Doanh nghiệp Hồng Kông, Đài Loan rời bỏ Trung Quốc trong thương chiến
Các doanh nghiệp Hồng Kông và Đài Loan đang chuẩn bị rút cơ sở sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ nâng cao thuế quan đối với hàng hóa xuất từ Trung Quốc.
08:30 14/06/2019
Từ 10/5 Tổng thống Trump đã tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa ‘made in China’ và có lẽ sẽ sớm đánh cùng mức thuế này lên toàn bộ số hàng còn lại của Trung Quốc.
Hàng ngàn sản phẩm từ nội thất, thiết bị viễn thông, đồ nhựa đến thiết bị ô-tô của Trung Quốc sẽ phải chịu thuế.
Rất nhiều công ty Hồng Kông và Đài Loan sản xuất những sản phẩm này đã quyết định đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nước mà trước kia họ đến vì giá nhân công thấp và các quy định kinh doanh dễ dàng. Nay giá nhân công ở Trung Quốc cũng không còn rẻ, và việc ông Trump đánh thuế là quá đủ để họ rời sang một nước thứ ba.
Hồng Kông
Lau Tat-pong, một chủ tịch danh dự của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hồng Kông, đã xây dựng nhà máy tại thành phố Đông Hoản, Trung Quốc từ năm 1989. Công ty của ông sản xuất sơn và các sản phẩm nhôm. Trong cuộc điện thoại gần đây với Epoch Times, Lau nói rằng ông đã cân nhắc chuyển một số bộ phận sản xuất sang những nước châu Á kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung 8 tháng trước. Tuy nhiên, ông đã không rời đi vì hy vọng hai nước sẽ sớm đạt thỏa thuận để chấm dứt thương chiến.
“Bây giờ, tôi phải đi”, ông Lau nói sau khi mức thuế mới của Mỹ có hiệu lực hôm 10/5. “Một tuần trước, tôi còn hy vọng rằng mức thuế 10% sẽ được loại bỏ”.
Lau cho biết khâu sản xuất ở Trung Quốc có thể phải chịu tổn thất nghiêm trọng, bởi vì các nước Đông Nam Á sẽ trở nên cạnh tranh hơn về chi phí, và các chuỗi cung ứng ở khu vực này sẽ trưởng thành hơn khi có càng nhiều công ty di chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.
Nhiều công ty công nghệ, chẳng hạn các nhà cung cấp cho Apple đã có kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất tới Việt Nam, Malaysia, Philippines và những nước khác.
Trong khi đó Kit Sze, người kinh doanh trong ngành đồng hồ đeo tay và bao bì nói rằng doanh nghiệp của ông đã ăn nên làm ra sau khi chuyển nhà máy từ Đông Hoản sang Campuchia vài năm trước.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Epoch Times, Kit nói rằng gần đây ông nhận được nhiều cuộc gọi hơn từ các khách hàng Mỹ và kỳ vọng sẽ có nhiều đơn đặt hàng từ Mỹ hơn trong tương lai gần.
Đài Loan
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tổ chức họp báo vào 10/5 ngay sau cuộc họp an ninh quốc gia để bàn về chiến lược của Đài Loan trong bối cảnh Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc.
Bà nói mô hình thương mại tam giác hiện tại – các công ty Đài Loan nhận đơn hàng từ Mỹ, gửi sang Trung Quốc sản xuất rồi xuất sang Mỹ từ Trung Quốc – sẽ cần phải thay đổi do cuộc chiến thương mại đang dâng cao.
Bà Thái nói rằng chính phủ của bà sẽ đẩy mạnh việc trợ giúp các doanh nghiệp Đài Loan trở về hòn đảo trong khi đặt mục tiêu ký thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ. Bà kết luận rằng phần lớn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc vốn hiện bị dán nhãn “made in China’ sẽ sớm được thay thế bằng những sản phẩm chất lượng cao ‘made in Taiwan’.
Hồi tháng Giêng, Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan khởi động chương trình “chào mừng quay lại” nhằm khuyến khích các công ty trở về Đài Loan, chẳng hạn miễn phí thuê đất 2 năm, ưu đãi vay ngân hàng và ưu đãi thuế.
Thông tấn xã Đài Loan (CNA) đưa tin 52 công ty Đài Loan có hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đã cam kết sẽ đầu tư trở lại quê nhà với tổng giá trị 279 tỷ Tân Đài Tệ (NT) (khoảng 9 tỷ USD) từ đầu năm nay.
Bà Thái nói con số này đã vượt qua mục tiêu của chính phủ là 260 tỷ NT và bà sẽ đặt mục tiêu mới là 500 tỷ NT.
Trong số các công ty đang muốn quay trở về Đài Loan là Yageo, công ty sản xuất vật liệu điện tử. Theo CNA, yageo sẽ đầu tư 16,5 tỷ NDT (khoảng 533 triệu USD) để mua thiết bị mới và mở rộng các nhà máy hiện có tại Đài Loan.
Trong khi đó, Hsieh Chih-tong, Chủ tịch Shane Global, Công ty Sản xuất Nội thất Đài Loan nói rằng họ đã mua lại một nhà sản xuất ở Thái Lan vào năm ngoái với mục tiêu tối thiểu hóa chi phí thuế xuất hàng sang Mỹ. Hsieh cho hay công ty của ông đang cân nhắc mua một nhà máy ở Úc cũng như xây dựng một nhà máy mới ở Campuchia.
Ngoài ra, mức thuế 25% đang khiến nhiều công ty quần áo và túi xách của Đài Loan chịu áp lực đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc hoặc chuyển sang sản xuất tại Đông Nam Á.
Zhuo Qing-ming, chủ tịch Hiệp hội ngành nhuộm in vải tơ sợi Đài Loan giải thích bởi vì khách hàng của họ chủ yếu là Hoa Kỳ, mức lợi nhuận gộp từ 10-20% mà họ có được do sản xuất ở Trung Quốc sẽ không thể duy trì được nữa do mức thuế 25%.
Cũng trong bối cảnh phải chịu khoản thuế tăng thêm, Aaron Yeh, phó chủ tịch hãng kiểm toán KPMG Đài Loan đề xuất các công ty Đài Loan đang cân nhắc di dời khẩu sản xuất từ Trung Quốc sang Indonesia.
Năm ngoái, chính phủ Indonesia bắt đầu gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc tung ra chương trình giảm thuế mới cho các công ty nước ngoài đầu tư vào 18 lĩnh vực tại nước này, bao gồm ngành sắt, dầu khí và viễn thông, ông Yeh cho biết.
Trọng Đức (theo Epoch Times)
Báo Mỹ: Việt Nam đã phát hiện hàng chục vụ né thuế quan Mỹ
Hãng tin Bloomberg của Mỹ ngày 10-6 cho biết các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian để tránh tác động từ cuộc chiến thuế quan với Mỹ.