không thấy nhưng chắc có mặc thì sẽ bị các bà các mẹ nhắc nhở thẳng mặt liền quá.
- Ngược lại lễ rửa tội của các em bé thì bố mẹ mặc đồ nghiêm chỉnh quá trời, như mặc suit, thắt ca-ra-vát. Ở Việt Nam mặc vầy chắc nóng chết nên chỉ mặc quần áo bình thường như đi làm thôi.
- Đọc sách Kinh thánh. Ông xã mình qua đây mới biết cách lật và tra cứu Kinh thánh chứ ở nhà chưa chắc mà lấy ra đọc mặc dù nhà nào cũng có. Nhờ vào nhiều buổi học và giao lưu với nhiều nhà thờ khác, không phải công giáo, đã biết tra cứu và đọc thường xuyên hơn 1 chút chứ không phải hàng ngày như người ta được. Ở Việt Nam thì mọi người đọc kinh nhiều và đi nhà thờ nghe Cha giảng chứ ít khi mà tự lật sách Kinh thánh ra mà đọc lắm, phủi bụi luôn.
- Nhà thờ Mỹ không đông, đi lễ vẫn có chỗ dư, chắc dân số ít và mật độ không cao như Sài Gòn. Hà Nội mình không biết thế nào chứ Sài Gòn thì ôi thôi thôi, đến trễ là hết ghế nhe con, đôi lúc phải đứng, ngồi trên xe máy (cái này chắc mỗi Việt Nam mình có), nghe được lời Cha xứ giảng hay lời hát thánh ca tai này lọt tai kia hết. Các nhà thờ ở tỉnh hay ỏ làng quê thì tĩnh lặng và yên bình hơn vì người dân chuyển sang các thành phố lớn hết rồi. Đi lễ ở các tỉnh lẻ sẽ thấy cái trầm buôn, tĩnh lặng vốn có của Nhà thờ. Ở Sài Gòn 1 ngày Chủ nhật 4 -5 lễ mà vận đông nghìn nghịt.
Mình mới đi lễ Nhà thờ công giáo ở 2 nước, chưa kể một vài lần đi lễ của Nhà thờ công giáo underground của Trung Quốc cũng có cái thú vị của nó. Mong sẽ đi được nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn và bình an nhiều hơn.
PS: Bài viết này dựa trện cảm nhận và trải nghiệm riêng của cá nhân tác giả.
Mỹ: Chụp ảnh sống ảo ở cây cầu cao nhất California, cô gái ngã lộn cổ xuống đất
Một cô gái đã may mắn sống sót sau khi ngã từ cây cầu cao nhất California xuống đất trong khi đang chụp ảnh sống ảo ở độ cao 18m.