Đồ hiệu nhái của Trung Quốc "bội thu" sau đòn tấn công thương mại dữ dội của ông Trump
Khi tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thêm nhiều thuế với các mặt hàng Trung Quốc, Lulu - chủ cửa hàng đồ hiệu 'nhái' - lại mỉm cười vì 'vận may' đã tới.
09:30 22/09/2018
Khi hàng chính hãng trở nên quá đắt đỏ
Theo Washington Post, ngành sản xuất các mặt hàng "sao chép" từ đồ hiệu đang đứng trước "cơ hội" thu về nhiều nguồn lợi hơn từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các sản phẩm nhái các nhãn hàng nổi tiếng - Coach, Kate Spade cùng nhiều hãng khác - hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc và tới Mỹ thông qua các kênh "bí mật".
Trong khi đó, các túi xách, phụ kiện chính hãng - dù cũng được sản xuất tại Trung Quốc - lại được đưa tới Mỹ thông qua các con đường chính thống và sẽ bị áp thuế 10% theo quyết định của ông Trump, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/9 tới.
Từ nhà máy sản xuất ở Trung Quốc tới những quầy hàng hóa ven đường, các đồ hiệu nhái dường như bắt đầu được tiêu thụ mạnh hơn.
Hiện tại, các khách hàng tới cửa hiệu của cô Lulu trên tòa nhà trung tâm thương mại cao 7 tầng để mua bản sao của chiếc túi hãng Coach với nửa giá thông thường.
Đề nghị được giấu tên thật, chủ cửa hàng 32 tuổi này cho biết các mặt hàng tới từ một khu vực ở phía nam tỉnh Quảng Đông. "Không qua người trung gian và tránh thuế," cô Lulu nói.
"Khi giá cả của những chiếc túi hàng hiệu tăng vọt trên thị trường quốc tế do thuế quan, nhiều người nghĩ: 'Ồ, tại sao lại không tới đây mua hàng cơ chứ?'"
Đợt áp thuế tiếp theo của Mỹ sẽ có giá trị lên tới 200 tỉ USD, nhằm vào các mặt hàng túi xách tay, vải và lụa của Trung Quốc.
Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà thiết kế thời trang Mỹ bởi các công ty trong nước vốn đã tổn thất hàng tỉ USD hàng năm vì hàng nhái.
"Đánh thuế vào hàng thật là tạo điều kiện cho hàng nhái phát triển," Susan Scafidi, một luật sư ngành thời trang Mỹ, cho biết.
Áp thuế lên Trung Quốc - "Gậy ông đập lưng ông"?
Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tổng giá trị của tất cả các sản phẩm bắt chước hàng chính hãng lên tới 461 tỉ USD, nhiều hơn cả tổng giá trị của những chất kích thích bị cấm như ma túy.
Trong đó, hơn 85% túi xách nhái xuất phát từ Trung Quốc, Hồng Kông. Những người mua hàng có thu nhập trung bình là các đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi giá tăng. Các chuyên gia cảnh báo rằng tầng lớp này sẽ có nhiều khả năng chuyển sang sử dụng hàng nhái trong thời đại mua hàng qua internet đang dễ dàng hơn bao giờ hết.
Cô Lulu cho biết, giá của những chiếc ví "hàng hiệu" được bán ở Bắc Kinh là 1.280 NDT (khoảng 4,3 triệu VNĐ). Các cửa hàng phân phối sẽ nhận được 1 phần trong số doanh thu, nhưng cô Lulu từ chối đưa ra con số cụ thể. Trả lời Washington Post, một thương nhân đề nghị giấu tên tiết lộ cô kiếm được từ 730$ đến 1.200$ mỗi tháng, tùy vào xu hướng thời trang.
Mức thu nhập nói trên được coi là khá ổn so với thu nhập trung bình của người dân Trung Quốc (khoảng 8.250$ hàng năm - theo số liệu từ Ngân hàng thế giới).
Hầu hết các khách hàng sẽ không chi nhiều hơn 150$ cho một chiếc ví nhái, cô Lulu nói.
Lauren Everett, một du khách 29 tuổi tới từ London, lướt qua các cửa hiệu tại khu trung tâm thương mại và đang để mắt tới các hàng nhái từ nhãn hiệu nổi tiếng.
Bình thường, Everett không tìm mua đồ nhái, nhưng nếu có một món đồ sao chép gần như hoàn hảo với đồ cô định mua và có giá rẻ hơn tận 125$, "thì có lẽ cũng đáng cân nhắc" - cô nói.
Cùng lúc đó, tại New York, nhà thiết kế túi xách Rebecca Minkoff là một trong những gương mặt nổi bật nhất bày tỏ ý kiến trước các đại diện thương mại của Mỹ. Cô cho rằng thuế quan của ông Trump sẽ làm tổn hại tên tuổi của nhiều hãng thời trang Mỹ, trong đó có hãng của cô.
Minkoff viết: "Tăng thuế lên túi xách sẽ chỉ khiến những kẻ xấu gây tổn hại tới tên tuổi của hãng chúng tôi thông qua các mặt hàng nhái".
Theo nghiên cứu từ nhà kinh tế học Vincent Wenxiong Yao, khi giá của sản phẩm chính hãng tăng, thì nhu cầu mua đồ nhái cũng tăng theo. Ông Yao gọi đó là "hiệu ứng thay thế".
Hồi cuối tháng 8, chính phủ liên bang Mỹ thông báo đã tịch thu được số lượng lớn hàng Trung Quốc nhái các nhãn hiệu Coach, Michael Kors, Tory Bursh, Gucci, Prada, Louis Vuitton cùng nhiều nhãn hàng khác. Với số lượng tịch thu là 22 công-te-nơ, các chuyên gia ước tính nếu số hàng này được tiêu thụ hoàn toàn thì các công ty Mỹ sẽ thiệt hại khoảng 500.000 USD.
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã cam kết xử lí nghiêm các cơ sở làm nhái, xử phạt các trang điện tử thương mại lớn như Alibaba vì không loại bỏ hết được sản phẩm nhái trên trang web của mình.
5 thứ cấm kỵ ăn chung với thịt gà
Không nên ăn thịt gà với rau cải, muối vừng, cá chép, rau kinh giới... vì chúng kỵ nhau, có hại cho sức khỏe.