Doanh nghiệp Việt lợi gì khi 'TPP không có Mỹ' được ký?
Dệt may, da giày, đồ uống... là những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nhờ độ mở thị trường.
21:30 09/03/2018
Giới phân tích cho rằng, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được 11 nước thành viên ký kết mang một ý nghĩa rất lớn với kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng lan rộng. Với Việt Nam, CPTPP là hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất, có độ mở lớn nhất được ký.
Việc Mỹ không có mặt trong CPTPP, lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%. Tuy nhiên, các ngành như dệt may, da giày, đồ uống và thực phẩm... được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất nhờ hiệp định này do các cam kết về mở cửa thị trường vẫn được giữ nguyên.
Hiệp định CPTPP chính thức được 11 nước thành viên ký kết tại Chile. Ảnh: Moit |
Đơn cử, với ngành dệt may, Nhật Bản đang là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân là 23% một năm. Dù tỷ trọng hàng may mặc của Việt Nam thấp hơn so với Trung Quốc (6% so với 65%), nhưng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc về lượng đang giảm mạnh, trong khi từ Việt Nam thì tăng lên do những ưu đãi về thuế. Australia và Canada cũng là các thị trường tiềm năng, dư địa lớn.
Hay như ngành thuỷ sản, theo ước tính, các nước CPTPP hàng năm nhập khẩu 2 tỷ USD hàng hoá, tương đương 23% tổng kim ngạch. Trong đó, riêng thị trường Nhật đã chiếm đến 15%. Như vậy, riêng với thị trường này các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
CPTPP ít hấp dẫn hơn TPP, đem lại ít khả năng tăng sản lượng và xuất khẩu hơn, nhưng hiệp định này sẽ dẫn tới mức độ đa dạng xuất khẩu lớn hơn nếu tính trên thị trường xuất khẩu. Trong một báo cáo mới công bố ngay sau khi CPTPP được ký của Ngân hàng Thế giới, cơ quan này tính toán đến năm 2030 CPTPP sẽ giúp Việt Nam tăng thêm 1,1% GDP vào năm 2030. Xuất khẩu sang các nước CPTPP sẽ tăng 54 lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Riêng các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là thực phẩm đồ uống; da giày và dệt may… xuất khẩu sẽ tăng lần lượt 10,1 tỷ USD; 6,9 tỷ và 0,5 tỷ USD.
Dệt may là một trong 3 ngành, lĩnh vực được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP được ký và có hiệu lực. |
Về dài hạn, lợi ích đạt được không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn gồm tăng hàm lượng công nghệ các mặt hàng này. Xuất khẩu sẽ ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó là chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ. Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp xuất khẩu sản xuất, xuất đi những hàng hoá có giá trị gia tăng; khuyến khích các doanh nghiệp tích cực hội nhập hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
CPTPP dù không còn thị trường Mỹ nhưng những cam kết về mở cửa thị trường vẫn được giữ nguyên. Tận dụng được cơ hội từ CPTPP hay không phụ thuộc sự "chủ động" từ các chủ thể tham gia gồm Chính phủ, doanh nghiệp. "Chủ động" cũng là thông điệp được nhấn mạnh nhiều trong những phát biểu gần đây của lãnh đạo Bộ Công Thương khi đề cập tới hiệp định này.
"Nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá", Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói.
Theo ông, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, nhất là các thông tin về ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát với hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy trong kinh doanh bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển, bởi đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Là người trong cuộc, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ở một khía cạnh theo chiều quy mô ai cũng thấy nhỏ đi khi không có Mỹ tham gia. Nhưng nếu tích cực thì phải thấy nếu không có CPTPP thì chúng ta còn không có gì. Do vậy, theo vị này, dù sao có vẫn có lợi thế hơn so với việc không có.
Trước cơ hội cũng như thách thức mới từ CPTPP, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng áp lực cạnh tranh ở đây không chỉ có doanh nghiệp mà cả khu vực quản lý nhà nước. Cơ chế, thể chế có thay đổi, có đổi mới thì doanh nghiệp mới có cơ hội để phát triển.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép cho rằng, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép mở rộng thị trường xuất khẩu, và nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế như Australia. Không phủ nhận CPTPP cũng mang tới tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp ngành thép, song Phó chủ tịch VSA đánh giá "tác động này không lớn".
"Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nội khối không đáng kể. Nếu có ảnh hưởng thì lĩnh vực thép xây dựng sẽ chịu tác động mạnh hơn cả", ông nói.
Tận dụng cơ hội, ông cho rằng, các doanh nghiệp ngành thép cần chủ động nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có thể đáp ứng tốt nhất, đồng thời tránh rủi ro không đáng có.
Cô gái nặng 280kg do bị ám ảnh từ đồ ăn vặt sau cái chết của người cha
Một phụ nữ nặng gần 280kg cho biết lý do cô có thân hình như hiện nay là do ăn quá nhiều đồ ăn vặt để giảm stress sau khi chứng kiến cái chết đột ngột của cha và chứng sa sút tinh thần ở mẹ.